Base Blog

Mô hình PESTEL là gì? Giải mã 6 yếu tố của môi trường kinh doanh

Mô hình Pestel

Mô hình PESTEL được xem là một công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp phân tích và đánh giá các yếu tố của môi trường kinh doanh. Vậy, mô hình PESTEL thực chất là gì? Nó bao gồm các yếu tố nào? Một số ví dụ về mô hình PESTEL trong thực tế? Bài viết sau đây của Base Blog sẽ giúp doanh nghiệp giải đáp tất cả.

1. Mô hình PESTEL là gì?

1.1. Khái niệm

Mô hình PESTEL là một công cụ phân tích môi trường kinh doanh được các công ty, doanh nghiệp sử dụng trong quá trình quản lý chiến lược.

Tên gọi “PESTEL” xuất phát từ 6 chữ cái Tiếng Anh, tượng trưng cho 6 yếu tố của mô hình bao gồm: Chính trị (Political), Kinh tế (Economic), Xã hội (Social), Công nghệ (Technological), Môi trường (Environmental), và Pháp lý (Legal).

Thông qua mô hình này, doanh nghiệp có thể nhận định và đánh giá sự ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài đến hoạt động kinh doanh. Đây chính là nền tảng cho các quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển sản phẩm, cũng như thành công bền vững của doanh nghiệp.

Mô hình Pestel là gì?
Mô hình Pestel là gì?

1.2. Nguồn gốc của mô hình PESTEL

Vào năm 1967, trong cuốn sách “Scanning the Business Environment”, giáo sư Francis Aguilar từ Đại học Harvard đã giới thiệu một mô hình phân tích môi trường kinh doanh mang tên ETPS (Economic, Technical, Political, and Social).

Sau đó, trải qua nhiều điều chỉnh và cải tiến, mô hình ETPS dần trở nên hoàn thiện và mở rộng hơn. Đây chính là nguồn gốc hình thành của mô hình PESTEL ngày nay.

1.3. Ý nghĩa của mô hình PESTEL với doanh nghiệp

Đối với doanh nghiệp, mô hình PESTEL có ý nghĩa quan trọng trong việc định hình chiến lược và quản trị kinh doanh toàn diện. Cụ thể:

  • Lập kế hoạch kinh doanh phù hợp với biến động thị trường: Trong bối cảnh thị trường liên tục biến đổi và cạnh tranh cao, việc áp dụng mô hình PESTEL giúp doanh nghiệp nhận diện và thích ứng với những biến động này, cũng như dự tính các chiến lược kinh doanh ngắn hạn và dài hạn phù hợp nhất.
  • Xác định cơ hội và thách thức: Mô hình PESTEL cung cấp cho doanh nghiệp một góc nhìn từ tổng thể đến chi tiết các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, chẳng hạn như lạm phát, thiên tai, dịch bệnh,… Từ đó, nhà quản trị có thể xác định và triển khai các kế hoạch để tận dụng cơ hội hoặc giảm thiểu rủi ro.
  • Phát triển sản phẩm và dịch vụ: Mô hình PESTEL cung cấp cho các doanh nghiệp một cơ sở thông tin rộng lớn về ngành hàng mà họ tham gia. Từ đó, doanh nghiệp có thể đánh giá khả năng cạnh tranh của mình, phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng mục tiêu.
  • Tối ưu hóa hiệu quả marketing: Quá trình nghiên cứu và phân tích thị trường cũng như khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện các chiến lược marketing hiệu quả hơn. Điều này bao gồm việc đặt mục tiêu, xác định thông điệp và lựa chọn kênh truyền thông phù hợp với khách hàng mục tiêu.

2. 6 thành phần của mô hình PESTEL

Như chúng ta đã biết, mô hình PESTEL được cấu thành bởi 6 yếu tố: Political, Economic, Social, Technological, Environmental, và Legal. Cụ thể:

6 thành phần của mô hình PESTEL
6 thành phần của mô hình PESTEL

2.1. Political – Yếu tố Chính trị

Yếu tố Chính trị bao hàm những chính sách và quy định của Chính phủ và các tổ chức quốc tế, đó là:

  • Hệ thống chính trị và thể chế chính quyền của quốc gia
  • Các chính sách đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, chẳng hạn như giảm thuế, hạ lãi suất vay ngân hàng, cung cấp tài chính cho hoạt động nghiên cứu công nghệ
  • Các chính sách về quan hệ hợp tác thương mại giữa các quốc gia
  • Các chính sách bảo vệ môi trường, tài nguyên và khoáng sản

Ví dụ, một công ty phát triển ứng dụng di động cần phải tuân theo các quy định của Chính phủ về dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư của người dùng.

2.2. Economic – Yếu tố Kinh tế

Yếu tố Kinh tế đề cập đến tình hình kinh tế tổng quan của một quốc gia hoặc một khu vực. Các yếu tố này bao gồm:

  • Tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ giá hối đoái, chính sách tài khóa và bất động sản
  • Sự thay đổi trong hành vi mua sắm, tiêu dùng của người dân
  • Các biến động trong chuỗi cung ứng, chẳng hạn như nguồn cung ứng không ổn định hoặc giá nguyên liệu tăng đột biến

Ví dụ, một công ty sản xuất điện thoại phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt, và tốc độ đào thải nhanh chóng trong phân khúc thị trường.

2.3. Social – Yếu tố Xã hội

Yếu tố Xã hội liên quan đến khía cạnh văn hóa, xã hội và truyền thống của một quốc gia. Chúng có ảnh hưởng lớn đến sở thích và thói quen tiêu dùng của khách hàng.

  • Sự thay đổi trong thị hiếu và nhu cầu lựa chọn sản phẩm hoặc dịch vụ của khách hàng
  • Các yếu tố nhân khẩu học, bao gồm: tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn, thu nhập,…
  • Các yếu tố liên quan đến tôn giáo ở mỗi địa phương, vùng miền

Ví dụ, những năm gần đây, thay vì đến tận cửa hàng để mua các mặt hàng gia dụng, người dân có xu hướng xem review trực tuyến và đặt mua chúng trên các sàn thương mại điện tử nhiều hơn.

2.4. Technological – Yếu tố Công nghệ

Yếu tố Công nghệ thường đề cập đến những tiến bộ của khoa học và kỹ thuật có ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể:

  • Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of Things (IoT) hoặc thực tế ảo (VR) giúp doanh nghiệp có thêm ý tưởng phát triển sản phẩm mới, cũng như nâng cao trải nghiệm của khách hàng
  • Các công cụ, máy móc kỹ thuật cao, chẳng hạn như các thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu suất và giảm chi phí sản xuất
  • Các công nghệ được đối thủ ứng dụng đòi hỏi doanh nghiệp phải quan sát và theo dõi, từ đó đề ra chính sách ứng phó và nâng cao khả năng cạnh tranh của mình

Ví dụ, khi nhiều siêu thị bắt đầu áp dụng các phương thức thanh toán nhanh bằng quẹt thẻ hoặc quét mã, các siêu thị chưa áp dụng có thể bị coi là “lỗi thời”.

2.5 Environmental – Yếu tố Môi trường

Yếu tố Môi trường bao gồm các vấn đề về môi trường sống, hệ sinh thái ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến định hướng kinh doanh của doanh nghiệp.

  • Biến đổi khí hậu có tác động tiêu cực đến nhiều mặt của hoạt động sản xuất. Đó là tình trạng thiếu nguồn cung nguyên vật liệu, tăng chi phí vận hành, gián đoạn kênh phân phối,… khiến chất lượng sản phẩm giảm sút, doanh thu thâm hụt.
  • Việc sử dụng tài nguyên và năng lượng một cách có hiệu quả giúp doanh nghiệp giảm chi phí và hạn chế tác động đến môi trường. Sử dụng năng lượng sạch, tái chế tài nguyên là một số cách để doanh nghiệp hướng đến “công nghiệp xanh”.
  • Các quy định, chính sách bảo vệ môi trường cũng có ảnh hưởng nhất định đến sản xuất, kinh doanh. Đó là các quy định về mức độ xả thải, tiếng ồn, bức xạ,…

Ví dụ, nếu muốn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp nặng, công ty sẽ phải xây dựng hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn, và phải liên tục bảo trì, nâng cấp chúng trong quá trình hoạt động.

2.6. Legal – Yếu tố Pháp lý

Yếu tố Pháp lý không chỉ đảm bảo doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, phù hợp với các chuẩn mực đạo đức mà còn bảo vệ quyền lợi của chính doanh nghiệp. Cụ thể là một số quy định:

  • Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm
  • Luật bảo đảm an toàn và quyền lợi cho người lao động
  • Quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu bằng sáng chế hoặc các tài sản trí tuệ khác của doanh nghiệp
  • Quy định về sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp

Ví dụ, các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực F&B phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, ví dụ như phải có Giấy chứng nhận được cấp bởi cơ quan chức năng.

3. Một số biến thể của mô hình PESTEL

Trong một vài trường hợp, mô hình PESTEL có thể được điều chỉnh hoặc mở rộng phạm vi phân tích. Điều này tùy thuộc vào mục đích phân tích, ngành hàng hoặc lĩnh vực, đặc điểm và quy mô của mỗi doanh nghiệp.

Dưới đây là 4 biến thể phổ biến nhất của mô hình PESTEL.

3.1. Mô hình STEEPLE

Mô hình STEEPLE
Mô hình STEEPLE

Mô hình này chú trọng vào việc phân tích các yếu tố đạo đức và xã hội, bao gồm 7 yếu tố:

  • Xã hội / Nhân khẩu học (Social/Demographic)
  • Công nghệ (Technological)
  • Kinh tế (Economic)
  • Môi trường (Environmental)
  • Chính trị (Political)
  • Pháp lý (Legal)
  • Đạo đức (Ethical)

3.2. Mô hình PESTLIED

Mô hình PESTLIED
Mô hình PESTLIED

Mô hình này chú trọng vào việc phân tích các yếu tố của môi trường kinh doanh quốc tế, đặc biệt là yếu tố nhân khẩu học, bao gồm 8 yếu tố:

  • Chính trị (Political)
  • Kinh tế (Economic)
  • Xã hội (Social)
  • Công nghệ (Technological)
  • Pháp lý (Legal)
  • Quốc tế (International)
  • Môi trường (Environmental)
  • Nhân khẩu học (Demographic)

3.3. Mô hình SLEPT

Mô hình SLEPT
Mô hình SLEPT

Mô hình này chú trọng vào việc phân tích các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, bao gồm 5 yếu tố:

  • Xã hội (Social)
  • Pháp lý (Legal)
  • Kinh tế (Economic)
  • Chính trị (Political)
  • Công nghệ (Technological)

4. Quy trình 4 bước phân tích mô hình PESTEL

Quy trình 4 bước phân tích mô hình PESTEL

Bước 1: Xác định và phân tích các yếu tố PESTEL

Đầu tiên, doanh nghiệp cần xác định 6 yếu tố từ môi trường bên ngoài có ảnh hưởng đến lĩnh vực hoặc hoạt động của doanh nghiệp. Các yếu tố này bao gồm: Chính trị, Kinh tế, Xã hội, Công nghệ, Môi trường và Pháp lý.

Bước 2: Tìm kiếm, thu thập và tổng hợp thông tin

Ở bước này, doanh nghiệp sẽ tiến hành thu thập tất cả các thông tin liên quan đến 6 yếu tố của môi trường vĩ mô. Một số nguồn để thu thập thông tin bao gồm: báo cáo nội bộ, tin tức báo đài, dữ liệu nghiên cứu thị trường, và một số nguồn thông tin trực tuyến khác.

Quan trọng hơn hết, để có được “bức tranh” toàn diện và chính xác về môi trường kinh doanh, việc thu thập và tổng hợp thông tin cần đảm bảo tính khách quan và minh bạch.

Bước 3: Đánh giá và phân tích sự ảnh hưởng của các yếu tố

Sau khi tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, doanh nghiệp sẽ tiếp tục với bước đánh giá tác động của mỗi yếu tố PESTEL. Cụ thể:

  • Doanh nghiệp cần nhận định mức độ quan trọng và tầm ảnh hưởng của mỗi yếu tố đối với hoạt động kinh doanh của mình. Hãy xem xét xem yếu tố nào tạo ra cơ hội, yếu tố nào mang lại rủi ro. Điều này giúp doanh nghiệp biết được nên ưu tiên giải quyết vấn đề gì trong quản trị chiến lược kinh doanh.
  • Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần đánh giá sự tác động lẫn nhau giữa các yếu tố. Ví dụ, việc ứng dụng rộng rãi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể làm thay đổi cơ cấu việc làm, từ đó khiến cho thu nhập của người lao động giảm, họ cũng sẽ thắt chặt chi tiêu hơn.

Bước 4: Báo cáo kết quả phân tích mô hình PESTEL

Ở bước này, doanh nghiệp sẽ biên soạn một báo cáo chi tiết cho quá trình phân tích mô hình PESTEL. Báo cáo có thể được thể hiện dưới dạng biểu đồ với đầy đủ các số liệu và hình ảnh minh họa. Yêu cầu đối với một báo cáo phân tích PESTEL đó là phải cụ thể, chính xác và dễ hiểu.

Dựa trên những thông tin quan trọng nhất của báo cáo, nhà quản trị sẽ đề ra các chiến lược nhằm tận dụng thời cơ hay đối phó thách thức. Các chiến lược này cần được đề xuất một cách cẩn trọng, phù hợp với sự ảnh hưởng của mỗi yếu tố PESTEL đối với doanh nghiệp.

5. Ví dụ mẫu: Phân tích mô hình PESTEL của nhà hàng

5.1. Các yếu tố PESTEL trong kinh doanh nhà hàng

Kết quả phân tích sơ bộ các yếu tố PESTEL trong thời điểm hiện tại như sau: 

Yếu tố Chính trị:

  • Chính sách thuế nhập khẩu nguyên liệu có thể khiến chi phí hoạt động của nhà hàng tăng lên, lợi nhuận có nguy cơ giảm xuống 

Yếu tố Kinh tế:

  • Tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, thu nhập của người dân không dư dả như trước, khiến khả năng tiêu dùng giảm
  • Sự biến động giá cả của nguồn cung nguyên liệu và chi phí lao động ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận của nhà hàng

Yếu tố Xã hội:

  • Thực khách có xu hướng thay đổi trong sở thích ăn uống, nhận thức về ăn uống lành mạnh đang tăng lên

Yếu tố Công nghệ:

  • Dịch vụ đặt hàng trực tuyến và qua ứng dụng di động đang phát triển mạnh mẽ, nếu muốn thu hút thực khách trẻ tuổi và tăng trải nghiệm khách hàng, nhà hàng cần nhanh chóng thức thời với công nghệ
  • Các nhà hàng đang ngày càng ứng dụng nhiều giải pháp quản trị vận hành để xây dựng môi trường làm việc hiện đại và giải pháp quản trị nhân sự để tạo ra nền tảng con người cho chiến lược phát triển bền vững

Yếu tố Môi trường:

  • Các chính sách bảo vệ môi trường đang thay đổi tư duy kinh doanh của nhiều nhà hàng, điển hình là việc sử dụng bao bì thực phẩm hoặc dụng cụ ăn uống bằng vật liệu thân thiện với môi trường

Yếu tố Pháp lý:

  • Nhà hàng cần tuân thủ các quy định về quản lý lao động và tính công lương, để tránh rủi ro pháp lý và đảm bảo sự hài lòng của nhân viên
  • Các quy định về đăng ký kinh doanh, thuế, an toàn thực phẩm, an toàn lao động đều chi phối trực tiếp đến lĩnh vực kinh doanh nhà hàng

5.2. Bài học rút ra cho nhà hàng

Phân tích PESTEL giúp các nhà hàng hiểu rõ hơn về môi trường kinh doanh, từ đó dự báo cơ hội, thách thức và cải thiện chiến lược kinh doanh ngắn hạn và dài hạn. 

Nhanh chóng nắm bắt cơ hội mới: Xu hướng ẩm thực lành mạnh có thể mở ra cơ hội kinh doanh những sản phẩm thuần chay, thu hút thêm khách hàng mới hoặc giữ chân khách hàng cũ tốt hơn. Hoặc đơn giản hơn, nhà hàng có thể cải thiện các món ăn cũ: sử dụng nguyên liệu hữu cơ, chứa ít dầu mỡ và có lợi cho sức khỏe. 

Có phương án đối phó thách thức: Trước tình trạng chi phí tăng do giá nhập khẩu nguyên vật liệu tăng, nhà hàng có thể đề xuất phương án tìm nguồn cung ứng khác, hoặc tối ưu các chi phí vận hành khác để “bù” vào. Khi hiểu rằng khả năng chi trả của thực khách thấp hơn, nhà hàng có thể điều chỉnh giá cả thấp hơn theo cho phù hợp . 

Cải thiện tình trạng kinh doanh hiện tại: Bằng việc phân tích PESTEL, nhà hàng có thể hiểu rõ hơn về sở thích và kỳ vọng của từng tệp khách hàng, từ đó có hành động phù hợp để đáp ứng tốt hơn. Nếu khách hàng mục tiêu là những người có thu nhập khá, nhà hàng nên tập trung thu hút họ bằng menu chất lượng cao hơn. Nếu khách hàng mục tiêu có thu nhập ở mức trung bình, giá cả hợp túi tiền sẽ là một tiêu chí quan trọng.

Thích nghi với sự phát triển của công nghệ: Công nghệ đang dần thay đổi hành vi của khách hàng. Để vừa cải thiện được trải nghiệm của thực khách vừa duy trì được năng lực cạnh tranh, ngoài việc phục vụ món ăn tại chỗ, nhà hàng sẽ cần xây dựng một website hoặc ứng dụng gọi đồ ăn. Đồng thời, nhà hàng cũng cần lựa chọn triển khai một nền tảng quản trị toàn diện để số hoá các luồng quy trình, công việc, quản lý con người nội bộ. 

5. Ưu nhược điểm của mô hình PESTEL

Ưu nhược điểm của Mô hình Pestel

5.1. Ưu điểm

  • Dễ sử dụng và dễ hiểu: Mô hình PESTEL không đòi hỏi kiến thức hay chuyên môn sâu trong các lĩnh vực kinh tế. Vì vậy, bất kỳ ai cũng có thể sử dụng mô hình này để phân tích môi trường kinh doanh.
  • Cung cấp cái nhìn toàn diện: Mô hình PESTEL bao hàm nhiều yếu tố khác nhau của môi trường vĩ mô. Do đó, nó cung cấp cho doanh nghiệp một cách nhìn toàn diện về những cơ hội và rủi ro.
  • Tối ưu quá trình ra quyết định: Mô hình PESTEL giúp doanh nghiệp ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn, là tiền đề để xây dựng các kế hoạch kinh doanh phù hợp với những tình huống trong tương lai.
  • Tăng cường năng lực cạnh tranh: Nhờ việc hiểu rõ hơn về thị trường, đối thủ và khách hàng, doanh nghiệp có thể phát triển các sản phẩm hoặc dịch vụ mang tính cạnh tranh hơn.

5.2 Nhược điểm

  • Mang tính chủ quan: Việc phân tích các yếu tố của mô hình PESTEL có thể bị tác động bởi tư duy và kinh nghiệm của người phụ trách thực hiện.
  • Mang tính dự đoán: Mô hình PESTEL không thể giúp doanh nghiệp xác định một cách hoàn toàn chính xác những biến đổi trong môi trường kinh doanh.
  • Thiếu sự chi tiết: Mô hình PESTEL chỉ có thể cung cấp một cái nhìn tổng thể về môi trường kinh doanh. Do đó, doanh nghiệp cần kết hợp sử dụng nó với các công cụ phân tích yếu tố kinh doanh cụ thể hơn, sẽ được trình bày ở phần dưới bài viết.
  • Cần nhiều thời gian để phân tích: Việc phân tích mô hình PESTEL đòi hỏi doanh nghiệp phải tốn nhiều thời gian và công sức cho việc thu thập và xử lý thông tin.

6. Ví dụ về mô hình PESTEL

6.1 Mô hình PESTEL của Vinamilk

Yếu tố Chính trị:

  • Tình hình chính trị ổn định tại Việt Nam là chìa khóa thúc đẩy kinh tế phát triển, người dân an cư lạc nghiệp và nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng sữa tăng lên.
  • Việt Nam vốn là một quốc gia về nông nghiệp nên Chính phủ luôn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp kinh doanh sữa. Theo đó, mặt hàng sữa chỉ phải nộp thuế thấp hơn rất nhiều mặt hàng khác, và Chính phủ cũng phê duyệt nguồn vốn đáng kể cho các dự án chăn nuôi bò sữa.
  • Tuy nhiên, vì Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế hỗn hợp, nên các doanh nghiệp sữa trong nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các thương hiệu ngoại nhập.

Yếu tố Kinh tế:

  • NCIF dự báo trong giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng GDP tại Việt Nam sẽ đạt 7%/ năm. Cùng với đó, GDP của người Việt đang có xu hướng tăng cao. Đây là cơ hội lớn giúp các doanh nghiệp sữa nội địa giải tỏa áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoài nước.
  • Nhìn chung, sau đại dịch Covid-19, chất lượng cuộc sống của người dân vẫn ổn định với chi tiêu cho các mặt hàng sức khỏe, đặc biệt là sữa có xu hướng tăng cao.

Yếu tố Xã hội:

  • Tính đến tháng 04/2024, dân số Việt Nam hiện tại là 99.339.094 người. Trong đó, dân số thành thị chiếm hơn 38%, dân số nông thôn chiếm gần 62%. Đây là tiềm năng to lớn cho lĩnh vực kinh doanh sữa.
  • Việc người dân tiếp cận thông tin nhanh chóng qua các mạng xã hội tạo cơ hội cho Vinamilk quảng cáo, tiếp thị và phân phối sản phẩm đến khách hàng được thuận lợi hơn.

Yếu tố Công nghệ:

  • Yếu tố công nghệ trong mô hình PESTEL của Vinamilk liên quan việc đầu tư vào công nghệ, thiết bị sản xuất tiên tiến, chẳng hạn như: hệ thống vắt sữa tự động đạt tiêu chuẩn Global G.A.P, phần mềm theo dõi đàn bò, hệ thống xoay bàn chải giúp bò lưu thông máu tốt hơn từ đó cho nhiều sữa hơn.

Yếu tố Môi trường:

  • Khí hậu nhiệt đới gió mùa và tình hình thiên tai thất thường ở Việt Nam có thể tác động tiêu cực đến việc chăn nuôi bò và quy trình sản xuất sữa. Vì thế, Vinamilk cần khắc phục các yếu tố môi trường bất lợi này để đảm bảo nguồn cung cấp sữa ổn định.

Yếu tố Pháp lý:

  • Định hướng hoạt động của Vinamilk là tuân thủ các quy tắc an toàn vệ sinh thực phẩm, luôn đặt chất lượng sản phẩm và sức khỏe người tiêu dùng lên hàng đầu. Tuy nhiên, rủi ro có thể xuất phát từ các nhà phân phối nhỏ lẻ. Họ không có hệ thống bảo quản sữa tốt nên rất dễ gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng và uy tín của Vinamilk.

6.2. Mô hình PESTEL của Shopee

Yếu tố Chính trị:

  • Tình hình chính trị ổn định tạo điều cho Shopee phát triển và khai thác tiềm năng thương mại điện tử tại Việt Nam một cách bền vững.
  • Theo số liệu thống kê, với lượt truy cập “khủng” lên đến 138,3 triệu lượt/tháng, Shopee tiếp tục đứng đầu Bảng xếp hạng Sàn Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023. Tuy nhiên, kèm theo đó là những nguy cơ về rò rỉ dữ liệu của người dùng.
  • Để ngăn chặn những hành vi xâm phạm an toàn thông tin và dữ liệu, Chính phủ Việt Nam đã có những quy định rõ ràng về an ninh mạng, cũng như các chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng.

Yếu tố Kinh tế:

  • Trong những năm gần đây, thương mại điện tử Việt Nam liên tục tăng trưởng vượt bậc từ 16-30%/năm. Theo dự báo của VTV, doanh thu và sản lượng bán ra trên các sàn bán lẻ B2C Việt Nam có thể đạt 650 nghìn tỷ vào năm 2024.
  • Để có thể tiếp tục dẫn đầu “cuộc đua”, Shopee Việt Nam cần nắm bắt và áp dụng các xu hướng mới nhất, chẳng hạn như DCT- Direct to Consumer (trực tiếp đến người tiêu dùng), AI, Machine Learning và Big Data,… để tạo ra những giá trị độc đáo, khác biệt cho khách hàng. 

Yếu tố Xã hội:

  • Trước đây, người tiêu dùng thường nghi ngại về chất lượng của các sản phẩm được đăng bán trên sàn Shopee. Để giải quyết vấn đề này, Shopee đã ra mắt tính năng Shopee Mall, bao gồm những gian hàng chính hãng đã được Shopee kiểm duyệt thông tin của người bán cũng như sản phẩm.

Yếu tố Công nghệ:

  • Việc ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) đã đem lại trải nghiệm mua sắm trực tuyến thú vị và sinh động hơn cho người dùng.
  • Shoppertainment & Edutainment, xu hướng mua sắm kết hợp sáng tạo nội dung số mang tính giáo dục đi kèm với tiếp thị sản phẩm, là một trong các xu hướng dẫn đầu ngành bán lẻ trực tuyến trong năm 2024.

Yếu tố Pháp lý:

  • Hoạt động kinh doanh của Shopee tại Việt Nam chịu sự giám sát và điều chỉnh của Luật Thương mại điện tử, Quy định bảo vệ người tiêu dùng, Quy định về chứng thực điện tử và chữ ký số, Quy định về bảo vệ thông tin cá nhân, Quy định về quảng cáo và truyền thông cũng như một số quy định liên quan khác.

Yếu tố Môi trường:

  • Shopee có thể khuyến khích các nhà cung cấp bán các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. Đồng thời, cần tối ưu quy trình vận chuyển và đóng gói để giảm lượng chất thải.

7. Mẹo áp dụng mô hình PESTEL đạt hiệu quả cao nhất

Để sử dụng mô hình PESTEL một cách hiệu quả trong quá trình phân tích môi trường kinh doanh, doanh nghiệp cần lưu ý những điểm sau:

7.1. Kết hợp PESTEL với các công cụ phân tích khác

Để có thể phân tích và đánh giá toàn diện về môi trường vĩ mô, doanh nghiệp cần kết hợp mô hình PESTEL với các mô hình phân tích kinh doanh khác, chẳng hạn như mô hình SWOT và mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Poster.

  • Mô hình SWOT (viết tắt của Strengths, Weaknesses, Opportunities, và Threats) là một mô hình phân tích kinh doanh giúp doanh nghiệp nhận biết các yếu tố nội bộ điểm mạnh, điểm yếu) cùng với các yếu tố bên ngoài (cơ hội, thách thức). Từ đó, doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội, hạn chế các nguy cơ tiềm ẩn và thiết lập chiến lược kinh doanh phù hợp nhất.
  • Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Poster là một công cụ phân tích môi trường cạnh tranh trong ngành. Bằng việc kết hợp mô hình này với mô hình PESTEL, doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn về các yếu tố bên ngoài và ảnh hưởng của chúng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành hàng. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ có cơ sở để phát triển chiến lược cạnh tranh hiệu quả.

7.2. Tần suất thực hiện phân tích PESTEL

Tần suất thực hiện phân tích mô hình PESTEL chủ yếu phụ thuộc vào những thay đổi và biến động của thị trường, ngành hàng và nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp. Ví dụ, nếu có sự xuất hiện của nguy cơ hoặc cơ hội mới, việc phân tích PESTEL cần được thực hiện càng sớm càng tốt.

Tuy vậy, doanh nghiệp cũng cần định kỳ thực hiện phân tích PESTEL để đảm bảo tổ chức luôn sẵn sàng thích ứng với bất kỳ sự thay đổi của môi trường kinh doanh.

7.3. Phân tích PESTEL với dữ liệu mới và đáng tin cậy nhất

Để có được khối lượng dữ liệu chính xác, đáng tin cậy cho việc phân tích PESTEL, doanh nghiệp cần tập trung khai thác các nguồn cung cấp thông tin chính thống. Đó là các báo cáo nghiên cứu, thống kê tài chính của Chính phủ, các tập đoàn lớn hoặc của các tổ chức quốc tế (như là WTO hay World Bank).

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần thường xuyên theo dõi các tin tức và xu hướng mới nhất trong ngành hoặc lĩnh vực, bao gồm việc đọc báo, tham gia các diễn đàn hoặc hội thảo chuyên ngành.

8. Kết luận

Trên đây là các kiến thức liên quan đến mô hình PESTEL là gì, các yếu tố và vai trò của mô hình PESTEL. Base Blog hy vọng bài viết đã giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về ý nghĩa của mô hình này cũng như có thể áp dụng nó hiệu quả vào quá trình hoạch định chiến lược kinh doanh.

Đừng quên chia sẻ bài viết hữu ích này nhé!

Nhận tư vấn miễn phí

Nhận tư vấn miễn phí từ các Chuyên gia Chuyển đổi số của chúng tôi

"Bật mí" cách để bạn tăng tốc độ vận hành, tạo đà tăng trưởng cho doanh nghiệp của mình với nền tảng quản trị toàn diện Base.vn

  • Trải nghiệm demo các ứng dụng chuyên sâu được "đo ni đóng giày" phù hợp nhất với bạn.
  • Hỗ trợ giải quyết các bài toán quản trị cho doanh nghiệp ở mọi quy mô & từng lĩnh vực cụ thể.
  • Giải đáp các câu hỏi, làm rõ thắc mắc của bạn về triển khai, go-live, sử dụng và support

Đăng ký Demo

This will close in 2000 seconds