
Từ sự bùng nổ của Internet đến sự lan rộng của blockchain, trí tuệ nhân tạo và các nền tảng công nghệ mới, kinh tế số đang định hình lại cục diện toàn cầu. Việt Nam không đứng ngoài xu thế ấy, và đang từng bước chuyển mình để hòa nhập và bứt phá trong kỷ nguyên số.
Vậy, cụ thể hơn thì kinh tế số là gì? Đặc trưng của nền kinh tế số? Sau đây, hãy cùng Base.vn làm rõ khái niệm kinh tế số, phân tích những thuận lợi – khó khăn hiện nay, đồng thời gợi mở các giải pháp thực tiễn để thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam.
Mục lục
Toggle1. Kinh tế số là gì?
Kinh tế số (digital economy) là thuật ngữ dùng để mô tả một nền kinh tế vận hành dựa trên internet và các công nghệ kỹ thuật số. Theo định nghĩa của Nhóm cộng tác Kinh tế số thuộc Đại học Oxford, đây là “an economy that functions mostly through the use of digital technology, especially the internet” – tạm dịch: “một nền kinh tế hoạt động chủ yếu thông qua công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử được thực hiện trên nền tảng internet.”
Khái niệm này cũng được đề cập trong chương trình “Sáng kiến hợp tác và phát triển kinh tế kỹ thuật số” của Hội nghị Thượng đỉnh G20 tổ chức tại Hàng Châu (2016). Theo đó:
“Nền kinh tế số bao gồm các hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông như một động lực chính nhằm nâng cao hiệu suất và tối ưu hóa cơ cấu kinh tế. Kiến thức số & thông tin số chính là phương tiện cốt lõi mang lại giá trị cho nền kinh tế.”
Song, dù được tiếp cận từ nhiều góc nhìn khác nhau, điểm chung của các định nghĩa về kinh tế số vẫn là lấy công nghệ số làm nền tảng để tái cấu trúc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và giao dịch. Trong đó, các nền tảng và công cụ như internet, điện toán đám mây (cloud computing), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), chuỗi khối (blockchain),… đóng vai trò trung tâm trong việc hình thành, vận hành và mở rộng các mô hình kinh doanh hiện đại.
Xét về phạm vi, kinh tế số hiện diện trong hầu hết mọi lĩnh vực, từ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp đến giáo dục, giao thông hay tài chính. Những hành vi rất đỗi quen thuộc như mua sắm trên sàn thương mại điện tử, đặt xe qua ứng dụng, sử dụng phần mềm quản lý công việc, chuyển tiền online,… chính là những ví dụ sinh động cho thấy chúng ta đang tham gia vào nền kinh tế số mỗi ngày – mặc dù không gọi tên nó một cách chính thức.

2. Kinh tế số bao gồm các thành phần nào?
Kinh tế số được cấu thành bởi 3 thành phần chính: Kinh tế số ICT/viễn thông (Kinh tế số ICT); Kinh tế số Internet/nền tảng (Kinh tế số Internet); và Kinh tế số ngành/lĩnh vực (Kinh tế số ngành). Cụ thể:
– Kinh tế số ICT, gồm: sản xuất phần cứng & phần mềm, sản xuất nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ truy cập Internet, dịch vụ viễn thông.
– Kinh tế số Internet/nền tảng, gồm: kinh tế nền tảng số, kinh tế dữ liệu số, dịch vụ số, kinh doanh số, kinh tế thuật toán, kinh tế chia sẻ, kinh tế Internet, kinh tế Gig.
– Kinh tế số ngành/lĩnh vực, gồm: quản trị điện tử, ngân hàng điện tử, thương mại điện tử, sản xuất thông minh, nông nghiệp chính xác, và du lịch thông minh.
Nếu xét theo nghĩa hẹp, kinh tế số chỉ liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin & truyền thông (ICT); còn theo nghĩa rộng hơn, kinh tế số bao gồm tất cả những lĩnh vực mà có thể ứng dụng công nghệ số, như là công nghiệp, nông nghiệp, y tế, tài chính, v.v…
Đọc thêm: Công nghệ số là gì? 7 bước ứng dụng công nghệ số trong doanh nghiệp
3. Đặc trưng tạo nên sự khác biệt giữa kinh tế số và kinh tế công nghiệp truyền thống
Kinh tế số không chỉ là sự tiếp nối mà còn là một bước nhảy vọt so với nền kinh tế công nghiệp truyền thống. Sự khác biệt giữa hai mô hình kinh tế này thể hiện rõ qua các khía cạnh sau:
– Kết nối toàn cầu nhờ công nghệ số:
Khác với nền kinh tế truyền thống thường bị giới hạn bởi biên giới địa lý và hạ tầng vật chất, kinh tế số được xây dựng trên nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông tiên tiến như internet, IoT, AI, Big Data và blockchain. Nhờ điều này, các doanh nghiệp có thể mở rộng phạm vi hoạt động, tiếp cận khách hàng trên toàn cầu và khai phá những thị trường tiềm năng mới.
– Dữ liệu (Data) trở thành tài sản chiến lược:
Trong nền kinh tế số, dữ liệu không còn là sản phẩm phụ mà trở thành tài sản cốt lõi, quyết định khả năng cạnh tranh. Với sự bùng nổ của Big Data, việc thu thập, phân tích và khai thác dữ liệu đã trở thành năng lực trọng yếu giúp doanh nghiệp: dự đoán xu hướng thị trường, cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn.
– Hạ tầng số thay thế hạ tầng vật lý truyền thống:
Thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào nhà xưởng, văn phòng hay kho bãi như trước đây, các doanh nghiệp trong nền kinh tế số vận hành trên nền tảng hạ tầng số, bao gồm internet tốc độ cao, điện toán đám mây, hệ thống an ninh mạng,… Hạ tầng số cho phép lưu trữ, xử lý và trao đổi dữ liệu một cách linh hoạt và bảo mật, từ đó giảm thiểu chi phí đầu tư cố định và tăng cường khả năng mở rộng.
– Trải nghiệm người dùng là trọng tâm của giá trị:
Trong khi mô hình truyền thống tập trung vào sản phẩm, kinh tế số chuyển trọng tâm sang người dùng. Doanh nghiệp không chỉ bán sản phẩm mà còn cung cấp giá trị dịch vụ đi kèm, như sự thuận tiện, tốc độ, tính cá nhân hóa, và khả năng tương tác tức thời. Theo đó, trải nghiệm khách hàng trở thành yếu tố cạnh tranh cốt lõi, và là một trong những chỉ số đánh giá thành công trong thời đại số.
– Kiến thức số là yêu cầu bắt buộc với nguồn nhân lực:
Sự chuyển đổi sang kinh tế số không chỉ đòi hỏi doanh nghiệp thay đổi công nghệ, mà còn yêu cầu nâng cấp toàn diện năng lực đội ngũ nhân sự. Bên cạnh chuyên môn nghề nghiệp, người lao động cần thành thạo các kỹ năng số như: sử dụng phần mềm xử lý công việc chuyên dụng, phân tích dữ liệu, ứng dụng các công cụ AI như Chat GPT, Gemini nhằm tối ưu hóa hiệu suất, v.v…

4. Ví dụ dẫn chứng một số mô hình kinh doanh thành công trong nền kinh tế số
Nhiều mô hình kinh doanh không chỉ thành công vang dội mà còn góp phần định hướng và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số toàn cầu. Tiêu biểu có thể kể đến:
– Thương mại điện tử – Tái định hình ngành bán lẻ:
Sự ra đời và lớn mạnh của các nền tảng như Amazon, Alibaba, hay eBay đã mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động mua sắm trực tuyến. Những nền tảng này không chỉ giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm toàn cầu, mà còn tạo nên hệ sinh thái công nghệ hỗ trợ logistics, thanh toán và trải nghiệm mua sắm liền mạch.
– Mạng xã hội – Cách mạng hóa truyền thông và tiếp thị:
Các nền tảng như Facebook, X, Instagram, và LinkedIn đã thay đổi hoàn toàn cách con người kết nối, chia sẻ thông tin và quảng bá thương hiệu. Mạng xã hội không chỉ là kênh truyền thông cá nhân mà còn trở thành công cụ tiếp thị sáng tạo và xây dựng cộng đồng cho các thương hiệu.
– Ứng dụng làm việc trực tuyến – Tái cấu trúc văn hóa doanh nghiệp:
Tác động từ đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh xu hướng làm việc từ xa. Các nền tảng như Zoom, Slack và Microsoft Teams trở thành công cụ không thể thiếu, giúp các tổ chức duy trì kết nối, cộng tác mượt mà và đảm bảo năng suất trong môi trường làm việc linh hoạt.
– Trí tuệ nhân tạo và tự động hóa – Tăng tốc chuyển đổi số:
Khởi đầu từ “cú hích” của ChatGPT do OpenAI phát triển, tiếp theo là Gemini của Google và gần đây là các mô hình “AI giá rẻ” như DeepSeek, làn sóng trí tuệ nhân tạo đang tái định nghĩa cách doanh nghiệp vận hành, từ dịch vụ khách hàng đến tự động hóa quy trình và ra quyết định.
– Thanh toán số và tiền điện tử – Cách mạng hóa dịch vụ tài chính;
Các nền tảng thanh toán như PayPal, Venmo, và các ví điện tử đã thay đổi hoàn toàn cách người dùng thực hiện giao dịch tài chính: nhanh chóng, tiện lợi và không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, sự nổi lên của tiền mã hóa cũng mở ra một hướng đi mới cho các dịch vụ tài chính phi tập trung (DeFi).
– Giải trí kỹ thuật số – Định hình lại hành vi tiêu dùng nội dung:
Các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix, Spotify, và YouTube đã thay đổi cách người dùng tiếp cận nội dung giải trí. Khả năng cung cấp trải nghiệm “on-demand” mọi lúc, mọi nơi đã khiến các nền tảng này trở thành trụ cột trong hệ sinh thái giải trí toàn cầu.
– Nền kinh tế chia sẻ – Tối ưu hóa nguồn lực xã hội:
Các mô hình chia sẻ như Uber, Airbnb, và TaskRabbit đã chuyển đổi cách con người sử dụng tài sản cá nhân và dịch vụ. Bằng cách kết nối ngang hàng (peer-to-peer), các nền tảng này đã phá vỡ cấu trúc truyền thống trong ngành vận tải, lưu trú và dịch vụ, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới mẻ và hấp dẫn.

5. Lợi ích nổi bật của kinh tế số
5.1 Đối với nền kinh tế nói chung
– Tạo thêm cơ hội việc làm:
Công nghệ, máy móc chắc chắn thay thế con người trong một số lĩnh vực, nhưng kinh tế số cũng mở đường cho những nghề nghiệp mới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao (AI, blockchain, IoT,..), sáng tạo phần mềm, truyền thông, v.v…
Hơn nữa, sự phổ cập của mạng xã hội cũng cho phép người dân tiếp cận toàn bộ thị trường một cách dễ dàng chưa từng có. Mỗi cá nhân, mỗi hộ gia đình với một chiếc điện thoại thông minh, đều có thể khởi nghiệp từ những mặt hàng “cây nhà lá vườn”.
– Nâng cao chất lượng cuộc sống:
Kinh tế số có thể giúp thu hẹp khoảng cách địa lý, mang đến cho người dân cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận những sản phẩm, dịch vụ chất lượng. Người dân có thể sống khỏe mạnh hơn nhờ các dịch vụ y tế từ xa, vui vẻ hơn với các kênh giải trí phong phú và tiết kiệm thời gian mua hàng hơn với các trang thương mại điện tử.
– Phát triển Chính phủ số:
Nhờ dữ liệu và công nghệ số, Chính phủ có thể thấu hiểu nhu cầu người dân tốt hơn và từ đó cung cấp dịch vụ công tốt hơn. Ví dụ, trẻ em được cấp mã định danh duy nhất từ khi chào đời, đến tuổi đi học thì chính quyền căn cứ số liệu dân cư để hợp lý hóa phân bổ cơ sở vật chất của các trường học, tránh nơi thì thừa, nơi lại thiếu.
Ngoài ra, Chính phủ số còn giúp rút ngắn quy trình xử lý các thủ tục hành chính như khai báo thuế, đăng ký bảo hiểm y tế, hỗ trợ xã hội,… mang lại cho người dân trải nghiệm thuận tiện hơn.
5.2 Đối với tổ chức, doanh nghiệp
– Giảm chi phí giao dịch:
Nhờ vào công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech), các giao dịch tài chính trở nên nhanh chóng và tinh gọn hơn. Nếu trước đây người dùng phải đến ngân hàng để thực hiện giao dịch, thì giờ đây chỉ cần vài giây thao tác trên điện thoại là có thể hoàn tất.
– Tăng hiệu quả sản xuất:
Trong lĩnh vực sản xuất, kinh tế số góp phần rút ngắn chu kỳ sản xuất, đồng thời nâng cao chất lượng và độ tin cậy của sản phẩm. Chẳng hạn, việc tích hợp các công nghệ như AI và IoT cho phép doanh nghiệp phát hiện sớm các rủi ro kỹ thuật, xử lý kịp thời, từ đó giảm thiểu gián đoạn sản xuất và chi phí bảo trì.
– Giảm bất cân xứng thông tin và tối ưu hoạt động thị trường:
Hệ sinh thái số cung cấp khả năng tiếp cận tức thì đến lượng lớn khách hàng tiềm năng. Nhờ phân tích dữ liệu, doanh nghiệp có thể hiểu rõ hành vi, nhu cầu của người tiêu dùng để từ đó tinh chỉnh sản phẩm, dịch vụ một cách chuẩn xác. Điều này không chỉ giúp giảm sự bất cân xứng thông tin giữa doanh nghiệp và khách hàng, mà còn tăng cường sự phù hợp giữa nguồn cung và cầu trong thị trường

6. Thực trạng và định hướng phát triển kinh tế số tại Việt Nam
Trong những năm gần đây, kinh tế số tại Việt Nam đã ghi nhận những bước tiến bứt phá và đầy triển vọng. Theo báo cáo của Cơ quan Thống kê Quốc gia, trong năm 2024, giá trị gia tăng từ các hoạt động kinh tế số ước đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng (tương đương 62,7 tỷ USD), chiếm khoảng 13,17% GDP. So với năm 2023, quy mô kinh tế số của toàn nền kinh tế (tính theo giá hiện hành) đã tăng 14,1%, trong đó các ngành kinh tế số lõi chiếm hơn 62% tổng giá trị. Cụ thể:
- Ngành sản xuất thiết bị điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học đóng góp hơn 32%, tăng trên 16% so với 2023.
- Các ngành lõi khác như bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi, phần mềm, linh kiện điện tử, viễn thông, và xuất bản phần mềm chiếm khoảng 30%, với mức tăng gần 13% so với 2023.
Bên cạnh đó, theo thống kê của Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, hiện Việt Nam có khoảng 45.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó có tới hơn 11.000 doanh nghiệp phát triển phần mềm. Đặc biệt, tính đến cuối năm 2023, có khoảng 1.500 doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam đã mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế, với tổng doanh thu ước tính đạt khoảng 7,5 tỷ USD.
6.1 Mục tiêu phát triển kinh tế số giai đoạn 2025 – 2030
Theo Quyết định số 411/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Việt Nam đã đặt ra những mục tiêu mang ý nghĩa chiến lược nhằm nâng cao vai trò và tỷ trọng của kinh tế số trong tổng thể nền kinh tế quốc dân. Cụ thể:
– Mục tiêu đến năm 2025:
- Tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP.
- Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.
- Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%.
- Trên 80% doanh nghiệp áp dụng hợp đồng điện tử.
- Trên 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số.
- Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực kinh tế số chiếm trên 2% tổng lực lượng lao động.
– Mục tiêu đến năm 2030:
- Tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GDP.
- Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%.
- Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 20%.
- 100% doanh nghiệp sử dụng nền tảng hợp đồng điện tử.\
- Trên 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng nền tảng số.
- Tỷ lệ lao động trong kinh tế số chiếm trên 3% tổng lực lượng lao động.
6.2 Thuận lợi và thách thức khi phát triển kinh tế số
– Điều kiện thuận lợi: Việt Nam đang sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy kinh tế số. Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và internet không ngừng được mở rộng, hiện đại hóa, với độ phủ rộng khắp cả nước.
Thứ nhất, mật độ người dùng các sản phẩm, dịch vụ số cao. Khoảng 72% dân số sử dụng điện thoại thông minh, 68% người Việt xem video và nghe nhạc hằng ngày trên thiết bị di động, và 70% thuê bao di động đang sử dụng mạng 3G hoặc 4G.
Thứ hai, sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ. Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và chương trình thúc đẩy kinh tế số, bao gồm Chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ, cùng với các nền tảng số quốc gia phục vụ cho chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì.
Thứ ba, tiềm lực về nguồn lao động. Việt Nam sở hữu lực lượng lao động trẻ, dồi dào, có chi phí cạnh tranh và khả năng thích ứng nhanh với công nghệ mới. Đây là lợi thế quan trọng giúp các doanh nghiệp triển khai thành công các dự án chuyển đổi số.
Thứ tư, thị trường tiêu dùng đang phát triển mạnh. Sự gia tăng về thu nhập và sự hình thành của tầng lớp trung lưu đang tạo ra nhu cầu ngày càng cao đối với các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
– Khó khăn và thách thức: Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, quá trình phát triển kinh tế số tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức đáng kể:
Thứ nhất, mức độ số hóa còn thấp. Mặc dù Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong khu vực, nhưng mức độ số hóa vẫn chưa cao so với mặt bằng chung của Đông Nam Á và châu Á. Theo đánh giá, tốc độ số hóa của Việt Nam xếp hạng 70/141 quốc gia, đạt 12,06/25 điểm, chỉ cao hơn mức trung bình toàn cầu 0,16 điểm.
Thứ hai, hạ tầng chuyển đổi số chưa đồng đều. Không chỉ thiếu hụt về cơ sở vật chất như cơ sở dữ liệu và đường truyền, hệ thống hạ tầng còn bị phân mảnh, thiếu sự liên thông và kết nối hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương. Nhiều tài nguyên dữ liệu dù thuộc sở hữu công vẫn bị “cát cứ”, gây khó khăn cho việc tích hợp và khai thác đồng bộ.
Thứ ba, thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ cao. Lực lượng lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt, nguồn lực trong các ngành công nghệ mới như blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI)… còn khan hiếm.
Thứ tư, tiềm lực của doanh nghiệp nội địa chưa cao. Phần lớn doanh nghiệp trong nước có quy mô nhỏ, hạn chế về năng lực tiếp cận và ứng dụng công nghệ số. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài tuy có thế mạnh công nghệ nhưng mức độ lan tỏa sang khối nội địa vẫn còn hạn chế.
6.3 Giải pháp phát triển kinh tế số tại Việt Nam
Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra và thúc đẩy phát triển kinh tế số, Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp trọng tâm về thể chế, hạ tầng số và nguồn nhân lực.
– Phát triển hạ tầng ICT:
- Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng mạng và viễn thông nhằm nâng cao khả năng tiếp cận internet và cải thiện tốc độ kết nối, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi.
- Thúc đẩy nâng cấp mạng 4G, triển khai mạng 5G và ứng dụng giao thức Internet tiên tiến IPv6, tạo tiền đề để Việt Nam bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu.
- Khuyến khích phát triển các ứng dụng và dịch vụ số phục vụ đa lĩnh vực, từ giáo dục, y tế đến thương mại điện tử.
– Đào tạo tri thức số:
- Tăng cường đầu tư vào giáo dục và đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng về công nghệ thông tin, truyền thông và kỹ thuật số.
- Thiết kế các chương trình đào tạo chuyên sâu, liên tục cập nhật với xu hướng công nghệ mới như AI, blockchain, dữ liệu lớn.
- Thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo gắn với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
– Hoàn thiện khung pháp lý và chính sách hỗ trợ:
- Rà soát, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo, kinh doanh số và chuyển đổi số.
- Xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch để tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp phát triển trong nền kinh tế số.
- Ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử và đổi mới mô hình kinh doanh.
- Thúc đẩy đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
– Tăng cường an ninh mạng và bảo mật thông tin:
- Xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp lý về an ninh mạng, bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư.
- Tăng cường hợp tác quốc tế trong chia sẻ thông tin, công nghệ và kỹ thuật phòng chống tấn công mạng.
- Nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo mật cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong quá trình tham gia kinh tế số.
7. Khởi động hành trình chuyển đổi số cùng Base.vn
Để tham gia vào nền kinh tế số, doanh nghiệp cần hiểu rõ bản chất của kinh tế số là gì, nhận diện cơ hội – thách thức, phát triển nguồn nhân lực số, điều chỉnh phương thức vận hành và kinh doanh, đồng thời tăng cường bảo mật thông tin. Trong đó, bước khởi đầu quan trọng là số hóa các quy trình cốt lõi trong nội bộ – nền tảng cho mọi chiến lược chuyển đổi số. Và Base.vn tự hào là người bạn đồng hành lý tưởng trên hành trình này.
Là đơn vị tiên phong tại Việt Nam cung cấp nền tảng SaaS (Software-as-a-Service), Base.vn mang đến giải pháp quản trị doanh nghiệp toàn diện, hỗ trợ tối ưu các nghiệp vụ trọng yếu như: quản lý Nhân sự, Quy trình, Công việc, Dự án, Tài chính, Khách hàng,…
Đặt trọng tâm vào tự động hóa quy trình và đồng bộ hóa dữ liệu, các ứng dụng của Base.vn sẽ giúp doanh nghiệp xử lý chuyên sâu từng đầu việc nhưng vẫn tích hợp chặt chẽ trên cùng một nền tảng – tạo nên một hệ sinh thái chuyển đổi số mạnh mẽ và hoàn chỉnh, phù hợp với mọi quy mô và lĩnh vực hoạt động.
Hãy đặt lịch demo ngay hôm nay để khám phá cách hơn 10.000+ doanh nghiệp Việt Nam đang tăng trưởng vượt trội cùng Base.vn!
8. Tạm kết
Base Blog vừa chia sẻ đến doanh nghiệp phần giải thích khái niệm Kinh tế số là gì, những đặc trưng nổi bật và lợi ích thiết thực mà kinh tế số mang lại cho đời sống xã hội. Có thể thấy, kinh tế số không còn là một xu hướng nhất thời mà đã trở thành một cuộc cách mạng toàn diện, thay đổi cách thế giới vận hành và phát triển. Nếu như không đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cả về tư duy lẫn phương thức làm việc, doanh nghiệp sẽ rất dễ đánh mất năng lực cạnh tranh, cũng như bỏ lỡ những cơ hội kinh doanh quý giá trong thời đại số.