
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của thị trường hiện nay, việc xác định đúng chiến lược phát triển là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp vượt lên dẫn đầu. Ma trận IE (Internal-External Matrix) chính là công cụ đắc lực giúp bạn đánh giá toàn diện vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp, kết hợp giữa phân tích yếu tố nội bộ và bên ngoài.
Bài viết này Base.vn sẽ giải đáp chi tiết “Ma trận IE là gì?”, đồng thời hướng dẫn bạn từng bước xây dựng và phân tích ma trận IE một cách hiệu quả, giúp doanh nghiệp của bạn đưa ra những quyết định chiến lược sáng suốt và tối ưu hóa nguồn lực.
Mục lục
Toggle1. Ma trận IE là gì?
1.1 Khái niệm
Ma trận IE (Internal-External Matrix) hay ma trận phân tích nội – ngoại là công cụ quản trị chiến lược được dùng để đánh giá điều kiện hoạt động cũng như vị thế chiến lược của doanh nghiệp. Ma trận này sẽ được xây dựng dựa trên việc phân tích các yếu tố bên trong, bên ngoài của tổ chức, sau đó kết hợp thành một mô hình để có cái nhìn tổng quan nhất.
Ma trận IE được xem là sự phát triển, mở rộng của 2 ma trận: Ma trận EFE (đánh giá môi trường bên ngoài) và Ma trận IFE (đánh giá yếu tố bên trong).

1.2 Cơ chế hoạt động của ma trận IE
Ma trận IE hoạt động như một hệ tọa độ. Bạn xác định vị trí của doanh nghiệp mình trên biểu đồ bằng cách chiếu hai giá trị: tổng điểm có trọng số từ ma trận EFE (trên trục dọc) và tổng điểm có trọng số từ ma trận IFE (trên trục ngang). Điểm giao nhau của hai đường chiếu này sẽ cho biết vị thế cạnh tranh hiện tại của doanh nghiệp và gợi ý những chiến lược phù hợp.
Cụ thể, trục dọc thể hiện sức hấp dẫn của thị trường, trong khi trục ngang phản ánh sức mạnh nội tại của doanh nghiệp. Mỗi ô trong ma trận sẽ đại diện cho một chiến lược khác nhau.
Ví dụ, một doanh nghiệp có điểm IFE cao và EFE cao sẽ nằm ở góc trên bên phải của biểu đồ, cho thấy doanh nghiệp có nhiều lợi thế cạnh tranh và nên theo đuổi chiến lược tăng trưởng.
Đọc thêm: Ma trận GE là gì? Công cụ phân tích chiến lược cho doanh nghiệp
2. Sự khác nhau giữa ma trận IE và ma trận BCG
Ma trận IE và ma trận BCG đều được sử dụng để phân tích chiến lược, tuy nhiên 2 ma trận này có một số khác biệt, cụ thể:
Tiêu chí | Ma trận IE | Ma trận BCG |
Mục đích | Đánh giá hiệu suất tổng thể của doanh nghiệp dựa trên yếu tố nội bộ và môi trường bên ngoài. | Phân tích danh mục sản phẩm hoặc đơn vị kinh doanh (SBU) để phân bổ nguồn lực. |
Tiêu chí trục tung | Điểm số từ Ma trận EFE (môi trường bên ngoài). | Tốc độ tăng trưởng của thị trường. |
Tiêu chí trục hoành | Điểm số từ Ma trận IFE (hiệu quả nội bộ). | Thị phần tương đối của sản phẩm hoặc đơn vị kinh doanh. |
Phân loại kết quả | 9 ô với 3 nhóm chính: Tăng trưởng & Xây dựng, Duy trì & Bảo vệ, Thu hoạch & Loại bỏ. | 4 nhóm: Ngôi sao (Star), Bò sữa (Cash Cow), Dấu hỏi (Question Mark), Chó (Dog). |
Phạm vi áp dụng | Toàn bộ doanh nghiệp, đánh giá chiến lược tổng thể. | Danh mục sản phẩm hoặc đơn vị kinh doanh cụ thể. |
Hướng dẫn chiến lược | Định hướng dài hạn: tăng trưởng, duy trì, tái cấu trúc, hoặc loại bỏ. | Quyết định đầu tư, duy trì, hay loại bỏ sản phẩm/dịch vụ. |
3. Ý nghĩa của ma trận IE đối với doanh nghiệp
Ma trận IE giúp doanh nghiệp đánh giá vị trí chiến lược của mình dựa trên sự kết hợp giữa các yếu tố nội bộ (sức mạnh và điểm yếu) và yếu tố môi trường bên ngoài (cơ hội và thách thức). Trên ma trận, vị trí của doanh nghiệp được xác định bởi:
- Trục ngang: Đại diện cho sức mạnh nội bộ (Strengths) và điểm yếu (Weaknesses) thông qua điểm số từ Ma trận IFE.
- Trục dọc: Đại diện cho các cơ hội (Opportunities) và thách thức (Threats) thông qua điểm số từ Ma trận EFE.
Vị trí giao nhau của hai điểm số này sẽ rơi vào một trong chín ô vuông trên ma trận, mỗi ô đại diện cho một chiến lược phù hợp với tình hình hiện tại của doanh nghiệp.

Ba vùng chiến lược chính trên Ma trận IE gồm có:
- Ô I, II, III – Chiến lược tăng trưởng và xây dựng: Đây là khu vực thể hiện doanh nghiệp có lợi thế nội bộ mạnh và hoạt động trong thị trường nhiều cơ hội. Chiến lược gợi ý cho tổ chức có thể là: Thâm nhập thị trường, mở rộng thị trường mới, sản phẩm mới…
- Ô IV, V, VI – Chiến lược duy trì và giữ vững: Vùng này thể hiện doanh nghiệp có lợi thế nội bộ vừa phải và hoạt động trong thị trường ổn định. Chiến lược ý cho doanh nghiệp lúc này là: Tập trung duy trì thị phần hiện tại, tiếp tục phát triển sản phẩm để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
- Ô VII, VIII, IX – Chiến lược thu hoạch hoặc thoái vốn: Vùng này thể hiện doanh nghiệp yếu về nội lực và đối mặt với nhiều thách thức từ thị trường. Lúc này doanh nghiệp có thể quản lý chặt chẽ chi phí để tối ưu hóa lợi nhuận, thoái vốn hoặc rút khỏi thị trường khi không còn lợi nhuận khả thi….
4. Hướng dẫn cách vẽ ma trận IE
Bước 1: Chuẩn bị dữ liệu
Trước khi vẽ ma trận IE, bạn cần tính toán điểm số từ hai công cụ:
- Ma trận IFE: Đánh giá các yếu tố nội bộ (sức mạnh và điểm yếu) để tính ra tổng điểm, dao động từ 1.0 đến 4.0.
- Ma trận EFE: Đánh giá các yếu tố bên ngoài (cơ hội và thách thức) để tính ra tổng điểm, dao động từ 1.0 đến 4.0.
Bước 2: Thiết lập trục và khung ma trận
Với trục hoành, bạn sử dụng điểm từ ma trận IFE và chia thành 3 mức:
- 1.0 – 1.99: Nội lực yếu.
- 2.0 – 2.99: Nội lực trung bình.
- 3.0 – 4.0: Nội lực mạnh.
Với trục tung, bạn sử dụng điểm từ ma trận EFE và cũng chia thành 3 mức:
- 1.0 – 1.99: Môi trường nhiều thách thức.
- 2.0 – 2.99: Môi trường ổn định.
- 3.0 – 4.0: Môi trường nhiều cơ hội.
Bước 3: Phân chia ma trận thành 9 ô
Ở bước 3, bạn chia khung thành 9 ô vuông, tương ứng với 3 hàng và 3 cột. Các ô được đánh số từ I đến IX, chia thành ba nhóm chiến lược:
- Ô I, II, III: Tăng trưởng và xây dựng (Grow and Build).
- Ô IV, V, VI: Duy trì và bảo vệ (Hold and Maintain).
- Ô VII, VIII, IX: Thu hoạch hoặc thoái vốn (Harvest or Exit).
Bước 4: Xác định vị trí trên ma trận
Dựa vào điểm số tổng của IFE (trục hoành) và EFE (trục tung), bạn xác định điểm giao nhau trên ma trận.
Điểm này sẽ rơi vào một trong chín ô, từ đó cho biết doanh nghiệp nên áp dụng chiến lược nào.
5. Ví dụ về ma trận IE của Vinamilk
Dưới đây là phân tích ma trận IE của Vinamilk bạn có thể tham khảo. Lưu ý số liệu chỉ mang tính chất tham khảo, không phản ánh chính xác 100% thực trạng của Vinamilk.
Ma trận IFE của Vinamilk
Yếu tố nội bộ | Điểm quan trọng | Điểm đánh giá | Điểm số có trọng số |
Vị trí dẫn đầu thị trường | 0.2 | 4 | 0.8 |
Hệ thống phân phối rộng khắp | 0.2 | 4 | 0.8 |
Đội ngũ R&D sáng tạo sản phẩm | 0.15 | 3.5 | 0.525 |
Thương hiệu uy tín | 0.15 | 4 | 0.6 |
Chi phí vận hành cao | 0.15 | 2 | 0.3 |
Phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu | 0.15 | 2 | 0.3 |
Tổng cộng | 1.0 | 3.2 |
Ma trận EFE của Vinamilk
Yếu tố bên ngoài | Điểm quan trọng | Điểm đánh giá | Điểm số có trọng số |
Nhu cầu tiêu dùng sữa tăng | 0.2 | 3.5 | 0.7 |
Xu hướng sử dụng sản phẩm organic | 0.2 | 4 | 0.8 |
Chính sách khuyến khích phát triển | 0.15 | 3 | 0.45 |
Cạnh tranh gay gắt | 0.25 | 2 | 0.5 |
Biến động giá nguyên liệu | 0.1 | 2 | 0.2 |
Quy định nghiêm ngặt | 0.1 | 2.5 | 0.25 |
Tổng cộng | 1.0 | 3.0 |
Dựa vào tổng điểm:
- IFE = 3.2 (Mạnh)
- EFE = 3.0 (Trung bình khá)
Ta thấy Vinamilk nằm ở Ô số 1 (Phát triển & Xây dựng).
6. Kết luận
Ma trận IE là một công cụ quản trị chiến lược hiệu quả, giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan về cả môi trường bên trong và bên ngoài. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể đưa ra những quyết định chiến lược sáng suốt, nâng cao khả năng cạnh tranh và đạt được mục tiêu kinh doanh đã đề ra. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng của ma trận IE, doanh nghiệp cần kết hợp nó với các công cụ phân tích khác và có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường.