
Chuyển đổi số đã và đang tạo ra những biến chuyển lớn trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, và báo chí, truyền thông cũng không đứng ngoài xu hướng đó. Bên cạnh những lợi ích như tăng tần suất phân phối nội dung hay mở rộng phạm vi tiếp cận công chúng, chuyển đổi số cũng đặt ra cho ngành báo chí không ít thách thức trong việc cạnh tranh thị phần với mạng xã hội hay vấn nạn đánh cắp bản quyền nội dung. Sau đây, hãy cùng Base.vn tìm hiểu sâu hơn về bức tranh toàn cảnh chuyển đổi số báo chí, từ thực trạng, khó khăn đến nhiệm vụ và định hướng phát triển từ đây đến 2030.
Mục lục
Toggle1. Chuyển đổi số báo chí là gì?
Chuyển đổi số báo chí là quá trình áp dụng công nghệ số và các nền tảng kỹ thuật số vào hoạt động sản xuất, phân phối và tiêu thụ nội dung báo chí, mục đích là cải thiện tốc độ, khả năng tiếp cận và tương tác thông tin của công chúng, đồng thời tiết kiệm tài nguyên và giảm chi phí cho các cơ quan, đơn vị truyền thông.
Tuy vậy, chuyển đổi số trong hoạt động báo chí không chỉ giới hạn ở việc chuyển nội dung từ dạng in ấn truyền thống sang định dạng kỹ thuật số, mà còn bao gồm sự tích hợp các công nghệ số mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây (cloud computing) và các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, YouTube vào quy trình làm báo. Quá trình này đang từng bước tái cấu trúc toàn diện hoạt động báo chí, từ mô hình quản lý tòa soạn, xu hướng cá nhân hóa thông tin, sản xuất nội dung đa nền tảng, cho đến việc thu thập và xử lý dữ liệu theo thời gian thực.
Như vậy, chuyển đổi số báo chí có thể được hiểu qua 3 yếu tố chính:
– Thứ nhất, số hóa nội dung: Chuyển các sản phẩm báo chí truyền thống sang định dạng số, bao gồm hình ảnh, video, podcast, infographics, megastory,… cho phép độc giả tiếp cận những định dạng thông tin này qua internet và các thiết bị kỹ thuật số như điện thoại thông minh, máy tính bảng hay máy tính cá nhân.
– Thứ hai, tăng cường tương tác với công chúng: Vận dụng các nền tảng và công cụ số để kết nối trực tiếp với độc giả (hiểu được họ là những ai? Họ ở đâu? Họ yêu thích nội dung nào?) để từ đó thu thập dữ liệu, phân tích hành vi và cá nhân hóa nội dung theo sở thích của người dùng.
– Thứ ba, tối ưu hóa quy trình tác nghiệp: Áp dụng công nghệ vào mọi khâu trong quy trình thu thập, biên tập, sản xuất và xuất bản thông tin trên các kênh kỹ thuật số như website, ứng dụng di động và nền tảng mạng xã hội.

2. Lợi ích có được khi chuyển đổi số ngành báo chí
Tại Việt Nam, chuyển đổi số ngành báo chí không chỉ là một nhu cầu tự nhiên mà còn là một phần không thể thiếu trong lộ trình thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Việc ứng dụng những công cụ và nền tảng kỹ thuật số vào quy trình làm việc sẽ đem lại cho các cơ quan, đơn vị báo chí nhiều lợi ích thiết thực, bao gồm:
– Nâng cao chất lượng và sức hút của thông tin:
Việc ứng dụng công nghệ số giúp các cơ quan báo chí sản xuất nội dung đa dạng, sáng tạo và thu hút hơn. Thay vì chỉ dừng lại ở các bài viết dạng văn bản đơn giản, tòa soạn có thể triển khai nhiều hình thức trình bày hấp dẫn hơn như long-form, megastory, video tương tác, podcast hay video 360 độ. Đồng thời, nhờ phân tích dữ liệu hành vi độc giả, nội dung được cá nhân hóa tốt hơn, từ đó đáp ứng chính xác nhu cầu cập nhật tin tức của từng nhóm đối tượng.
– Mở rộng phạm vi tiếp cận độc giả:
Trước đây, việc tiếp cận thông tin phụ thuộc nhiều vào địa điểm phân phối báo in hoặc lịch phát sóng chương trình phát thanh, truyền hình cố định. Điều này đã tạo ra khoảng cách lớn giữa các cơ quan báo chí và công chúng, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa. Giờ đây, chỉ cần một chiếc điện thoại có kết nối internet trong tay, mọi người có thể theo dõi những tin tức mới nhất, “hot” nhất mọi lúc, mọi nơi. Nhờ vậy, các cơ quan báo chí có thể mở rộng đáng kể phạm vi tiếp cận độc giả, dù họ ở bất kỳ nơi đâu.
– Thúc đẩy sự tương tác nơi độc giả:
Trong môi trường số, độc giả không còn là người tiếp nhận thông tin thụ động mà trở thành đối tác tương tác. Họ có thể bình luận, chia sẻ ý kiến, đánh giá và thậm chí đóng góp nội dung ngay trên các nền tảng kỹ thuật số của cơ quan báo chí. Nhờ đó, luồng thông tin trở nên đa chiều, thúc đẩy sự gắn kết giữa tòa soạn và độc giả, đồng thời mở ra cơ hội xây dựng cộng đồng người theo dõi trung thành.
– Tối ưu hóa năng suất hoạt động:
Chuyển đổi số giúp các cơ quan, đơn vị báo chí làm việc hiệu quả hơn bằng cách tự động hóa các công đoạn liên quan đến sản xuất và phân phối nội dung. Hơn nữa, việc chuyển từ báo in sang báo điện tử còn giúp tòa soạn giảm thiểu chi phí in ấn, tiêu thụ giấy, vận chuyển và lưu kho ấn phẩm.
– Tạo ra nguồn thu nhập mới:
Chuyển đổi số có thể giúp các cơ quan báo chí tối đa hóa thu nhập thông qua các mô hình kinh doanh mới như tiếp thị liên kết (affiliate marketing), quảng cáo trực tuyến, nội dung trả phí hay đăng ký hội viên. Cơ hội này không chỉ giúp các cơ quan báo chí duy trì hoạt động trong thời đại số mà còn tăng khả năng cạnh tranh với các nền tảng mạng xã hội.

3. Thực trạng chuyển đổi số trong ngành báo chí hiện nay
3.1 Chính sách thúc đẩy chuyển đổi số báo chí từ Đảng, Nhà nước và Chính phủ
Trong tiến trình chuyển đổi số cấp quốc gia, báo chí và truyền thông đóng vai trò then chốt trong việc truyền tải kịp thời, chính xác và đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân. Qua đó, báo chí góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin và khơi dậy nội lực để thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi số toàn diện.
Để thúc đẩy quá trình này, nhiều chính sách và định hướng quan trọng đã được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý, định hướng chiến lược và hỗ trợ cụ thể cho các cơ quan báo chí. Một số văn bản tiêu biểu gồm có:
– Nghị quyết số 52-NQ/TW do Bộ Chính trị ban hành tháng 9/2019: Nhấn mạnh chủ trương, chính sách ứng dụng công nghệ số và đổi mới sáng tạo trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
– Quyết định số 749/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 6/2020: Phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu kép là phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, và hình thành hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Đặc biệt, tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng đã xác định rõ các nhiệm vụ: đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, và trong đó báo chí là một trong những lực lượng tiên phong.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã xây dựng “Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí”, tập trung vào ba nhóm nền tảng trọng yếu: Nền tảng quản lý tòa soạn điện tử; Nền tảng phân tích thông tin và dư luận trên mạng xã hội; Nền tảng phòng chống tấn công mạng và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin báo chí; nhằm tăng cường năng lực vận hành, phân tích và bảo mật dữ liệu của các cơ quan báo chí.
Đáng chú ý, vào 4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, mục tiêu tổng quát của Chiến lược chuyển đổi số báo chí này là:
– Xây dựng hệ thống báo chí theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp và mang tính nhân văn;
– Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, thực hiện tốt vai trò định hướng dư luận xã hội;
– Đổi mới trải nghiệm độc giả, phát triển nguồn thu mới;
– Giữ vững chủ quyền thông tin báo chí trên không gian mạng;
– Thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp nội dung số tại Việt Nam.
Và một số mục tiêu cụ thể bao gồm:
– Đến năm 2025: Có 70% cơ quan báo chí đăng tải nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên sử dụng nền tảng trong nước).
– Đến năm 2030: Có 100% cơ quan báo chí đăng tải nội dung lên các nền tảng số (trong đó ưu tiên các nền tảng số trong nước); 90% sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu ứng dụng AI; 100% hoạt động, vận hành theo mô hình tòa soạn hội tụ.

3.2 Những kết quả chuyển đổi số báo chí đã đạt được
Thực tế cho thấy, nhiều cơ quan báo chí trong nước đã tiên phong thực hiện chuyển đổi số và trở thành các hình mẫu về truyền thông đa phương tiện hiện đại. Một số đơn vị tiêu biểu có thể kể đến: Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), VnExpress.net, Tuoitre.vn,…
Một ví dụ điển hình là VTV Money – Tổ hợp thông tin đa nền tảng từ truyền hình đến internet ở lĩnh vực thông tin kinh tế do Trung tâm Sản xuất & Phát triển Nội dung số (VTV Digital), Đài THVN thực hiện. Tổ hợp này bao gồm 7 chương trình đặc sắc như: Tài chính kinh doanh, Dòng chảy tài chính, Khớp lệnh, Bí mật Đồng tiền,… được sản xuất và phát hành đồng thời trên 6 nền tảng khác nhau, bao gồm: 1 báo điện tử, 4 fanpage Facebook, 1 kênh YouTube và một trang thông tin điện tử độc lập.
Ngoài ra, hầu hết các trang báo điện tử hàng đầu như VnExpress, Tuổi Trẻ, Thanh Niên,… cũng đang tích cực phát triển nội dung trên mạng xã hội, song song với hoạt động trên website chính thức. Trong đó, TikTok được sử dụng như một kênh tiếp cận chủ chốt, cho phép các tòa soạn đăng tải video ngắn, bắt kịp xu hướng tin tức sốt dẻo, tức thời và thu hút đông đảo độc giả trẻ tuổi.
4. Thách thức khi thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí
Bên cạnh những cơ hội phát triển tiềm năng, chuyển đổi số báo chí cũng đặt ra không ít khó khăn và thách thức cho các cơ quan trong ngành, đó là:
– Thiếu hụt nguồn lực và kiến thức công nghệ:
Đây là một trong những rào cản lớn nhất ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình chuyển đổi số trong hoạt động làm báo. Việc chuyển đổi không chỉ yêu cầu đầu tư nghiêm túc về hạ tầng công nghệ, phần mềm, mà còn đòi hỏi đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên phải có khả năng sử dụng thành thạo các công cụ số và tư duy đa nền tảng.
Chẳng hạn, thay vì chỉ viết tin bài dạng văn bản khô khan, người làm báo hiện nay cần biết cách kể chuyện bằng hình ảnh động, đồ họa tương tác, megastory hay video 360 độ. Tuy nhiên, việc đào tạo những kỹ năng này chưa đồng đều, đòi hỏi các nhà báo phải tự học, tự mày mò công nghệ thông qua kinh nghiệm làm việc thực tế hoặc học hỏi lẫn nhau.
– Cạnh tranh với các nền tảng truyền thông xã hội:
Các cơ quan báo chí Việt Nam cũng đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh từ các kênh truyền thông của các tập đoàn nước ngoài, tiêu biểu là các nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook hay TikTok. Cạnh tranh ở đây không chỉ về tốc độ đưa tin, mà còn liên quan đến doanh thu quảng cáo và kinh tế báo chí. Các kênh truyền thông này hầu hết đều có nguồn tài nguyên lớn, dẫn đầu khả năng ứng dụng các công nghệ mới như AI, thuật toán cá nhân hóa, khai thác dữ liệu người dùng theo thời gian thực.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận khách quan rằng chính sự cạnh tranh này đang buộc các tòa soạn phải chuyển mình, cải tiến nhanh hơn để duy trì sức hút và giá trị thông tin chính thống.
– Đối mặt với vấn nạn đánh cắp bản quyền:
Việc sản xuất nội dung tin tức chất lượng cao và đáng tin cậy đòi hỏi sự đầu tư công phu cả về công nghệ, chất xám lẫn công sức của các phóng viên và nhà báo. Tuy nhiên, sự phát triển rộng rãi của mạng xã hội đã vô tình tạo điều kiện để các cá nhân, hội nhóm trên không gian mạng dễ dàng sao chép và sử dụng những nội dung được đăng tải mà chưa được sự cho phép của đơn vị sản xuất.
Thậm chí, những đối tượng xấu còn tùy ý sửa đổi, xuyên tạc, bóp méo nội dung nhằm thu hút lượt xem và tương tác. Tất cả những hành vi này không chỉ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, cản trở công chúng tiếp cận những nguồn thông tin đúng đắn và xác thực.

5. Nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số báo chí Việt Nam
Để vượt qua những thách thức hiện tại và hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành báo chí Việt Nam cần tập trung triển khai đồng bộ 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:
– Nâng cao nhận thức và tăng cường công tác tuyên truyền:
Trước hết, cần nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống báo chí, từ trung ương đến địa phương, về tầm quan trọng và tính cấp thiết của chuyển đổi số, xem đây là một phần không thể tách rời trong tiến trình thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, biểu dương những tập thể, cá nhân đi đầu, có sáng kiến và đóng góp tích cực trong công cuộc chuyển đổi số báo chí, qua đó khuyến khích họ chia sẻ kinh nghiệm và lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo trong toàn ngành.
– Hoàn thiện các quy định pháp luật:
Tiến hành xây dựng, đề xuất sửa đổi và bổ sung các văn bản pháp luật về báo chí và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm hỗ trợ các cơ quan, đơn vị báo chí đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số.
– Phát triển các sản phẩm báo chí kỹ thuật số:
Đẩy mạnh sáng tạo các mô hình nội dung mới phù hợp với hành vi tiếp nhận thông tin đa nền tảng của công chúng hiện đại, như: báo chí dữ liệu, đồ họa tương tác, video ngắn, podcast, megastory,…
Tập trung nâng cao chất lượng nội dung, đảm bảo độ tin cậy, tính thẩm mỹ và trải nghiệm người dùng, đồng thời đa dạng hóa các gói sản phẩm dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm độc giả khác nhau.
Tăng cường ứng dụng công nghệ, đặc biệt là tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI), trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung đến độc giả.
– Phát triển nền tảng kỹ thuật số:
Xây dựng các nền tảng công nghệ phục vụ quản trị, sản xuất và phân phối nội dung, bao gồm: Hệ thống quản lý tòa soạn điện tử; Nền tảng phát thanh và truyền hình số quốc gia; Hệ thống thu thập, phân tích dữ liệu người dùng và đánh giá chất lượng nội dung; Chỉ số đo lường mức độ trưởng thành trong chuyển đổi số của từng cơ quan báo chí.
Khuyến khích các đơn vị có đủ năng lực về tài chính, công nghệ và nhân lực phát triển nền tảng riêng nhằm làm chủ hệ sinh thái số của mình.
Đồng thời, tăng cường hỗ trợ các cơ quan báo chí nhỏ hoặc địa phương tiếp cận và sử dụng các giải pháp số dùng chung một cách hiệu quả.
– Phát triển, nâng cao chất lượng nhân lực báo chí:
Xây dựng và ban hành chương trình đào tạo chuẩn trong lĩnh vực báo chí, truyền thông đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, đặc biệt ở bậc giáo dục đại học.
Tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo kỹ năng số cơ bản cho cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên; đồng thời bồi dưỡng chuyên sâu về công nghệ, an ninh mạng, dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu… để đáp ứng yêu cầu sản xuất nội dung số chất lượng cao.
– Thúc đẩy hợp tác quốc tế:
Tích cực hợp tác với các tổ chức, đơn vị báo chí và truyền thông quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm, học hỏi mô hình chuyển đổi số tiên tiến từ các quốc gia có nền báo chí số sôi nổi.
6. Tạm kết
Chuyển đổi số báo chí là một hành trình không hề dễ dàng với rất nhiều rào cản, thách thức phía trước. Để đổi mới thành công, ngoài yêu cầu về hạ tầng công nghệ, còn cần đến sự quyết tâm cao độ, sẵn sàng thay đổi tư duy và phương thức làm việc của đội ngũ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên tại các cơ quan truyền thông. Và trên hết, dù cạnh tranh gay gắt với mạng xã hội, báo chí chính thống không nên chạy theo xu hướng giật gân, mà phải vượt lên với độ chính xác, phải trả lời và làm rõ những vấn đề mơ hồ trên không gian mạng.
Ngoài ra, Base.vn – Nền tảng quản trị doanh nghiệp toàn diện sẽ là bệ phóng vững chắc giúp các cơ quan, tổ chức tối ưu hóa công tác quản lý nội bộ về Nhân sự, Tài chính, Công việc, Dự án,… Hãy liên hệ chúng tôi ngay hôm nay để được tư vấn và triển khai giải pháp chuyển đổi số phù hợp nhất!