Trong nền kinh tế cạnh tranh như hiện nay, việc xây dựng và phát triển thương hiệu là điều quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp, tổ chức. Tuy nhiên, để tạo dựng được vị thế vững chắc trên thị trường, chinh phục được lòng tin của khách hàng, doanh nghiệp cần nhiều hơn những sản phẩm hay dịch vụ chất lượng. Đó chính là giá trị cốt lõi – kim chỉ nam định hướng mọi hoạt động và là nền tảng tạo nên sự khác biệt và bản sắc riêng biệt cho mỗi thương hiệu. Cùng Base Blog tìm hiểu nhé!
Mục lục
Toggle1. Giá trị cốt lõi là gì?
1.1 Khái niệm
Giá trị cốt lõi, hay tiếng Anh là Core Value gồm các nguyên tắc chung, niềm tin, lý tưởng, chuẩn mực cơ bản của một tổ chức, một nhóm người hay một cá nhân tuân thủ để thực hiện mọi hoạt động cũng như đưa ra quyết định. Các yếu tố này được tạo ra trong một thời gian dài và hình thành nên tính cách của một cá nhân hoặc một doanh nghiệp.
Xác định core value sẽ giúp tổ chức thiết lập một hướng dẫn chung cho việc hành xử, ứng xử, đưa ra quyết định. Ngoài ra, nó cũng hỗ trợ cá nhân, tổ chức thực hiện tất cả các khía cạnh khác trong cuộc sống cũng như hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, giá trị cốt lõi cũng cho biết tổ chức và cá nhân đó mang những nét đặc biệt, đặc trưng như thế nào, phương châm sống, phương châm kinh doanh ra sao….
1.2 Một số khái niệm khác về giá trị cốt lõi
Giá trị cốt lõi của cá nhân
Giá trị cốt lõi của con người gồm các nguyên tắc, niềm tin cũng như lý tưởng mà mỗi cá nhân hướng đến và thể hiện qua hành động. Đây là cách họ tương tác với mọi người, với thế giới và đưa ra quyết định trong cuộc sống.
Để dễ hình dung, chúng ta có thể thấy một số ví dụ về giá trị cốt lõi của con người như: Sự khiêm tốn, trách nhiệm, lòng trắc ẩn, sự can đảm, tôn trọng, sự đồng cảm, cầu tiến… Những giá trị này góp phần tạo ra môi trường tốt hơn, con người xây dựng được các mối quan hệ và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Giá trị cốt lõi của thương hiệu
Giá trị cốt lõi của thương hiệu là những nguyên tắc, tư tưởng hay niềm tin mà thương hiệu muốn mang đến cho khách hàng. Đây được coi là nền tảng để thương hiệu tạo ra sự nổi bật và khác biệt so với đối thủ cạnh tranh.
Core Value của thương hiệu sẽ tập trung vào xác định hành vi, sự trải nghiệm, tương tác của khách hàng và thường được thể hiện qua thông điệp quảng cáo, câu chuyện kinh doanh, các quyết định kinh doanh…
Ví dụ với thương hiệu thời trang, giá trị cốt lõi có thể là sự sáng tạo, trẻ trung, tinh tế, năng động, sự thoải mái….
Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp
Với doanh nghiệp, giá trị cốt lõi là nguyên tắc, tôn chỉ mà tổ chức đặt lên hàng đầu, áp dụng và tuân thủ nó trong mọi hoạt động. Mặt khác, đây cũng là điểm chủ chốt để định hình văn hóa doanh nghiệp, hướng nhân viên của tổ chức đi đúng theo giá trị mà doanh nghiệp đã đưa ra.
1.3 Ví dụ minh họa về giá trị cốt lõi của doanh nghiệp
Giá trị cốt lõi với doanh nghiệp tập trung hướng đến khách hàng
- Lấy khách hàng là trung tâm để thực hiện mọi hoạt động kinh doanh.
- Luôn tôn trọng khách hàng.
- Cam kết sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng mọi nhu cầu từ khách hàng.
- Mang đến cho khách hàng trải nghiệm mua sắm và sử dụng dịch vụ tốt nhất.
Giá trị cốt lõi với doanh nghiệp hướng đến nhân viên
- Tạo dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động và sáng tạo để nhân viên phát huy hết khả năng.
- Luôn lắng nghe ý kiến và tôn trọng nhân viên.
- Đầu tư để đào tạo, phát triển đội ngũ nhân sự.
- Luôn có những khen thưởng và công nhận những thành tích của nhân viên.
- Tạo cơ hội cho nhân viên phát triển hơn trong công việc và thăng tiến trong sự nghiệp.
2. Các yếu tố hình thành nên giá trị cốt lõi của doanh nghiệp
2.1 Yếu tố chủ quan
Giá trị cốt lõi của một tổ chức có thể được hình thành dựa theo ý tưởng của nhà sáng lập, ban lãnh đạo, những khát vọng và giá trị mà CEO mong muốn mang đến cho khách hàng cũng như cộng đồng.
Có thể nói, mục tiêu của xây dựng giá trị cốt lõi là định hướng cho doanh nghiệp có hướng đi đúng nhất và là động lực để thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Vậy nên đa số các doanh nghiệp hiện nay đều bị ảnh hưởng và tác động bởi yếu tố chủ quan này.
2.2 Yếu tố khách quan
Các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến giá trị cốt lõi có thể kể đến như sự phản hồi từ nhân viên, nhu cầu và mong muốn từ khách hàng, môi trường kinh tế, văn hóa xã hội, luật pháp…
Theo đó, giá trị cốt lõi sẽ có tính khả thi cao hơn nếu nó được xác định qua việc nghiên cứu khách hàng, tổng hợp ý kiến từ nhân viên trong công ty. Bởi đây là hai yếu tố quan trọng giúp các hoạt động kinh doanh ngày càng thành công hơn.
Đọc thêm: EVP là gì? Hướng dẫn xây dựng Employee Value Proposition cho doanh nghiệp
3. Vì sao giá trị cốt lõi của doanh nghiệp lại cần thiết và quan trọng?
3.1 Giúp doanh nghiệp định hướng chiến lược kinh doanh
Dựa vào giá trị cốt lõi, doanh nghiệp có thể xác định rõ ràng được mục tiêu, đưa ra được định hướng chiến lược kinh doanh phù hợp và là tiền đề để có những quyết định đúng đắn, thống nhất mọi hoạt động trong tổ chức.
Thêm nữa, nhờ có giá trị cốt lõi, doanh nghiệp sẽ tập trung được nguồn lực vào những lĩnh vực quan trọng, có thể mang đến giá trị vượt trội, tạo ra lợi thế cạnh tranh và mang đến hiệu quả hoạt động vượt trội.
3.2 Xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố quan trọng để giúp doanh nghiệp thành công. Và giá trị cốt lõi sẽ là nền tảng để có thể xây dựng văn hóa doanh nghiệp độc đáo, có bản sắc riêng, không trùng với bất kỳ tổ chức nào.
Khi giá trị cốt lõi được lan tỏa và thấm nhuần trong mỗi cá nhân của tổ chức, nó sẽ thúc đẩy sự đồng lòng, gắn kết, tạo ra môi trường làm việc hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển của công ty.
3.3 Thu hút và giữ chân nhân tài
Nhân viên ngày nay, đặc biệt là thế hệ GenZ ngày càng chú trọng đến môi trường làm việc cũng như những giá trị mà doanh nghiệp mang lại. Vậy nên những tổ chức có giá trị cốt lõi rõ ràng, nhân viên sẽ thu hút được nhiều ứng viên tiềm năng.
Giá trị cốt lõi cũng giúp doanh nghiệp giữ chân nhân viên, tạo dựng đội ngũ nhân lực gắn bó và cống hiến lâu dài cho tổ chức.
3.4 Tăng cường niềm tin của khách hàng
Giá trị cốt lõi thể hiện cam kết của doanh nghiệp đối với khách hàng, giúp khách hàng hiểu rõ hơn về những gì doanh nghiệp mang lại hay họ sẽ nhận được gì khi sử dụng sản phẩm/dịch vụ của tổ chức.
Khi khách hàng tin tưởng vào giá trị cốt lõi, họ sẽ có xu hướng gắn bó lâu dài và sẵn sàng giới thiệu doanh nghiệp cho nhiều khách hàng khác.
Đọc thêm: “Nghệ thuật” giữ chân khách hàng: 8 chiến lược hiệu quả năm 2024
3.5 Nâng cao hình ảnh, uy tín của thương hiệu
Giá trị cốt lõi góp phần tạo dựng hình ảnh thương hiệu uy tín, chuyên nghiệp và đáng tin cậy trong mắt khách hàng, đối tác cũng như đối với cộng đồng. Đây chính là cách giúp doanh nghiệp có thể thu hút thêm nhiều khách hàng mới, các nhà đầu tư, nâng cao hình ảnh trên thị trường và tạo ra lợi thế cạnh tranh.
4. 5 nguyên tắc khi xây dựng giá trị cốt lõi
Xác định mục tiêu rõ ràng
Trước khi bắt đầu xây dựng giá trị cốt lõi, doanh nghiệp cần xác định rõ ràng mục tiêu mà mình muốn đạt được. Mục tiêu này cần cụ thể, đo lường được, khả thi, có liên quan và có thời hạn (SMART). Ví dụ: Mục tiêu của doanh nghiệp là trở thành thương hiệu hàng đầu trong ngành bán lẻ thời trang cao cấp trong vòng 5 năm tới.
Tập trung vào các giá trị cốt lõi trọng tâm
Doanh nghiệp không nên đặt ra quá nhiều giá trị cốt lõi, (nhiều hơn 7 nội dung). Thay vào đó, hãy tập trung vào những giá trị cốt lõi trọng tâm, phản ánh bản chất và định hướng phát triển của doanh nghiệp. Ví dụ: Giá trị cốt lõi của Google là “Thông tin là sức mạnh, đổi mới liên tục, làm việc hiệu quả, cởi mở và minh bạch, tập trung vào người dùng”.
Tôn trọng giá trị văn hóa đã đề ra
Giá trị cốt lõi cần phải phù hợp với văn hóa doanh nghiệp đã được xây dựng từ trước, tránh những giá trị mâu thuẫn hoặc đi ngược lại với văn hóa chung của doanh nghiệp. Ví dụ: Doanh nghiệp có văn hóa đề cao sự sáng tạo và đổi mới, thì giá trị cốt lõi cần thể hiện tinh thần này.
Thích ứng theo tình hình thực tế
Giá trị cốt lõi cần được đánh giá và điều chỉnh định kỳ để phù hợp với sự thay đổi của môi trường kinh doanh và thị trường. Doanh nghiệp cần linh hoạt trong việc điều chỉnh để đảm bảo tính phù hợp và hiệu quả trong từng giai đoạn phát triển.
Cần dễ hiểu, dễ nắm bắt
Giá trị cốt lõi cần được thể hiện bằng ngôn ngữ ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu và dễ nhớ để có thể truyền tải thông điệp một cách hiệu quả đến tất cả các thành viên trong doanh nghiệp cũng như khách hàng. Hãy tránh sử dụng những ngôn từ trừu tượng, khó hiểu hoặc gây hiểu lầm.
6. Các bước xây dựng core value cho doanh nghiệp
Bước 1: Hiểu rõ sứ mệnh, tầm nhìn và văn hóa doanh nghiệp
Sứ mệnh là lý do tồn tại của doanh nghiệp, thể hiện mục đích hoạt động và giá trị mà doanh nghiệp mang lại cho cộng đồng. Tầm nhìn là định hướng phát triển lâu dài của tổ chức, thể hiện mong muốn và khát vọng của doanh nghiệp trong tương lai. Văn hóa doanh nghiệp là tập hợp các giá trị, niềm tin, quy tắc và chuẩn mực hành vi chung được chia sẻ bởi tất cả các thành viên trong tổ chức.
Khi xây dựng giá trị cốt lõi, nó phải phù hợp với sứ mệnh, tầm nhìn và văn hóa doanh nghiệp, đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ trong mọi hoạt động.
Bước 2: Phân tích giá trị của khách hàng và đối thủ cạnh tranh
Tiếp theo, doanh nghiệp cần xác định nhu cầu, mong muốn cũng như giá trị mà khách hàng hướng đến. Cùng với đó, việc phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của đối thủ cạnh tranh cũng rất quan trọng.
Giá trị cốt lõi cần thể hiện sự cam kết của doanh nghiệp trong việc mang lại giá trị cho khách hàng, xây dựng lòng tin và sự trung thành của khách hàng đối với thương hiệu. Đồng thời, giá trị cốt lõi cũng cần tạo ra sự khác biệt và vị thế độc đáo cho doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh.
Bước 3: Xác định năng lực và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp
Khi đã hiểu khách hàng, hiểu đối thủ, doanh nghiệp sẽ xác định những điểm mạnh, điểm khác biệt của mình so với đối thủ. Cùng với đó, hãy phân tích các nguồn lực và năng cốt lõi ở thời điểm hiện tại của tổ chức.
Giá trị cốt lõi cần phải dựa trên những năng lực và lợi thế cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp, từ đó tạo nên sự khác biệt và vị thế độc đáo trên thị trường.
Bước 4: Tham khảo ý kiến của các bên liên quan
Bộ phận thực hiện cần lắng nghe ý kiến của lãnh đạo, nhân viên, khách hàng, đối tác… về những giá trị cốt lõi mà họ mong muốn doanh nghiệp hướng đến. Sau đó, thu thập thông tin phản hồi từ các bên liên quan để điều chỉnh và hoàn thiện giá trị cốt lõi.
Việc tham khảo ý kiến của các bên liên quan giúp đảm bảo giá trị cốt lõi phản ánh đúng mong muốn và kỳ vọng của các bên liên quan, tạo sự đồng thuận và cam kết chung trong việc thực hiện.
Bước 5: Lựa chọn và cụ thể hóa các giá trị cốt lõi
Dựa trên các bước phân tích và thảo luận trước đó, doanh nghiệp sẽ lựa chọn ra những giá trị cốt lõi phù hợp nhất với doanh nghiệp. Nếu có thể, hãy cụ thể hóa các giá trị cốt lõi bằng những hành vi cụ thể, dễ đo lường và dễ thực hiện.
Ví dụ: Giá trị cốt lõi “chất lượng” của một doanh nghiệp sản xuất có thể được cụ thể hóa bằng các hành vi như: “Sử dụng nguyên liệu chất lượng cao”, “Áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến”…..
Bước 6: Truyền thông và áp dụng giá trị cốt lõi
Giá trị cốt lõi cần được truyền thông đến tất cả nhân viên trong công ty, đảm bảo họ đều nắm bắt và thấu hiểu những mong muốn của công ty thông qua giá trị cốt lõi này. Doanh nghiệp có thể tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn để giúp nhân viên hiểu rõ ý nghĩa và cách áp dụng giá trị cốt lõi vào công việc hàng ngày.
Ngoài ra, việc áp dụng giá trị cốt lõi vào mọi hoạt động của doanh nghiệp, từ chiến lược kinh doanh, marketing, truyền thông đến quản lý nhân sự, sản xuất… cũng cần được thực hiện và được giám sát để đảm bảo nhân viên đều hiểu và làm đúng.
7. Ứng dụng giá trị cốt lõi trong doanh nghiệp như thế nào?
Trong phát triển sản phẩm mới
Khi phát triển một sản phẩm mới, doanh nghiệp có thể định hướng và tập trung vào những yếu tố quan trọng nhất theo giá trị cốt lõi, từ đó mang đến sản phẩm có giá trị cao cho khách hàng.
Ngoài ra, khi tập trung vào giá trị cốt lõi, doanh nghiệp sẽ tạo ra được những sản phẩm vượt trội, khác biệt so với những sản phẩm khác trên thị trường. Đồng thời, nó còn giúp tạo sự nhất quán giữa sản phẩm với thương hiệu, góp phần giúp sản phẩm ngày càng được mọi người biết đến.
Trong Marketing và truyền thông
Giá trị cốt lõi giúp doanh nghiệp tạo ra thông điệp nhất quán trong tất cả các hoạt động quảng cáo và truyền thông. Điều này giúp củng cố nhận thức thương hiệu và xây dựng lòng tin với khách hàng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể dùng giá trị cốt lõi để thu hút khách hàng tiềm năng, tạo dựng uy tín thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Trong tuyển dụng và đào tạo
Giá trị cốt lõi có thể được sử dụng để thu hút những ứng viên có chung giá trị với doanh nghiệp. Điều này giúp tạo ra một môi trường làm việc tích cực và năng suất. Bộ phận HR cũng có thể dựa theo giá trị cốt lõi để đánh giá ứng viên trong suốt quá trình tuyển dụng, đảm bảo ứng viên phù hợp với tổ chức.
Thêm vào đó, giá trị cốt lõi còn được sử dụng để hướng dẫn các chương trình đào tạo và phát triển nhân viên. Điều này giúp đảm bảo rằng nhân viên được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để phát triển bản thân, làm việc tốt hơn theo đúng với những giá trị mà doanh nghiệp đặt ra.
8. Một số giá trị cốt lõi của doanh nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới
Doanh nghiệp Việt Nam
- Base.vn: Cam kết với công việc – Tận tâm với khách hàng – Trách nhiệm với công ty – Khiêm nhường với đồng nghiệp – Tuân thủ đối với cấp trên – Chính trực với bản thân.
- Tập đoàn FPT: Chân thật – Trách nhiệm – Khát vọng – Sáng tạo – Đồng đội. FPT đề cao sự chân thật trong mọi hành động, luôn chịu trách nhiệm cho cam kết, nuôi dưỡng khát vọng vươn lên, không ngừng sáng tạo và đề cao tinh thần đồng đội.
- Tập đoàn Vingroup: Tâm – Tín – Tài – Tiến. Vingroup đề cao giá trị đạo đức “Tâm – Tín”, coi trọng yếu tố “Tài” – trí tuệ và năng lực, và luôn hướng tới mục tiêu “Tiến” – phát triển không ngừng.
- Tập đoàn Viettel: Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm nghiệm chân lý – Trưởng thành qua những thách thức và thất bại – Sáng tạo là sức sống – Thích ứng nhanh là sức mạnh cạnh tranh – Tư duy hệ thống – Kết hợp Đông – Tây – Truyền thống và cách làm người lính – Viettel là ngôi nhà chung.
Doanh nghiệp nước ngoài
- Apple: Suy nghĩ khác biệt – Tập trung vào trải nghiệm người dùng – Chú trọng vào chất lượng – Bảo mật và riêng tư – Trách nhiệm với xã hội.
- Microsoft: Tôn trọng con người – Cung cấp các giải pháp sáng tạo – Cam kết chất lượng – Hợp tác – Trách nhiệm.
- Google: Thông tin là sức mạnh – Đổi mới liên tục – Làm việc hiệu quả – Cởi mở và minh bạch – Tập trung vào người dùng.
9. Kết luận
Giá trị cốt lõi đóng vai trò như kim chỉ nam, định hướng mọi hoạt động và là nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Việc xây dựng và áp dụng hiệu quả giá trị cốt lõi mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần tạo dựng hình ảnh thương hiệu uy tín, thu hút nhân tài, thúc đẩy tăng trưởng và tạo dựng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Hy vọng qua bài viết trên đây từ Base.vn, bạn đã hiểu hơn về khái niệm này và biết cách xây dựng, biến giá trị cốt lõi thành hành động, tạo ra sự khác biệt để đưa doanh nghiệp vươn tới thành công.