
Trong kỷ nguyên số, khi mọi thiết bị xung quanh chúng ta có thể tự động kết nối, trao đổi dữ liệu và hoạt động thông minh hơn, Internet of Things (IoT) đã trở thành một trong những công nghệ đột phá nhất. Từ những ngôi nhà thông minh, hệ thống giám sát sản xuất cho đến thành phố số hóa, IoT không chỉ giúp tối ưu hóa vận hành mà còn mở ra cơ hội phát triển đột phá cho doanh nghiệp. Vậy IoT là gì, hoạt động như thế nào và doanh nghiệp có thể tận dụng công nghệ này ra sao? Hãy cùng Base.vn khám phá chi tiết trong bài viết này!
Mục lục
Toggle1. IoT là gì?
IoT là viết tắt của “Internet of Things”, được hiểu là Internet vạn vật. Đây là một thuật ngữ dùng để chỉ một mạng lưới các thiết bị và đồ dùng được kết nối với internet, có khả năng thu thập, xử lý và trao đổi dữ liệu với nhau mà không cần sự can thiệp của con người. Những thiết bị này có thể bao gồm những đồ gia dụng quen thuộc như đèn chiếu sáng, máy hút bụi, chuông cửa, điện thoại; máy móc công nghiệp; hệ thống giám sát sức khỏe; cảm biến môi trường;… Hay nói đơn giản, Internet vạn vật có nghĩa là tích hợp “vạn vật” với internet.
Trong bối cảnh doanh nghiệp, các thiết bị IoT được sử dụng để giám sát nhiều thông số khác nhau như nhiệt độ, độ ẩm, chất lượng không khí, mức tiêu thụ năng lượng và hiệu suất máy móc. Dữ liệu này có thể được phân tích theo thời gian thực để xác định các mô hình, xu hướng và bất thường, từ đó giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động, tiết kiệm năng lượng và tăng lợi ích kinh tế.

2. IoT xuất hiện từ bao giờ? Nguồn gốc của Internet vạn vật
IoT đã tạo nên một cuộc cách mạng về công nghệ trên phạm vi toàn cầu, mở rộng khả năng kết nối internet của mọi đồ dụng và thiết bị, chứ không chỉ là PC, smartphone hay laptop. Khi một đồ vật được kết nối với internet, nó sẽ trở nên thông minh hơn với khả năng tự động thu thập, truyền nhận dữ liệu và hoạt động dựa trên thông tin đó.
Hãy cùng điểm qua những cột mốc lịch sử đáng nhớ về quá trình hình thành và phát triển của IoT:
– Năm 1990: Kỹ sư phần mềm John Romkey kết nối một chiếc máy nướng bánh mì với máy tính qua internet, biến nó trở thành thiết bị đầu tiên được điều khiển từ xa.
– Năm 1999: Nhà khoa học Kevin Ashton giới thiệu thuật ngữ “Internet of Things” trong một bài thuyết trình về hệ thống cảm biến và RFID (Radio Frequency Identification – Công nghệ nhận dạng đối tượng qua tần số vô tuyến) để quản lý chuỗi cung ứng. Do đó, ông được xem là “cha đẻ” của IoT.
– Năm 2000: Hãng LG ra mắt chiếc tủ lạnh có kết nối internet đầu tiên trên thế giới với mức giá khoảng 20.000 USD.
– Năm 2008: Hội nghị quốc tế đầu tiên về IoT được tổ chức tại Zurich, Thụy Sĩ.
– Năm 2009: Theo Cisco, đây là thời điểm mà công nghệ Internet vạn vật thực sự bùng nổ, khi số lượng thiết bị được kết nối internet vượt quá dân số thế giới.
– Năm 2013: Thuật ngữ “Internet of Things” chính thức được đưa vào hệ thống định nghĩa của từ điển Oxford.
– Năm 2020: Số thiết bị kết nối internet trên thế giới ước tính vượt mốc 20 tỷ. Con số này đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của IoT.
Đến hiện tại, công nghệ IoT chưa có dấu hiệu chững lại và vẫn đang tiếp tục tạo ra tác động lớn đến mọi lĩnh vực, từ sản xuất, y tế đến quản lý đô thị và đời sống cá nhân, kiến tạo nên một thế giới số thông minh và sống động hơn.
3. Những công nghệ nào được sử dụng trong IoT?
IoT được hình thành từ sự kết hợp của nhiều công nghệ tiên tiến, giúp các thiết bị IoT thực hiện kết nối, xử lý và trao đổi dữ liệu một cách liền mạch và chuẩn xác. Dưới đây là những công nghệ cốt lõi làm nền tảng cho IoT:
– Điện toán đám mây (Cloud Computing): Là hạ tầng lưu trữ, xử lý và phân tích lượng dữ liệu khổng lồ do các thiết bị IoT tạo ra. Các nền tảng đám mây cung cấp công cụ cần thiết để quản lý dữ liệu, xây dựng và triển khai các ứng dụng IoT.
– Phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics): Để hiểu được lượng dữ liệu khổng lồ do các thiết bị IoT tạo ra, người ta cần sử dụng các công cụ phân tích nâng cao để trích xuất các thông tin có giá trị. Các công cụ này có thể bao gồm các thuật toán học máy (ML), công cụ trực quan hóa dữ liệu và mô hình dự đoán để nhận diện xu hướng và hỗ trợ ra quyết định.
– Công nghệ bảo mật và quyền riêng tư: Khi IoT ngày càng phổ biến, các mối đe dọa an ninh mạng cũng gia tăng. Các công nghệ như mã hóa dữ liệu, kiểm soát truy cập và hệ thống phát hiện xâm nhập có thể bảo vệ thiết bị và dữ liệu IoT khỏi các rủi ro bảo mật.
– Điện toán biên (Edge Computing): Thay vì gửi toàn bộ dữ liệu về trung tâm xử lý, điện toán biên cho phép thiết bị thông minh tự thực hiện nhiều tác vụ ngay tại nơi dữ liệu được tạo ra. Nhờ đó giảm thiểu độ trễ, cải thiện tốc độ phản hồi và tối ưu hiệu suất của hệ thống IoT.

Đọc thêm: Công nghệ AI là gì? Cách triển khai và ứng dụng AI trong doanh nghiệp
4. Cấu trúc của hệ thống IoT
Hệ thống IoT (Internet of Things) bao gồm các thành phần chính như sau:
– Thiết bị (Things): Đây là các thiết bị vật lý như cảm biến, thiết bị đeo, máy móc, thiết bị gia dụng,… có khả năng thu thập dữ liệu và gửi thông tin đến hệ thống IoT.
– Trạm kết nối (Gateways): Giúp kết nối các thiết bị IoT với mạng Internet, đồng thời xử lý dữ liệu sơ bộ trước khi truyền đi để giảm tải cho hệ thống.
– Hạ tầng mạng và đám mây (Network & Cloud): Bao gồm mạng lưới truyền thông và các nền tảng điện toán đám mây, giúp truyền tải, lưu trữ và quản lý dữ liệu từ các thiết bị IoT.
– Bộ xử lý và phân tích dữ liệu (Services & Solutions): Đây là lớp xử lý dữ liệu, sử dụng các công cụ phân tích, chẳng hạn như học máy (ML), để trích xuất thông tin giá trị, từ đó cung cấp các giải pháp và dịch vụ thông minh.
– Giao diện người dùng (User Interface – UI): Là phương tiện để người dùng quản lý và điều khiển thiết bị IoT từ xa, thường được triển khai dưới dạng phần mềm chạy trên website hay ứng dụng di động.
Các thành phần này sẽ kết hợp và hoạt động cùng nhau để thu thập, truyền tải, xử lý dữ liệu và cung cấp giải pháp thông minh, phục cho nhu cầu sản xuất, chăm sóc sức khỏe, kinh doanh, v.v…

5. Hệ thống IoT hoạt động như thế nào?
5.1 Quy trình hoạt động của thiết bị IoT
Thiết bị IoT đóng vai trò như “mắt” và “tai” của chúng ta với khả năng tự động thu thập dữ liệu từ môi trường xung quanh mà không cần chúng ta can thiệp. Dữ liệu này sau đó được phân tích để tự động hóa các quyết định hoặc gửi thông báo đến người dùng. Cụ thể, quy trình này diễn ra qua 4 giai đoạn:
– Giai đoạn 1: Thu thập dữ liệu: Các thiết bị IoT sử dụng cảm biến để ghi nhận thông tin từ môi trường, từ những yếu tố đơn giản như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng cho đến dữ liệu phức tạp như video giám sát thời gian thực.
– Giai đoạn 2: Truyền dữ liệu: Dữ liệu thu thập sẽ được gửi đi qua mạng, có thể đến nền tảng đám mây công cộng hoặc riêng tư (thiết bị – hệ thống – thiết bị), hoặc trực tiếp đến một thiết bị khác trong mạng IoT (thiết bị – thiết bị). Trong một số trường hợp, dữ liệu có thể được xử lý ngay tại biên (Edge Computing) thay vì truyền đi xa.
– Giai đoạn 3: Xử lý dữ liệu: Tại đây, phần mềm của hệ thống sẽ phân tích dữ liệu và thực hiện các tác vụ theo lập trình. Ví dụ, nếu camera giám sát phát hiện có người lạ xâm nhập, hệ thống có thể ngay lập tức gửi cảnh báo đến ứng dụng (app) trên điện thoại của người dùng hoặc kích hoạt còi báo động.
– Giai đoạn 4: Ra quyết định và hành động: Tất cả dữ liệu của hệ thống IoT sẽ được tổng hợp và phân tích, giúp người dùng có thông tin toàn diện để đưa ra quyết định phù hợp. Một số hệ thống IoT còn có khả năng tự động phản hồi theo thuật toán, chẳng hạn như điều chỉnh nhiệt độ điều hòa khi phát hiện có người trong phòng.
5.2 Ví dụ minh họa: Hệ thống đèn IoT thông minh trong gia đình
Giả sử chủ nhà lắp đặt một hệ thống đèn thông minh tại phòng khách, được kết nối với các cảm biến chuyển động và ứng dụng điều khiển trên điện thoại. Quá trình hoạt động của hệ thống này sẽ diễn ra như sau:
– Thu thập dữ liệu:
- Cảm biến phát hiện chuyển động được gắn ở cửa ra vào hoặc hành lang sẽ liên tục theo dõi và ghi nhận khi có người bước vào khu vực.
- Một số hệ thống còn có thể tự động đo ánh sáng môi trường để điều chỉnh độ sáng đèn phù hợp.
– Truyền dữ liệu:
- Khi phát hiện có người di chuyển trong khu vực phòng khách, bộ cảm biến sẽ gửi tín hiệu đến bộ điều khiển trung tâm qua Wifi hoặc Zigbee/Bluetooth.
- Dữ liệu này có thể được gửi lên nền tảng đám mây để xử lý hoặc truyền thẳng đến hệ thống điều khiển trong nhà.
– Xử lý dữ liệu:
- Nếu hệ thống nhận thấy có người trong phòng khách khi trời tối, nó sẽ tự động bật đèn lên.
- Nếu không phát hiện chuyển động trong một khoảng thời gian nhất định, hệ thống sẽ tự động tắt đèn để tiết kiệm điện.
- Nếu chủ nhà muốn điều chỉnh độ sáng hoặc thay đổi màu sắc đèn, họ có thể thao tác ngay trên ứng dụng điện thoại.
– Ra quyết định và hành động:
- Khi người dùng ra lệnh tắt/bật đèn bằng giọng nói thông qua trợ lý ảo hoặc cài đặt chế độ hẹn giờ, hệ thống sẽ tự động thực hiện theo yêu cầu.
- Ngoài ra, hệ thống cũng sẽ ghi nhận và thống kê dữ liệu về mức tiêu thụ điện của đèn để giúp chủ nhà tối ưu hóa chi phí điện năng.
Nhờ công nghệ IoT, hệ thống đèn thông minh không chỉ giúp gia chủ tăng sự tiện nghi cho ngôi nhà mà còn hỗ trợ tiết kiệm tiền điện.
Đọc thêm: Công nghệ 4.0 là gì? Tác động và ứng dụng trong doanh nghiệp
6. Ứng dụng và ví dụ về IoT trong một số lĩnh vực
Công nghệ IoT đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực với mục tiêu tối ưu hóa quy trình, nâng cao độ chính xác của dữ liệu và hỗ trợ ra quyết định thông minh. Nhờ đó, IoT góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống nói chung. Dưới đây là nhu cầu đặc thù của mỗi lĩnh vực khi ứng dụng IoT:
Lĩnh vực | Mục đích ứng dụng IoT | Dữ liệu thu thập & Phản hồi | Ví dụ về thiết bị IoT |
Sản xuất | Nâng cao hiệu suất vận hành; Giảm thiểu lỗi; Hạn chế gián đoạn; Đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định. | – Giám sát nhiệt độ, độ rung, mức tiêu thụ điện của máy móc trong thời gian thực. – Phát hiện dấu hiệu bất thường, tự động điều chỉnh hoặc gửi cảnh báo để bảo trì kịp thời. | Hệ thống cảm biến rung động, áp suất, dòng điện; Robot công nghiệp; Hệ thống dự đoán bảo trì. |
Giao thông – Vận tải | Giảm ùn tắc; Cải thiện an toàn đường bộ; Tối ưu hóa hiệu suất của phương tiện. | – Theo dõi lưu lượng giao thông, tốc độ xe cộ, mật độ xe. – Tự động điều chỉnh đèn tín hiệu để giảm tắc nghẽn, cảnh báo hành vi lái xe nguy hiểm và cải thiện ý thức lái xe. | Hệ thống đèn giao thông thông minh; Bãi đỗ xe thông minh; Hệ thống theo dõi phương tiện. |
Nhà thông minh | Nâng cao sự tiện lợi; Tiết kiệm năng lượng; Tăng cường an ninh và giám sát. | – Cảm biến đo nhiệt độ, ánh sáng, âm thanh, chuyển động. – Tự động điều chỉnh hoạt động theo điều kiện môi trường xung quanh, hoặc gửi thông báo để người dùng ra quyết định. | Hệ thống đèn/điều hòa/máy giặt/khóa cửa/bếp thông minh; Camera giám sát. |
Y tế & Chăm sóc sức khỏe | Theo dõi sức khỏe bệnh nhân từ xa nhằm giảm tải cho bệnh viện hoặc cơ sở y tế. | – Theo dõi nhịp tim, huyết áp, nồng độ oxy trong máu. – Gửi dữ liệu đến ứng dụng hoặc bác sĩ để kịp thời phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm. | Máy đo huyết áp thông minh; Giường bệnh thông minh; Thiết bị theo dõi sức khỏe đeo tay; Robot phẫu thuật. |
Nông nghiệp | Tự động hóa chăm sóc cây trồng; Dự báo sản lượng; Tối ưu hóa năng suất mùa vụ. | – Theo dõi điều kiện của đất (độ ẩm, pH, hàm lượng dinh dưỡng,..), ánh sáng, nhiệt độ. – Cung cấp cho người nông dân dữ liệu sức khỏe cây trồng theo thời gian thực, đồng thời đề xuất tưới tiêu, bón phân hợp lý. | Hệ thống tưới tiêu tự động; Thiết bị theo dõi sức khỏe gắn trên vật nuôi; Máy bay không người lái (drone) phun thuốc BVTV. |
Thành phố thông minh | Cải thiện tình trạng giao thông; Quản lý sử dụng tài nguyên và dịch vụ công cộng; Hướng tới sự bền vững. | – Thu thập các dữ liệu giao thông và môi trường như dòng xe, tiếng ồn, ô nhiễm, chất lượng không khí. – Gửi dữ liệu đến ban điều hành, hoặc tự động hành động theo điều kiện môi trường, như là bật đèn khi trời tối. | Đèn đường thông minh; Hệ thống giám sát an ninh; Cảm biến chất lượng không khí. |

7. Các ứng dụng IoT nổi bật trong điều hành doanh nghiệp
Công nghệ IoT đang góp phần cải tiến quy trình vận hành doanh nghiệp, từ quản lý nhân sự đến kiểm soát chuỗi cung ứng. Dưới đây là những ứng dụng tiêu biểu của IoT trong môi trường kinh doanh:
7.1 Quản lý thời gian và chấm công
– Ứng dụng IoT:
- Sử dụng thiết bị chấm công IoT hiện đại như nhận diện khuôn mặt, quét vân tay, thẻ từ.
- Dữ liệu chấm công được truyền trực tiếp đến ứng dụng quản lý thông tin chấm công như Base Checkin để tổng hợp bảng công và tính lương.
– Dữ liệu thu thập & Phản hồi:
- Tự động ghi nhận thời gian check-in/check-out của nhân viên.
- Dữ liệu được lưu trữ và đồng bộ hóa theo thời gian thực, giúp doanh nghiệp dễ dàng kiểm soát trạng thái làm việc của nhân viên và tính lương chính xác vào cuối tháng.
7.2 Quản lý tài sản
– Ứng dụng IoT:
- Kiểm soát và theo dõi tình trạng tài sản của doanh nghiệp bằng mã QR hoặc RFID.
- Sử dụng các ứng dụng quản lý tài sản như Base Asset, được tích hợp công cụ quét mã QR ngay trên ứng dụng điện thoại, giúp tra cứu nhanh thông tin tài sản (loại tài sản, người sử dụng, chi phí đầu vào, tình trạng hiện tại…).
– Dữ liệu thu thập & Phản hồi:
- Hệ thống ghi nhận trạng thái sử dụng tài sản theo thời gian thực.
- Phân tích dữ liệu để đánh giá mức độ hao mòn, hỗ trợ kiểm kê và lập kế hoạch bảo trì, thay thế phù hợp.
Đọc thêm: Top 10+ phần mềm quản lý tài sản phù hợp nhất với doanh nghiệp
7.3 Quản lý an toàn lao động
– Ứng dụng IoT:
- Cảm biến đo lường các yếu tố trong môi trường làm việc như nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ khí độc, tiếng ồn, v.v…
- Thiết bị đeo thông minh theo dõi sức khỏe nhân viên trong môi trường nguy hiểm, chẳng hạn như khai thác mỏ hoặc xử lý chất thải.
– Dữ liệu thu thập & Phản hồi:
- Khi phát hiện điều kiện môi trường vượt ngoài phạm vi an toàn, hệ thống sẽ gửi cảnh báo đến nhân viên và quản lý.
- Phân tích dữ liệu sức khỏe của nhân viên để phát hiện nguy cơ suy giảm thể trạng, từ đó hỗ trợ điều chỉnh lịch làm việc.
7.4 Quản lý kho và chuỗi cung ứng
– Ứng dụng IoT:
- Hệ thống RFID và cảm biến theo dõi trạng thái hàng tồn kho theo thời gian thực.
- Hệ thống định vị GPS giám sát quá trình vận chuyển hàng hóa bằng cách theo dõi vị trí thực tế của phương tiện vận tải.
– Dữ liệu thu thập & Phản hồi:
- Khi hàng tồn kho giảm xuống dưới mức quy định, hệ thống sẽ tự động gửi thông báo đến nhân viên quản lý để có kế hoạch nhập hàng bổ sung, đảm bảo không thiếu hụt hàng.
- Giám sát nhiệt độ và độ ẩm trong quá trình vận chuyển. Chẳng hạn, khi cảm biến phát hiện nhiệt độ trong kho thực phẩm tăng quá mức cho phép, hệ thống sẽ ngay lập tức gửi cảnh báo để nhân viên kiểm tra và thực hiện điều chỉnh, nhờ đó hàng hóa không bị hư hỏng.
8. Lợi ích của IoT đối với sản xuất, kinh doanh
Sản xuất, kinh doanh có thể hưởng nhiều lợi ích khi ứng dụng hệ thống IoT, điển hình như:
– Nâng cao năng suất:
Các thiết bị IoT thông minh có khả năng tự động hóa và tối ưu hóa các quy trình, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả và năng suất hoạt động. Cụ thể, cảm biến IoT theo dõi hiệu suất của thiết bị, phát hiện hoặc thậm chí là giải quyết các sự cố tiềm ẩn trước khi chúng gây ra gián đoạn.
Ví dụ, trong dây chuyền sản xuất, cảm biến phát hiện một cánh tay robot lắp ráp đang có độ rung bất thường, báo hiệu nguy cơ hỏng hóc. Hệ thống IoT sẽ ngay lập tức gửi cảnh báo đến đội bảo trì, đồng thời điều chỉnh lực siết của các linh kiện để ngăn chặn lỗi xảy ra. Nhờ đó, đội bảo trì có thể xử lý kịp thời và tránh được thời gian “chết”.
– Ra quyết định chính xác dựa trên dữ liệu:
Các thiết bị IoT liên tục thu thập và tổng hợp lượng dữ liệu khổng lồ, giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về hành vi của khách hàng, xu hướng thị trường và hiệu suất vận hành. Bằng cách phân tích những dữ liệu này, doanh nghiệp có thể đưa ra quyết định chiến lược chính xác hơn, tối ưu hóa sản xuất và phân bổ nguồn lực hợp lý hơn.
– Tiết kiệm chi phí:
IoT giúp giảm sự phụ thuộc vào quy trình thủ công và tự động hóa các tác vụ lặp lại, từ đó cắt giảm chi phí vận hành và tăng lợi nhuận. Ví dụ, hệ thống điều hòa thông minh trong các tòa nhà có thể tự động điều chỉnh nhiệt độ theo sự hiện diện của con người, nhờ đó, chủ đầu tư có thể cắt giảm lượng điện tiêu thụ không cần thiết.
– Nâng cao trải nghiệm của khách hàng:
Bằng cách sử dụng công nghệ IoT để thu thập dữ liệu về hành vi của khách hàng, doanh nghiệp có thể tạo ra những trải nghiệm hấp dẫn và cá nhân hóa hơn cho khách hàng của mình. Ví dụ, khách sạn có thể tự động hóa việc điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, âm nhạc theo sở thích của từng người khách, từ đó cung cấp trải nghiệm thoải mái và ấn tượng hơn.
9. Thách thức khi ứng dụng IoT và cách khắc phục
Mặc dù IoT mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, nhưng nó cũng đặt ra nhiều thách thức. Dưới đây là những điểm đáng lưu ý nhất:
– Rủi ro về tính bảo mật và quyền riêng tư:
- Các thiết bị IoT có thể bị tin tặc tấn công, gây rò rỉ dữ liệu nhạy cảm.
- IoT thu thập lượng lớn dữ liệu cá nhân, có thể dấy lên lo ngại về quyền riêng tư.
➡️ Giải pháp:
- Mã hóa dữ liệu đầu cuối để bảo vệ thông tin truyền giữa các thiết bị.
- Xác thực đa yếu tố (MFA) và cập nhật thường xuyên phần mềm bảo mật.
- Kiểm soát quyền truy cập để hạn chế những ai có thể xem và sử dụng dữ liệu IoT.
– Vấn đề về khả năng kết nối và đồng bộ:
Các thiết bị IoT đến từ nhiều nhà sản xuất khác nhau, sử dụng các giao thức riêng biệt. Điều này có thể khiến việc kết nối và đồng bộ dữ liệu giữa các hệ thống trở nên phức tạp.
➡️ Giải pháp:
- Chuẩn hóa giao thức IoT, sử dụng các tiêu chuẩn mở như MQTT, CoAP hoặc OPC UA để đảm bảo các thiết bị có thể giao tiếp với nhau.
- Áp dụng nền tảng IoT trung gian (IoT Gateway) để kết nối các thiết bị không tương thích.
- Sử dụng API mở để tích hợp nhiều hệ thống IoT khác nhau.
– Yêu cầu về chi phí đầu tư và kỹ thuật triển khai:
- Việc triển khai hệ thống IoT thường đòi hỏi ngân sách đầu tư lớn vào thiết bị, phần mềm và hạ tầng mạng.
- Doanh nghiệp cần có đội ngũ CNTT đủ chuyên môn để vận hành và bảo trì hệ thống.
- Quá trình tích hợp IoT vào hệ thống hiện tại có thể phức tạp và tốn kém.
➡️ Giải pháp:
- Lên kế hoạch triển khai IoT theo từng giai đoạn, bao gồm xác định mục tiêu, trường hợp sử dụng và kết quả mong muốn. Điều này giúp doanh nghiệp chọn đúng thiết bị, nền tảng IoT, đồng thời đảm bảo chiến lược IoT phù hợp với mục tiêu kinh doanh.
- Cân nhắc sử dụng giải pháp IoT “dịch vụ thuê ngoài” (IoT-as-a-Service) để tiết kiệm chi phí và làm quen công nghệ trong giai đoạn ban đầu.
10. Tạm kết
Trên đây là các kiến thức xoay quanh IoT là gì và ví dụ về IoT mà Base Blog muốn chia sẻ cùng doanh nghiệp. Hiện nay, IoT không còn là một công nghệ quá xa lạ, mà đã có mặt ở hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và đời sống hàng ngày.
Trước khi triển khai hệ thống IoT, doanh nghiệp nên xác định rõ nhu cầu, đánh giá nguồn lực và lựa chọn những thiết bị IoT phù hợp nhất để đáp ứng mục tiêu dài hạn. Với chiến lược đúng đắn, IoT không chỉ giúp tối ưu hóa vận hành, mà còn mở ra nhiều cơ hội đổi mới và phát triển.