Phần mềm CRM (Customer Relationship Management) là công cụ giúp doanh nghiệp đạt được rất nhiều lợi ích, trong đó quan trọng nhất là phát triển và tăng trưởng kinh doanh.
Trong nội dung sau đây, Base Blog sẽ cung cấp cho doanh nghiệp đánh giá tổng quan về 15 phần mềm CRM hàng đầu trên thế giới. Chúng tôi sẽ phân tích ưu và nhược điểm, cũng như các tính năng của từng sản phẩm, giúp doanh nghiệp chọn được nền tảng phù hợp nhất.
Mục lục
Toggle1. Phần mềm CRM là gì?
1.1 Khái niệm
Phần mềm CRM, viết tắt của Customer Relationship Management (Quản lý quan hệ khách hàng), là công cụ giúp doanh nghiệp kết nối và tương tác toàn diện với khách hàng từ khi tiếp xúc lần đầu tiên cho đến khi chốt giao dịch. Mục đích cuối cùng là chuẩn hóa quy trình kinh doanh, tăng mức độ hài lòng của khách hàng và cải thiện doanh thu.
1.2 Đối tượng sử dụng phần mềm CRM
CRM là một phần mềm đa năng. Vì vậy, các phòng ban trong doanh nghiệp đều có thể tham gia vào quá trình sử dụng phần mềm này. Cụ thể, dưới đây là 7 đối tượng tham gia sử dụng phần mềm CRM:
Nhân viên bán hàng (kinh doanh) | – Sử dụng CRM để quản lý các thông tin của khách hàng, theo dõi quá trình giao dịch, lập kế hoạch bán hàng và trích xuất báo cáo. |
Nhân viên marketing | – Sử dụng CRM để quản lý các chiến dịch tiếp thị, phân tích hành trình mua hàng của khách và theo dõi hiệu suất quảng cáo. |
Nhân viên hỗ trợ, chăm sóc khách hàng | – Sử dụng CRM để theo dõi các thắc mắc, xử lý các vấn đề của khách hàng và lập báo cáo chất lượng chăm sóc. |
Quản lý và lãnh đạo | – Sử dụng CRM để theo dõi hiệu suất kinh doanh của toàn bộ doanh nghiệp, xem các chỉ số thống kê quan trọng và đưa ra quyết định phù hợp. |
Bộ phận kế toán và tài chính | – Kết nối CRM với hệ thống kế toán để theo dõi thanh toán hoặc công nợ của khách hàng, quản lý hợp đồng và dự liệu tài chính. |
Nhân viên hỗ trợ kỹ thuật (đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ liên quan đến kỹ thuật) | – Theo dõi CRM để quản lý chất lượng kỹ thuật, lên kế hoạch bảo trì và khắc phục sự cố giúp khách hàng. |
Chuyên viên quản lý quan hệ đối tác | – Sử dụng CRM để quản lý quan hệ và xét duyệt các đối tác kinh doanh, chẳng hạn như đại lý hay nhà phân phối. |
2. Tại sao doanh nghiệp nên sử dụng phần mềm CRM?
2.1 Lưu trữ thông tin khách hàng một cách khoa học
Thông tin khách hàng là tài sản quý giá nhất của mỗi doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp có thể quản lý và lưu trữ tất cả dữ liệu thông tin của khách hàng (tên gọi, ngày sinh, nghề nghiệp, lịch sử mua hàng,…) một cách tập trung và khoa học trên nền tảng CRM.
Hơn nữa, vì dữ liệu được sao lưu bằng công nghệ điện toán đám mây nên người sử dụng phần mềm có thể truy cập để xem dữ liệu mọi lúc mọi nơi, trên cả máy tính và điện thoại. Điều quan trọng nhất là phần mềm CRM giúp ngăn ngừa tình trạng thất thoát data khách hàng sau khi một nhân viên nào đó ngừng công tác.
2.2 Gia tăng sự hài lòng của khách hàng và thúc đẩy doanh số
Thứ nhất, phần mềm CRM có khả năng tự động hóa các hoạt động chăm sóc khách hàng, chẳng hạn như tự động trả lời tổng đài, gửi tin nhắn SMS và email theo kịch bản có sẵn, với thông điệp được tùy chỉnh cho từng nhóm khách hàng cụ thể.
Thứ hai, mọi thắc mắc và vấn đề của khách hàng đều được hệ thống lưu lại đầy đủ, giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. Hơn nữa, điều này còn là đòn bẩy để doanh nghiệp triển khai các chiến lược cross-selling và up-selling, tạo ra nguồn doanh thu khổng lồ. Điều này đặc biệt quan trọng vì khách hàng trung thành có xu hướng chi trả nhiều hơn đến 33% so với khách hàng mới.
2.3 Cải thiện chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ
Dữ liệu mua hàng thực tế được phần mềm CRM ghi nhận và tổng hợp giúp doanh nghiệp có cái nhìn khách quan và minh bạch về tâm lý, hành vi và nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, nó cũng giúp phát hiện ra những điểm hạn chế hoặc lỗ hổng trong sản phẩm hoặc dịch vụ, từ đó doanh nghiệp có thể đề ra phương án khắc phục và cải tiến.
3. 5 Tính năng quan trọng của một phần mềm CRM hiện đại
Dưới đây là danh sách các tính năng quan trọng mà một phần mềm CRM nhất định phải có:
3.1 Quản lý data khách hàng
Có thể nói đây là tính năng quan trọng nhất của phần mềm CRM, giúp người dùng tập hợp dữ liệu khách hàng thành từng nhóm nhỏ để quản lý và phân tích. Qua đó, doanh nghiệp có thể dễ dàng tương tác và tiếp cận sâu hơn với thông tin về khách hàng. Đây là yếu tố cốt lõi để nâng cao trải nghiệm cá nhân hóa của khách hàng cũng như cải thiện hiệu suất của các chiến lược marketing hay dịch vụ khách hàng trong tương lai.
Đọc thêm: NPS là gì? “Chỉ số vàng” giúp doanh nghiệp đo lường trải nghiệm khách hàng
3.2 Phân loại và chấm điểm khách hàng tiềm năng (lead scoring)
Tính năng này cho phép người dùng sàng lọc và đánh giá những Lead có khả năng mua hàng nhất. Nhờ vậy, thay vì tốn nhiều thời gian để chăm sóc những người chưa đủ điều kiện hoặc chưa sẵn sàng chi tiêu thì nhân viên có thể tập trung nỗ lực bán hàng hoặc tiếp thị cho những người đã thể hiện sự quan tâm nhất định đối với sản phẩm của doanh nghiệp.
3.3 Tự động hóa các tác vụ thủ công
Tính năng này đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu tối ưu hóa quy trình làm việc của doanh nghiệp. Phần mềm CRM có khả năng tự động hóa các tác vụ như thu thập và phân tích dữ liệu, thiết lập báo cáo, dự báo kết quả kinh doanh và một số thao tác trước đây thường phải thực hiện bằng tay. Ngoài ra, phần mềm CRM còn giúp người dùng phát hiện ra các điểm bất cập cần được cải thiện trong quy trình làm việc.
3.4 Phân tích dữ liệu bán hàng và thiết lập báo cáo
Phần mềm CRM giúp doanh nghiệp thu thập kết quả bán hàng từ nhiều kênh và nguồn khác nhau, phân tích những chiến lược kinh doanh cũ để đề xuất những phương pháp cải tiến phù hợp cho mục tiêu trong tương lai. Theo đó, phần mềm CRM cần cung cấp các báo cáo liên quan đến:
- Trạng thái phễu bán hàng (sales funnel), mô phỏng chính xác từng giai đoạn trong chuỗi tiếp thị sản phẩm đến khách hàng tiềm năng.
- Các điểm tắc nghẽn hoặc lỗ hổng trong quy trình bán hàng.
- Thống kê về các hợp đồng và giao dịch thành công, và lý do nếu gặp thất bại.
- Tăng trưởng doanh thu theo từng chu kỳ kinh doanh.
- Kết quả cuối cùng của các chiến dịch bán hàng.
3.5 Dự báo về doanh số
Tính năng này là “mảnh ghép” quan trọng tạo nên một phần mềm CRM thông minh và tiên tiến. Khả năng dự báo doanh thu của CRM cho phép người dùng thiết lập một cột mốc chuẩn để so sánh doanh thu thực tế với các nỗ lực kinh doanh của họ. Kết quả dự báo này giúp doanh nghiệp đánh giá lại chiến lược bán hàng để xem xét xem nên duy trì hoặc điều chỉnh, và nâng cao mục tiêu trong tương lai.
4. 6 Tiêu chí lựa chọn phần mềm CRM cho doanh nghiệp
4.1 Phần mềm CRM có phù hợp nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp không?
Thử so sánh nhu cầu của doanh nghiệp với các tính năng quan trọng được đề cập ở phía trên. Phần mềm CRM mà bạn cần sẽ phải đáp ứng được nhu cầu sử dụng này trước, nếu không thì mọi yếu tố khác đều vô nghĩa.
4.2 Chi phí sử dụng như thế nào?
Đối với các công ty quy mô nhỏ và vừa, việc đầu tư vào phần mềm CRM có thể gặp trở ngại về mặt tài chính. Bởi vì không giống như các tập đoàn lớn, các công ty nhỏ không thể chi hàng nghìn đô la mỗi tháng cho một giải pháp quản lý khách hàng.
May mắn là trên thị trường hiện nay, có rất nhiều nhà cung cấp phần mềm CRM đưa ra các mức giá cực kỳ phải chăng. Nếu dành thời gian để nghiên cứu, doanh nghiệp nhỏ vẫn có thể chọn được một giải pháp CRM đa năng với mức đầu tư hợp lý. Chẳng hạn như, việc chọn một phần mềm SaaS (phần mềm dưới dạng dịch vụ) sẽ giúp giảm chi phí sử dụng so với phần mềm ERP.
4.3 Phần mềm có dễ sử dụng không?
Nhiều doanh nghiệp thường tập trung quá nhiều vào tính năng mà bỏ qua mặt thực tiễn sử dụng của phần mềm CRM. Điều này là một sai lầm nghiêm trọng, vì nếu nhân viên không phải là chuyên gia về công nghệ, việc sử dụng một phần mềm có nhiều tính năng phức tạp sẽ khiến hiệu quả làm việc của họ giảm sút đáng kể.
Do đó, việc tìm kiếm một phần mềm CRM có giao diện thân thiện và dễ sử dụng, ngay cả với những người không quen làm việc với công nghệ, là một tiêu chí quan trọng với các đơn vị SMB. Điều này đã được kiểm chứng thông qua khảo sát của IBM: 67% doanh nghiệp trả lời rằng mức độ dễ sử dụng là tiêu chí họ quan tâm hàng đầu khi chọn mua phần mềm CRM.
4.4 Dịch vụ hỗ trợ của nhà cung cấp phần mềm ra sao?
Ngay cả khi sử dụng những phần mềm CRM đơn giản nhất, doanh nghiệp vẫn cần sự hỗ trợ từ đơn vị cung cấp trong giai đoạn đầu triển khai. Trong trường hợp này, nếu nhà cung cấp không hỗ trợ kịp thời, quy trình làm việc của doanh nghiệp có thể bị gián đoạn nghiêm trọng.
Doanh nghiệp cần xem xét các yếu tố về thời gian phản hồi của đội ngũ chăm sóc, kênh liên lạc (điện thoại, email, Zalo, Skype,…), phương thức hỗ trợ (chia sẻ màn hình hay nhân viên kỹ thuật tới tận nơi), và đánh giá về dịch vụ chăm sóc từ các khách hàng đã sử dụng phần mềm.
4.5 Phần mềm có khả năng tích hợp với các ứng dụng và hệ thống khác không?
Cho dù là doanh nghiệp lớn hay nhỏ, thì đều sử dụng nhiều hơn một phần mềm để quản lý và vận hành công việc. Vì vậy, doanh nghiệp cần lựa chọn phần mềm CRM có khả năng kết nối và truy xuất dữ liệu với các hệ thống khác, như là hệ thống marketing automation và phần mềm bán hàng. Điều này giúp các quy trình làm việc diễn ra một cách trơn tru và suôn sẻ.
4.6 Có thể sử dụng phần mềm trên điện thoại di động không?
Với sự tiến bộ của công nghệ, hoạt động kinh doanh không còn bị giới hạn bởi bốn bức tường văn phòng nữa. Thiết bị di động như điện thoại thông minh biến mọi địa điểm trở thành không gian làm việc thu nhỏ, cho phép người dùng theo dõi và thực hiện công việc bất kỳ lúc nào.
Do đó, việc lựa chọn một phần mềm CRM có phiên bản ứng dụng trên điện thoại là rất quan trọng để tối ưu thời gian và hiệu suất làm việc của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tiêu chí này thường đi kèm với mức giá không hề nhỏ. Mặc dù vậy, đây là một đầu tư đáng giá nếu doanh nghiệp muốn tận dụng tối đa tính năng của phần mềm mọi lúc, mọi nơi.
5. Review top 12 phần mềm CRM hàng đầu hiện nay
Sau khi đã hiểu về lợi ích của phần mềm CRM, chúng ta hãy tiếp tục khám phá xem những cái tên nào sẽ xuất hiện trong danh sách 12 phần mềm CRM hàng đầu, xứng đáng để doanh nghiệp đầu tư nhất.
5.1 Phần mềm CRM Pipedrive
Phù hợp nhất quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chấm điểm: 9.0/10
Ưu điểm | Nhược điểm |
– Bảng điều khiển (dashboard) trực quan và dễ hiểu – Tùy chỉnh và sắp xếp trường thông tin linh hoạt – Tự động theo dõi cuộc gọi và email với khách hàng – Giá cả phù hợp với nhiều mức ngân sách – Hỗ trợ dùng thử 14 ngày, không yêu cầu đăng ký thông tin thẻ tín dụng | – Cần nhiều mẫu báo cáo và tính năng tự động hóa hơn – Không thể tạo biểu đồ báo cáo tùy chỉnh |
Phần mềm Pipedrive cung cấp cho người dùng một trải nghiệm quản lý quan hệ khách hàng siêu đơn giản và thuận tiện. Với Pipedrive, doanh nghiệp có thể theo dõi thông tin khách hàng tiềm năng, chương trình khuyến mãi, các cuộc hội thoại và tự động hóa quy trình làm việc thủ công. Hơn nữa, Pipedrive còn cung cấp đánh giá và báo cáo chi tiết về hiệu suất của mỗi nhân viên bán hàng.
Tính năng nổi bật:
- Quản lý khách hàng tiềm năng và giao dịch: Thu thập khách hàng tiềm năng từ form đăng ký trên website hoặc chatbot tùy chỉnh của doanh nghiệp.
- Theo dõi thông tin liên lạc: Kiểm soát tất cả các cuộc gọi, email và lịch sử giao dịch với khách hàng trên cùng một hệ thống.
- Tự động hóa: Cắt giảm các thao tác thủ công bằng cách tự động hóa các nhiệm vụ hành chính lặp đi lặp lại và học hỏi từ trí tuệ nhân tạo.
- Báo cáo chi tiết: Cung cấp phân tích chuyên sâu dựa trên cài đặt của doanh nghiệp, so sánh kết quả kinh doanh thực tế với mục tiêu đã đặt ra.
- Quyền riêng tư và bảo mật: Đảm bảo tối đa quyền riêng tư về thời điểm và phương thức sử dụng dữ liệu khách hàng của doanh nghiệp.
- Ứng dụng di động và tích hợp: Người dùng có thể truy cập Pipedrive từ thiết bị di động và tích hợp nó với 350+ ứng dụng quản lý công việc khác như Slack, Trello, Gmail, PandaDoc, v.v…
Chi phí sử dụng: Pipedrive có đến 5 gói dịch vụ khác nhau để doanh nghiệp lựa chọn, bao gồm: Essential; Advanced, Professional; Power; Enterprise với chi phí dao động từ 12 đến 79 USD/tài khoản/tháng.
5.2 Phần mềm CRM Freshworks
Phù hợp với mọi quy mô và lĩnh vực thương mại.
Chấm điểm: 9.0/10
Ưu điểm | Nhược điểm |
– Dễ sử dụng đối với mọi đối tượng người dùng – Thiết kế bố cục giao diện logic và hợp lý – Cung cấp gói miễn phí, gói trả phí có thời gian dùng thử đến 21 ngày – Cung cấp hơn 30 mẫu báo cáo, đáp ứng đa dạng nhu cầu phân tích số liệu | – Hạn chế tùy chỉnh thông tin trên dashboard – Cần rút ngắn thời gian phản hồi khách hàng |
Phần mềm Freshworks CRM được đánh giá cao bởi khả năng nuôi dưỡng mối quan hệ lâu dài với khách hàng, giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường doanh số bán hàng. Với Freshworks CRM, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa quy trình kinh doanh, loại bỏ các bước không cần thiết và thúc đẩy tiến trình chốt deal.
Tính năng nổi bật:
- Quản lý data khách hàng: Xây dựng và theo dõi hành trình mua hàng; thông báo về các hành động cụ thể của khách hàng như là gửi yêu cầu trợ giúp hoặc xem trang báo giá.
- Quản lý đội nhóm bán hàng: Phân công nhiệm vụ cho nhân viên theo dòng sản phẩm, quy mô giao dịch hoặc vị trí địa lý; tự động phân bổ người mua tiềm năng cho nhân viên phù hợp; theo dõi KPI (mục tiêu, doanh số, lịch sử giao dịch,…)
- Thu hút khách hàng: Mang lại trải nghiệm liền mạch cho khách hàng trên nhiều kênh tương tác với đa dạng các phương thức giao tiếp, bao gồm: nhắn tin, trò chuyện trực tiếp, email và tin nhắn thoại.
- Hỗ trợ chatbot AI: Các Bot có thể giúp khách hàng tìm kiếm thông tin và giải đáp thắc mắc một cách nhanh chóng trên các kênh mà họ chọn.
- Quản lý và phân tích: Phân tích tỉ mỉ hành vi của khách hàng và hiệu suất làm việc của nhân viên, giúp doanh nghiệp đưa ra những quyết định bán hàng có căn cứ và xác định những điểm yếu cần khắc phục để mở rộng quy mô kinh doanh.
- Tích hợp với các ứng dụng và tiện ích khác: hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP), sàn thương mại điện tử, ứng dụng mạng xã hội, nền tảng email marketing, và phần mềm quản lý dự án.
Chi phí sử dụng: Freshworks CRM cung cấp 4 gói sử dụng phần mềm, trong đó bao gồm 1 gói miễn phí và 3 gói trả phí. Giá của các gói dịch vụ trả phí dao động từ 15 đến 83 USD/người dùng/tháng. Đặc biệt, nếu doanh nghiệp chọn thanh toán hàng năm, giá của mỗi gói sẽ giảm từ 3 đến 14 USD.
5.3 Phần mềm CRM Hubspot
Phù hợp nhất với các doanh nghiệp vừa và lớn, kể cả B2B và B2C.
Chấm điểm: 8.8/10
Ưu điểm | Nhược điểm |
– Cung cấp gói miễn phí bao gồm nhiều tính năng quản lý bán hàng toàn diện – Tương đối dễ sử dụng với các tính năng kéo và thả – Cung cấp nhiều hình thức tiếp thị qua email – Theo dõi hành vi của khách hàng trên website, chẳng hạn như họ truy cập bao nhiêu trang và xem những trang nào – Đào tạo CRM miễn phí, cấp chứng chỉ online có giá trị sử dụng toàn cầu | – Có thể khó tùy chỉnh đối với các công ty có quy trình bán hàng phức tạp – Cần người dùng dành nhiều thời gian tìm hiểu tất cả các tính năng – Giá cả có chiều hướng tăng lên, yêu cầu nhiều chi phí bổ sung |
HubSpot CRM là một nền tảng quản lý CRM hoàn toàn miễn phí. Hơn hết, bộ tính năng của nền tảng này được thiết kế và tối ưu theo nhu cầu sử dụng riêng biệt của từng nhóm người dùng: Trưởng nhóm bán hàng, Nhân viên bán hàng; Chuyên viên tiếp thị; Đội ngũ dịch vụ khách hàng; Giám đốc điều hành; và Chủ doanh nghiệp.
Tính năng nổi bật:
- Cơ sở dữ liệu tập trung: HubSpot CRM hợp nhất thông tin khách hàng tiềm năng ở một nơi, giúp đội ngũ bán hàng trao đổi và làm việc thuận tiện hơn.
- Nâng cao hiểu biết về khách hàng: Cung cấp cái nhìn đa chiều về từng khách hàng; cá nhân hóa hoạt động tương tác thông qua việc lưu trữ tên gọi, tài khoản mạng xã hội và chức danh công việc của khách hàng.
- Ghi chú khách hàng tiềm năng: Theo dõi hoạt động của khách hàng tiềm năng, tối ưu hóa thời gian cho các tương tác tiềm năng và tăng cơ hội chuyển đổi.
- Báo cáo bán hàng mạnh mẽ: Tạo báo cáo bán hàng và bảng chỉ số chuyên sâu để quản lý quy trình, theo dõi hiệu suất, đặt mục tiêu và dự báo doanh số bán hàng, hỗ trợ quá trình ra quyết định chiến lược và mở rộng quy mô của doanh nghiệp.
Chi phí sử dụng: Doanh nghiệp có thể sử dụng HubSpot CRM hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, “tiền nào của nấy”, doanh nghiệp chỉ có thể sử dụng các tính năng nâng cao của HubSpot CRM khi mua các gói dịch vụ trả phí:
- Gói Professional Customer Platform: từ 1.080 USD/tháng dành cho 5 tài khoản người dùng;
- Gói Enterprise Customer Platform: từ 4.000 USD/tháng dành cho 7 tài khoản người dùng.
5.4 Phần mềm CRM Nimble
Phù hợp nhất với các công ty quy mô vừa.
Chấm điểm: 8.7/10
Ưu điểm | Nhược điểm |
– Tập trung khai thác và nuôi dưỡng khách hàng qua tài khoản mạng xã hội – Dễ dàng sử dụng các tính năng quản lý dự án bán hàng – Hỗ trợ tốt cho email marketing | – Dung lượng bộ nhớ thấp – Tính năng của ứng dụng di động còn hạn chế – Chỉ có 1 pipeline khách hàng |
Nimble CRM là một giải pháp CRM tập trung vào việc tổng hợp và khai thác tất cả các tài khoản mạng xã hội của khách hàng trên một nền tảng duy nhất. Điều này tạo ra một nguồn tài nguyên phong phú cho các hoạt động tư vấn, chào hàng và tiếp thị của doanh nghiệp.
Tính năng nổi bật:
- Xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng: Tập hợp thông tin liên hệ và địa chỉ email của khách hàng để làm tài nguyên tương tác qua Gmail, Outlook hoặc LinkedIn.
- Kết nối với Google Workspace và Microsoft 365: Hoạt động liền mạch với Google Workspace và Microsoft 365 để hợp nhất danh bạ, email và calendar cũng như chia sẻ tài nguyên giữa các thành viên trong đội nhóm.
- Hỗ trợ cải thiện doanh thu: Đánh giá khách hàng tiềm năng và cải thiện tỷ lệ chuyển đổi thành công; cung cấp báo cáo chuyên sâu để theo dõi hiệu suất bán hàng một cách dễ dàng.
- Quản lý mối quan hệ khách hàng mọi lúc, mọi nơi: Cho phép người dùng truy cập dữ liệu khách hàng và sắp xếp hẹn gặp khách hàng thông qua ứng dụng trên điện thoại di động.
Chi phí sử dụng: Nimble CRM niêm yết duy nhất 1 gói dịch vụ là 29.90 USD/tài khoản/tháng. Với gói dịch vụ này, doanh nghiệp có thể xử lý 25.000 data khách hàng, sử dụng bộ nhớ 2GB và tích hợp dữ liệu với Microsoft 365, Google Workspace.
5.5 Phần mềm CRM Zoho
Phù hợp nhất với các doanh nghiệp vừa và lớn.
Chấm điểm: 8.6/10
Ưu điểm | Nhược điểm |
– Bảng điều khiển cực kỳ dễ sử dụng và hiện đại – Đào tạo người dùng chuyển đổi, triển khai và sử dụng CRM – Tùy biến linh hoạt với nền tảng lập trình mạnh mẽ – Không phát sinh chi phí ẩn trên mỗi tính năng | – Cần cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng – Có thể tốn kém đối với các công ty quy mô trung bình – Có thể gián đoạn trong khi sử dụng nếu Internet không ổn định |
Zoho CRM là một nền tảng quản lý khách hàng toàn diện và hiệu quả, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa năng lực của đội ngũ bán hàng, cải thiện trải nghiệm cá nhân hóa của khách hàng, và góp phần tăng tỷ lệ chuyển đổi từ dữ liệu tiềm năng thành các giao dịch thành công.
Tính năng nổi bật:
- Tương tác với khách hàng đúng lúc và đúng thông điệp: Tận dụng sức mạnh của bán hàng đa kênh (Omnichannel), phân khúc khách hàng, cùng nhiều tác vụ khác để mang đến trải nghiệm cá nhân hóa tốt nhất cho khách hàng, từ đó bồi đắp lòng trung thành của họ với doanh nghiệp.
- Tăng năng suất làm việc: Tự động hóa các quy trình, luồng công việc, chiến dịch email và quản lý phản hồi của khách hàng.
- Cung cấp sự phân tích chuyên sâu: Giúp nhà lãnh đạo giám sát quy trình vận hành theo thời gian thực, lên kế hoạch cũng như đưa ra các quyết định chính xác hơn.
Chi phí sử dụng: Biểu giá của Zoho CRM khá minh bạch và rõ ràng như sau:
- Gói Standard: 20 USD/người dùng/tháng – tự động hóa và tối ưu hóa chu kỳ kinh doanh;
- Gói Professional: 35 USD/người dùng/tháng – tăng khả năng thu hút khách hàng và thúc đẩy doanh số;
- Gói Enterprise: 50 USD/người dùng/tháng – cải thiện trải nghiệm của khách hàng trên phạm vi toàn cầu;
- Gói Ultimate: 65/người dùng/tháng – mở rộng quy mô kinh doanh với bộ công cụ Business Intelligence chuyên dụng.
5.6 Phần mềm CRM Salesforce
Phù hợp với mọi quy mô doanh nghiệp.
Chấm điểm: 8.5/10
Ưu điểm | Nhược điểm |
– Có khả năng tùy biến cao theo nhu cầu của người dùng – Dễ sử dụng, không yêu cầu kiến thức công nghệ chuyên sâu – Tích hợp tốt với các công cụ và nền tảng khác – Tự động hóa linh hoạt với công nghệ AI CRM | – Có thể tốn kém nếu cần nâng cao tính năng – Cần một thời gian để tìm hiểu và làm quen cách sử dụng – Yêu cầu kết nối internet tốc độ cao và ổn định |
Salesforce CRM là một trong những giải pháp quản lý khách hàng uy tín và nổi tiếng hàng đầu thế giới trong nhiều năm qua. Salesforce hợp nhất các nhóm tính năng tiếp thị, bán hàng, thương mại, dịch vụ và CNTT trên một nền tảng duy nhất là Customer 360 – cho phép doanh nghiệp phân bổ và điều hướng hoạt động của nhân viên vào những mục tiêu quan trọng nhất.
Tính năng nổi bật:
- Đào tạo tác vụ CRM: Cung cấp các chương trình đào tạo chuyên môn CRM để đảm bảo doanh nghiệp có thể tận dụng tính năng của phần mềm một cách tốt nhất.
- Thích ứng và linh hoạt: Customer 360 có khả năng linh hoạt đáp ứng thay đổi của mọi quy mô kinh doanh; kết nối dữ liệu với 8.700 ứng dụng và dịch vụ trong hệ sinh thái đối tác của Salesforce.
- Mở rộng và an toàn: Công nghệ điện toán đám mây cho phép doanh nghiệp lưu trữ và quản lý dữ liệu khách hàng một cách an toàn và hiệu quả, tuân thủ chính sách bảo vệ quyền riêng tư của người dùng một cách chặt chẽ.
Chi phí sử dụng: Cho dù là doanh nghiệp lớn, vừa hay nhỏ, bạn đều có thể tìm thấy sự lựa chọn phù hợp từ 4 gói dịch vụ của Salesforce CRM: Starter, Professional, Enterprise, Unlimited, với mức chi phí khởi điểm là 25 USD/người dùng/tháng.
5.7 CRM Insightly
Phù hợp nhất với nhu cầu quản lý CRM cơ bản.
Chấm điểm: 8.4/10
Ưu điểm | Nhược điểm |
– Sở hữu các tính năng hiện đại, mạnh mẽ trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây – Có thể mở rộng tính năng theo sự phát triển của quy mô doanh nghiệp – Dễ dàng áp dụng vào các công việc hằng ngày | – Thiếu tích hợp với các ứng dụng phổ biến như Slack và nền tảng mạng xã hội – Chức năng quản lý dự án còn cơ bản và thiếu chế độ xem đồ họa trực quan |
Phần mềm Insightly CRM được biết đến là một giải pháp quản lý quan hệ khách hàng hiện đại và mạnh mẽ, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng quy mô kinh doanh và tiết kiệm chi phí đầu tư.
Tính năng nổi bật:
- Quản lý chặt chẽ quy trình bán hàng: Theo dõi và nắm bắt thông tin chi tiết của từng khách hàng, gia tăng cơ hội chốt giao dịch thành công.
- Theo dõi khách hàng tiềm năng và quản lý cơ hội: Theo dõi, quản lý và nuôi dưỡng các giao dịch một cách hiệu quả dựa theo quy trình riêng của doanh nghiệp; hỗ trợ người dùng phát hiện vướng mắc trong quy trình bán hàng.
- Tự động hóa quy trình kinh doanh: Tinh gọn các tác vụ thủ công không cần thiết; tự động gửi email, lời nhắc theo kịch bản có sẵn; giải phóng nhân viên khỏi các nhiệm vụ có giá trị thấp và cải thiện sự gắn kết giữa các phòng ban.
- Hỗ trợ tạo landing page: Xây dựng trang landing page thể hiện đầy đủ thông tin sản phẩm, bảng giá hoặc mẫu đăng ký nhận báo giá để nhân viên bán hàng có thể chốt giao dịch dễ dàng hơn.
Chi phí sử dụng: Trên website của nhà cung cấp, biểu giá của phần mềm Insightly CRM được thể hiện rất rõ ràng và chi tiết, bao gồm 3 gói: Plus; Professional; và Enterprise với chi phí lần lượt là: 29; 49; và 99 USD/người dùng/tháng. Ngoài ra, mỗi gói đều hỗ trợ doanh nghiệp dùng thử 14 ngày miễn phí trước khi mua chính thức.
5.8 Phần mềm CRM Zendesk Sell
Phù hợp nhất với các doanh nghiệp có sẵn đội ngũ kỹ thuật phát triển web.
Chấm điểm: 8.4/10
Ưu điểm | Nhược điểm |
– Hỗ trợ tương tác với khách hàng qua nhắn tin, điện thoại, email và mạng xã hội – Hỗ trợ đa ngôn ngữ – Lập báo cáo phân tích theo dạng kéo và thả – Tích hợp API mạnh mẽ với các ứng dụng trong Zendesk Marketplace và các hệ thống của bên thứ ba | – Hạn chế trong việc theo dõi hành trình của khách hàng – Không cung cấp gói miễn phí – Không thể xuất dữ liệu trực tiếp vào tệp CSV |
Zendesk Sell là sự lựa chọn hoàn hảo cho các doanh nghiệp đang tìm kiếm một phần mềm CRM thông minh, gọn nhẹ với đầy đủ các phân hệ cần thiết như theo dõi hành trình và trải nghiệm của khách hàng, cải thiện doanh thu và phân tích hiệu suất kinh doanh.
Tính năng nổi bật:
- Theo dõi và cá nhân hóa email: Lưu trữ tất cả các email liên quan đến khách hàng tiềm năng cho dù chúng được gửi từ hộp thư của nhân viên sale hay trong giao diện người dùng; tạo và lưu các mẫu email không giới hạn, đồng thời cho phép người dùng cài đặt các trường “tên” và “công ty” trong nội dung email.
- Tăng chuyển đổi: Tạo danh sách khách hàng tiềm năng và phân bổ nhân viên sale phụ trách phù hợp nhất.
- Nhắn tin: Cho phép người dùng nhắn tin với khách hàng trực tiếp trên web bán hàng và qua ứng dụng nhắn tin như Facebook Messenger và WhatsApp; đồng bộ hóa nội dung tin nhắn trên các kênh tại một nơi duy nhất.
- Báo cáo và phân tích Zendesk Explore: Thu thập, đo lường và phân tích dữ liệu về trải nghiệm của khách hàng.
Chi phí sử dụng: Để sử dụng Zendesk Sell, doanh nghiệp cần chi trả ít nhất là 19 USD/người dùng/tháng cho các tính năng cơ bản. Ở gói cao cấp nhất, doanh nghiệp sẽ phải trả 115 USD/người dùng/tháng để có thể sở hữu đầy đủ các tính năng nâng cao.
5.9 Odoo CRM
Phù hợp nhất với các doanh nghiệp vừa và lớn.
Chấm điểm: 8.3/10
Ưu điểm | Nhược điểm |
– Giao diện linh hoạt và đa ngôn ngữ (có tiếng Việt) – Tích hợp liền mạch với các module kế toán, quản lý kho và thương mại điện tử của Odoo ERP – Là một CRM nguồn mở miễn phí, phù hợp với nhiều nhu cầu tùy chỉnh và tích hợp | – Việc tích hợp thường cần đến sự hỗ trợ của bên thứ ba – Email gửi đến khách hàng thường bị xem là spam – Ứng dụng di động không có nhiều chức năng như phiên bản web |
Odoo CRM là một module độc lập trong hệ thống vận hành doanh nghiệp của Odoo ERP. Chức năng chính của Odoo CRM là giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về khách hàng, từ đó cải thiện trải nghiệm của họ và tạo sự hài lòng với sản phẩm của doanh nghiệp. Ngoài ra, Odoo CRM cũng giúp doanh nghiệp tối ưu hóa các chi phí liên quan đến duy trì mối quan hệ với khách hàng và nâng cao hiệu suất làm việc của đội ngũ kinh doanh.
Tính năng nổi bật:
- Nuôi dưỡng Lead: Giúp người dùng thiết lập các chiến dịch email marketing phù hợp với hành vi của khách hàng tiềm năng.
- Chấm điểm khách hàng tiềm năng: Đánh giá khách hàng tiềm năng dựa trên các hành vi tiềm ẩn như số trang web đã xem, thời gian và điểm tương tác; giúp người dùng xác định được khách hàng tiềm năng nào đã sẵn sàng để chuyển đổi thành cơ hội.
- Báo cáo: Cho phép người dùng tùy chỉnh các mẫu báo cáo nâng cao và chia sẻ chúng với các bên liên quan; phân tích cơ hội, đo lường sự phát triển của KPI và nhận số liệu thống kê về nguồn khách hàng tiềm năng.
Chi phí sử dụng: Tương tự các giải pháp ERP khác, Odoo CRM không đắt vì giá bản quyền, mà đắt vì các chi phí phát sinh.
- Gói One App Free: Cho phép doanh nghiệp sử dụng duy nhất một app miễn phí
- Gói Standard và Gói Custom: Tính chi phí dựa trên số lượng người dùng và các module bổ sung.
5.10 Phần mềm SugarCRM
Phù hợp nhất với các doanh nghiệp vừa và lớn.
Chấm điểm: 8.2/10
Ưu điểm | Nhược điểm |
– Phân tích dữ liệu khách hàng bằng công nghệ AI tiên tiến – Tích hợp linh hoạt với nhiều công cụ, ứng dụng và nền tảng mạng xã hội khác nhau – Hỗ trợ khách hàng xử lý vấn đề chuyên nghiệp và nhanh chóng | – Có thể phức tạp với người lần đầu tiên sử dụng – Tốn nhiều thời gian cho việc cập nhật tính năng mới – Cần cải thiện trải nghiệm người dùng trên thiết bị di động – Giá khá cao đối với công ty nhỏ hoặc startup |
Phần mềm SugarCRM không chỉ giúp doanh nghiệp loại bỏ những điểm mù và rào cản trong quá trình cộng tác giữa đội ngũ Bán hàng, Marketing và Dịch vụ chăm sóc mà còn tạo điều kiện cho việc tập trung vào việc tương tác với khách hàng, rút ngắn chu kỳ bán hàng, cung cấp trải nghiệm mua hàng tốt hơn và tối đa hóa doanh thu. Phần mềm này đã đạt nhiều danh hiệu và giải thưởng do người dùng bình chọn.
Tính năng nổi bật:
- Quản lý quy trình bán hàng và cơ hội kinh doanh: Theo dõi tất cả các thông tin liên quan đến khách hàng tiềm năng (thông tin cá nhân và lịch sử tương tác); theo dõi tiến độ xử lý khách hàng tiềm năng; chấm điểm người mua tiềm năng.
- Tự động hóa bán hàng: Phát hiện và cảnh báo các điểm mù về dữ liệu, đồng thời khắc phục những trở ngại trong quá trình chào hàng.
- Tự động hóa tiếp thị: Quản lý chiến dịch, nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng, tiếp thị qua email và phân tích hiệu suất tiếp thị.
- Quản lý sản phẩm: Giám sát danh sách hàng hóa; thiết lập báo giá và hóa đơn bán hàng; quản lý hợp đồng kinh doanh.
- Báo cáo và phân tích: Cho phép người dùng tùy chỉnh báo cáo theo các chỉ số về doanh thu, khách hàng, hiệu suất công việc,…
- Tích hợp: Cho phép doanh nghiệp đồng bộ dữ liệu với đa dạng các công cụ làm việc (Microsoft Outlook, Word, Excel), mạng xã hội (Facebook, X, LinkedIn), chữ ký điện tử (DocuSign, Adobe Sign), cũng như cài đặt module và nhúng plugin của bên thứ ba.
Chi phí sử dụng: Hiện tại, phần mềm SugarCRM phiên bản On-Promises CRM có giá dao động từ 85 đến 135 USD/người dùng/tháng. Doanh nghiệp có thể truy cập website chính thức của SugarCRM để tìm hiểu rõ hơn về tính năng của từng biểu giá.
5.11 Phần mềm monday Sales CRM
Phù hợp nhất với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chấm điểm: 8.2/10
Ưu điểm | Nhược điểm |
– Theo dõi khách hàng ở tất cả các giai đoạn bán hàng – Hỗ trợ trao đổi và hợp tác giữa các thành viên trong nhóm bán hàng – Phản hồi và hỗ trợ kỹ thuật nhanh chóng | – Cần nâng cấp một số tính năng tự động hóa – Ứng dụng di động đôi khi hoạt động không ổn định – Cần cung cấp nhiều video đào tạo sản phẩm hơn |
monday Sales CRM là một phần mềm CRM dễ dàng tùy chỉnh mà không cần phải viết code, được thiết kế đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nó giúp doanh nghiệp quản lý toàn diện chu trình bán hàng, từ giai đoạn tiền bán hàng đến sau bán hàng, và tập trung dữ liệu khách hàng tại một nơi duy nhất.
Tính năng nổi bật:
- Quản lý email khách hàng: Đồng bộ hóa dữ liệu với Gmail/Outlook và thông báo cho người dùng biết thời điểm khách hàng tiềm năng mở hoặc trả lời mail; soạn email nhanh chóng với sự hỗ trợ của AI, chỉnh sửa HTML nâng cao, và các mẫu email có thể tùy chỉnh; cá nhân hóa nội dung email theo từng data khách hàng.
- Đo lường hiệu suất: Báo cáo tiến trình giao dịch, số liệu bán hàng và hiệu suất của nhóm bán hàng; đặt giá trị giao dịch, xác suất chốt hợp đồng, dự báo doanh số; quản lý việc đặt hạn ngạch, mục tiêu và khả năng chốt deal của nhân viên.
- Quản lý quy trình bán hàng từ xa: Cho phép người dùng truy cập, quản lý data, gửi email cho khách hàng và chốt giao dịch mọi lúc mọi nơi.
Chi phí sử dụng: Hiện tại, monday Sales CRM có 4 gói giá, từ 12 đến 28 USD, cụ thể:
- Gói Basic từ 12 USD/tài khoản/tháng – Quản lý hoạt động bán hàng trong nhóm kinh doanh.
- Gói Standard từ 17 USD/tài khoản/tháng – Tự động hóa quy trình bán hàng và tương tác với người mua.
- Gói Pro từ 28 USD/tài khoản/tháng – Nhận thông tin chi tiết về toàn bộ chu kỳ bán hàng và dự báo kinh doanh.
- Gói Enterprise (giá liên hệ trực tiếp) – Quản lý toàn diện từ trước đến sau quá trình bán hàng.
5.12 Phần mềm CRM NetSuite
Phù hợp nhất với các doanh nghiệp thương mại điện tử quy mô lớn.
Chấm điểm: 8.2/10
Ưu điểm | Nhược điểm |
– Kết nối với ERP của NetSuite để nâng cao chức năng CRM, kế toán, quản lý đơn hàng, và theo dõi hàng tồn kho – Kết nối với nền tảng thương mại điện tử chuyên dụng của NetSuite, SuiteCommerce, trở thành lựa chọn CRM tuyệt vời cho các doanh nghiệp thương mại điện tử quy mô lớn | – Không thể hoạt động như một giải pháp CRM độc lập; yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký Oracle NetSuite – Có thể gây khó khăn cho những doanh nghiệp chưa từng sử dụng ERP |
NetSuite CRM là một giải pháp quản lý quan hệ khách hàng ERP trực thuộc bộ phần mềm kinh doanh của Oracle. Phần mềm có khả năng tự động hóa hoạt động bán hàng, chiến dịch tiếp thị, báo cáo, quản lý và dự báo đối tác cho doanh nghiệp. Ngoài ra, nó còn cung cấp module CPQ (cấu hình, định giá và báo giá).
Tính năng nổi bật:
- Tự động hóa quy trình bán hàng: Từ quản lý cơ hội, bán thêm, báo giá đến dự báo bán hàng, quản lý đơn hàng và tính hoa hồng; cung cấp cho đội ngũ bán hàng cái nhìn sâu sắc về mọi khía cạnh của mối quan hệ khách hàng.
- Tự động hóa tiếp thị: Nhắm mục tiêu, thực hiện và đo lường kết quả của các chiến dịch tiếp thị; loại bỏ sự phức tạp trong việc xác định chất lượng và chuyển đổi khách hàng tiềm năng; đánh giá mức độ sẵn sàng chi trả của khách hàng.
- Quản lý dịch vụ khách hàng: Thiết lập và tự động hóa các quy trình tương tác với khách hàng.
- Quản lý quan hệ đối tác hoặc nhà phân phối: Quản lý quy trình tiếp thị và bán hàng của đối tác; dự báo doanh số, xử lý đơn hàng và hoa hồng của đại lý hoặc nhà phân phối.
- Truy cập trên điện thoại di động: Xem, nhập và cập nhật dữ liệu bán hàng và khách hàng trực tiếp từ máy tính bảng hoặc thiết bị di động.
- Báo cáo và phân tích: Đánh giá hiệu suất bán hàng của cá nhân và đội nhóm; đo lường sự hài lòng của khách hàng; kiểm tra số liệu thu hút, tương tác và chuyển đổi của từng chiến dịch tiếp thị.
Chi phí sử dụng: Để sử dụng giải pháp NetSuite CRM, doanh nghiệp cần trả phí bản quyền theo hình thức giấy phép hàng năm. Chi phí của giấy phép này được định giá theo 3 tiêu chí: nền tảng cốt lõi (Core platform), các phân hệ và số lượng người dùng.
Ngoài ra, NetSuite CRM còn tính giá theo module, nghĩa là doanh nghiệp chỉ cần chi trả cho những gì mình cần. Để nhận báo giá phù hợp với nhu cầu, doanh nghiệp cần liên hệ trực tiếp với NetSuite.
6. Quản lý quy trình xử lý hợp đồng và theo dõi thanh toán – Bước kế tiếp của quản lý quan hệ khách hàng
6.1 Quy trình xử lý hợp đồng và theo dõi thanh toán là gì? Bao gồm những bước nào?
Quy trình xử lý hợp đồng và theo dõi thanh toán diễn ra ngay sau khi khách hàng đã đồng ý và quyết định mua sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp. Quy trình này thường bao gồm việc thống nhất các điều khoản trong hợp đồng mua bán (cung cấp dịch vụ) và tiến hành thanh toán.
Cụ thể, quy trình xử lý hợp đồng và thanh toán gồm các bước như sau:
1 – Bộ phận kinh doanh xây dựng và soạn thảo hợp đồng.
2 – Bộ phận kế toán tiếp nhận thông tin, kiểm tra điều khoản thanh toán theo thông tin đã được phê duyệt bởi trưởng phòng kinh doanh. Sau khi đã xác nhận, kế toán viên chuyển tiếp hợp đồng đến bộ phận pháp chế.
3 – Bộ phận pháp chế tiếp nhận hợp đồng và thực hiện việc xử lý điều khoản.
4 – Sau khi các bên đã thống nhất về điều khoản hợp đồng, bộ phận pháp chế sẽ chuyển hợp đồng đi in và trình ký..
5 – Phòng hành chính sẽ chuyển hợp đồng bản cứng cho khách hàng, đồng thời điền thông tin trên hệ thống chuyển phát để bộ phận kinh doanh có thể theo dõi mã vận đơn.
6 – Bộ phận kinh doanh sẽ theo dõi tình trạng của hợp đồng và xác nhận thông tin với khách hàng (người nhận). Khi khách hàng gửi lại hợp đồng đã được ký, bộ phận kinh doanh sẽ chuyển nó lại cho bộ phận kế toán.
7 – Bộ phận kế toán tiến hành lưu trữ hợp đồng và xác nhận khách hàng thanh toán lần 1. Sau đó, hợp đồng sẽ được chuyển đến bộ phận kinh doanh để bàn giao việc triển khai.
8 – Bộ phận kinh doanh chuyển các thông tin và yêu cầu của khách hàng đến bộ phận Thiết kế – Kỹ thuật để họ bắt đầu triển khai dự án.
9 – Bộ phận kế toán sẽ theo dõi tình trạng thanh toán lần 2 của khách hàng, cũng như thông báo đến bộ phận kinh doanh nếu quá hạn thanh toán. Sau khi khách hàng hoàn tất thanh toán, bộ phận kế toán sẽ xuất hoá đơn cho khách.
6.2 Thiết lập quy trình xử lý hợp đồng và theo dõi thanh toán một cách khoa học với Base Workflow
Quy trình này vốn dĩ rất phức tạp, mà chỉ cần một chút sai sót cũng có thể khiến các bước phải lặp lại từ đầu – vừa lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp, vừa đánh mất cơ hội nhanh chóng có được doanh thu!
Lời khuyên dành cho doanh nghiệp: Nếu bạn đã đầu tư phần mềm CRM cho bộ phận Sale để quản lý quan hệ khách hàng tốt nhất, thì cũng nên bổ sung thêm phần mềm quản lý quy trình vào bước kế tiếp – để quy trình xử lý hợp đồng và thanh toán được diễn ra suôn sẻ ở tất cả các phòng ban.
Gợi ý tham khảo: Base Workflow là nền tảng quản lý và tự động hóa quy trình nghiệp vụ trong doanh nghiệp 4.0. Với hệ thống này, doanh nghiệp có thể chuẩn hóa và vận hành hàng trăm quy trình nghiệp vụ khác nhau tại một nền tảng duy nhất.
Theo đó, doanh nghiệp sẽ thiết lập quy trình xử lý hợp đồng và theo dõi thanh toán trên Base Workflow như sau:
Với quy trình trên, doanh nghiệp có thể theo dõi tổng quát tất cả các hợp đồng đang trong quá trình xử lý: hợp đồng nào đang chậm trễ, chậm trễ ở giai đoạn nào và thuộc trách nhiệm của ai hoặc bộ phận nào. Đồng thời, nhân sự của từng bộ phận cũng có thể nhanh chóng nhận biết các nhiệm vụ đang cần họ xử lý.
7. Kết luận
Trên đây là danh sách 12 phần mềm CRM nổi tiếng, được nhiều công ty trên toàn thế giới tin dùng. Để chọn được giải pháp CRM phù hợp, doanh nghiệp cần cân nhắc mục tiêu phát triển, nhu cầu cụ thể, quy mô và ngân sách của mình. Điều này sẽ giúp làm hài lòng khách hàng và quan trọng nhất là tăng trưởng doanh thu vượt bậc.