
HSE là vị trí phụ trách các vấn đề về sức khỏe, an toàn lao động cho nhân viên trong công ty. Họ có trách nhiệm đảm bảo nhân viên luôn tuân thủ và thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn lao động, vệ sinh môi trường. Tại Việt Nam, vị trí này thường có nhiều ở các doanh nghiệp sản xuất do đặc thù kinh doanh nên có lẽ còn xa lạ với nhiều người. Cùng Base.vn tìm hiểu chi tiết về công việc HSE trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Toggle1. HSE là gì?
1.1 Khái niệm HSE
HSE là viết tắt của Health, Safety, and Environment (Sức khỏe, An toàn và Môi trường). Đây là hoạt động tập trung vào việc bảo vệ sức khỏe và an toàn của con người tại nơi làm việc cũng như giảm thiểu tác động của các hoạt động sản xuất, kinh doanh đến môi trường.
Mục tiêu của HSE là:
- Health (Sức khỏe): Đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên, quản lý và kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp.
- Safety (An toàn): Phòng ngừa tai nạn lao động và sự cố tại nơi làm việc, đảm bảo an toàn cho nhân viên, khách hàng và cộng đồng xung quanh.
- Environment (Môi trường): Giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tuân thủ các quy định pháp lý về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
HSE còn được gọi là EHS, HES, SHE, HSE thường được áp dụng trong các ngành công nghiệp như xây dựng, dầu khí, hóa chất, sản xuất, và cả dịch vụ nhằm đảm bảo sự an toàn và bền vững trong hoạt động kinh doanh.

1.2 Hệ thống HSE là gì?
Hệ thống HSE là một hệ thống quản lý tích hợp nhằm đảm bảo rằng các hoạt động trong tổ chức được thực hiện an toàn, bảo vệ sức khỏe của nhân viên, và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Hệ thống này giúp các doanh nghiệp xác định, quản lý và kiểm soát các rủi ro liên quan đến sức khỏe, an toàn và môi trường trong suốt quá trình hoạt động.
Thành phần chính của hệ thống HSE gồm có:
- Chính sách HSE: Chính sách sẽ tuyên bố cam kết của doanh nghiệp về sức khỏe, an toàn và môi trường, đưa ra định hướng mục tiêu và nguyên tắc để đảm bảo các hoạt động tuân thủ pháp luật và tiêu chuẩn.
- Quy trình và thủ tục: Bao gồm các bước thực hiện cụ thể để quản lý rủi ro về sức khỏe, an toàn và môi trường. Các hướng dẫn chi tiết về cách ứng phó với tình huống khẩn cấp, xử lý chất thải hoặc thực hiện công việc nguy hiểm.
- Đánh giá và quản lý rủi ro: Giúp xác định các nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe, an toàn, và môi trường trong các hoạt động, từ đó phân tích và đưa ra biện pháp phòng ngừa, kiểm soát phù hợp.
- Đào tạo và nâng cao nhận thức: Tổ chức các khóa đào tạo cho nhân viên về nhận diện nguy cơ, an toàn lao động, sơ cứu, và bảo vệ môi trường, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm về HSE trong toàn bộ tổ chức.
- Giám sát và kiểm tra: Theo dõi và đánh giá hiệu quả của các chính sách và biện pháp HSE, đồng thời kiểm tra định kỳ để đảm bảo tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn HSE.
- Báo cáo và cải tiến liên tục: Ghi nhận các sự cố, rủi ro, hoặc vi phạm liên quan đến HSE, phân tích nguyên nhân và đưa ra giải pháp cải tiến liên tục nhằm giảm thiểu nguy cơ.
Đọc thêm: Ma trận GE là gì? Bí quyết hoạch định chiến lược doanh nghiệp
2. Vai trò của HSE đối với doanh nghiệp
HSE đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Bảo vệ sức khỏe và an toàn của nhân viên: HSE đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, giúp ngăn ngừa các bệnh do tiếp xúc với hóa chất, ô nhiễm hoặc căng thẳng trong công việc, hạn chế tai nạn lao động. Môi trường làm việc an toàn, lành mạnh giúp nâng cao tinh thần, năng suất và sự gắn bó của nhân viên với doanh nghiệp.
Doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và quy định: Áp dụng HSE giúp doanh nghiệp tuân thủ các luật và quy định liên quan đến sức khỏe, an toàn và môi trường, tránh các hình phạt hoặc kiện tụng, xây dựng hình ảnh tích cực trong mắt khách hàng, đối tác và cộng đồng.
Tăng hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp: Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc ô nhiễm môi trường có thể gây ra tổn thất lớn. Hệ thống HSE giúp giảm chi phí bồi thường, gián đoạn sản xuất và xử lý sự cố, nhân viên làm việc hiệu quả hơn và giảm thời gian nghỉ ốm.
Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững: HSE giúp doanh nghiệp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường như ô nhiễm không khí, đất, nước và giảm phát thải carbon, tạo giá trị dài hạn cho cộng đồng và xã hội.
Giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh: Việc kiểm soát rủi ro HSE giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động mà không bị gián đoạn, đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng.

3. Nhân viên HSE là gì? Mô tả công việc chi tiết
Nhân viên HSE là người chịu trách nhiệm thực hiện, giám sát, và quản lý các hoạt động liên quan đến sức khỏe, an toàn và môi trường tại nơi làm việc. Họ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng các quy định HSE được tuân thủ, đồng thời giúp giảm thiểu rủi ro tai nạn lao động, bảo vệ sức khỏe nhân viên và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Mô tả chi tiết công việc vị trí HSE như sau.
Xây dựng và triển khai chính sách HSE: Nhân viên HSE có trách nhiệm phát triển các chính sách và quy trình HSE phù hợp với quy định pháp luật và yêu cầu của tổ chức. Khi xây dựng kế hoạch HSE cần chú ý về kế hoạch dài hạn và ngắn hạn, đồng thời đánh giá rủi ro, kiểm tra và đào tạo.
Giám sát và kiểm tra an toàn lao động: Thực hiện kiểm tra định kỳ tại nơi làm việc để đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn lao động. Nhân viên HSE cũng se giám sát việc sử dụng trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) của nhân viên. Khi phát hiện các nguy cơ cần có biện pháp xử lý để tránh gây tai nạn hoặc sự cố.
Quản lý và ứng phó sự cố: Thiết lập và thực hành các kế hoạch ứng phó khẩn cấp (như cháy nổ, tràn hóa chất, tai nạn lao động). Bên cạnh đó, nhân viên HSE cũng sẽ tham gia điều tra nguyên nhân sự cố và đề xuất biện pháp khắc phục.
Đào tạo và nâng cao nhận thức: HSE sẽ tổ chức các chương trình đào tạo và hội thảo về sức khỏe, an toàn và môi trường cho nhân viên, hHướng dẫn và nâng cao nhận thức của nhân viên về tầm quan trọng của HSE.
Quản lý môi trường: Công việc này gồm kiểm soát chất thải, khí thải, và nước thải theo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, đề xuất các sáng kiến để giảm thiểu tác động đến môi trường từ hoạt động sản xuất….
Đánh giá rủi ro và cải tiến hệ thống: Định kỳ, nhân viên HSE sẽ thực hiện đánh giá rủi ro và xây dựng kế hoạch giảm thiểu, từ đó đề xuất các biện pháp cải tiến liên tục cho hệ thống HSE.
Báo cáo và tuân thủ pháp luật: Lập báo cáo định kỳ về tình hình HSE cho ban lãnh đạo và cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn lao động và bảo vệ môi trường.

4. Các yêu cầu của vị trí HSE trong doanh nghiệp
4.1 Về trình độ và kinh nghiệm
Để trở thành nhân viên HSE, ứng viên cần:
- Tốt nghiệp đại học các ngành liên quan: Môi trường, An toàn lao động, Kỹ thuật công nghiệp, hoặc các ngành tương đương.
- Có kinh nghiệm từ 1-3 năm trong lĩnh vực HSE (tùy theo cấp độ công việc và yêu cầu của doanh nghiệp).
4.2 Về kiến thức, kỹ năng cần có
Nhân viên HSE cần trang bị kỹ năng và kiến thức như:
Hiểu biết về các tiêu chuẩn HSE quốc tế: Nhân viên HSE cần nắm vững các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý sức khỏe, an toàn và môi trường, đặc biệt là các tiêu chuẩn phổ biến như ISO 14001, ISO 45001, hoặc OHSAS 18001. Đây là những khung tiêu chuẩn được áp dụng rộng rãi để thiết lập hệ thống quản lý an toàn lao động và bảo vệ môi trường trong doanh nghiệp.
Kiến thức pháp luật về lao động, an toàn và môi trường: Bao gồm các Luật Lao động, Luật An toàn, Vệ sinh Lao động, và Luật Bảo vệ Môi trường, cũng như các nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan. Kiến thức pháp luật này không chỉ giúp nhân viên HSE đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ quy định mà còn tránh được các rủi ro pháp lý, hạn chế thiệt hại tài chính và uy tín khi xảy ra vi phạm.
Kỹ năng phân tích và đánh giá rủi ro: Kỹ năng này đòi hỏi tư duy logic, khả năng quan sát nhạy bén và sự hiểu biết sâu sắc về hoạt động của doanh nghiệp. Việc thực hiện tốt đánh giá rủi ro không chỉ giúp phòng ngừa tai nạn lao động mà còn đảm bảo sự liên tục và hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Kỹ năng giao tiếp, tổ chức và xử lý tình huống: Nhân viên HSE cần biết cách hướng dẫn nhân viên sử dụng trang thiết bị bảo hộ, trình bày rõ ràng các quy trình an toàn, và phối hợp với các bộ phận khác để giải quyết các vấn đề phát sinh. Ngoài ra, kỹ năng tổ chức, khả năng xử lý tình huống linh hoạt cũng rất quan trọng để ứng phó nhanh chóng và hiệu quả với các sự cố bất ngờ, từ tai nạn lao động đến sự cố môi trường, đảm bảo giảm thiểu tổn thất cho doanh nghiệp.
Đọc thêm: Operation là gì? Đặc thù của bộ phận vận hành trong doanh nghiệp
5. Mức lương của vị trí HSE hiện tại là bao nhiêu?
Mức lương cho vị trí Nhân viên HSE sẽ khác nhau tùy theo trình độ học vấn, kinh nghiệm và khu vực làm việc.
- Theo trình độ học vấn (Cao đẳng, Đại học, Cao học): Mức lương khoảng 8 – 30 triệu đồng/tháng.
- Theo số năm kinh nghiệm: Thấp nhất là 4 triệu đồng/tháng (Thực tập sinh, Fresher) và cao nhất là 35 – 40 triệu đồng/tháng (Quản lý).
Theo thống kê từ Indeed, mức lương trung bình cho Nhân viên HSE tại Việt Nam là khoảng 12.289.000 VNĐ/tháng.
Các con số về mức lương trên chỉ mang tính chất tham khảo và có thể thay đổi tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp, ngành nghề, và năng lực cá nhân của ứng viên.
6. Kết luận
HSE và nhân viên HSE đóng vai trò cốt lõi trong việc đảm bảo môi trường làm việc an toàn, lành mạnh và bền vững. Việc đầu tư vào HSE không chỉ là trách nhiệm mà còn là một quyết định kinh doanh thông minh, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ thương hiệu và tạo dựng lòng tin với khách hàng, đối tác và cộng đồng.
Hy vọng qua những nội dung trên đây bạn đã hiểu hơn về công việc này, từ đó xây dựng được đội ngũ HSE phù hợp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.