Base Blog

5S là gì? Hướng dẫn triển khai quy trình 5S trong doanh nghiệp

5S là gì?

Nếu hoạt động kinh doanh của bạn đôi khi (hoặc luôn luôn) cảm thấy hỗn loạn và kém hiệu quả, hoặc đơn giản bạn cảm thấy văn phòng làm việc không đủ sạch sẽ, an toàn, sảng khoái để có thể an tâm làm việc – đã đến lúc doanh nghiệp cần triển khai mô hình 5S.

Cụ thể thì 5S là gì? Triển khai như thế nào? Theo dõi bài viết này để hiểu thêm những tác động tích cực và các bước triển khai mô hình tiềm năng này. 

1. 5S là gì?

1.1 Khái niệm 5S

5S là một phương pháp quản lý và tổ chức môi trường làm việc có nguồn gốc từ Nhật Bản, nhằm mục đích cải thiện năng suất, chất lượng công việc và môi trường làm việc.

Mỗi chữ “S” đại diện cho một phần của quy trình gồm 5 bước để cải thiện hoạt động chung của doanh nghiệp.

Các thuật ngữ trong 5S
Tiếng NhậtTiếng AnhTiếng Việt
Seiri (整理)SortSàng lọc
Seiton (整頓)Set in orderSắp xếp
Seiso (清掃)ShineSạch sẽ
Seiketsu (清潔)StandardizeSăn sóc
Shitsuke (躾)SustainSẵn Sàng

Cụ thể: 

  • Seiri (Sàng lọc): Loại bỏ những vật dụng không cần thiết khỏi nơi làm việc. Điều này giúp giảm thiểu sự lộn xộn và tạo ra không gian làm việc rộng rãi hơn.
  • Seiton (Sắp xếp): Sắp xếp các vật dụng còn lại một cách có hệ thống, dễ tìm kiếm và sử dụng. Mỗi vật dụng nên có một vị trí cố định.
  • Seiso (Sạch sẽ): Vệ sinh sạch sẽ nơi làm việc. Điều này bao gồm lau chùi máy móc, thiết bị, sàn nhà, và các bề mặt khác.
  • Seiketsu (Săn sóc): Tiêu chuẩn hóa các hoạt động 5S và duy trì chúng hàng ngày. Mọi người cần làm quen và thực hiện các hoạt động 5S một cách tự giác.
  • Shitsuke (Sẵn sàng): Hình thành thói quen thực hiện 5S và duy trì nó trong thời gian dài. Đây là giai đoạn quan trọng nhất để 5S trở thành một phần văn hóa của tổ chức.
5S là gì?

1.2 Nguồn gốc của 5S

Phương pháp 5S xuất phát từ Nhật Bản và đã được phát triển và ứng dụng rộng rãi trong nền công nghiệp của đất nước này từ cuối thập kỷ 1950 đến đầu thập kỷ 1960. Ban đầu, 5S được áp dụng trong lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là trong các nhà máy và doanh nghiệp sản xuất ô tô như Toyota.

5S được coi là một phần quan trọng của “Hệ thống sản xuất của Toyota”, đã được triển khai thành công và lan rộng trên toàn thế giới cho đến ngày nay.

Ban đầu, phương pháp này được gọi là “4S” và bao gồm bốn bước chính: Seiri (Sắp xếp), Seiton (Sắp xếp), Seiso (Sạch sẽ), và Seiketsu (Săn sóc). Sau đó, bước thứ năm là Shitsuke (Sẵn sàng) đã được thêm vào để tạo thành mô hình 5S hoàn chỉnh.

Ngày nay, 5S không chỉ được tin dùng trong lĩnh vực sản xuất mà còn mở rộng ra nhiều ngành nghề khác như dịch vụ, công nghệ, bệnh viện, giáo dục,… và dần dần được áp dụng trong tất cả các doanh nghiệp như một phần của nội quy hoạt động. Cùng với đó, 5S đã trở thành một phương pháp quản lý quan trọng nhằm tăng cường hiệu suất, cải thiện chất lượng và tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh. 

2. Nội dung cụ thể trong tiêu chuẩn 5S

2.1 Seiri – Sàng lọc

Đây có lẽ là bước khó khăn nhất trong phương pháp 5S, khi bạn cần phải học cách loại bỏ bất cứ thứ gì không cần thiết trong không gian làm việc của mình. Đó có thể là công cụ, tài liệu hay vật dụng cá nhân. Nếu bạn đã không đoái hoài tới những món đồ này trong vòng từ 1 tới 2 tháng, hay chúng không phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ hiện tại của bạn, hãy đặt quyết tâm tạm biệt chúng ngay lập tức.

Đem tái chế (hoặc loại bỏ) tất cả những đồ vật dù là nhỏ nhất nhưng không được sử dụng đến sẽ làm cho không gian làm việc được thông thoáng, đồng thời tăng tính hiệu quả cho bước thứ 2.

2.2 Seiton – Sắp xếp

Sakichi Toyoda, ông chủ của hãng Toyota đã rất tâm đắc với một câu nói nổi tiếng của nhà văn Anh Samuel Smile “Đồ vật nào cũng có vị trí của riêng nó”. Đây cũng chính là tinh thần của bước thứ hai trong hệ thống 5S.

Sau khi đã sàng lọc và quyết định giữ lại những món đồ thật sự cần thiết, bạn phải sắp xếp chúng trong không gian làm việc của mình thật khoa học, dễ nhớ dễ tìm. Mục tiêu của bước này là đảm bảo flow state (trạng thái dòng chảy) trong quá trình làm việc. 

Một điều quan trọng khác, tất cả các dụng cụ lao động sẽ được bày xếp một cách công khai ở khu vực làm việc. Điều này thuộc về nguyên tắc quản lý bằng nhận thức thị giác (visual management). Nó sẽ giúp những người làm việc xung quanh khu vực đó dễ nhận biết, dễ lấy, dễ nhớ và dễ trả lại những dụng cụ mà họ cần.

2.3 Seiso – Sạch sẽ

Ngoài khía cạnh sắp xếp khoa học, một khu làm vực làm việc tiêu chuẩn trong 5S cũng cần phải được giữ vệ sinh sạch sẽ. Việc duy trì môi trường sạch sẽ không chỉ giúp tăng cường sức khỏe và an toàn cho nhân viên, mà còn tạo điều kiện cho tăng hiệu suất làm việc.

Để giữ vệ sinh trong khu vực làm việc hiệu quả, hãy đặt ra thói quen thu gọn rác thải sau khi sử dụng và lập tức loại bỏ chúng. Đồng thời, hãy lên lịch dọn dẹp định kỳ, đầu ngày từ 3-5 phút để thu vén và chỉnh đốn lại không gian cá nhân, tránh để xảy ra tình trạng lộn xộn.

Cần lưu ý rằng việc vệ sinh hằng ngày không chỉ lệ thuộc vào “người dọn vệ sinh”, mà mỗi nhân viên đều có trách nhiệm giữ cho không gian làm việc sạch sẽ. 

2.4 Seiketsu – Săn sóc 

Sau khi hoàn thành 3 bước đầu của 5S, bạn đã thấy công ty được gọn gàng, sạch sẽ, thích mắt. Tuy nhiên liệu việc này được duy trì trong vòng bao lâu?

Bước săn sóc được hiểu là việc duy trì định kỳ và chuẩn hóa 3 bước đầu tiên của phương pháp 5S theo hệ thống. Để đảm bảo phương pháp 5S được vận hành có hiệu quả, doanh nghiệp cần thiết lập những quy chuẩn nêu rõ phạm vi, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cách thức và tần suất triển khai 5S tại từng vị trí. 

Việc miễn cưỡng tiếp nhận trách nhiệm có thể để lại những hệ quả xấu, vậy nên 5S chỉ thực sự được coi là thành công khi ý thức tuân thủ của nhân viên được rèn giũa và phát triển qua bước Săn sóc này.

2.5 Shitsuke – Sẵn sàng

Đây là yếu tố cốt lõi của hệ thống 5S, nó là bước cuối cùng nhưng sẽ không bao giờ kết thúc, mà sẽ là động lực để duy trì sự vận hành ổn định của hệ thống 5S. Đây cũng là bước thể hiện rõ nhất tinh thần kỷ luật cá nhân của người Nhật.

Ở bước này, doanh nghiệp sẽ tạo ra các biện pháp khuyến khích và khen ngợi nhằm thúc đẩy sự tham gia và cam kết của tất cả nhân viên trong việc duy trì thực hiện 5S. Từ đây, mỗi nhân viên có thể tự giác tuân thủ và tạo ra cho mình một phong cách làm việc có nề nếp và tính trách nhiệm cao.

Lợi ích của 5S

3. Lợi ích khi áp dụng 5S trong doanh nghiệp

Tăng hiệu suất lao động: Môi trường làm việc “chuẩn 5S” giúp nhân viên dễ dàng truy cập và sử dụng các công cụ, tài liệu và thiết bị cần thiết. Thay vì phải tốn thời gian tìm kiếm, họ có thể tập trung hoàn toàn vào công việc của mình, giúp tăng hiệu suất làm việc và giảm thời gian hoàn thành công việc.

Giảm lãng phí: Phương pháp 5S loại bỏ các vật dụng không cần thiết và tối ưu hóa việc sử dụng không gian làm việc. Điều này giúp giảm lãng phí về thời gian, nguyên vật liệu và tài nguyên nhân lực. Việc này không chỉ giảm chi phí sản xuất mà còn giúp tăng cường lợi nhuận và sự cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Nâng cao chất lượng sản phẩm/ dịch vụ: Môi trường làm việc sạch sẽ và khoa học giúp giảm thiểu đáng kể sai sót trong quá trình sản xuất sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ. Đồng thời, việc mọi thứ được đặt đúng chỗ và dễ dàng truy cập cũng tạo ra sự tin cậy cho sản phẩm/ dịch vụ, gia tăng niềm tin và sự gắn kết của khách hàng.

Tăng cường an toàn lao động: 5S giúp giảm nguy cơ tai nạn và chấn thương do sự va chạm với vật dụng không gọn gàng hoặc môi trường không an toàn. Việc này không chỉ bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của nhân viên, mà còn giảm thiểu rủi ro và chi phí pháp lý cho doanh nghiệp.

Thúc đẩy tinh thần làm việc: Khi nhân viên thấy môi trường làm việc của mình sạch sẽ, gọn gàng và tổ chức, họ cảm thấy được tôn trọng và có động lực làm việc tốt hơn. Điều này sẽ thúc đẩy tinh thần làm việc tích cực và tự giác, tạo ra một văn hóa làm việc năng động trong doanh nghiệp.

Đọc thêm: Mô hình Smart là gì? Đặt mục tiêu “thông minh” với SMART

4. Cách kết hợp mô hình 5S cùng các mô hình khác

4.1 3D 5S là gì?

3D 5S là nguyên tắc quản trị doanh nghiệp phổ biến tại Nhật Bản và dần được các doanh nghiệp biết đến rộng rãi. 3D là mô hình nhấn mạnh vào ba nguyên tắc quan trọng mà các nhà lãnh đạo cần tuân thủ để dẫn dắt và quản lý một doanh nghiệp hiệu quả, bao gồm: Directing, Discussing, Delegating, tương ứng với Chỉ đạo – Thảo luận – Ủy thác.

Không phải lúc nào việc triển khai 5S cũng diễn ra suôn sẻ như mong muốn của các nhà lãnh đạo, đó là lý do tại sao mô hình 3D được sử dụng.

Để mọi cá nhân trong một tập thể đều nghiêm túc thực hiện 5S, nhất là ở giai đoạn đầu tiên mới áp dụng, cần có sự hiện diện của 3D. 

Nghĩa là người đứng đầu cần chỉ rõ hướng đi, hướng dẫn nhân viên về công việc cụ thể và cách thức thực hiện để đạt được kết quả tốt nhất. Sau đó, họ phải phân công nhiệm vụ và trách nhiệm, đặt ra các tiêu chuẩn hoàn thành để bắt đầu quá trình thực hiện.

4.2 Kaizen 5S là gì?

Kaizen, từ tiếng Nhật, có nghĩa là “cải tiến liên tục”. Đây là một triết lý quản lý và phương pháp làm việc được phát triển từ Nhật Bản, nhấn mạnh vào việc tìm kiếm và thực hiện các cải tiến nhỏ liên tục trong tổ chức.

Kaizen 5S là mô hình kết hợp giữa triết lý cải tiến liên tục của Kaizen với các nguyên tắc quản lý môi trường làm việc của 5S. Mục tiêu là tạo ra một môi trường làm việc không ngừng cải tiến và tối ưu hóa, đồng thời đảm bảo sự sắp xếp, sạch sẽ và tổ chức trong quá trình làm việc hàng ngày. Điều này giúp tăng cường hiệu suất, chất lượng và sự linh hoạt của tổ chức.

Việc triển khai và thực hiện 5S cung cấp nền tảng vững chắc cho việc triển khai các hoạt động Kaizen, giúp các tổ chức liên tục cải tiến và nâng cao chất lượng, hiệu suất và khả năng cạnh tranh.

Đọc thêm: Kaizen là gì? Hướng dẫn cách triển khai Kaizen trong doanh nghiệp

5. Phân biệt 5S và Kaizen

5S và Kaizen đều có nguồn gốc từ Nhật Bản với mục đích cuối cùng là cải tiến quy trình làm việc, tránh những hao hụt, lãng phí không cần thiết trong vận hành nhằm nâng cao năng suất chung. Tuy nhiên, 2 mô hình này có những điểm khác biệt nhất định:

Khía cạnh5SKaizen
Khái niệm và mục đíchQuản lý nơi làm việc để tạo ra môi trường làm việc sạch sẽ, gọn gàng và hiệu quả.Liên tục cải tiến để đạt được sự tiến bộ liên tục, nhằm tối ưu hóa mọi khía cạnh của doanh nghiệp.
Tiêu chuẩnCó các tiêu chuẩn cụ thể như Seiri, Seiton, Seiso, Seiketsu và Shitsuke.Không có các tiêu chuẩn cố định, chú trọng vào việc liên tục cải tiến và nâng cao.
Thời gian thực hiệnThực hiện định kỳ, có thể hoàn thành trong một thời gian ngắn.Liên tục, không bao giờ kết thúc, là một phần của văn hóa và quá trình làm việc hàng ngày.
Phương pháp thực hiệnÁp dụng các bước cụ thể như sắp xếp, sàng lọc, sạch sẽ,…Sử dụng các phương pháp như nhóm làm việc, phân tích dữ liệu và ý kiến đóng góp để đề xuất và triển khai cải tiến.
Phạm viThường áp dụng cụ thể cho việc quản lý không gian làm việc, thiết bị và tài liệu.Có thể áp dụng cho mọi khía cạnh của doanh nghiệp, từ quy trình sản xuất đến quản lý nhân sự và dịch vụ khách hàng.

6. Các bước thực hiện phương pháp 5S & Công cụ hỗ trợ:

Bước 1: Đánh giá thực trạng

Việc thực hiện phương pháp 5S đòi hỏi phải lập kế hoạch và thực hiện cẩn thận. Trước khi bắt đầu, hãy nhìn lại hiện trạng doanh nghiệp của bạn:

  • Mọi người ở nơi làm việc của bạn có gặp khó khăn khi tìm tài liệu hoặc tệp, dù ở định dạng vật lý hay kỹ thuật số không?
  • Có dây cáp điện lỏng lẻo, bị chùng ở nơi làm việc không?
  • Có tập hồ sơ, ngăn kéo và tủ nào không được dán nhãn, hoặc chứa nội dung không được đánh dấu và khó xác định không?
  • Không gian làm việc ở những nơi quan trọng có bị chiếm dụng bởi những vật dụng thừa thãi không?
  • Có giấy tờ nào ở nơi làm việc không được sử dụng và bám đầy bụi không?
  • Mọi người có biết cách sắp xếp nơi làm việc ngăn nắp và nhận thức đầy đủ về vai trò cũng như trách nhiệm của mình không?

Nếu bạn trả lời CÓ cho bất kỳ câu hỏi nào nêu trên, 5S chính xác là những gì bạn cần!

Bước 2: Xây dựng kế hoạch và lộ trình hành động

Quy trình 5S bắt đầu bằng việc xây dựng kế hoạch và lộ trình hành động chi tiết. Điều này đòi hỏi tổ chức phải đặt ra mục tiêu cụ thể cho quá trình triển khai 5S, đồng thời lập ra các bước cụ thể để đạt được mục tiêu đó. 

Một kế hoạch hiệu quả cần phải xác định rõ:

  • Các công cụ và tài nguyên cần thiết
  • Các hoạt động cụ thể và thời gian dự kiến cho từng bước
  • Ngân sách ước tính cho mỗi bước của lộ trình
  • Vai trò và trách nhiệm của từng thành viên trong doanh nghiệp: người quản lý, người giám sát, người thực thi công việc A B C,…

Song song với đó, doanh nghiệp cũng cần truyền thông về 5S và kế hoạch triển khai 5S trong nội bộ, để tất cả nhân viên nắm được tinh thần và sẵn sàng thực hiện.

Bước 3: Đào tạo, hướng dẫn thực hiện

Đào tạo và hướng dẫn là một phần không thể thiếu của quy trình triển khai 5S. Bước này giúp xây dựng nền tảng kiến thức cho nhân viên, và tạo ra sự đồng thuận cũng như cam kết của nhân viên đối với quy trình 5S.

Trước khi bắt đầu thực hiện, các nhân viên cần phải được đào tạo về ý nghĩa, mục tiêu và cách thức thực hiện của mỗi bước trong quy trình 5S. Sau đó, công tác hướng dẫn sẽ tập trung vào cách áp dụng 5S trong môi trường làm việc cụ thể của doanh nghiệp, từng phòng ban, từng công việc. 

Hoạt động đào tạo và hướng dẫn có thể thông qua các buổi training trực tiếp, lớp học trực tuyến, video hướng dẫn, tài liệu học tập,… 

Bước 4: Tiến hành thực hiện

Sau khi đã xây dựng kế hoạch và lộ trình hành động, tổ chức sẽ bắt đầu tiến hành thực hiện 5S. Mỗi bước cần được thực hiện theo kế hoạch và lộ trình hành động đã được xây dựng, và cần có sự hỗ trợ và quản lý từ lãnh đạo để đảm bảo sự thành công và hiệu quả của quá trình.

Và trong quá trình tiến hành 5S, doanh nghiệp đừng quên xử lý các sự vụ vi phạm, đồng thời ghi nhận và khen thưởng các cá nhân làm tốt.

Bước 5: Đánh giá, cải tiến

Quá trình thực hiện 5S cần được đánh giá, để xác định các điểm mạnh và yếu và đề xuất các cải tiến phù hợp. Phản hồi từ nhân viên và quản lý chính là cơ sở để cải thiện quy trình 5S và tạo ra sự phát triển liên tục. 

Doanh nghiệp có thể tiến hành cuộc họp đánh giá kết quả, tổ chức khảo sát hoặc phỏng vấn nhân viên, hoặc sử dụng các công cụ đánh giá hiệu suất khác nhau. Dựa trên phản hồi nhận được, các biện pháp cải tiến sẽ được thực hiện để nâng cao quy trình 5S và đảm bảo sự liên tục cải thiện.

Bước 6: Duy trì thực hiện

Cuối cùng, quy trình 5S cần được duy trì và thực hiện liên tục theo thời gian. Việc duy trì bao gồm việc thực hiện kiểm tra định kỳ, giữ gìn và tuân thủ các tiêu chuẩn đã đặt ra, và xử lý các vấn đề khi chúng xuất hiện. 

Các biện pháp duy trì có thể bao gồm việc thiết lập một lịch trình kiểm tra và bảo trì định kỳ, và tạo ra một hệ thống phản hồi và xử lý khiếu nại từ phía nhân viên hoặc khách hàng.

Phương pháp 5S

7. Doanh nghiệp bạn cần công cụ hỗ trợ triển khai 5S? Tham khảo ngay Base.vn!

Cụ thể, trong quy trình thực hiện 5S, doanh nghiệp có thể sử dụng một số ứng dụng sau: 

Công cụ truyền thông nội bộ: Base Inside

Bên cạnh các phương thức truyền thống như biểu ngữ, bảng thông báo, email, tin nhắn, hoặc các buổi họp thông tin, ngày càng nhiều doanh nghiệp lựa chọn cách thức truyền thông nội bộ trực tuyến. 

Base Inside là lựa chọn hàng đầu trong số đó: một mạng truyền thông nội bộ, cho phép cấp quản lý cùng nhân viên trao đổi thông tin, chia sẻ tài liệu và thảo luận dễ dàng. Điểm cộng của ứng dụng này, là nhân viên không bị trôi thông tin giống như kênh offline hoặc các trang mạng xã hội công cộng.

Doanh nghiệp có thể thực hiện chiến dịch truyền thông toàn diện về 5S trên Base Inside: Hướng dẫn 5S, Thông báo cách thức triển khai, Các thông điệp kêu gọi, Các hình ảnh đẹp, Các câu chuyện truyền cảm hứng và các tấm gương sáng,… 

Hành động này tạo ra sự nhận thức và cam kết từ phía nhân viên, đồng thời cũng làm bệ phóng cho quy trình triển khai 5S.

Bộ công cụ đào tạo: Base Square, Base Onboard, Base Test

Có 2 đối tượng cần được đào tạo 5S trong doanh nghiệp: các nhân viên đang làm việc và các nhân viên mới. Doanh nghiệp có thể kết hợp nhiều công cụ khác nhau để tạo ra một quy trình đào tạo toàn diện và hiệu quả trong tổ chức. 

Trước tiên, doanh nghiệp có thể dùng Ứng dụng quản trị tri thức Base Square. Đây được ví như “Quora nội bộ”, nơi mọi người có thể thoải mái đưa ra hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, đặt câu hỏi và tương tác với nhau về các vấn đề liên quan đến việc triển khai 5S. Đây là một chủ đề thú vị nhận được nhiều sự quan tâm, đóng góp vào “kho tri thức” chung của doanh nghiệp.

Đối với nhân sự mới, doanh nghiệp có thể lồng ghép nội dung đào tạo 5S vào trong giáo án nhập môn thông qua Base Onboard. Các tài liệu, video và tài nguyên đào tạo được tải lên và quản lý khoa học trên Base Onboard, giúp nhân viên mới dễ dàng tiếp cận và học hỏi.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể sử dụng Base Test để tổ chức các kỳ thi nội bộ về kiến thức 5S, hoặc các bài kiểm tra riêng lẻ cho từng nhân viên mới – nhằm đảm bảo tất cả họ đều đã hiểu đúng, hiểu đủ về phương pháp này. Doanh nghiệp có thể tự tạo thêm các “chứng chỉ 5S” ngay trên ứng dụng, để trao cho các nhân sự đã vượt qua bài test.

Công cụ xử lý vi phạm: Base Case

Bằng cách xác định và xử lý kịp thời các vi phạm, tổ chức có thể tăng cường sự tuân thủ 5S một cách nghiêm túc và liên tục, và thúc đẩy sự tự giác từ phía nhân viên.

Base Case là một ứng dụng quản lý các sự vụ, sai phạm trong công ty, rất thích hợp để hỗ trợ triển khai 5S. Khi có vi phạm xảy ra, nhân viên có thể báo cáo lên hệ thống để sự vụ được ghi nhận và xử lý theo đúng quy trình: tìm ra nguyên nhân, yêu cầu người sai phạm giải trình, thống nhất biện pháp xử lý,… Các bộ phận liên quan sẽ nhận được thông báo real-time để theo dõi trạng thái của các sự vụ này, đồng thời có quyền bình luận để trao đổi, góp ý.

Công cụ khen thưởng: Base Reward

Nếu như đã có xử lý sai phạm, thì doanh nghiệp nên có chính sách khen thưởng dành cho các cá nhân hoặc đội nhóm “gương mẫu” trong thực hiện 5S, hoặc có đóng góp vào quá trình triển khai 5S trong quy mô tổ chức. Base Reward là ứng dụng tuyệt vời để làm điều này.

Các phần thưởng có thể được trao dưới nhiều hình thức, kèm những tên gọi thú vị, đi kèm với biểu cảm và lời nhắn chân thành. Những món quà khích lệ này “tuy nhỏ nhưng có võ”, sẽ là động lực lớn thúc đẩy tinh thần 5S trong nội bộ.

8. Tạm kết

5S là triết lý đặt nền móng cho môi trường làm việc khoa học, sạch sẽ và hiệu quả – không chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp truyền thống, mà luôn đúng với cả các tổ chức hiện đại.

Sự đột phá vĩ đại có thể đến từ những chi tiết nhỏ bé nhất, và câu chuyện giữa năng suất lao động và môi trường làm việc cũng tương tự như vậy. Bằng việc ứng dụng phương pháp 5S, biết đâu, sẽ có một ngày doanh nghiệp của bạn trở nên thành công như Toyota sau này?

Đừng quên chia sẻ bài viết hữu ích này nhé!

Nhận tư vấn miễn phí

Nhận tư vấn miễn phí từ các Chuyên gia Chuyển đổi số của chúng tôi

"Bật mí" cách để bạn tăng tốc độ vận hành, tạo đà tăng trưởng cho doanh nghiệp của mình với nền tảng quản trị toàn diện Base.vn

  • Trải nghiệm demo các ứng dụng chuyên sâu được "đo ni đóng giày" phù hợp nhất với bạn.
  • Hỗ trợ giải quyết các bài toán quản trị cho doanh nghiệp ở mọi quy mô & từng lĩnh vực cụ thể.
  • Giải đáp các câu hỏi, làm rõ thắc mắc của bạn về triển khai, go-live, sử dụng và support

Đăng ký Demo

This will close in 2000 seconds

Zalo