Tài chính có thể được xem là “huyết mạch” của mọi doanh nghiệp, bởi nó không chỉ là những con số trên bảng cân đối kế toán mà còn là “chiếc la bàn” định hướng phần lớn các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi vậy, chiến thắng chỉ thuộc về những doanh nghiệp hiểu được các biến động của tài chính doanh nghiệp để quản lý dòng tiền, đưa ra các quyết định tài chính và đảm bảo lợi nhuận tổng thể.
Bài viết này Base.vn sẽ đề cập đến tài chính doanh nghiệp là gì, bao gồm các hoạt động gì, các chỉ số quan trọng trong tài chính doanh nghiệp, và nhiều khía cạnh hữu ích khác.
Mục lục
Toggle1. Tài chính doanh nghiệp là gì?
Tài chính doanh nghiệp (Corporate Finance) là tất cả các hoạt động liên quan đến quản lý và điều hành các nguồn lực tài chính* của một doanh nghiệp để đạt được mục tiêu kinh doanh. Các hoạt động đó bao gồm việc thu thập, phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính, quản lý rủi ro tài chính, và báo cáo về tình hình tài chính của doanh nghiệp.
(*Nguồn lực tài chính là tập hợp các nguồn thu nhập và phương tiện tài chính mà doanh nghiệp có sẵn để quản lý và hỗ trợ hoạt động kinh doanh, bao gồm vốn chủ sở hữu, vay nợ, lợi nhuận, và các nguồn tài trợ khác).
Tài chính doanh nghiệp không chỉ nhìn nhận vấn đề từ góc độ số liệu, mà còn từ góc độ chiến lược và quản lý rủi ro. Bức tranh tổng quan đó đòi hỏi phải hiểu rõ thị trường để có những dự báo chính xác trước những biến động của môi trường kinh doanh.
2. Các hoạt động cơ bản trong tài chính doanh nghiệp
2.1 Huy động vốn
Huy động vốn là một trong những hoạt động tài chính quan trọng mà mọi doanh nghiệp cần thực hiện để đảm bảo nguồn lực tài chính đủ duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh.
Một trong những lựa chọn huy động vốn phổ biến là vay ngân hàng. Hoặc các doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn phát hành cổ phiếu mới thông qua thị trường chứng khoán hoặc phát hành trái phiếu để thu hút vốn từ những nhà đầu tư.
Ngoài những phương pháp truyền thống, các công ty cũng có thể tối ưu hóa quản lý lưu chuyển tiền nội bộ để giảm cần thiết phải huy động vốn từ bên ngoài. Cho thuê tài chính (leasing) hoặc bao thanh toán (factoring) cũng là các lựa chọn để nhanh chóng nhận nguồn vốn mà không phải chờ đợi đến thời điểm thu hồi đầy đủ.
Leasing là một chiến lược tài chính mà doanh nghiệp sử dụng để có được quyền sử dụng tài sản mà không cần phải mua nó. Doanh nghiệp trả một khoản phí thuê định kỳ cho chủ sở hữu tài sản (người cho thuê) để được sử dụng tài sản đó trong một khoảng thời gian cụ thể.
Bao thanh toán (factoring) là một chiến lược tài chính mà doanh nghiệp bán quyền sở hữu của các tài khoản phải thu của mình cho bên thứ ba với một mức chiết khấu.
2.2 Sử dụng vốn
Sau khi đã huy động vốn, sử dụng vốn như thế nào trong tài chính doanh nghiệp?
Cách sử dụng vốn phổ biến là đầu tư vào tài sản cố định, như máy móc, thiết bị và cơ sở hạ tầng, nhằm tạo ra năng lực sản xuất cho hoạt động kinh doanh. Đồng thời, vốn cũng được hướng vào mục tiêu mở rộng kinh doanh, bao gồm việc gia nhập vào các thị trường mới, tăng cường mạng lưới phân phối, và phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới.
Một mục đích quan trọng khác của sử dụng vốn là thanh toán nợ và tái cơ cấu nợ. Điều này giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính, đồng thời tái cơ cấu nợ có thể được thực hiện để giảm rủi ro và chi phí tài chính. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể điều chỉnh tỷ lệ giữa vốn chủ sở hữu và vốn vay để giảm chi phí vốn và tăng khả năng sinh lời.
Đồng thời, doanh nghiệp cần sử dụng vốn để duy trì các hoạt động hằng ngày như trả lương nhân sự, thanh toán hóa đơn, chi trả các chi phí vận hành,… giúp đảm bảo tính ổn định trong quá trình kinh doanh.
Một khía cạnh quan trọng khác của việc sử dụng vốn là trả cổ tức và mua lại cổ phiếu. Đây không chỉ là cách thể hiện sự hỗ trợ đối với cổ đông mà còn có thể làm tăng sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư, cũng là một chiến lược để tăng giá trị cổ phiếu còn lại trên thị trường.
2.3 Quản lý vốn
Có thể hiểu, quản lý vốn là sự phân loại vốn theo các mục tiêu cụ thể như đầu tư vào tài sản cố định, quản lý lưu chuyển tiền, và thanh toán nghĩa vụ tài chính.
Giả sử một công ty sản xuất đồ điện tử đang xem xét việc mở rộng dây chuyền sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường tăng cao. Để thực hiện dự án này, họ cần đầu tư vào máy móc, thiết bị mới, và một số yếu tố khác như nhân sự và quản lý. Hoạt động quản lý vốn cần đảm bảo rằng vốn được sử dụng một cách hiệu quả, ví dụ như chọn lựa máy móc có hiệu suất cao để tối ưu hóa sản xuất và giảm chi phí dài hạn.
Quản lý vốn đòi hỏi khả năng điều chỉnh chiến lược tài chính dựa trên biến động thị trường và mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp duy trì sự linh hoạt và sẵn sàng đối mặt với thách thức từ môi trường kinh doanh khốc liệt ngày nay.
2.4 Ra quyết định đầu tư tài chính
Quyết định đầu tư tài chính là quá trình chọn lựa và đầu tư vào các tài sản và dự án để tạo ra giá trị cho doanh nghiệp.
Để đảm bảo sự thành công của quyết định đầu tư, doanh nghiệp cần tiến hành một đánh giá kỹ lưỡng về rủi ro và thu nhập dự kiến của dự án, xác định nguồn vốn phù hợp, có thể là từ vốn tự có, vốn vay, hoặc hợp đồng đầu tư từ đối tác.
Trong đó, lập kế hoạch tài chính là một phần quan trọng của quyết định đầu tư tài chính, đòi hỏi doanh nghiệp xác định chi tiêu, thu nhập dự kiến và cách quản lý nguồn lực tài chính. Sau khi đầu tư, việc theo dõi hiệu suất của dự án và so sánh với kế hoạch là quan trọng để đánh giá lợi nhuận và đề xuất các điều chỉnh nếu cần.
2.5 Quản lý rủi ro tài chính
Quản lý rủi ro tài chính là quá trình đánh giá, kiểm soát và giảm thiểu các yếu tố rủi ro tài chính mà một tổ chức hoặc doanh nghiệp có thể phải đối mặt. Rủi ro tài chính bao gồm những biến động không mong muốn trong các yếu tố tài chính như thị trường, lãi suất, tỷ giá hối đoái, tình hình tín dụng, và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến hiệu suất tài chính và khả năng hoạt động của doanh nghiệp.
Để thực hiện quản lý rủi ro tài chính, doanh nghiệp thường bắt đầu bằng việc nhận diện các yếu tố rủi ro tiềm ẩn, bao gồm cả rủi ro nội bộ và rủi ro bên ngoài. Sau đó các rủi ro được phân loại thành các loại cụ thể như rủi ro hợp đồng, rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường,….
Tiếp theo, doanh nghiệp tiến hành đánh giá và đo lường các rủi ro để xác định mức độ tác động của chúng lên dòng tiền, lợi nhuận và cấu trúc vốn và ưu tiên quản lý. Từ đó, doanh nghiệp sẽ phát triển chiến lược quản lý rủi ro, có thể bao gồm việc sử dụng bảo hiểm, đàm phán hợp đồng, và sử dụng các công cụ tài chính như hợp đồng quyền chọn và hợp đồng tương lai.
(Hợp đồng quyền chọn là thỏa thuận mà người mua có quyền, nhưng không phải nghĩa vụ, mua hoặc bán một tài sản cơ bản tại một giá xác định.
Hợp đồng tương lai là cam kết giữa hai bên để mua hoặc bán một lượng cố định của một tài sản cơ bản tại một thời điểm trong tương lai với giá đã đặt trước.)
2.6 Lập báo cáo tài chính
Lập báo cáo tài chính là quá trình thu thập, phân loại, và tổng hợp thông tin liên quan đến về tình hình tài chính của một tổ chức, doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định.
Quá trình lập báo cáo tài chính thường bao gồm việc tạo ra 3 báo cáo chính.
- Bảng cân đối kế toán hiển thị tình hình tài chính của doanh nghiệp tại một điểm cụ thể, bao gồm thông tin về tài sản, nợ và vốn chủ sở hữu.
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là một thành phần khác, tập trung vào việc mô tả các luồng tiền mặt từ hoạt động kinh doanh, đầu tư và tài chính.
- Bảng lợi nhuận và lỗ lãi cung cấp thông tin chi tiết về hiệu suất tài chính, bao gồm doanh thu, chi phí và lợi nhuận hoặc lỗ lãi ròng trong một khoảng thời gian nhất định.
Lập báo cáo tài chính không chỉ là một yếu tố quan trọng về mặt pháp lý mà còn là một công cụ quan trọng giúp các bên liên quan, như cổ đông, nhà đầu tư và quản lý hiểu rõ về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Ngoài ra, thông tin từ báo cáo tài chính cũng hỗ trợ quá trình ra quyết định chiến lược và quản lý tài chính một cách hiệu quả.
Đọc thêm: Phân tích báo cáo tài chính: Hướng dẫn cách làm và các lưu ý quan trọng
3. Vai trò của tài chính doanh nghiệp
3.1 Đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động của doanh nghiệp
Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của tài chính doanh nghiệp là huy động vốn từ các nguồn khác nhau như vốn tự có, vốn vay từ ngân hàng, trái phiếu. Qua đó, công ty có nguồn lực cần thiết để thực hiện các dự án và duy trì hoạt động kinh doanh.
Việc huy động vốn không chỉ cung cấp nguồn vốn mà còn tạo ra một liên kết tài chính giữa doanh nghiệp và các nhà đầu tư trên thị trường. Sự minh bạch và tin tưởng này giúp duy trì mối quan hệ tích cực với thị trường và giữ vững giá trị cổ phiếu.
3.2 Tối đa hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp
Đúng với tên gọi “tài chính”, mục tiêu sinh ra quản lý tài chính là để tối ưu lợi nhuận. Thông qua việc lập kế hoạch tài chính chi tiết, tài chính đưa ra mục tiêu cụ thể về lợi nhuận, đồng thời đánh giá và quản lý rủi ro tài chính để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đối với lợi nhuận.
Giả sử doanh nghiệp đang xem xét việc đầu tư vào công nghệ mới, lúc này tài chính sẽ giúp nhà lãnh đạo đưa ra quyết định thông minh. Cụ thể, kế hoạch tài chính sẽ chứng minh tính khả thi của dự án, hỗ trợ việc quyết định huy động vốn thông qua vốn tự có và vốn vay. Điều này giúp doanh nghiệp triển khai dự án một cách hiệu quả và tối đa hóa lợi nhuận trong thị trường ngày một cạnh tranh khốc liệt.
3.3 Giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp
Bộ phận tài chính thường xuyên đối mặt với nhiều yếu tố không chắc chắn như biến động lãi suất, tỷ giá hối đoái, chi phí nguyên liệu,… Để giảm thiểu tác động tiêu cực của những yếu tố này, tài chính thường xuyên áp dụng các chiến lược như đa dạng hóa nguồn thu nhập và đầu tư, giảm thiểu rủi ro bằng cách phân phối rủi ro vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này có thể bảo vệ doanh nghiệp khỏi tác động mạnh mẽ của biến động không lường trước được trong một lĩnh vực cụ thể.
4. Các chỉ số quan trọng trong tài chính doanh nghiệp
4.1 Tỷ suất lợi nhuận
Tỷ suất lợi nhuận đo lường khả năng sinh lời của doanh nghiệp và hiệu suất của nó trong việc chuyển đổi doanh số bán hàng thành lợi nhuận, bao gồm: tỷ suất lợi nhuận gộp (Gross Profit Margin), tỷ suất lợi nhuận ròng (Net Profit Margin) và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (Return on Equity).
Chỉ số này giúp doanh nghiệp hiểu về mức độ lợi nhuận và khả năng sinh lời của hoạt động kinh doanh, từ đó đưa ra quyết định điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
4.2 Chỉ số thanh khoản
Chỉ số thanh khoản, hay Liquidity ratio, là một nhóm chỉ số tài chính được sử dụng để đánh giá khả năng của doanh nghiệp thanh toán nhanh chóng các nghĩa vụ tài chính. Một số chỉ số thanh khoản phổ biến có thể kể đến như Current Ratio (Tỷ lệ thanh toán ngắn hạn), Quick Ratio (Tỷ lệ thanh toán nhanh) và Cash Ratio (Tỷ lệ tiền mặt). Dưới đây là cách tính ba chỉ số này:
Current Ratio = Tài sản ngắn hạn / Nợ ngắn hạn
Nếu chỉ số này lớn hơn 1, điều đó cho thấy rằng doanh nghiệp có khả năng thanh toán nghĩa vụ ngắn hạn của mình.
Quick Ratio = (Tài sản ngắn hạn – Hàng tồn kho) / Nợ ngắn hạn
Nếu giá trị tỷ số thanh toán nhanh cao, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng thanh toán tức thời các khoản nợ ngắn hạn. Ngược lại, nếu giá trị này thấp đồng nghĩa với việc tài sản có tính thanh khoản cao của công ty đang ở mức thấp và doanh nghiệp sẽ khó có thể thanh toán nhanh được các khoản nợ ngắn hạn.
Công thức tỷ lệ tiền mặt có thể được viết bằng tổng tiền và các khoản tương đương tiền chia cho tổng nợ ngắn hạn.
Cash Ratio = Vốn bằng tiền / Nợ phải trả ngắn hạn
Một Cash Ratio lớn hơn 1 cho thấy doanh nghiệp có khả năng thanh toán nghĩa vụ ngắn hạn của mình chỉ bằng tiền mặt và tương đương tiền mặt. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng mức độ thanh khoản cao cũng có thể chỉ ra việc doanh nghiệp không đầu tư hiệu quả vào tài sản hay không tận dụng được các cơ hội đầu tư khác. Do đó, việc đánh giá Cash Ratio cần được kết hợp với các yếu tố khác trong bức tranh tài chính tổng thể của doanh nghiệp.
4.3 Chỉ số vòng quay hàng tồn kho
Chỉ số vòng quay hàng tồn đo lường hiệu suất quản lý hàng tồn kho của doanh nghiệp, cho biết tốc độ quay hàng tồn kho trong một khoảng thời gian cụ thể, giúp doanh nghiệp đảm bảo rằng không gian lưu trữ không bị lãng phí và hàng tồn kho được quản lý hiệu quả.
Chỉ số vòng quay hàng tồn kho được tính bằng tỷ lệ giá vốn hàng bán chia cho bình quân giá trị hàng tồn kho.
Chỉ số vòng quay hàng tồn kho = Giá vốn hàng bán / Bình quân giá trị hàng tồn kho
4.4 Chỉ số vòng quay khoản phải thu
Chỉ số vòng quay khoản phải thu (Receivables Turnover Ratio), là một chỉ số tài chính đo lường khả năng quản lý và thu hồi nhanh chóng các khoản phải thu của doanh nghiệp. Chỉ số này thường được sử dụng để đánh giá hiệu suất quản lý tín dụng và quản lý nợ của doanh nghiệp.
Chỉ số vòng quay khoản phải thu được tính bằng cách chia tổng doanh thu cho trung bình cộng của số phải thu trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu kết quả thu được giá trị cao thì chỉ số tích cực, vì nó cho thấy doanh nghiệp có khả năng quản lý và thu hồi nhanh chóng các khoản phải thu.
Chỉ số vòng quay khoản phải thu = Tổng doanh thu / Trung bình cộng của số phải thu
5. Tại sao tài chính doanh nghiệp cần được quản trị một cách khoa học?
Sự hiểu biết vững chắc về tài chính doanh nghiệp là rất quan trọng với bất kỳ chủ doanh nghiệp nào. Quản trị tài chính khoa học cho phép các doanh nghiệp trụ vững trong thời kỳ kinh tế khó khăn và tận dụng tối đa các cơ hội tăng trưởng nhằm thúc đẩy lợi nhuận và thành công lâu dài.
Lấy ví dụ, một công ty hiểu rõ nhu cầu về dòng tiền của mình và có sẵn ngân sách vững chắc mới có thể đưa ra quyết định sáng suốt về việc thuê nhân viên mới, đầu tư vào thiết bị mới hoặc mở rộng sang các thị trường mới. Nếu không có sự quản trị tài chính phù hợp, công ty có thể gặp khó khăn trong việc đưa ra những quyết định này và cuối cùng có thể thất bại.
Trong thời kỳ khó khăn tài chính, việc có một chuyên gia tài chính tận tâm hoặc một công cụ nền tảng hỗ trợ toàn diện sẽ là những “cánh tay đắc lực” giúp doanh nghiệp đối mặt với thách thức và đưa ra các giải pháp tài chính hiệu quả.
Điều này đặt ra một áp lực lớn cho doanh nghiệp khi cần đẩy nhanh quá trình hoàn thiện bức tranh tài chính doanh nghiệp, bao gồm việc tái cấu trúc kế hoạch tài chính, xem xét lại chiến lược đầu tư, và thậm chí là tìm kiếm các nền tảng quản trị tài chính phù hợp để kịp thích nghi và phát triển.
6. Về Base Finance+ – Bộ giải pháp quản trị tài chính doanh nghiệp 4.0
Trong khi áp lực có thể là thách thức, nhưng nó cũng tạo đà cho sự sáng tạo và đổi mới trong quản lý tài chính. Việc hành động linh hoạt và thông minh trong giai đoạn khó khăn có thể giúp doanh nghiệp định vị mình mạnh mẽ hơn và sẵn sàng cho những cơ hội tương lai.
Dẫu biết “đổi mới để tốt lên mỗi ngày”, nhưng đổi mới trong tài chính doanh nghiệp như thế nào? Base Finance+ sẽ hỗ trợ cho ý tưởng đổi mới của bạn.
Base Finance+ là bộ giải pháp quản trị tài chính thời gian thực đầu tiên tại Việt Nam, gồm 4 ứng dụng chuyên biệt tập trung giải quyết 4 bài toán tài chính lớn nhất trong doanh nghiệp:
- Base Finance: Quản trị tài chính theo các lát cắt
- Base Income: Quản lý doanh thu và dòng tiền vào
- Base Expense: Quản lý chi phí và dòng tiền ra
- Base BankFeeds: Quản lý tiền mặt tự động
Điều đặc biệt của bộ giải pháp này là khả năng tập trung dữ liệu từ các nền tảng báo cáo về một hệ thống dashboard chung duy nhất, bổ sung thêm các tùy chỉnh phục vụ nhu cầu chuyên sâu về tài chính, đồng thời kết nối real-time giữa hoạt động giao dịch-vận hành và hoạt động quản trị.
Có thể nói, với sự hỗ trợ của Base Finance+, doanh nghiệp không chỉ làm chủ trong quá khứ và hiện tại, mà còn có thể xây dựng kế hoạch tài chính cho tương lai, lường trước các kịch bản có thể gặp phải để sẵn sàng ra quyết định.
Để nhận tư vấn 1-1 và Demo trải nghiệm tính năng Bộ giải pháp quản trị tài chính Base Finance+, bạn có thể đăng ký ngay tại đây.