
Trong hoạt động kinh doanh, việc đo lường hiệu quả đầu tư có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. ROI – Chỉ số thể hiện tỷ suất hoàn vốn đóng vai trò quan trọng, như thước đo giúp doanh nghiệp đánh giá hiệu quả các chiến lược đầu tư, hoạt động Marketing… Vậy ROI là gì? ROI bao nhiêu là tốt và làm sao để cải thiện chỉ số này. Cùng Base.vn tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.
1. ROI là gì?
1.1 Khái niệm
ROI (Return on Investment) là tỷ suất hoàn vốn – một chỉ số tài chính đo lường mức độ hiệu quả của một khoản đầu tư bằng cách so sánh lợi nhuận thu được với chi phí bỏ ra. Chỉ số này rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh, đầu tư cũng như marketing, vì nó giúp doanh nghiệp đo lường được hiệu quả của một khoản đầu tư so với chi phí đã bỏ ra.
Chỉ số ROI được đo lường bằng tỷ lệ phần trăm đánh giá khách quan của mối quan hệ giữa lợi nhuận tạo ra trên chi phí ban đầu. ROI tăng trưởng càng nhanh thì doanh nghiệp sẽ càng rút ngắn thời gian thu hồi vốn.

1.2 Công thức tính ROI chung nhất
Công thức tính ROI phổ biến nhất hiện nay đó là:
ROI = (Lợi nhuận thuần/Chi phí đầu tư) x 100%
Trong đó:
Lợi nhuận thuần: Là khoản lợi nhuận cuối cùng mà doanh nghiệp thu được sau khi đã trừ tất cả các chi phí liên quan từ tổng doanh thu. Đây là số tiền thực tế mà doanh nghiệp có thể sử dụng hoặc tái đầu tư.
Công thức tính:
Lợi nhuận thuần = Tổng doanh thu – (Giá vốn hàng bán + Chi phí vận hành + Thuế + Chi phí lãi vay + Chi phí khác)
Chi phí đầu tư: Là số tiền mà doanh nghiệp bỏ ra để thực hiện một dự án, chiến dịch, hoặc đầu tư vào một tài sản nào đó với mục tiêu tạo ra lợi nhuận.
1.3 Ví dụ về ROI trong doanh nghiệp
Dưới đây là 1 ví dụ về ROI trong Marketing bạn có thể tham khảo.
Một công ty mỹ phẩm chi 100 triệu đồng cho chiến dịch quảng cáo trên Facebook và TikTok nhằm tăng doanh số bán sản phẩm kem dưỡng da. Sau chiến dịch:
- Tổng doanh thu đạt được từ chiến dịch: 500 triệu đồng.
- Tổng chi phí đầu tư: 100 triệu đồng (bao gồm phí quảng cáo, sản xuất nội dung, và vận hành).
Lợi nhuận thuần: 500 triệu đồng – 300 triệu đồng (bao gồm 100 triệu đồng quảng cáo và 200 triệu chi phí hàng hóa) = 200 triệu đồng.
Lúc này, ROI = (200 triệu đồng/100 triệu đồng) x 100% = 200%
ROI đạt 200%, cho thấy chiến dịch này hiệu quả, khi lợi nhuận thu được gấp đôi so với chi phí đầu tư.
2. Ý nghĩa của chỉ số ROI đối với doanh nghiệp
Chỉ số ROI đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.
2.1 Đánh giá hiệu quả đầu tư
Đây là điều mà doanh nghiệp nào cũng quan tâm trong quá trình sản xuất kinh doanh. Thông qua ROI, doanh nghiệp có thể:
Xác định lợi ích thu được từ khoản đầu tư: ROI giúp đo lường lợi ích dưới dạng giá trị tài chính, chẳng hạn như doanh thu tăng thêm, chi phí tiết kiệm được, hoặc giá trị thương hiệu gia tăng. Qua đây tổ chức cũng đánh giá được liệu các khoản đầu tư có đạt được mục tiêu đã đề ra hay không.
Đo lường hiệu quả từng phần trong đầu tư: ROI không chỉ đo lường tổng thể mà còn có thể áp dụng để đánh giá hiệu quả từng phần. Ví dụ, ROI từ quảng cáo Facebook có thể được so sánh với ROI từ Google Ads để biết kênh nào hiệu quả hơn.
Hỗ trợ ra quyết định về các khoản đầu tư: ROI cao chứng minh một khoản đầu tư đang hoạt động tốt, và doanh nghiệp có thể tiếp tục hoặc mở rộng quy mô đầu tư. ROI thấp hoặc âm là tín hiệu cảnh báo để dừng hoặc điều chỉnh khoản đầu tư không đem lại giá trị.
2.2 Dễ dàng so sánh các khoản đầu tư
Việc đánh giá ROI giúp đảm bảo rằng doanh nghiệp không chỉ chọn lựa khoản đầu tư có tiềm năng cao nhất, mà còn phù hợp với chiến lược phát triển dài hạn.
Cung cấp dữ liệu định lượng để so sánh: ROI cung cấp một con số cụ thể, dễ so sánh giữa các dự án hoặc chiến lược đầu tư khác nhau. Dự án có ROI cao hơn thể hiện tiềm năng sinh lời tốt hơn so với các lựa chọn khác, giúp doanh nghiệp ưu tiên nguồn lực.
Tối ưu hóa nguồn lực đầu tư: Doanh nghiệp thường phải lựa chọn giữa nhiều cơ hội đầu tư vì nguồn lực không đủ để triển khai tất cả. ROI giúp xác định khoản đầu tư nào mang lại hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất.
2.3 Quản lý rủi ro
Thông qua ROI, doanh nghiệp có thể nhận diện các khoản đầu tư không hiệu quả, từ đó đưa ra các điều chỉnh kịp thời.
Dự đoán rủi ro trong đầu tư: ROI cho phép doanh nghiệp dự đoán những dấu hiệu thua lỗ ngay từ giai đoạn đầu của dự án. Nếu ROI thấp hoặc âm, đây là cảnh báo rằng khoản đầu tư không đạt được mục tiêu lợi nhuận.
Tránh các khoản đầu tư không hiệu quả: ROI âm chỉ ra rằng doanh nghiệp đang chi nhiều hơn thu. Khi một khoản đầu tư liên tục thua lỗ, doanh nghiệp cần đánh giá khả năng tiếp tục hoặc ngừng dự án để tránh lãng phí thêm nguồn lực.
2.4 Đánh giá các chiến lược dài hạn
Chỉ số ROI không chỉ hữu ích trong việc đo lường hiệu quả tài chính ngắn hạn mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá và hoạch định các chiến lược dài hạn.
Một khoản đầu tư vào công nghệ, chẳng hạn như tự động hóa, có thể có ROI thấp trong giai đoạn đầu do chi phí ban đầu cao. Tuy nhiên, về lâu dài, nó giúp doanh nghiệp: Giảm chi phí vận hành, tăng hiệu suất làm việc, giảm các sai sót trong quá trình làm việc…
Một khoản đầu tư dài hạn có thể mất nhiều thời gian để đạt được ROI tích cực. Việc đo lường ROI trong từng giai đoạn giúp doanh nghiệp đánh giá tiến độ và điều chỉnh chiến lược nếu cần.

3. Cách tính ROI ở từng lĩnh vực và ví dụ chi tiết
Công thức tính ROI chung vẫn được áp dụng nhiều nhất, tuy nhiên ở từng lĩnh vực sẽ có những chi tiết bạn cần chú ý để tránh nhầm lẫn, cụ thể dưới đây.
3.1 ROI trong Marketing
ROI trong Marketing được tính bằng lợi nhuận thu được từ các chiến dịch marketing so với chi phí bỏ ra.
Công thức tính như sau:
ROI = (Doanh thu tăng thêm – Chi phí marketing) / Chi phí marketing x 100%
Ví dụ: Bạn đầu tư 10 triệu đồng vào quảng cáo Google Ads và thu được thêm 30 triệu đồng doanh thu. ROI = (30.000.000 – 10.000.000) / 10.000.000 x 100% = 200%.
Lưu ý: Ngoài doanh thu, bạn có thể đo lường ROI dựa trên các chỉ số khác như tăng trưởng lượng khách hàng, tỷ lệ chuyển đổi…
3.2 ROI trong đầu tư
Mục tiêu là để đánh giá hiệu quả của các khoản đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, vàng…
Cách tính như sau:
ROI = (Giá trị hiện tại của khoản đầu tư – Chi phí ban đầu) / Chi phí ban đầu x 100%
Ví dụ: Bạn mua một căn nhà với giá 2 tỷ đồng và sau 5 năm bán được 3 tỷ đồng. ROI = (3.000.000.000 – 2.000.000.000) / 2.000.000.000 x 100% = 50%.
3.3 ROI trong sản xuất
Tính ROI giúp đánh giá hiệu quả của một dự án sản xuất mới, một dây chuyền sản xuất mới…
Cách tính như sau
ROI = (Lợi nhuận từ sản phẩm – Chi phí sản xuất) / Chi phí sản xuất x 100%
Ví dụ: Một công ty đầu tư 5 tỷ đồng vào một dây chuyền sản xuất mới và thu được lợi nhuận 2 tỷ đồng mỗi năm. ROI năm đầu = (2.000.000.000 – 5.000.000.000) / 5.000.000.000 x 100% = -60%. Điều này có nghĩa là công ty đang lỗ trong năm đầu tiên.
4. Chỉ số ROI bao nhiêu là tốt nhất?
Chỉ số ROI bao nhiêu là tốt nhất phụ thuộc vào lĩnh vực hoạt động, mục tiêu kinh doanh, và mức độ rủi ro chấp nhận được. Bạn có thể tham khảo những thông tin dưới đây để đánh giá chính xác nhất chỉ số ROI của doanh nghiệp.
4.1 ROI được coi là tốt theo tiêu chuẩn thông thường
Đầu tiên, cần khẳng định ROI cao nhất không có nghĩa là nó tốt nhất. Thực tế, ROI cao thể hiện lợi nhuận tốt nhưng cần xem xét các yếu tố như:
- Thời gian hoàn vốn: ROI cao trong thời gian dài có thể kém hấp dẫn hơn ROI vừa phải trong thời gian ngắn.
- Rủi ro: ROI cao đôi khi đi kèm với rủi ro lớn, đặc biệt trong đầu tư tài chính hoặc khởi nghiệp.
Dưới đây là 3 mức ROI giúp doanh nghiệp đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh.
- ROI dương (>0): Đảm bảo đầu tư sinh lời. ROI âm (<0) cho thấy lỗ vốn.
- ROI từ 10-30%: Đây là mức chấp nhận được trong nhiều ngành như sản xuất, kinh doanh.
- ROI >50%: Được coi là rất tốt, đặc biệt trong các chiến dịch marketing hoặc đầu tư ngắn hạn.

4.2 Tiêu chuẩn ROI theo từng lĩnh vực
Dưới đây là bảng chỉ số ROI theo từng lĩnh vực bạn có thể tham khảo.
Lĩnh vực | ROI Tốt | Ghi chú |
Marketing | 5-10 lần chi phí đầu tư (500-1000%) | Chiến dịch digital marketing thường nhắm đến ROI tối thiểu 5:1. |
Đầu tư tài chính | 10-15%/năm | Tùy thuộc vào mức độ rủi ro, ROI cao hơn thường đi kèm biến động lớn. |
Sản xuất & kinh doanh | 20-30% | Các doanh nghiệp cần ROI vượt qua chi phí vốn và rủi ro ngành. |
Thương mại điện tử | >30% | Do lợi nhuận thường phụ thuộc vào doanh thu lớn và chi phí thấp. |
Đào tạo nhân sự | >100% | Vì đào tạo nhân viên không chỉ tạo lợi nhuận trực tiếp mà còn tăng giá trị lâu dài. |
4.3 Các yếu tố ảnh hưởng đến ROI “tốt”
Có 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến kết quả ROI và để đánh giá nó tốt hay xấu, cụ thể:
- Thời gian hoàn vốn: ROI tốt nên đi kèm với thời gian hoàn vốn hợp lý. Ví dụ, ROI 50% trong 1 năm tốt hơn ROI 100% trong 5 năm.
- Quy mô đầu tư: Với các dự án lớn, ROI thấp hơn vẫn có thể chấp nhận nếu lợi nhuận tuyệt đối cao.
- Chi phí cơ hội: Doanh nghiệp cần so sánh ROI của các dự án khác để đảm bảo nguồn lực được sử dụng hiệu quả nhất.
Nhìn chung, không có “chỉ số ROI tốt nhất” cố định, mà cần đánh giá dựa trên ngành nghề, mục tiêu, và khả năng chấp nhận rủi ro.
5. Các cải thiện chỉ số ROI trong doanh nghiệp
5.1 Tối ưu chi phí đầu tư
Chi phí đầu tư là một trong hai yếu tố chính quyết định ROI. Việc giảm chi phí đầu tư mà không ảnh hưởng đến chất lượng sẽ giúp tăng chỉ số ROI. Doanh nghiệp có thể xem xét và thực hiện các công việc như:
- Đàm phán với nhà cung cấp để đảm bảo giá mua nguyên liệu hoặc dịch vụ hợp lý.
- Sử dụng phần mềm CRM, ERP, hoặc công cụ tự động hóa để giảm chi phí vận hành.
- Giảm chi phí cố định bằng cách thuê ngoài những phần việc không cần thiết phải tự thực hiện.
- Loại bỏ các quy trình thừa hoặc tốn kém trong sản xuất và kinh doanh.
5.2 Tăng doanh thu từ cùng một khoản đầu tư
Tăng doanh thu sẽ trực tiếp làm tăng lợi nhuận ròng, từ đó cải thiện ROI cho doanh nghiệp, cụ thể như sau:
- Cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng: Tăng khả năng chuyển đổi thông qua các chiến lược cá nhân hóa, như sử dụng CRM để gửi ưu đãi đúng thời điểm.
- Tập trung vào khách hàng tiềm năng: Đầu tư vào các kênh có khả năng mang lại khách hàng chất lượng cao.
- Chiến lược giá: Tăng giá sản phẩm/dịch vụ hoặc áp dụng các gói ưu đãi để khách hàng mua thêm (cross-sell, upsell).
- Mở rộng thị trường: Tìm kiếm các thị trường mới, ví dụ như mở rộng ra quốc tế hoặc khai thác các kênh bán hàng online.
5.3 Cải thiện quy trình vận hành nội bộ
Quy trình vận hành hiệu quả sẽ giúp giảm lãng phí và tăng hiệu suất, gián tiếp nâng cao ROI, do đó việc cải thiện quy trình vận hành là việc làm rất quan trọng.
- Ứng dụng phần mềm quản lý để giảm thời gian và công sức xử lý thủ công.
- Cải thiện năng suất làm việc bằng cách đầu tư vào đào tạo chuyên môn.
- Kết nối dữ liệu từ các phòng ban để ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn.
5.4 Tăng giá trị vòng đời khách hàng CLV
Khách hàng quay lại nhiều lần sẽ giúp doanh nghiệp tăng doanh thu mà không cần chi thêm quá nhiều chi phí marketing. Bạn có thể thực hiện một số việc như:
- Chăm sóc khách hàng sau bán: Gửi email cảm ơn, ưu đãi cho lần mua tiếp theo, hoặc thông báo sản phẩm mới.
- Chương trình khách hàng thân thiết: Tích điểm, giảm giá hoặc quà tặng cho khách hàng trung thành.
- Cá nhân hóa giao tiếp: Sử dụng dữ liệu từ CRM để hiểu rõ nhu cầu và hành vi của khách hàng.
- Dịch vụ hậu mãi: Đảm bảo sản phẩm/dịch vụ luôn đáp ứng hoặc vượt kỳ vọng của khách hàng.
6. Kết luận
ROI là công cụ mạnh mẽ giúp doanh nghiệp đo lường hiệu quả đầu tư, từ đó đưa ra các quyết định chiến lược phù hợp. Hành trình cải thiện ROI không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa lợi nhuận mà còn tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững và cạnh tranh trong thị trường.
Hy vọng qua bài viết bạn đã hiểu rõ hơn về chỉ số này, từ đó ứng dụng được vào doanh nghiệp để tối ưu chi phí, tăng lợi nhuận và giúp doanh nghiệp phát triển hơn nữa.