Base Blog

CEO là gì? Vai trò và tầm quan trọng của Giám đốc điều hành

CEO là gì?

Mark Zuckerberg, Tim Cook, Elon Musk – những cái tên đã trở nên quá quen thuộc với chúng ta. Họ đều là CEO của những công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Nhưng điều gì đã giúp họ trở thành những người lãnh đạo tài ba như vậy? Hãy cùng Base.vn khám phá vai trò của CEO và những yếu tố quan trọng để trở thành một CEO thành công.

1. CEO là gì? Vai trò của CEO trong doanh nghiệp

CEO (viết tắt của “Chief Executive Officer” trong tiếng Anh) là Giám đốc điều hành, hay còn được gọi là Tổng giám đốc, là người đứng đầu cao nhất của một tổ chức hoặc doanh nghiệp, có trách nhiệm lãnh đạo và quản lý toàn bộ hoạt động của tổ chức đó. 

Có thể nói, CEO là người dẫn đường, là “thuyền trưởng” của doanh nghiệp, bao gồm đề xuất chiến lược kinh doanh, định hình tầm nhìn và mục tiêu cho công ty, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, quản lý tài chính, quản lý nhân sự cấp cao và đảm bảo hiệu quả tổ chức.

CEO là gì?
CEO là gì?

Ngoài ra, CEO thường là người đại diện chính thức của công ty trong các giao dịch quan trọng, hội nghị cổ đông, và với cơ quan chính phủ và đối tác kinh doanh. Với vai trò này, CEO phải có khả năng giao tiếp và đàm phán xuất sắc, đồng thời xây dựng và duy trì mối quan hệ tích cực với các bên liên quan và đảm bảo uy tín của công ty trên thị trường.

CEO thường là người có nhiều kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực hoạt động của công ty, và đôi khi cũng có thể là người sáng lập hoặc chủ sở hữu của doanh nghiệp.

2. Phân biệt CEO với các vị trí lãnh đạo cấp cao khác

2.1. Vice CEO là gì?

Vice CEO là vị trí Phó giám đốc trong một doanh nghiệp, trách nhiệm chính là giúp đỡ CEO trong việc ra quyết định chiến lược, lãnh đạo nhóm nhân viên, quản lý hoạt động kinh doanh, đảm bảo hiệu suất và phát triển công ty.

Vice CEO không phải là một vị trí chính thức trong cấu trúc tổ chức của nhiều doanh nghiệp hoặc tổ chức.

2.2. Deputy CEO là gì?

Deputy CEO là vị trí Phó Tổng giám đốc trong một tổ chức hoặc doanh nghiệp. Người giữ vị trí này thường được ủy quyền một phần của trách nhiệm của CEO và có thể được giao các nhiệm vụ cụ thể liên quan đến quản lý và điều hành tổ chức. 

Trong một số trường hợp, Deputy CEO có thể người đại diện cho CEO trong các sự kiện hoặc cuộc họp, quản lý dự án và hỗ trợ trong việc đưa ra các quyết định chiến lược cho công ty. Vị trí này là một bước đà quan trọng và cần thiết trước khi trở thành CEO hoặc có thể là một vị trí lãnh đạo cấp cao khác trong tổ chức.

“Vice” và “Deputy” đều là danh từ để chỉ cấp phó, nhưng được sử dụng tùy theo trường hợp khác nhau.

2.3. Chairman là ai? Phân biệt CEO và Chairman

“Chairman” là Chủ tịch Hội đồng quản trị (BOD). Chủ tịch thường là người lãnh đạo cấp cao nhất của hội đồng, có thể là người sáng lập, cổ đông lớn nhất hoặc được bầu chọn từ các thành viên khác của hội đồng. Vai trò chủ yếu của Chủ tịch là lãnh đạo các cuộc họp của hội đồng quản trị, đảm bảo rằng hội đồng hoạt động hiệu quả, và đặt ra hướng dẫn chiến lược cho doanh nghiệp.

Trong khi CEO thường tập trung vào việc thúc đẩy hiệu suất và thành công của công ty, Chairman thường đặt trọng điểm vào việc tối ưu hóa lợi nhuận và tạo ra giá trị cho cổ đông. 

Trong nhiều trường hợp, CEO là nhân tài được Hội đồng quản trị thuê về để làm trưởng ban điều hành và chịu trách nhiệm trực tiếp về hoạt động hàng ngày của công ty.

CEO - Giám đốc điều hành

2.3. COO là gì? Phân biệt CEO và COO

COO là viết tắt của Chief Operating Officer – Giám đốc Vận hành, là một trong những chức vụ quản lý cấp cao trong doanh nghiệp.

Trong khi CEO tập trung vào việc định hình chiến lược toàn diện và đại diện cho công ty, thì COO tập trung vào việc quản lý hoạt động hàng ngày và đảm bảo sự hiệu quả của các quy trình và quy trình làm việc. Họ thường chịu trách nhiệm về vấn đề vận hành, quản lý nhân sự, quản lý quy trình và một số hoạt động hỗ trợ kinh doanh cụ thể.

Phía COO sẽ đưa ra quyết định chiến lược và thiết lập các quy trình vận hành công ty sau khi họ nhận được ý kiến đóng góp từ CEO về kế hoạch tổng thể và quan điểm của cổ đông.

Đọc thêm: Phong cách lãnh đạo là gì? Chìa khóa dẫn dắt thành công

3. Công việc cụ thể của CEO là gì?

3.1. Thiết lập và thực hiện chiến lược tổ chức

Các quyết định về dòng sản phẩm mới, tạo ra và duy trì lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị trường mới tiềm năng đều thuộc thẩm quyền của CEO.

Các CEO sẽ dựa vào dữ liệu và ý kiến ​​đầu vào từ các lãnh đạo cấp cao cũng như sự chỉ đạo và hiểu biết sâu sắc từ Hội đồng quản trị để kiểm soát mọi hoạt động chiến lược của công ty. Đồng thời, họ cũng là người thiết kế các hệ thống đo lường hiệu suất để đánh giá sự thành công của chiến lược và điều chỉnh nếu cần.

3.2. Xây dựng đội ngũ lãnh đạo cấp cao

CEO phải lãnh đạo các thành viên cấp cao trong tổ chức, hướng dẫn và động viên họ để đạt được mục tiêu của công ty. Điều này có thể bao gồm việc tuyển dụng, phát triển và giữ chân các nhà lãnh đạo có năng lực. Các CEO hiệu quả có thể thu hút những nhân tài hàng đầu về tổ chức của họ.

Đội ngũ lãnh đạo điều hành bao gồm CFO (Giám đốc tài chính), COO (Giám đốc điều hành), CMO (Giám đốc marketing), và tùy thuộc vào tính chất của tổ chức, tất cả các vai trò C-Suite khác có thể tồn tại (Giám đốc rủi ro, Giám đốc công nghệ thông tin, Giám đốc Chiến lược, Giám đốc Đầu tư,…)

Trong nhiều tổ chức, Hội đồng quản trị sẽ có thẩm quyền cuối cùng về các quyết định tuyển dụng ở cấp C, nhưng trong hầu hết các trường hợp, hội đồng quản trị thực sự tuân theo các khuyến nghị của CEO.

CEO sẽ là người xây dựng đội ngũ lãnh đạo cấp cao
CEO sẽ là người xây dựng đội ngũ lãnh đạo cấp cao

3.3. Ra quyết định phân bổ vốn

Mặc dù các trưởng bộ phận chịu trách nhiệm quản lý ngân sách tương ứng với phòng ban của họ, nhưng trách nhiệm thiết lập và quản lý ngân sách chung của tổ chức nhằm thực hiện hiệu quả các sáng kiến ​​chiến lược lại thuộc về CEO.

Hơn nữa, CEO cũng sẽ cân nhắc về thời điểm và cách thức huy động vốn, cũng như cách tận dụng tốt nhất nguồn vốn thặng dư. Các chiến lược bao gồm trả nợ, phân phối vốn bằng cách chia cổ tức hoặc mua lại cổ phần hoặc tái đầu tư vào doanh nghiệp.

3.4. Thiết lập tầm nhìn, giá trị và văn hóa doanh nghiệp

CEO phải đảm nhận vai trò lãnh đạo trong việc xác định và phát triển tầm nhìn dài hạn cho doanh nghiệp. Tầm nhìn là một mô tả rõ ràng về hướng đi mà công ty muốn phát triển trong tương lai, và là nguồn động viên để hướng dẫn hành động của tất cả nhân viên.

CEO là người dẫn đầu trong việc xác định các giá trị cốt lõi và văn hoá doanh nghiệp – những nguyên tắc cơ bản mà công ty cam kết tuân thủ trong mọi hoạt động. Sau đó, họ cần thúc đẩy những giá trị này trong toàn bộ tổ chức, từ lãnh đạo đến nhân viên cơ sở.

3.5. Giao tiếp hiệu quả với tất cả các bên liên quan

CEO là bộ mặt của tổ chức. Họ có thể đại diện cho công ty trước công chúng, báo chí, các nhà lập pháp hoặc các cơ quan quản lý khác, nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp hoặc bất kỳ bên nào khác quan tâm đến hoạt động của công ty.

Giao tiếp tốt giúp CEO xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với nhân viên, cổ đông, đối tác và khách hàng. Điều này có thể tạo ra cơ hội hợp tác mới và giúp tổ chức phát triển, tăng độ tin cậy và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.

4. Giải mã “công thức” tạo nên một CEO tài năng

Công thức tạo nên 1 CEO tài năng

4.1. Tầm nhìn chiến lược

Tầm nhìn chiến lược của một CEO phản ánh khả năng nhìn xa trước và định hình một hướng đi rõ ràng cho doanh nghiệp. Một CEO tài năng không chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn mà còn có khả năng nhìn xa trước, dự đoán xu hướng thị trường, công nghệ, và xã hội để định hình bản đồ chiến lược dài hạn của công ty.

Ví dụ về Tobias Lütke, Co-founder kiêm CEO của Shopify, là một minh chứng rõ ràng cho một CEO có tầm nhìn chiến lược.

Trong quá trình phát triển của Shopify, Tobias Lütke đã nhận ra rằng tốc độ tăng trưởng quá nhanh có thể đặt ra nhiều thách thức quản lý và gây ra rủi ro không mong muốn cho công ty. Do đó, ông đã ra quyết định thông minh là làm chậm lại sự phát triển của Shopify một cách có chủ ý, thay vì tiếp tục tăng trưởng với tốc độ càn quét. Trong thời gian đó, công ty đã tập trung vào việc xây dựng nền tảng cơ sở hạ tầng vững chắc, cung cấp dịch vụ chất lượng và đảm bảo sự tương tác tích cực với khách hàng.

4.2. Kiến thức đa lĩnh vực

Kiến thức đa lĩnh vực giúp CEO có cái nhìn tổng thể về nhiều khía cạnh của doanh nghiệp và thị trường, từ tài chính, marketing, sản xuất đến công nghệ và pháp luật. 

Nhờ việc có kiến thức tổng quan về các phòng ban, CEO tương tác tốt hơn với các bộ phận khác nhau trong tổ chức và lãnh đạo hiệu quả hơn. Họ có thể hiểu và định hình mục tiêu cho mỗi bộ phận và hỗ trợ nhân viên phát triển các chiến lược và kế hoạch làm việc.

Và một CEO giỏi có thể kết hợp các ý tưởng và phương pháp từ các lĩnh vực khác nhau để tạo ra giải pháp mới và nâng cao sự cạnh tranh của doanh nghiệp.

4.3. Tố chất quản trị

Quản trị là sự hội tụ của rất nhiều kỹ năng mềm như khả năng lãnh đạo, giao tiếp, quản trị cảm xúc, quản trị rủi ro,… Tố chất quản trị là tín hiệu đầu tiên cho thấy một CEO có thể đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. 

Khả năng lãnh đạo xuất sắc giúp CEO dẫn dắt đội ngũ theo hướng đúng, tạo ra một môi trường làm việc tích cực và động viên nhân viên để họ đạt được tiềm năng tối đa của mình. 

Sự quyết đoán trong ra quyết định, khả năng giao tiếp hiệu quả, và tư duy phản biện là những yếu tố quan trọng giúp CEO xây dựng một chiến lược thành công và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

4.4. Khả năng truyền cảm hứng

Giao tiếp là huyết mạch của bất kỳ tổ chức nào và khi các lãnh đạo cấp cao bị loại bỏ, xa cách thì không tổ chức nào có thể phát triển mạnh. Một CEO chất lượng sẽ không chỉ giao tiếp thường xuyên với bất kỳ ai trong tổ chức mà còn khuyến khích các lãnh đạo cấp cao khác cũng làm như vậy, tạo ra văn hóa cởi mở.

Bằng cách thể hiện sự đam mê, cam kết và lòng tin vào mục tiêu và tầm nhìn của doanh nghiệp, CEO có thể kích thích sự đam mê và sự cam kết từ các nhân viên. Họ cũng có thể chia sẻ những câu chuyện thành công, cung cấp sự hỗ trợ và khích lệ đội ngũ vượt qua mọi thách thức.

Truyền cảm hứng không chỉ tạo ra một môi trường làm việc tích cực mà còn giúp đội ngũ cảm thấy động viên và tin tưởng vào khả năng của họ. Điều này không chỉ tạo ra một đội ngũ mạnh mẽ mà còn làm cho doanh nghiệp trở nên mạnh mẽ và thành công hơn.

4.5. Khả năng thích ứng

Khả năng thích ứng của một CEO là yếu tố then chốt quyết định đối với sự thành công của một doanh nghiệp. Nó không chỉ là về việc làm thế nào để sống sót trong môi trường kinh doanh không ngừng biến đổi, cuộc cách mạng kỹ thuật số diễn ra nhanh chóng như vũ bão, mà còn là về việc tạo ra những thay đổi tích cực và phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Một CEO tài năng cần thích ứng linh hoạt với mọi hoàn cảnh xung quanh, ví dụ sự thất vọng của các thành viên hội đồng quản trị về doanh thu sụt giảm, những tranh cãi hoặc xung đột đôi khi có thể xuất hiện,… CEO sẽ cần điều chỉnh chiến lược của mình để đảm bảo thu hút được sự tham gia từ đúng người vào đúng thời điểm. 

Đọc thêm: 5 cấp độ lãnh đạo của John Maxwell: Nhân viên tin tưởng bạn vì điều gì?

5. Điểm danh các CEO top đầu thế giới

5.1. Bill Gates

Bill Gates, người sáng lập Microsoft và từng là CEO của công ty này trong nhiều năm, được coi là một trong những CEO top đầu thế giới. Với tầm nhìn chiến lược và khả năng lãnh đạo xuất sắc, ông đã đóng góp đáng kể vào việc biến Microsoft trở thành một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới.

Tập trung vào sự đổi mới và sáng tạo, Bill Gates đã đưa ra các sản phẩm và dịch vụ có ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp công nghệ thông tin. Từ hệ điều hành Windows đến Microsoft Office, các sản phẩm của Microsoft do ông định hình đã thay đổi cách mà mọi người làm việc và tương tác với công nghệ.

Không chỉ là một nhà lãnh đạo tài năng trong ngành, Bill Gates còn được biết đến với các hoạt động từ thiện và cam kết đóng góp vào các vấn đề xã hội như giáo dục và y tế toàn cầu. Qua Quỹ Bill và Melinda Gates, ông đã và đang đầu tư hàng tỷ đô la vào các dự án nhằm giảm nghèo đói, cải thiện sức khỏe và giáo dục cho những người nghèo khó trên khắp thế giới.

5.2. Mark Zuckerberg

Mark Zuckerberg, người sáng lập và hiện là CEO của Meta Platforms, Inc. (trước đây là Facebook, Inc.), là một trong những CEO hàng đầu thế giới với tầm nhìn và sức mạnh lãnh đạo không thể phủ nhận. Từ việc khởi đầu với một dự án nhỏ trong phòng ký túc xá, Zuckerberg đã xây dựng Facebook thành một trong những mạng xã hội lớn nhất và phát triển mạnh mẽ nhất trên thế giới.

Mark Zuckerberg được biết đến với khả năng đưa ra các ý tưởng đột phá và sáng tạo, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có ảnh hưởng lớn đến cách mà con người tương tác với công nghệ và nhau. Facebook, cùng với các sản phẩm thuộc Meta như Instagram và WhatsApp, đã thay đổi cách mà chúng ta kết nối và giao tiếp với nhau, tạo ra một nền tảng toàn cầu cho việc chia sẻ thông tin và tương tác trực tuyến.

Ngoài vai trò là CEO của một tập đoàn công nghệ đa quốc gia, Mark Zuckerberg cũng tỏ ra là một nhà từ thiện và nhân văn, với cam kết đóng góp vào các vấn đề xã hội. Qua Quỹ Zuckerberg-Chan, ông và vợ Priscilla Chan đã và đang hỗ trợ nhiều dự án nhằm cải thiện giáo dục, y tế và cuộc sống cho những người nghèo khó trên toàn cầu.

5.3. Elon Musk

Elon Musk là một doanh nhân, nhà phát triển công nghệ, và nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Nam Phi. Musk được biết đến với việc sáng lập và trực tiếp điều hành nhiều công ty công nghệ hàng đầu, bao gồm Tesla, Inc. (tập đoàn sản xuất ô tô điện), SpaceX (tập đoàn vận tải vũ trụ), Neuralink (công ty nghiên cứu về giao diện não máy tính), và The Boring Company (công ty đào hầm và xây dựng hạ tầng).

Elon Musk được coi là một trong những doanh nhân có ảnh hưởng nhất và được tôn trọng nhất trong ngành công nghiệp công nghệ hiện đại. Ông nổi tiếng với tầm nhìn phi thường và khả năng thúc đẩy sự tiến bộ công nghệ thông qua các dự án đột phá.

5.4. Jeff Bezos

Jeff Bezos là tỷ phú giàu nhất hành tinh (Theo Bảng xếp hạng vào tháng 3/2024), được biết đến là nhà sáng lập của Amazon.com, một trong những công ty công nghệ đa quốc gia lớn nhất và phát triển nhanh nhất trên thế giới. Ông từng đảm nhiệm vai trò CEO dẫn dắt công ty trước khi chuyển giao vị trí này cho Andy Jassy vào tháng 7 năm 2021, để trở thành chủ tịch Hội đồng quản trị.

Jeff Bezos là một CEO tài ba, có khả năng tập trung vào những chiến lược lâu dài và kiên định trong việc thực hiện chúng. Ông không chỉ nhìn vào những cơ hội hiện tại mà còn tìm cách tạo ra những thay đổi cấu trúc lớn trong ngành thương mại điện tử và công nghệ.

Ông đã lãnh đạo công ty tuân thủ theo nguyên tắc đặt khách hàng vào trung tâm mọi quyết định kinh doanh. Nhờ vậy, Amazon không chỉ tập trung vào việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ tốt nhất, mà còn liên tục cải thiện trải nghiệm mua sắm và dịch vụ khách hàng.

5.5. Tim Cook

Tim Cook gia nhập Apple năm 1998. Trước khi được bổ nhiệm làm CEO vào năm 2011, ông từng đảm nhiệm vai trò COO, dưới quyền của người tiền nhiệm là Steve Jobs. Chỉ trong vòng 11 năm, ông đã tăng gấp đôi doanh thu và lợi nhuận của công ty, đồng thời tăng giá trị thị trường từ 348 tỷ USD lên 3 nghìn tỷ USD (theo Wikipedia).

Dưới thời của Tim Cook, Apple tiếp tục phát triển và đổi mới, ra mắt các sản phẩm như iPhone, iPad, MacBook và Apple Watch, đồng thời mở rộng vào các lĩnh vực mới như dịch vụ và nội dung kỹ thuật số (Apple Music và Apple TV+). Ông cũng đã thúc đẩy các nỗ lực về bảo vệ môi trường và công bằng xã hội trong hoạt động kinh doanh của Apple, giúp Apple trở thành một trong những công ty hàng đầu về bền vững.

Tim Cook thường được đánh giá cao về khả năng lãnh đạo, kỹ năng quản lý và tầm nhìn chiến lược. Vị CEO này có ảnh hưởng lớn đối với Apple nói riêng và ngành công nghiệp công nghệ trên toàn thế giới nói chung.

6. Kết luận

Cho dù lèo lái công ty theo hướng tăng trưởng doanh thu, cải tiến hoạt động hay giải quyết sự phức tạp của việc tối ưu hóa chi phí, hành trình của CEO là một trong những hành trình liên tục đánh giá lại và thích ứng. 

Lưu ý rằng danh sách những phẩm chất hàng đầu của một CEO giỏi chỉ mang tính chất tham khảo, các nhà lãnh đạo hãy tự tin tỏa ra “chất riêng” của mình. Base.vn xin chúc các nhà lãnh đạo luôn chân cứng đá mềm, vững tay chèo lái “con thuyền” doanh nghiệp vươn xa, và giữ chân được những thuyền viên giỏi nhất của mình.

Đừng quên chia sẻ bài viết hữu ích này nhé!

Nhận tư vấn miễn phí

Nhận tư vấn miễn phí từ các Chuyên gia Chuyển đổi số của chúng tôi

"Bật mí" cách để bạn tăng tốc độ vận hành, tạo đà tăng trưởng cho doanh nghiệp của mình với nền tảng quản trị toàn diện Base.vn

  • Trải nghiệm demo các ứng dụng chuyên sâu được "đo ni đóng giày" phù hợp nhất với bạn.
  • Hỗ trợ giải quyết các bài toán quản trị cho doanh nghiệp ở mọi quy mô & từng lĩnh vực cụ thể.
  • Giải đáp các câu hỏi, làm rõ thắc mắc của bạn về triển khai, go-live, sử dụng và support

Đăng ký Demo

This will close in 2000 seconds

Zalo