Base Blog

Ma trận IFE là gì? Phân tích yếu tố nội tại của doanh nghiệp

Ma trận IFE

Để đạt được thành công trong kinh doanh, doanh nghiệp cần không chỉ nắm bắt cơ hội từ môi trường bên ngoài mà còn phải hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu nội tại. Ma trận IFE là công cụ đắc lực giúp các nhà quản lý đánh giá toàn diện các yếu tố bên trong doanh nghiệp, giúp lãnh đạo có những quyết định kinh doanh đúng đắn nhất. 

Cùng Base.vn tìm hiểu chi tiết ma trận IFE là gì, cách xây dựng và áp dụng hiệu quả trong doanh nghiệp qua bài viết dưới đây.

1. Ma trận IFE là gì?

1.1 Khái niệm

Ma trận IFE (Internal Factor Evaluation Matrix) là một công cụ phân tích chiến lược dùng để đánh giá các yếu tố nội tại (gồm điểm mạnh và điểm yếu) ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Ma trận này giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về những yếu tố bên trong tổ chức để từ đó xây dựng chiến lược phù hợp nhằm tối ưu lợi thế cạnh tranh cũng như khắc phục các điểm yếu.

Ma trận IFE được giáo sư Fred R.David giới thiệu trong cuốn sách Quản trị chiến lược do chính ông là tác giả. Theo ông, ma trận IFE cùng ma trận EFE đều được dùng để nắm bắt thông tin thu thập được trong quá trình phân tích các yếu tố bên trong và bên ngoài của doanh nghiệp. Qua đó, tổ chức có thể lên được kế hoạch để tối ưu hoạt động kinh doanh.

1.2 Các yếu tố chính của ma trận IFE

Ma trận IFE gồm 5 yếu tố chính, cụ thể như sau:

  • Các nhân tố chính bên trong: Đây là các yếu tố nội bộ ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức, gồm điểm mạnh và điểm yếu trong doanh nghiệp.
  • Trọng số (Weight): Chỉ số này cho biết tầm quan trọng của mỗi yếu tố đối với sự thành công của tổ chức và thường nằm trong khoảng từ 0.0 – 1.0.
  • Xếp hạng (Rating): Đánh giá mức độ phản ứng của tổ chức với mỗi yếu tố và được chấm trên thang điểm từ 1 đến 4.
  • Điểm trọng số (Weighted Score): Chỉ số này được tính bằng cách nhân Trọng số với Xếp hạng, thể hiện sức mạnh nội tại chung của tổ chức.
  • Biến số (Variable): Đây là chỉ số cụ thể để định lượng hoặc định tính từng yếu tố như: Doanh thu bán hàng, sự hài lòng của khách hàng….)
Ma trận IFE

2. Lợi ích khi doanh nghiệp ứng dụng ma trận IFE 

2.1 Đánh giá toàn diện các yếu tố nội tại của doanh nghiệp

Khi ứng dụng ma trận IFE, doanh nghiệp có thể xác định các lợi thế cạnh tranh như công nghệ, nguồn lực nhân sự, quy trình sản xuất, hoặc thương hiệu. Bên cạnh đó, lãnh đạo cũng đánh giá được các vấn đề nội tại như chi phí cao, thiếu năng lực quản lý, hoặc hệ thống vận hành chưa hiệu quả… Từ đó có kế hoạch tối ưu hoạt động kinh doanh, tận dụng được cơ hội để giúp doanh nghiệp phát triển hơn.

2.2 Tối ưu nguồn lực cho doanh nghiệp

Ma trận IFE giúp doanh nghiệp hiểu được tầm quan trọng của từng yếu tố và phân bổ nguồn lực một cách hợp lý. Những yếu tố nội bộ có trọng số cao cần được đầu tư nhiều hơn để gia tăng lợi thế cạnh tranh và ngược lại.

Nhờ việc xác định những yếu tố không mang lại giá trị cao, doanh nghiệp có thể loại bỏ hoặc giảm thiểu đầu tư vào các hoạt động không hiệu quả. Điều này giúp tiết kiệm chi phí và cải thiện hiệu suất sử dụng nguồn lực.

2.3 Là cơ sở để doanh nghiệp xây dựng các chiến lược hiệu quả

Từ các điểm mạnh được phát hiện, doanh nghiệp có thể tận dụng để mở rộng thị trường, tăng cường mối quan hệ khách hàng hoặc phát triển sản phẩm mới. Bên cạnh đó, các điểm yếu được phân tích kỹ lưỡng để tìm ra biện pháp khắc phục kịp thời, giảm thiểu nguy cơ tác động xấu đến hiệu quả hoạt động.

Chiến lược được xây dựng từ ma trận IFE sẽ có tính thực tiễn cao hơn, bám sát vào năng lực thực tế của doanh nghiệp.

2.4 Giúp ban lãnh đạo ra quyết định kinh doanh chính xác hơn

Ma trận IFE sử dụng các trọng số và điểm số để lượng hóa mức độ quan trọng và hiệu quả của từng yếu tố nội tại, giúp các nhà quản lý có cơ sở rõ ràng hơn trong việc ra quyết định. Những yếu tố có trọng số và điểm số cao sẽ được ưu tiên trong kế hoạch hành động, giúp doanh nghiệp tập trung vào những việc quan trọng nhất trước.

Việc ra quyết định dựa trên dữ liệu từ ma trận giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro từ những quyết định cảm tính.

2.5 Nâng cao lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường

Ứng dụng ma trận IFE giúp doanh nghiệp có thể tập trung phát triển các năng lực lõi, ví dụ như cải thiện sản phẩm, dịch vụ, hoặc trải nghiệm khách hàng, để tạo ra lợi thế cạnh tranh dài hạn. Khi các yếu tố nội bộ được tối ưu hóa, doanh nghiệp sẽ có nền tảng vững chắc để phát triển mạnh mẽ hơn trong môi trường cạnh tranh.

Đọc thêm: Ma trận GE là gì? Công cụ phân tích chiến lược cho doanh nghiệp

3. Các bước xây dựng ma trận IFE trong doanh nghiệp

Bước 1: Xác định các nhân tố then chốt

Ở bước này doanh nghiệp sẽ liệt kê tất cả các yếu tố nội bộ có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm cả điểm mạnh và điểm yếu. Ví dụ:

  • Điểm mạnh: Thương hiệu mạnh, đội ngũ nhân viên chất lượng cao, công nghệ sản xuất tiên tiến, hệ thống phân phối rộng khắp,…
  • Điểm yếu: Sản phẩm thiếu đa dạng, quy trình quản lý còn hạn chế, tài chính chưa ổn định,…

Khi đã liệt kê xong bạn có thể phân loại các yếu tố theo các chức năng quản lý như: Marketing, sản xuất, tài chính, nhân sự,… để dễ dàng đánh giá và đưa ra so sánh phù hợp.

Bước 2: Đánh giá trọng số

Bước này bạn gán trọng số cho từng yếu tố dựa trên mức độ ảnh hưởng của nó đến sự thành công của doanh nghiệp. Trọng số thường được biểu diễn dưới dạng số thập phân từ 0 đến 1, với tổng trọng số của tất cả các yếu tố bằng 1.

Doanh nghiệp có thể tham khảo và sử dụng các phương pháp như:

  • Đánh giá chuyên gia: Nhờ các chuyên gia trong doanh nghiệp đánh giá mức độ quan trọng của từng yếu tố.
  • Phương pháp Delphi: Thu thập ý kiến của nhiều chuyên gia, sau đó tiến hành nhiều vòng đánh giá để đạt được sự đồng thuận.
  • Phương pháp điểm số: Gán điểm cho từng yếu tố dựa trên một thang điểm nhất định.

Bước 3: Xếp hạng (Rating)

Trước tiên bạn gán điểm cho mỗi yếu tố theo thang điểm từ 1 đến X, thường là 1 đến 4. 

  • 1: Rất yếu
  • 2: Yếu
  • 3: Mạnh
  • 4: Rất mạnh

Phần trọng số được xác định dựa trên ngành nghề, tình hình cụ thể của từng công ty. Bạn sẽ đánh giá mức độ mạnh hoặc yếu của từng yếu tố so với các đối thủ cạnh tranh hoặc so với mục tiêu đã đề ra.

Bước 4: Tính toán điểm số

Để tính điểm bạn nhân trọng số của từng yếu tố với xếp hạng tương ứng để tính được điểm số cho yếu tố đó, công thức cụ thể như sau:

Điểm trọng số = Trọng số x Xếp hạng

Ngoài ra, bạn tính tổng điểm của tất cả các yếu tố để có được điểm số tổng thể của doanh nghiệp.

Bước 5: Tổng hợp và phân tích điểm số

Dựa vào điểm số của từng yếu tố để xác định các điểm mạnh và điểm yếu chính của doanh nghiệp. Bạn cũng cần so sánh điểm số của doanh nghiệp với điểm số của các đối thủ cạnh tranh để đánh giá vị thế cạnh tranh.

Cuối cùng, hãy sử dụng kết quả của ma trận IFE để xây dựng các chiến lược nhằm tận dụng điểm mạnh, khắc phục điểm yếu và đạt được mục tiêu kinh doanh.

Các bước xây dựng Ma trận IFE

4. Kết quả của ma trận IFE cho biết điều gì? Ví dụ chi tiết

Ma trận IFE giúp phản ánh toàn diện sức mạnh nội tại của doanh nghiệp. Điểm số có trọng số dao động từ 1.0 đến 4.0, cho biết mức độ mạnh yếu của doanh nghiệp so với đối thủ và so với mục tiêu đã đề ra.

  • Điểm số dưới 2.5: Cho thấy doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về nội tại, cần có những cải thiện mạnh mẽ để duy trì và phát triển.
  • Điểm số trên 2.5: Thể hiện doanh nghiệp có nhiều lợi thế cạnh tranh, tuy nhiên vẫn cần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động.

Dưới đây là ví dụ chi tiết để bạn có cái nhìn tổng quan.

Yếu tố nội bộTrọng số (Weight)Xếp hạng (Rating)Điểm trọng số (Weighted Score)
Điểm mạnh
1. Thương hiệu nổi tiếng0.2541.0
2. Hệ thống phân phối rộng khắp0.230.6
3. Đội ngũ nghiên cứu và phát triển sản phẩm tốt0.1540.6
Điểm yếu
1. Chi phí sản xuất cao0.220.4
2. Chiến lược marketing còn chưa thực sự tốt0.120.2
3. Tỷ lệ nghỉ việc của nhân sự cao0.110.1
Tổng cộng1.02.9

Tổng điểm trọng số là 2.9 (trên mức 2.5): Điều này cho thấy doanh nghiệp có nội lực khá mạnh, với nhiều lợi thế đáng kể như thương hiệu và hệ thống phân phối.

Tuy nhiên có một số vấn đề cần cải thiện như:

  • Chi phí sản xuất cao (0.4): Công ty cần xem xét tối ưu hóa quy trình sản xuất hoặc tìm nguồn nguyên liệu chi phí thấp hơn.
  • Tỷ lệ nghỉ việc cao (0.1): Đây là một điểm yếu lớn, cần được giải quyết thông qua các chính sách nhân sự tốt hơn, như cải thiện phúc lợi hoặc tạo cơ hội thăng tiến rõ ràng.

Tìm hiểu ma trận IFE của Vinamilk – thương hiệu sữa hàng đầu Việt Nam

Vinamilk là thương hiệu sữa hàng đầu Việt Nam, hãy cùng phân tích xem sức mạnh nội tại của doanh nghiệp này như thế nào nhé!

(Lưu ý, số liệu chỉ mang tính chất tham khảo vì chúng tôi không thể chắc chắn 100% về các yếu tố, trọng số của một thương hiệu thứ 3).

Yếu tố nội bộTrọng số (Weight)Xếp hạng (Rating)Điểm trọng số (Weighted Score)
Điểm mạnh
1. Thương hiệu Vinamilk lâu đời và uy tín hàng đầu tại Việt Nam0.2541.0
2. Hệ thống phân phối sản phẩm rộng khắp cả nước và quốc tế0.240.8
3. Quy trình sản xuất sản phẩm hiện đại, đạt chuẩn quốc tế0.1530.45
4. Danh mục sản phẩm đa dạng0.1540.6
Điểm yếu
1. Chi phí nguyên liệu phụ thuộc nhập khẩu0.1520.3
2. Cạnh tranh khốc liệt0.0530.15
3. Chưa mạnh trong sản phẩm thay thế từ thực vật0.0520.1
Tổng cộng1.03.4

Phân tích chi tiết kết quả

Tổng điểm trọng số: 3.4 (cao hơn ngưỡng 2.5) cho thấy Vinamilk đang có nền tảng nội lực rất mạnh.

Một số điểm nổi bật từ các yếu tố

  • Thương hiệu lâu đời và uy tín giúp Vinamilk duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành sữa tại Việt Nam và gia tăng niềm tin của người tiêu dùng.
  •  Với mạng lưới phân phối mạnh mẽ trong và ngoài nước, Vinamilk dễ dàng tiếp cận mọi phân khúc khách hàng.
  • Danh mục sản phẩm đa dạng giúp công ty đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng và giảm thiểu rủi ro từ phụ thuộc vào một dòng sản phẩm duy nhất.

Những điểm yếu cần khắc phục

  • Chi phí nguyên liệu phụ thuộc vào nhập khẩu
  • Cạnh tranh khốc liệt:, đặc biệt từ các thương hiệu quốc tế (Nestle, Abbott) và nội địa (TH True Milk).
  • Sản phẩm thay thế từ thực vật chưa mạnh, xu hướng tiêu dùng xanh và sản phẩm plant-based đang tăng mạnh.

Hành động tiếp theo

  • Tận dụng điểm mạnh: Sử dụng thương hiệu uy tín để mở rộng sang các thị trường quốc tế tiềm năng, đặc biệt là Đông Nam Á, đa dạng hóa hơn nữa các sản phẩm cao cấp (organic, dành cho người ăn kiêng).
  • Khắc phục điểm yếu: Tăng cường đầu tư vào công nghệ và nghiên cứu sản phẩm mới, nhất là sản phẩm xanh, bền vững, hợp tác chiến lược với các nhà cung cấp trong nước để giảm phụ thuộc nhập khẩu.
  • Phát triển chiến lược lâu dài: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý chuỗi cung ứng và chăm sóc khách hàng và xây dựng hệ thống truyền thông để tăng nhận thức về xu hướng sản phẩm thay thế từ thực vật.

5. Một vài hạn chế của ma trận IFE

Mặc dù có nhiều lợi ích đối với doanh nghiệp, song ma trận IFE còn tồn tại một số hạn chế như:

  • Phụ thuộc vào sự chủ quan trong đánh giá: Các yếu tố trọng số (Weight) và xếp hạng (Rating) đều được quyết định dựa trên ý kiến của người tham gia, dẫn đến sự thiên vị hoặc đánh giá thiếu chính xác.
  • Khó xác định đầy đủ các yếu tố then chốt: Doanh nghiệp có thể bỏ sót hoặc không phân tích sâu một số yếu tố quan trọng vì thiếu dữ liệu hoặc nhận thức chưa đầy đủ.
  • Không phản ánh được yếu tố bên ngoài: Ma trận IFE chỉ tập trung vào các yếu tố nội bộ, bỏ qua tác động của môi trường bên ngoài (cạnh tranh, xu hướng thị trường, chính sách).

6. Kết luận

Trên đây là một số thông tin về ma trận IFE bạn có thể tham khảo và ứng dụng trong doanh nghiệp. Môi trường kinh doanh luôn thay đổi, vì vậy việc xây dựng ma trận IFE chỉ là bước đầu. Doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật và điều chỉnh ma trận để phản ánh những thay đổi trong nội bộ tổ chức. Điều này giúp đảm bảo rằng chiến lược của doanh nghiệp luôn phù hợp với tình hình thực tế.

Đừng quên chia sẻ bài viết hữu ích này nhé!

Nhận tư vấn miễn phí

Nhận tư vấn miễn phí từ các Chuyên gia Chuyển đổi số của chúng tôi

"Bật mí" cách để bạn tăng tốc độ vận hành, tạo đà tăng trưởng cho doanh nghiệp của mình với nền tảng quản trị toàn diện Base.vn

  • Trải nghiệm demo các ứng dụng chuyên sâu được "đo ni đóng giày" phù hợp nhất với bạn.
  • Hỗ trợ giải quyết các bài toán quản trị cho doanh nghiệp ở mọi quy mô & từng lĩnh vực cụ thể.
  • Giải đáp các câu hỏi, làm rõ thắc mắc của bạn về triển khai, go-live, sử dụng và support

Đăng ký Demo

This will close in 2000 seconds

Zalo phone