Base Blog

Chiến lược giá là gì? Cách xây dựng và xác định giá sản phẩm

Chiến lược giá

Bạn có biết rằng giá cả không chỉ đơn thuần là con số mà còn là một công cụ marketing mạnh mẽ? Chiến lược giá được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại của một sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp. Vậy làm thế nào để định giá sản phẩm một cách hợp lý và thu hút khách hàng? Bài viết dưới đây Base Blog sẽ giúp bạn khám phá cách xây dựng và xác định chiến lược giá hiệu quả cho sản phẩm.

1. Chiến lược giá là gì?

1.1 Khái niệm

Chiến lược giá hay Pricing Strategy là chiến lược hay chiến thuật mà doanh nghiệp sử dụng để xác định giá cho một sản phẩm/dịch vụ nào đó. Qua đó, tổ chức có thể đạt được các mục tiêu về Marketing như tăng thị phần, tăng doanh thu, tăng lợi nhuận hoặc tối đa hóa giá trị của thương hiệu.

Chiến lược định giá sản phẩm bị chi phối bởi khá nhiều yếu tố trong doanh nghiệp, ví dụ như mục tiêu về doanh số, mục tiêu Marketing, định vị doanh nghiệp. Ngoài ra, nó cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như nhu cầu tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh hoặc xu hướng thị trường.

Chiến lược giá là gì?

1.2 So sánh sự khác nhau giữa chiến lược giá & phương pháp định giá

Nhiều người thường cho rằng chiến lược giáphương pháp định giá là một. Tuy nhiên hai khái niệm này có một số điểm khác biệt như sau:

Tiêu chíChiến lược giáPhương pháp định giá
Khái niệmLà chiến lược sử dụng giá thành sản phẩm để đạt được mục tiêu cụ thể.Phương pháp tính giá sản phẩm, dịch vụ để đạt được mục tiêu theo chiến lược đã đề ra.
Thời gianSử dụng trong trung hạn và dài hạn.Thời gian ngắn, có thể là một thời điểm nhất định.
Mục tiêuTùy theo mục tiêu của doanh nghiệp, có thể là chiếm thị phần, tăng doanh thu, tối ưu Marketing…Đưa ra được mức giá cụ thể, hợp lý cho từng sản phẩm/dịch vụ.
Các yếu tố ảnh hưởngXu hướng thị trường, khu vực, địa lý, phân khúc khách hàng, thời điểm ra mắt sản phẩm…Chi phí sản xuất, chất lượng, tính năng, giá trị thương hiệu, đối thủ, xu hướng thị trường…

2. Vì sao chiến lược giá quan trọng đối với doanh nghiệp?

2.1 Chiến lược giá tốt giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi

Giá cả là yếu tố quan trọng và là yếu tố đầu tiên khách hàng quan tâm, xem xét khi ra quyết định mua hàng. Nếu sản phẩm có mức giá hợp lý, hấp dẫn sẽ thu hút họ và khuyến khích họ trả tiền. Nếu khách hàng thấy giá cả phù hợp hoặc thấp hơn so với giá trị sản phẩm, họ thường có xu hướng mua hàng ngay. Ngược lại, một mức giá quá cao có thể khiến khách hàng ngần ngại và bỏ qua sản phẩm.

Chính vì vậy nếu xây dựng được một chiến lược giá hợp lý, doanh nghiệp có thể thu hút nhiều khách hàng, tăng tỷ lệ chuyển đổi và tăng doanh thu bán hàng.

2.2 Tăng lợi thế cạnh tranh

Giá cả có thể được sử dụng như một công cụ để phân biệt sản phẩm của bạn với đối thủ cạnh tranh. Thực tế bạn không cần đặt một mức giá quá thấp so với đối thủ để tăng sự cạnh tranh. Bạn hoàn toàn có thể đặt giá cao hơn để tạo dựng hình ảnh cao cấp cho sản phẩm của thương hiệu.

Ngoài ra, một chính sách giá tốt sẽ giúp thu hút khách hàng mới, mở rộng thị trường, tăng thị phần cho doanh nghiệp. Bạn cũng có thể sử dụng mức giá cạnh tranh để giữ chân khách hàng hiện tại, tăng, tăng lòng trung thành bằng cách tổ chức các chương trình khuyến mại, các mã giảm giá….

2.3 Phản ánh giá trị thương hiệu

Giá cả cao không chỉ là một con số mà còn là thước đo giá trị mà khách hàng nhận được. Khi một sản phẩm được định giá cao, khách hàng kỳ vọng sẽ có một trải nghiệm mua sắm hoàn hảo, từ thiết kế tinh tế, chất lượng hoàn hảo cho đến dịch vụ chăm sóc khách hàng chu đáo. Việc đáp ứng và vượt quá những kỳ vọng này giúp củng cố niềm tin của khách hàng vào thương hiệu, tạo ra một lợi thế cạnh tranh bền vững.

Việc định giá cao cũng giúp củng cố hình ảnh thương hiệu, tạo ra một phân khúc khách hàng trung thành và sẵn sàng trả giá cao hơn để sở hữu những sản phẩm độc đáo.

Vì sao chiến lược giá lại quan trọng với doanh nghiệp

2.4 Tăng lòng trung thành của khách hàng với doanh nghiệp

Để xây dựng một thương hiệu mạnh, việc thiết lập một mối quan hệ hài hòa giữa giá và giá trị là vô cùng quan trọng. Khi khách hàng cảm nhận được rằng sản phẩm/ dịch vụ mà họ nhận được xứng đáng với số tiền bỏ ra, họ sẽ có xu hướng đánh giá cao thương hiệu và sẵn sàng trở thành khách hàng trung thành. 

Ngược lại, nếu giá cả không tương xứng với chất lượng, khách hàng sẽ cảm thấy bị “lừa dối” và sẽ không còn tin tưởng vào thương hiệu nữa.

Đọc thêm: Chiến lược là gì? 6 bước xây dựng và quản trị chiến lược hiệu quả

3. Các yếu tố ảnh hưởng đến chiến lược giá

3.1 Yếu tố bên trong (nội tại doanh nghiệp)

Chiến lược giá sẽ bị chi phối bởi các yếu tố bên trong doanh nghiệp như:

Chi phí sản xuất và vận hành: Các loại chi phí như chi phí nhà xưởng, tiền lương nhân viên,  chi phí biến đổi (nguyên liệu, vận chuyển) ảnh hưởng trực tiếp đến mức giá tối thiểu mà doanh nghiệp có thể đặt ra để đảm bảo lợi nhuận. Nếu chi phí sản xuất cao, doanh nghiệp buộc phải tăng giá để bù đắp chi phí, trong khi chi phí thấp có thể giúp duy trì giá cả cạnh tranh hơn.

Chiến lược định vị thương hiệu: Chiến lược giá cần phải phù hợp với định vị thương hiệu. Nếu doanh nghiệp muốn định vị sản phẩm như hàng cao cấp, mức giá cao là cần thiết để tạo cảm giác sang trọng. Ngược lại, các thương hiệu nhắm đến phân khúc khách hàng nhạy cảm với giá sẽ phải chọn chiến lược giá thấp để thu hút khách hàng.

Chiến lược kinh doanh định hướng mục tiêu: Chiến lược kinh doanh xác định rõ mục tiêu mà doanh nghiệp muốn đạt được, có thể là tăng trưởng doanh thu, nâng cao thị phần, xây dựng thương hiệu cao cấp, hay tối đa hóa lợi nhuận. Mỗi mục tiêu này sẽ yêu cầu một chiến lược giá khác nhau.

Chu kỳ sống của sản phẩm: Tùy vào giai đoạn trong chu kỳ sống của sản phẩm, ví dụ như: Giới thiệu, tăng trưởng, bão hòa, suy thoái… mà chiến lược giá thay đổi. Ở giai đoạn giới thiệu, giá thường cao hơn do ít cạnh tranh, nhưng khi sản phẩm bước vào giai đoạn bão hòa, giá có thể giảm để duy trì thị phần.

Phân phối và kênh bán hàng: Các kênh phân phối khác nhau (online, offline, bán trực tiếp) có chi phí và nhu cầu khác nhau, từ đó ảnh hưởng đến mức giá. Ngoài ra, chi phí vận chuyển và phân phối cũng là một phần quan trọng khi tính toán giá cuối cùng cho khách hàng.

3.2 Yếu tố bên ngoài

Đây là các yếu tố đến từ bên ngoài, doanh nghiệp không thể kiểm soát trực tiếp nhưng nó ảnh hưởng lớn đến việc định giá.

Giá trị cảm nhận từ khách hàng: Giá trị cảm nhận là mức độ khách hàng tin rằng sản phẩm hay dịch vụ đáng với số tiền mà họ bỏ ra. Nếu sản phẩm mang lại giá trị cao hơn cho khách hàng so với đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp có thể định giá cao hơn. Ngược lại, nếu giá trị cảm nhận thấp thì cần điều chỉnh giá xuống hoặc tăng cường chiến lược tiếp thị để nâng cao giá trị cảm nhận.

Đối thủ cạnh tranh: Chiến lược giá của đối thủ có thể ảnh hưởng đến mức giá doanh nghiệp đặt ra để duy trì lợi thế cạnh tranh. Do vậy, xem xét giá của đối thủ trước khi lên chiến lược giá là rất quan trọng.

Nhu cầu thị trường: Nếu sản phẩm không có nhiều lựa chọn thay thế (cầu không co giãn), doanh nghiệp có thể đặt giá cao hơn mà không lo sụt giảm về nhu cầu. Ngược lại, nếu cầu co giãn (nhiều lựa chọn thay thế), việc tăng giá có thể dẫn đến mất khách hàng.

Điều kiện kinh tế và quy định pháp lý: Tình hình kinh tế như lạm phát, suy thoái, hoặc tình trạng thu nhập của người tiêu dùng ảnh hưởng lớn đến khả năng chi tiêu của họ và do đó, chiến lược giá cần linh hoạt. Bên cạnh đó, quy định của nhà nước về giá cả, thuế quan, hoặc các quy định kiểm soát giá cũng là yếu tố quan trọng.

Xu hướng và công nghệ: Công nghệ mới có thể giúp cắt giảm chi phí sản xuất hoặc tạo ra các sản phẩm sáng tạo, cho phép doanh nghiệp linh hoạt hơn trong định giá.

Các yếu tố ảnh hưởng đến chiến lược giá

4. 10+ chiến lược định giá sản phẩm và ví dụ cụ thể

4.1 Chiến lược giá thâm nhập thị trường

Chiến lược giá thâm nhập thị trường là cách doanh nghiệp định giá sản phẩm hoặc dịch vụ ở mức thấp hơn so với giá thị trường ngay khi ra mắt. Mục tiêu của chiến lược này là nhanh chóng thu hút khách hàng, giành được thị phần lớn, và tạo dựng sự hiện diện mạnh mẽ trên thị trường. Khi đã có được số lượng khách hàng lớn và đạt được mục tiêu về thị phần, doanh nghiệp có thể dần dần tăng giá sản phẩm để cải thiện lợi nhuận.

Ví dụ: Hãng điện thoại Xiaomi

Khi Xiaomi bước chân vào thị trường smartphone, họ đã sử dụng chiến lược giá thâm nhập bằng cách tung ra các sản phẩm với cấu hình mạnh nhưng giá rất thấp so với các thương hiệu lớn như Apple, Samsung. Điều này giúp Xiaomi nhanh chóng thu hút được một lượng lớn khách hàng, đặc biệt là ở các thị trường đang phát triển như Ấn Độ và Trung Quốc. Sau khi chiếm được thị phần lớn, Xiaomi dần dần tăng giá ở các dòng sản phẩm cao cấp hơn nhưng vẫn giữ được một phần lớn khách hàng trung thành.

4.2 Chiến lược giá hớt váng

Chiến lược giá hớt váng là cách doanh nghiệp đặt mức giá cao cho sản phẩm hoặc dịch vụ mới khi ra mắt trên thị trường. Sau đó, khi nhu cầu từ nhóm khách hàng sẵn sàng chi trả cao đã giảm dần, doanh nghiệp sẽ dần dần hạ giá để tiếp cận các phân khúc khách hàng nhạy cảm về giá hơn. Mục tiêu của chiến lược này là “hớt váng” lợi nhuận từ những khách hàng sẵn sàng trả nhiều tiền để sở hữu sản phẩm đầu tiên.

Ví dụ: iPhone của Apple

Apple là một ví dụ điển hình sử dụng chiến lược giá hớt váng. Khi ra mắt một mẫu iPhone mới, Apple thường định giá sản phẩm ở mức rất cao, thu hút những người tiêu dùng trung thành và sẵn sàng trả giá cao. Sau một thời gian, Apple bắt đầu giảm giá mẫu cũ hơn hoặc đưa ra các mẫu iPhone với giá thấp hơn để tiếp cận nhóm khách hàng phổ thông. 

4.3 Chiến lược định giá sản phẩm

Đây là chiến lược định giá trong đó doanh nghiệp xác định các mức giá khác nhau cho từng sản phẩm trong một dòng sản phẩm, dựa trên tính năng, chất lượng hoặc phân khúc khách hàng. Mục tiêu của chiến lược này là tối đa hóa lợi nhuận cho cả dòng sản phẩm bằng cách cung cấp nhiều lựa chọn với giá khác nhau, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Ví dụ: Toyota

Toyota cung cấp nhiều dòng xe từ phân khúc bình dân như Toyota Vios đến phân khúc cao cấp như Toyota Land Cruiser. Mỗi dòng xe có các tính năng, hiệu suất và giá thành khác nhau. Khách hàng có thể chọn mẫu xe phù hợp với ngân sách và nhu cầu sử dụng, trong khi Toyota có thể bao phủ toàn bộ phân khúc thị trường từ bình dân đến cao cấp.

4.4 Chiến lược giá theo combo

Với chiến lược này, doanh nghiệp gộp nhiều sản phẩm hoặc dịch vụ lại thành một gói (combo) và bán với giá thấp hơn so với tổng giá trị từng sản phẩm khi mua riêng lẻ. Mục tiêu là tăng cường doanh số, khuyến khích khách hàng mua nhiều sản phẩm hơn và tăng giá trị tổng thể cho khách hàng.

Ví dụ: MCDonald’s

McDonald’s là một ví dụ điển hình về chiến lược giá theo combo. Thay vì mua riêng từng món như hamburger, khoai tây chiên, và nước ngọt, khách hàng có thể mua một “bữa ăn combo” bao gồm tất cả những sản phẩm này với mức giá thấp hơn so với việc mua từng món riêng lẻ. Điều này vừa giúp McDonald’s bán được nhiều sản phẩm cùng lúc, vừa tăng doanh số cho các món ăn đi kèm.

4.5 Chiến lược giá tâm lý

Đây là chiến lược định giá dựa trên tâm lý người tiêu dùng, với mục tiêu làm cho sản phẩm hoặc dịch vụ có vẻ rẻ hơn hoặc đắt hơn trong mắt khách hàng, từ đó khuyến khích họ mua hàng. Chiến lược này tận dụng các yếu tố tâm lý để ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của họ, khiến họ cảm thấy giá cả hợp lý hoặc được hưởng lợi nhiều hơn.

Ví dụ: Giá bán các sản phẩm tại siêu thị

Hầu hết các cửa hàng và siêu thị thường sử dụng giá kết thúc bằng số 9, ví dụ như giá của một món hàng là 99.000 VND thay vì 100.000 VND. Tâm lý khách hàng thường nhìn vào con số đầu tiên (99) và cảm thấy giá rẻ hơn, mặc dù chênh lệch chỉ là 1.000 VND.

4.6 Chiến lược giá cạnh tranh

Chiến lược giá cạnh tranh là chiến lược định giá dựa trên mức giá của đối thủ cạnh tranh. Công ty sẽ đặt giá sản phẩm hoặc dịch vụ tương đương, cao hơn, hoặc thấp hơn so với đối thủ tùy theo mục tiêu. Mục đích của chiến lược này là duy trì sức cạnh tranh trên thị trường, thu hút khách hàng bằng giá cả hợp lý, và gia tăng thị phần.

Ví dụ: Hãng Vietjet

Các hãng hàng không giá rẻ như Vietjet Air thường định giá vé thấp hơn các hãng hàng không truyền thống như Vietnam Airlines. Vietjet áp dụng chiến lược giá thấp hơn để thu hút khách hàng nhạy cảm về giá và muốn tiết kiệm chi phí di chuyển. Điều này giúp họ cạnh tranh mạnh mẽ với các hãng hàng không lớn hơn.

4.7 Chiến lược giá theo phân khúc

Với chiến lược này, doanh nghiệp xác định các mức giá khác nhau cho cùng một sản phẩm hoặc dịch vụ, dựa trên từng phân khúc khách hàng khác nhau. Điều này cho phép doanh nghiệp tối ưu hóa lợi nhuận bằng cách khai thác sự khác biệt về khả năng chi trả, nhu cầu và giá trị cảm nhận của các nhóm khách hàng. Các phân khúc khách hàng có thể được phân chia theo các tiêu chí như địa lý, nhân khẩu học, hành vi, hoặc tâm lý.

Ví dụ: CGV Cinemas

CGV Cinemas và nhiều rạp chiếu phim khác sử dụng chiến lược giá theo phân khúc bằng cách cung cấp giá vé khác nhau cho các nhóm khách hàng khác nhau. Ví dụ, họ có giá vé ưu đãi cho học sinh, sinh viên, hoặc người lớn tuổi, trong khi người đi làm trả mức giá tiêu chuẩn. Ngoài ra, giá vé còn thay đổi dựa trên thời gian trong ngày (giá vé buổi sáng thường rẻ hơn buổi tối), giúp tối ưu hóa doanh thu từ các phân khúc khác nhau.

4.8 Chiến lược giá khuyến mãi

Khi áp dụng chiến lược này, doanh nghiệp tạm thời giảm giá sản phẩm hoặc dịch vụ nhằm thu hút khách hàng, gia tăng doanh số, hoặc quảng bá sản phẩm trong một khoảng thời gian nhất định. Mục tiêu của chiến lược giá khuyến mãi là tạo ra sự hứng thú từ khách hàng, khuyến khích họ mua sản phẩm nhanh chóng và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ.

Ví dụ: Tại các cửa hàng đồ ăn nhanh KFC, Lotteria…

Các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh như KFC hoặc Lotteria thường áp dụng chương trình khuyến mãi Mua 1 Tặng 1 trong các ngày đặc biệt hoặc dịp kỷ niệm. Ví dụ, trong chương trình khuyến mãi này, khi khách hàng mua một phần gà rán, họ sẽ được tặng thêm một phần tương tự. 

4.9 Chiến lược giá theo khu vực địa lý

Chiến lược giá theo khu vực địa lý là cách doanh nghiệp điều chỉnh giá bán của sản phẩm hoặc dịch vụ dựa trên vị trí địa lý của khách hàng. Sự điều chỉnh giá này có thể phụ thuộc vào các yếu tố như chi phí vận chuyển, mức độ cạnh tranh tại từng khu vực, mức thu nhập trung bình của người dân, hoặc thậm chí là các yếu tố văn hóa và chính sách thuế khác nhau ở mỗi vùng.

Ví dụ: Chi phí giao hàng

Các trang web thương mại điện tử như Shopee hoặc Tiki thường điều chỉnh phí giao hàng dựa trên khu vực địa lý của người mua. Ở những khu vực xa trung tâm, chi phí vận chuyển sẽ cao hơn so với các khu vực gần kho hàng hoặc các thành phố lớn.

4.10 Chiến lược giá động

Đây là chiến lược trong đó giá sản phẩm hoặc dịch vụ thay đổi liên tục, dựa trên các yếu tố như nhu cầu của khách hàng, thời điểm mua hàng, điều kiện thị trường, hoặc mức độ cạnh tranh. Giá động thường được áp dụng trong các ngành mà nhu cầu biến động mạnh mẽ và thay đổi theo thời gian thực, như ngành hàng không, khách sạn, hoặc bán lẻ trực tuyến.

Ví dụ: Các hãng taxi công nghệ

Grab và Be hoặc XanhSM là các ví dụ điển hình sử dụng chiến lược giá động. Giá cước dịch vụ gọi xe thường thay đổi theo thời gian trong ngày, mật độ giao thông, thời tiết, và nhu cầu của khách hàng. Vào giờ cao điểm hoặc khi có mưa lớn, giá cước sẽ tăng cao hơn bình thường do nhu cầu tăng đột biến.

Các chiến lược giá

Đọc thêm: Mô hình 5 áp lực cạnh tranh: Giải nghĩa, Phân tích và Ví dụ cụ thể

5. Cách xác định chiến lược giá sản phẩm trong doanh nghiệp

Trước khi xây dựng được một chiến lược giá phù hợp cho sản phẩm, doanh nghiệp cần:

Xác định được mục tiêu Marketing: Trước khi xây dựng chiến lược giá, doanh nghiệp cần làm rõ mục tiêu marketing của mình. Mục tiêu này có thể bao gồm việc gia tăng thị phần, tăng doanh thu, xây dựng thương hiệu, hoặc đẩy mạnh sự trung thành của khách hàng. Mỗi mục tiêu marketing sẽ yêu cầu một chiến lược giá khác nhau. 

Đánh giá tệp khách hàng: Việc thu thập thông tin, hành vi mua sắm, và giá trị cảm nhận của khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp xác định khả năng chi trả của họ. Nếu tệp khách hàng của doanh nghiệp là những người tiêu dùng có thu nhập cao, họ có thể sẵn lòng trả giá cao hơn cho sản phẩm chất lượng hoặc thương hiệu có uy tín. Ngược lại, với nhóm khách hàng có thu nhập thấp, giá cả cạnh tranh và hợp lý sẽ là yếu tố quyết định.

Nhận định xu hướng Marketing: Doanh nghiệp cần nắm bắt các thay đổi trong xu hướng tiêu dùng, công nghệ, và nhu cầu của thị trường. Ví dụ, nếu xu hướng hiện nay là tiêu dùng bền vững và xanh, doanh nghiệp có thể định giá cao hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường. 

Thu thập những phản hồi từ khách hàng: Thông tin phản hồi từ khách hàng là nguồn dữ liệu quan trọng giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về sự chấp nhận của thị trường đối với mức giá của sản phẩm. Các khảo sát, đánh giá hoặc nghiên cứu thị trường có thể cung cấp thông tin về việc khách hàng cảm thấy mức giá hiện tại có phù hợp với giá trị sản phẩm hay không. 

Đánh giá ưu điểm của từng chiến lược giá: Mỗi chiến lược giá đều có ưu điểm và nhược điểm riêng, doanh nghiệp cần cân nhắc giữa việc thu hút khách hàng mới, duy trì lợi nhuận và xây dựng thương hiệu để lựa chọn chiến lược giá tối ưu.

Cách xác định chiến lược giá

6. Các bước xây dựng chiến lược giá cho sản phẩm

Bước 1: Nghiên cứu thị trường

Trước tiên bạn cần tìm hiểu về quy mô thị trường, nhu cầu khách hàng mục tiêu cũng như mức độ cạnh tranh trong ngành hàng này. Khi phân tích thị trường bạn có thể trả lời những câu hỏi như:

  • Thị trường của bạn đang ở giai đoạn nào (mới hình thành, tăng trưởng, bão hòa)?
  • Kích thước thị trường, tốc độ tăng trưởng, xu hướng phát triển ra sao?

Sau đó bạn nghiên cứu và phân tích đối thủ bằng cách: Xem xét giá cả, chiến lược tiếp thị và các điểm mạnh, điểm yếu của họ. Điều này giúp bạn hiểu rõ về vị trí sản phẩm của mình trên thị trường và xác định cách cạnh tranh hiệu quả.

Bước 2: Xác định chi phí

Để có một chiến lược giá hiệu quả, bạn cần xác định rõ tất cả các chi phí liên quan đến sản phẩm, bao gồm:

  • Chi phí sản xuất như nguyên vật liệu, nhân công, năng lượng,…
  • Chi phí marketing như quảng cáo, khuyến mãi, xây dựng thương hiệu,…
  • Chi phí phân phối như vận chuyển, lưu kho,…
  • Thuế phải trả.

Việc xác định chính xác chi phí sẽ giúp bạn đảm bảo rằng mức giá bạn đưa ra đủ để bù đắp chi phí và tạo ra lợi nhuận.

Bước 3: Lựa chọn chiến lược giá

Như đã thông tin ở phần trên, có khá nhiều chiến lược định giá cho một sản phẩm. Tuy nhiên mục tiêu kinh doanh mà doanh nghiệp có thể chọn chiến lược giá phù hợp nhất.

Với sản phẩm mới ra mắt bạn cũng hoàn toàn có thể kết hợp nhiều chiến lược định giá khác nhau, miễn là nó phù hợp phù hợp và bạn nhận thấy những giá trị nó mang lại.

Bước 4: Thử nghiệm và điều chỉnh

Sau khi đã xác định được mức giá ban đầu, doanh nghiệp nên áp dụng giá mới trên một nhóm nhỏ khách hàng hoặc thị trường thử nghiệm để đánh giá phản ứng. Có thể thực hiện A/B testing để so sánh hiệu quả giữa các mức giá khác nhau.

Dựa trên phản hồi từ thị trường thử nghiệm, bạn có thể điều chỉnh giá sao cho phù hợp với nhu cầu và hành vi mua sắm của khách hàng.

Bước 5: Theo dõi và đánh giá

Việc theo dõi và đánh giá hiệu quả của chiến lược giá là rất quan trọng. Bạn cần theo dõi các chỉ số như:

  • Doanh số bán hàng: Có tăng hay giảm so với mục tiêu?
  • Lợi nhuận: Có đạt được mức lợi nhuận mong muốn?
  • Phản hồi của khách hàng: Khách hàng có hài lòng với mức giá hiện tại?

Dựa vào các chỉ số này, bạn có thể đánh giá hiệu quả của chiến lược giá và đưa ra những điều chỉnh cần thiết. Lưu ý rằng, chiến lược giá cần được xem xét và điều chỉnh thường xuyên để đảm bảo phù hợp với các thay đổi trong thị trường, đối thủ cạnh tranh, và chi phí sản xuất.

Đọc thêm: Bản đồ chiến lược (strategy map): Mô hình tư duy chiến lược cho nhà lãnh đạo

7. Kết luận

Chiến lược giá đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của doanh nghiệp. Việc xác định và áp dụng một chiến lược giá phù hợp đòi hỏi doanh nghiệp phải hiểu rõ về thị trường, khách hàng, đối thủ cạnh tranh và các yếu tố nội tại của doanh nghiệp. Định giá sản phẩm hiệu quả không chỉ giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu doanh số và lợi nhuận mà còn góp phần xây dựng hình ảnh thương hiệu và tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững.

Đừng quên chia sẻ bài viết hữu ích này nhé!

Nhận tư vấn miễn phí

Nhận tư vấn miễn phí từ các Chuyên gia Chuyển đổi số của chúng tôi

"Bật mí" cách để bạn tăng tốc độ vận hành, tạo đà tăng trưởng cho doanh nghiệp của mình với nền tảng quản trị toàn diện Base.vn

  • Trải nghiệm demo các ứng dụng chuyên sâu được "đo ni đóng giày" phù hợp nhất với bạn.
  • Hỗ trợ giải quyết các bài toán quản trị cho doanh nghiệp ở mọi quy mô & từng lĩnh vực cụ thể.
  • Giải đáp các câu hỏi, làm rõ thắc mắc của bạn về triển khai, go-live, sử dụng và support

Đăng ký Demo

This will close in 2000 seconds

Zalo