Base Blog

MBTI là gì? Ứng dụng của MBTI trong quản trị doanh nghiệp

MBTI là gì

MBTI chắc hẳn là một từ khóa không hề lạ khi không chỉ những nhà tuyển dụng, nhà quản lý cần nắm rõ về MBTI mà cả những bạn trẻ cũng muốn hiểu rõ bản thân mình hơn thông qua công cụ này. MBTI là gì? Xác định tính cách qua MBTI có khó không? Ứng dụng MBTI trong công việc quản trị nhân sự và đánh giá ứng viên như thế nào? Tất cả sẽ được trả lời trong bài viết dưới đây.

1. MBTI là gì? Tổng quan về MBTI

1.1. MBTI là gì?

MBTI là viết tắt của Myers–Briggs Type Indicator – một phương pháp khám phá tính cách qua bộ câu hỏi trắc nghiệm 16 nhóm tính cách của 2 nhà khoa học Isabel Myers và Kathryn Briggs.

16 nhóm tính cách trong phương pháp khám phá tính cách MBTI
16 nhóm tính cách trong phương pháp khám phá tính cách MBTI

Trắc nghiệm tính cách MBTI dựa trên câu trả lời của mỗi người cho các câu hỏi để suy ra những cá tính, tính cách riêng biệt của họ. MBTI dựa trên sự phát triển nền tảng của ngành tâm lý học có độ chính xác rất cao. MBTI đang trở nên phổ biến gần đây với nhiều người tham gia bài Test này và xuất hiện những khóa học chuyên sâu về nó.

1.2. Các tiêu chí đánh giá trong MBTI

MBTI dựa trên 4 tiêu chí chính là 4 cặp phạm trù xoay quanh thế giới quan của con người, dùng để đánh giá và phân tích tính cách con người.

# Xu hướng tự nhiên:      

Hướng ngoại (Extraversion)     ><     Hướng nội (Introversion)

Hướng nội là hướng vào nội tâm, bao gồm ý nghĩ, tư tưởng, trí tưởng tượng. Người hướng nội thường tập trung suy nghĩ, không thể hiện ra ngoài nhiều.

Hướng ngoại là hướng về thế giới bên ngoài gồm những hoạt động, con người, đồ vật. Người hướng ngoại thường cởi mở, hay nói cười nhưng suy nghĩ nhiều khi còn nôn nóng, chưa cặn kẽ.

# Nhận thức về thế giới:

Giác quan (Sensing)     ><     Trực giác (iNtuition)

Những người thuộc nhóm S nhận thức thế giới qua các giác quan cụ thể như mắt thấy, mũi ngửi, tai nghe những màu sắc, hình ảnh, mùi vị, âm thanh. Họ sắc bén với thực tế, tin vào thế giới dưới cái cách họ đang tiếp nhận qua 5 giác quan.

Ngược lại, thế giới của những người thiên về trực giác sẽ gồm các mô hình, tưởng tượng mà họ suy luận, sắp xếp từ dữ liệu họ thu thập được.

# Quyết định và lựa chọn:     

Lý trí (Thinking)     ><     Cảm xúc (Feeling)

Người lý trí sẽ ra quyết định dựa trên việc xác định các thông tin liên quan, các tiêu chí đúng sai trái phải. Họ luôn suy luận logic đưa ra đáp án cụ thể nhất, có căn cứ khoa học nhất.

Thay vào đó, người cảm xúc sẽ lựa chọn dựa vào cảm tính, ví dụ như yêu, ghét, thương, thù,…

# Cách thức hành động:

Nguyên tắc (Judging)     ><     Linh hoạt (Percieving)

Não bộ của người có cách thức hành động dựa trên nguyên tắc có thiên hướng lập kế hoạch và đưa ra lộ trình để đạt được mục tiêu.

Ngược lại, nhóm người linh hoạt đôi lúc chấp nhận những thay đổi bất chấp kế hoạch ban đầu để điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh nhất, đem lại kết quả tối ưu nhất tại một thời điểm xác định.

Từ 4 tiêu chí trên, chúng ta kết hợp tạo thành 16 nhóm tính cách khác nhau tượng trung cho 16 kiểu người trong MBTI.

2. Sơ lược về 16 nhóm tính cách MBTI

16 nhóm tính cách MBTI là sự pha trộn hài hòa của cả 4 yếu tố trình bày trên. Dưới đây là những thông tin sơ lược về 16 nhóm này, bao gồm đặc điểm tính cáchưu nhược điểm của từng nhóm tính cách trong công việc và gợi ý ngành nghề phù hợp với từng nhóm.

ENFJ – Người cho đi

ENFJ là người luôn quan tâm tới con người, có kỹ năng đối nhân xử thế tài tình, khéo léo và đặc biệt rất giỏi trong duy trì hay thiết lập mối quan hệ. Với ENFJ, sự chân thành và trung thực luôn được đề cao, cũng như cách họ luôn quan tâm tới cảm xúc của mọi người.

Tuy nhiên, ENFJ thường không thích đám đông, khá khép kín so với những người hướng ngoại khác.

ENFJ – Người cho đi
ENFJ – Người cho đi
  • Ưu điểm:

– Rất giỏi trong việc thu hút và giữ sự chú ý của mọi người

– Có lòng đồng cảm và khoan dung

– Khi làm công việc mình thích sẽ rất kiên nhẫn và đáng tin cậy

  • Nhược điểm:

– Đôi khi quá duy tâm, dễ bị tổn thương và dao động

– Thiếu tính quyết đoán khi đưa ra quyết định quan trọng

  • ENFJ phù hợp với ngành nghề nào?

ENFJ phù hợp với môi trường làm việc có nhiều sự hỗ trợ và động viên, nhất là trong các công việc phải giao tiếp với con người và thấu hiểu người khác.

Ví dụ như:

– Nhà ngoại giao

– Nhà tâm lý học

– Công tác xã hội

– Nhà giáo

– Nhà tư vấn / Cố vấn

– Quản lý nhân sự

– Tổ chức sự kiện

– Nhà văn

ENFP – Người truyền cảm hứng

ENFP là người thông minh, nhiệt tình và rất có tố chất. ENFP giỏi nhiều thứ và có nhiều năng lực. Chính vậy, ENFP sở hữu khả năng tương tác tốt, linh hoạt với mọi việc.

Tuy nhiên, ENFP cần biết tập trung nguồn lực vì dường như xung quanh họ có rất nhiều thứ hay ho để phân tán. Mọi thứ có thể trở nên nhạt nhẽo rất nhanh với ENFP.

ENFP – Người truyền cảm hứng
ENFP – Người truyền cảm hứng
  • Ưu điểm:

– Tràn đầy năng lượng và nhiệt tình trong đời sống cá nhân lẫn công việc

– Sẵn sàng thử thách bản thân với những trải nghiệm mới

– Rất giỏi điều hướng các cuộc giao tiếp và truyền thông

  • Nhược điểm:

– Cảm xúc mãnh liệt dẫn tới phản ứng mạnh mẽ trước những lời chỉ trích, xung đột hay căng thẳng

– Dễ bị căng thẳng và thiếu kiên nhẫn

-Thường bị lơ đãng, khó tập trung vào mục tiêu và công việc

-Khả năng thực hành không giỏi như khi lời nói

  • ENFP phù hợp với ngành nghề nào?

ENFP làm rất tốt trong các công việc không bao giờ hết những ý tưởng thú vị và có một lượng khán giả lớn để giữ chúng trong một thời gian dài.

Ví dụ như:

– Chuyên viên tư vấn

– Nhà văn/ Nhà báo/ Phóng viên

– Diễn viên

– Doanh nhân

– Luật sư

– Nhà giáo

– Nhà nghiên cứu

– Lập trình viên, chuyên gia phân tích hệ thống hoặc chuyên gia máy tính.

ENTJ – Nhà điều hành

ENTJ là nhà lãnh đạo bẩm sinh với tố chất rất… “văn phòng”. ENTJ thích giao tiếp với mọi người và coi trọng sự nghiệp.

ENTJ có phong thái đĩnh đạc và là người đi theo chủ nghĩa hoàn hảo.

Tuy nhiên, ENTJ không phải là người dễ đồng cảm, không bị cảm xúc chi phối mạnh mẽ trong khi phải ra những quyết định nhạy cảm. ENTJ cần học cách làm việc cũng như lắng nghe người khác.

ENTJ – Nhà điều hành
ENTJ – Nhà điều hành
  • Ưu điểm:

– Rất tin tưởng vào khả năng của mình và không ngần ngại bày tỏ ý kiến

– Rất giỏi trong việc tiếp cận vấn đề toàn diện

– Đầy nghị lực, có ý chí theo đuổi mục tiêu đến cùng

  • Nhược điểm:

– Khá cứng nhắc và kiêu ngạo

– Rất lý trí, chỉ tập trung vào kết quả mà bỏ qua các yếu tố cảm xúc nên rất dễ làm tổn thương người khác

– Thường thiếu kiên nhẫn với những người có năng suất làm việc kém hơn

  • ENTJ phù hợp với ngành nghề nào?

Các ENTJ rất phù hợp với vai trò tổ chức và lãnh đạo, không bị gò bó khi phải là người phục tùng người khác.

Ví dụ như:

– Doanh nhân

– Giám đốc điều hành

– Cố vấn viên

– Quan tòa, luật sư

– Giảng viên

ENTP – Người có tầm nhìn

ENTP là người thích tìm hiểu thế giới xung quanh nên họ có khả năng hiểu con người dựa trên trực giác rất tốt. ENTP giao tiếp tốt, nhanh nhẹn và luôn tràn đầy ý tưởng.

Tuy nhiên, ENTP không phải là người thích lập ra kế hoạch, họ thích làm việc kiểu freestyle hơn. ENTP bị chi phối bởi áp lực và ám ảnh bởi những chi tiết nhỏ nhặt.

ENTP – Người có tầm nhìn
ENTP – Người có tầm nhìn
  • Ưu điểm:

– Rất nhanh nhạy, nảy ra ý tưởng mới mà không cần nỗ lực nhiều

– Có thể rất nhiệt tình và tràn đầy năng lượng nếu đam mê với công việc

– Rất thích học hỏi những điều mới và tích lũy kiến thức

  • Nhược điểm:

– Thường nghĩ rộng, khó tập trung vào một chủ đề nhất định

– Thích đưa ra ý tưởng chứ không giỏi triển khai thực tế

– Có thể nhanh chóng bị chán nản

  • ENTP phù hợp với ngành nghề nào?

ENTP phù hợp làm việc trong rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những nơi không gò bó, có thể thoải mái, tự do trong việc theo đuổi sự sáng tạo.

Ví dụ như:

– Luật sư

– Cố vấn

– Doanh nhân

– Nhà khoa học

– Kỹ sư

– Thợ chụp ảnh

– Nhân viên đại diện bán hàng

– Diễn viên

– Tiếp thị cá nhân

ESFJ – Người quan tâm

ESFJ rất thương người. Họ ấm áp, nhiều năng lượng nhưng lại thích làm việc độc lập. ESFJ thích lắng nghe và thấu hiểu người khác. ESFJ có những đặc điểm khá giống với phụ nữ Việt Nam hiện đại.

Tuy nhiên, ESFJ bị cảm xúc chi phối nhiều và họ không nên là người đưa ra những quyết định quan trọng. Họ cũng không quan tâm đến sự phân tích những ý tưởng phức tạp hay các thảo luận về nguyên nhân và hậu quả, đây là một sự tương phản hoàn toàn với các loại tính cách NT.

ESFJ – Người quan tâm
ESFJ – Người quan tâm
  • Ưu điểm:

– Rất trung thành và coi trọng nhiệm vụ được giao

– Làm tốt với các vấn đề thực tế

– Nhạy cảm, biết cách kết nối với mọi người

  • Nhược điểm:

– Thiếu quyết đoán, đôi khi còn cứng nhắc và cổ hủ

– Rất nhạy cảm về địa vị xã hội

– Dễ nảy sinh tiêu cực khi nhu cầu không được đáp ứng

– Có thể gây mất thiện cảm khi luôn muốn điều khiển những người xung quanh

  • ESFJ phù hợp với ngành nghề nào?

Các ESFJ sẽ làm tốt những công việc liên quan đến sáng tạo hoặc duy trì sự trật tự và cấu trúc, và họ sẽ cảm thấy thoải mái nhất khi làm những công việc phục vụ mọi người.

Ví dụ như:

– Cố vấn/ Công tác xã hội

– Thủ thư/ Kế toán

– Chăm sóc sức khỏe tại gia

– Y tá

– Chăm sóc trẻ em

– Giáo viên

– Trưởng phòng / Trợ lý giám đốc

– Tăng lữ hoặc những việc liên quan đến tôn giáo

– Kinh doanh hộ gia đình

ESFP – Người trình diễn

ESFP là người yêu những trải nghiệm mới mẻ và thích làm trung tâm của sự chú ý. ESFP có kỹ năng giao tiếp tốt. ESFP là người lạc quan, có khiếu thẩm mỹ và nhận thức tốt. ESFP hòa đồng và luôn tạo niềm vui cho mọi người.

ESFP thà dựa vào may mắn của họ hoặc yêu cầu người khác giúp đỡ hơn dành nhiều thời gian cố gắng để hiểu một lý thuyết phức tạp.

ESFP – Người trình diễn
ESFP – Người trình diễn
  • Ưu điểm:

– Sẵn sàng ra ngoài khỏi an toàn để trải nghiệm những điều khó khăn

– Kỹ năng giao tiếp xuất sắc

– Rất tinh ý, dễ dàng nhận thấy sự thật, những thứ hữu hình và sự thay đổi

– Nhận thức về thẩm mỹ và vẻ đẹp rất tuyệt vời

  • Nhược điểm:

– Khó thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi sự kiên nhẫn, tập trung và tận tụy

– Khả năng lập kế hoạch kém

– Hay dồn bản thân vào tình huống tồi tệ khi không đạt được việc như ý

  • ESFP phù hợp với ngành nghề nào?

Các ESFP phù hợp với những công việc tạo cho họ cơ hội sử dụng những kỹ năng giao tiếp tuyệt vời, những thách thức mới mà họ sẽ không bị gò bó bởi lý thuyết.

Ví dụ như:

– Tư vấn tâm lý/ Công tác xã hội

– Nghệ sĩ, người biểu diễn và diễn viên

– Thiết kế thời trang

– Đại diện bán hàng

– Chuyên gia tư vấn

– Chăm sóc trẻ em

– Nhiếp ảnh gia

– Trang trí nội thất

ESTJ – Người bảo hộ

ESTJ là người thực tế. Họ rất cụ thể và luôn nhận trách nhiệm cao cả. ESTJ đại diện cho những công dân tiêu biểu của xã hội. ESTJ là người luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ và là người rất tận tâm với công việc.

Khi bị căng thẳng đè nén, ESTJ thường cô lập bản thân với mọi người.

ESTJ – Người bảo hộ
ESTJ – Người bảo hộ
  • Ưu điểm:

– Rất nghiêm túc khi nhận nhiệm vụ và họ sẽ không từ bỏ đến cùng

– Trung thành, kiên nhẫn và đáng tin cậy

– Thẳng thắn, thích tạo ra trật tự, nội quy

  • Nhược điểm:

– Phản ứng thái quá với các lỗi sai của người khác

– Tập trung quá nhiều vào địa vị xã hội

– Đôi khi hơi cứng nhắc khi xem xét một việc, quá đề cao quy ước

  • ESTJ phù hợp với ngành nghề nào?

ESTJ thích hợp nhất cho những công việc đòi hỏi phải thiết lập trật tự và cấu trúc.

Ví dụ như:

– Quản lý

– Lãnh đạo quân đội

– Quan tòa

– Cảnh sát/ Thám tử

– Nhân viên kế toán

– Bán hàng

– Nhà giáo

ESTP – Người thực thi

ESTP là người thân thiện và rất thẳng thắn. ESTP rất tinh trong việc nắm bắt động cơ của người khác. Họ thường xuyên tạo năng lượng tích cực.

Tuy nhiên, ESTP là người không thích lý thuyết. ESTP không có trực giác tốt. ESTP không thích làm việc bị ràng buộc về giới hạn.

ESTP – Người thực thi
  • Ưu điểm:

– Thiết thực, luôn trung thực và thẳng thắn

– Có các kỹ năng kết nối và tương tác xã hội tuyệt vời

– Tinh thần thử nghiệm và đưa ra những ý tưởng mới

  • Nhược điểm:

– Gặp khó khăn khi công việc cần kiên nhẫn và kiến thức lý thuyết

– Không nhìn nhận toàn diện nên thường bỏ lỡ những vấn đề lớn hơn

– Không nghiêm túc thực hiện quy tắc

  • ENFJ phù hợp với ngành nghề nào?

ESTP phù hợp với các vai trò đòi hỏi phải suy nghĩ tại chỗ, không có nhiều quy định phức tạp.

Ví dụ như:

– Lãnh đạo quân đội

– Cảnh sát/ Thám tử

– Quan tòa

– Quản lý

– Bán hàng

– Nhà giáo

– Các ngành nghề trong lĩnh vực thể thao

INFJ – Người che chở

INFJ là người có trực giác cực tốt. Họ là những người thích mọi thứ được sắp xếp có trình tự. INFJ là người kiên nhẫn và thấu hiểu người khác. INFJ nổi bật trong những công việc của riêng họ và họ thích làm việc độc lập.

INFJ là nhóm người rất tin tưởng vào bản thân.

INFJ – Người che chở
INFJ – Người che chở
  • Ưu điểm:

– Làm việc rất chăm chỉ cho những gì họ tin tưởng

– Sở hữu một trí tưởng tượng sống động, sâu sắc

– Giao tiếp linh hoạt, phong cách viết rất truyền cảm

– Quyết đoán

  • Nhược điểm:

– Dễ bị tổn thương với các tình huống phê bình và xung đột

– Khó tin tưởng người khác

– Nhiều khi bảo thủ và rất cứng đầu

  • INFJ phù hợp với ngành nghề nào?

INFJ phù hợp với các nghề nghiệp mà họ có thể sống mỗi ngày với những giá trị của bản thân, và có thể hỗ trợ họ trong sứ mệnh làm nên một điều gì đó ý nghĩa.

Ví dụ như:

– Các công việc liên quan đến tôn giáo

– Bác sĩ / Nha sĩ

– Nhà tâm lý học

– Giáo viên

– Nhạc sĩ / Hoạ sĩ / Nhiếp ảnh

– Kiến trúc, thiết kế

– Các lĩnh vực liên quan đến chăm sóc sức khoẻ

– Những người làm công tác xã hội

INFP – Người lý tưởng hóa

INFP là người chu đáo, nhiệt tình, chịu khó lắng nghe và thấu cảm về con người. INFP thường đặt ra tiêu chuẩn cao cho công việc. INFP là người linh hoạt, thoải mái và họ luôn hướng cuộc sống tới những điều tốt đẹp.

Tuy nhiên, INFP không thích xung đột và họ hay né tránh xung đột nhiều nhất có thể. INFP có những nguyên tắc riêng và nếu ai đó xâm phạm những nguyên tắc đó, họ sẽ phải gánh chịu “hậu quả”.

INFP – Người lý tưởng hóa
INFP – Người lý tưởng hóa
  • Ưu điểm:

– Đam mê và tràn đầy năng lượng, luôn muốn cống hiến hết mình

– Luôn hướng tới sự hài hòa

– Tư tưởng thoáng và linh hoạt

– Sáng tạo, dễ dàng thấu hiểu các ý nghĩa bên trong

  • Nhược điểm:

– Khó khăn khi làm việc với dữ liệu

– Dễ bị quá mơ mộng và lý tưởng

– Tư tưởng cá nhân quá cao có thể dẫn tới bị cô lập

  • INFP phù hợp với ngành nghề nào?

Có một điều rất đáng nói đó là hầu hết các nhà văn vĩ đại trên thế giới mang tính cách INFP.

INFP nên làm việc trong các lĩnh vực cho phép họ sống một cuộc sống hằng ngày theo đúng các giá trị của họ cũng như trong các ngành nghề mang lại nhiều điều tốt đẹp cho nhân loại.

Ví dụ như:

– Nhà văn

– Nhà tâm lý học

– Giáo viên / Giáo sư

– Cố vấn / Nhân Viên Xã Hội

– Nhạc sĩ

– Nhà tâm thần học

– Tăng lữ / Người hoạt động tôn giáo

INTJ – Nhà khoa học

INTJ là người thiên về hoạch định chiến lược và suy nghĩ logic. INTJ yêu cầu cao về tổ chức và hệ thống. Họ là những người có tư duy mạch lạc nên rất hợp làm lãnh đạo cho những dự án mang tính đột phá. INTJ có tiềm năng lớn để đạt những điều tuyệt vời.

Tuy nhiên, INTJ ít quan tâm tới người khác. INTJ là người có tham vọng lớn và rất khó để hiểu họ.

INTJ – Nhà khoa học
INTJ – Nhà khoa học
  • Ưu điểm:

– Khả năng phân tích sau đó áp dụng trong thực tế tuyệt vời

– Đầu óc nhanh nhạy và linh hoạt

– Giàu trí tưởng tượng và chiến lược

– Tư tưởng thông thoáng, quyết đoán trong công việc

  • Nhược điểm:

– Có thể quá cầu toàn dẫn đến mâu thuẫn với những người xung quanh

– Không để tâm đến cảm xúc, dễ dàng làm tổn thương người khác

  • INTJ phù hợp với ngành nghề nào?

INTJ gắn sự nghiệp của họ với tư duy độc lập, cái nhìn sâu sắc trọn vẹn về điều gì đó.

Ví dụ như:

– Nhà hoạch định chiến lược và xây dựng tổ chức công ty

– Lãnh đạo quân đội

– Nhà khoa học

– Bác sĩ y khoa/ nha sĩ

– Kỹ sư

– Quản trị kinh doanh / nhà quản lý

– Thẩm phán

– Luật sư

– Lập trình viên máy tính, nhà phân tích hệ thống và chuyên gia máy tính

– Giáo sư và giáo viên

INTP – Nhà tư duy

INTP là người sống trong thế giới của những tiềm năng và giả thuyết. Họ quý trọng kiến thức hơn cả và có yêu cầu cao trong việc thể hiện ý tưởng.

Tuy nhiên, INTP không thích lãnh đạo, không thích điều khiển người khác. INTP thường xuyên đề cao bản thân và sự làm việc độc lập.

INTP – Nhà tư duy
INTP – Nhà tư duy
  • Ưu điểm:

– Khách quan, trung thực và thẳng thắn

– Giàu trí tưởng tượng và độc đáo

– Có tư tưởng thông thoáng và sẵn sàng chấp nhận những ý tưởng khác với họ

– Rất nhiệt tình với công việc họ quan tâm

  • Nhược điểm:

– Dễ lơ đãng và bỏ qua các vấn đề xung quanh

– Có thể không nhạy cảm hoặc là bối rối khi nói đến đối phó với một tình huống cần cảm xúc

– Thường nhút nhát trong môi trường tập thể

  • INTP phù hợp với ngành nghề nào?

INTP nên đi theo con đường tìm kiếm và phân tích các nguyên tắc và ý tưởng cơ bản trong môi trường làm việc độc lập.

Ví dụ như:

– Nhà khoa học, đặc biệt trong nghiên cứu Vật Lí, Hóa Học

– Chiến lược gia

– Giáo sư đại học

– Nhiếp ảnh gia

– Chuyên viên thiết lập kỹ thuật

– Lập trình viên, nhà phân tích cấu trúc dữ liệu, người vẽ hoạt hình máy tính và chuyên gia máy tính

– Thẩm phán / Luật sư

– Kỹ sư

– Chuyên viên khám nghiệm hiện trường

ISFJ – Người nuôi dưỡng

ISFJ là người sống rất tình cảm. Họ thường có thế giới nội tâm vô cùng phong phú. ISFJ là người thích thực hành hơn lý thuyết. Họ có khiếu thẩm mỹ và cảm quan không gian rất phát triển.

Tuy nhiên, ISFJ là người khó hiểu. ISFJ cũng thường không bộc lộ cảm xúc cá nhân ra ngoài nhiều dù bên trong họ luôn rất sôi động. ISFJ luôn đề cao bổn phận của mình họ cần những lời khen tích cực từ những người xung quanh.

ISFJ – Người nuôi dưỡng
ISFJ – Người nuôi dưỡng
  • Ưu điểm:

– Nhiệt tình, luôn sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ với người khác

– Trung thành và làm việc chăm chỉ

– Rất tinh ý, có thể nhận ra các dấu hiệu nhỏ nhất, đặc biệt là khi nói đến trạng thái cảm xúc của người khác.

– Kỹ năng thực hành tốt

  • Nhược điểm:

– Quá cầu toàn dẫn đến bị quá tải trong công việc

– Gặp khó khăn trong việc tách biệt công việc và cuộc sống

– Khó thích nghi với sự thay đổi

– Nhút nhát

  • ISFJ phù hợp với ngành nghề nào?

ISFJ nên lựa chọn những công việc mà họ có thể sử dụng khả năng quan sát con người để xác định nhu cầu của người khác, và sử dụng khả năng tổ chức tuyệt vời để xây dựng những kế hoạch và môi trường để đạt được điều mà người khác muốn.

Ví dụ như:

– Chăm sóc trẻ em/Phát triển trẻ em

– Nhà thiết kế

– Trang trí nội thất

– Y tá

– Công tác xã hội/Cố vấn

– Trưởng phòng

– Quản lý/Quản lý hành chính

– Tăng lữ/Người làm việc liên quan đến tôn giáo

– Người quản lý nhà sách, cửa hàng

ISFP – Người nghệ sỹ

ISFP là người chìm đắm trong thế giới của cảm xúc. Ho thường bị lôi cuốn bởi cái đẹp và luôn hướng tới hành động. ISFP rất đáng mến và sâu sắc. ISFP có năng khiếu sáng tạo nghệ thuật và thích giúp đỡ người khác. ISFP rất khiêm tốn.

Tuy nhiên, ISFP là người khó hiểu giống hệt như ISFJ. Họ không phải là nhà lãnh đạo bẩm sinh.

ISFP – Người nghệ sỹ
ISFP – Người nghệ sỹ
  • Ưu điểm:

– Nhạy cảm, dễ dàng liên hệ với người khác và nhận ra trạng thái cảm xúc của họ

– Rất giỏi tạo xu hướng, nghĩ ra nhiều ý tưởng táo bạo và khác thường

– Cực kỳ đam mê với những công việc thu hút họ

  • Nhược điểm:

– Gặp nhiều khó khăn khi tìm hiểu các chủ đề khoa học và nghiên cứu

– Dễ bị tiêu cực khi đối mặt với các cuộc xung đột hay căng thẳng

– Có thể có lòng tự trọng thấp

  • ISFP phù hợp với ngành nghề nào?

Hầu hết các nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới đều mang nhóm tính cách ISFP.

ISFP nên làm những công việc giúp họ phát triển những giá trị cốt lõi bên trong, có không gian riêng và sự tự do để thể hiện hết khả năng nhận thức nhạy bén chứ không phải môi trường làm việc năng động, áp lực.

Ví dụ như:

– Người làm công tác xã hội / Cố vấn

– Nhà thiết kế

– Nhà tâm lý học

– Nhạc sĩ

– Nghệ sĩ

– Chăm sóc trẻ em / Phát triển trẻ em

– Bác sĩ khoa nhi

– Giáo viên

– Bác sĩ thú y

– Kiểm lâm viên

ISTJ – Người có trách nhiệm

ISTJ là người trầm lặng. Họ ưa thích sự an toàn và cuộc sống bình yên. ISTJ trung thành và đáng tin cậy bởi họ luôn giữ lời hứa. ISTJ tôn trọng sự thật nên họ rất tôn trọng pháp luật. ISTJ cũng rất giỏi lập kế hoạch và sắp xếp kế hoạch.

Tuy nhiên, ISTJ thường không dễ đồng cảm với người khác. Họ không thoải mái khi bày tỏ những suy nghĩ, ưa thích của bản thân cho người khác.

ISTJ – Người có trách nhiệm
ISTJ – Người có trách nhiệm
  • Ưu điểm:

– Hiểu biết rộng, có khả năng làm việc ở nhiều lĩnh vực

– Đề cao nghĩa vụ, rất có trách nhiệm trong công việc

– Bình tĩnh, thực tế và biết cách sắp xếp ổn thoả mọi thứ

  • Nhược điểm:

– Cứng đầu, khó chấp nhận một quan điểm khác

– “Sách vở”, khó hoà nhập với môi trường không quen thuộc hay không có cấu trúc

– Không nhạy cảm, dễ làm tổn thương người khác

  • ISTJ phù hợp với ngành nghề nào?

Các ngành nghề điển hình của ISTJ nên xoay quanh đặc điểm truyền thống, quyền hạn, sự an toàn hoặc các dữ kiện logic.

Ví dụ như:

– Thủ lĩnh quân đội

– Thẩm phán

– Cảnh sát và thám tử

– Luật sư

– Kế toán và nhân viên tài chính

– Quản lý kinh doanh, Quản trị và giám đốc điều hành

– Bác sĩ / Nha sĩ

– Lập trình viên, phân tích hệ thống, và chuyên gia máy tính

ISTP – Nhà cơ học

ISTP là người luôn tìm hiểu xem mọi thứ vận hành thế nào. ISTP rất mạo hiểm và có niềm tin sắt đá với bản thân. Đây là nhóm người sẵn sàng lao vào công việc. Họ giỏi xoay sở và đáng tin cậy.

Tuy nhiên, ISTP thích dành thời gian một mình. Khi bị căng thẳng, chắc chắn bạn không muốn đến gần người nhóm ISTP. ISTP không thích những nhận xét / đánh giá chủ quan.

ISTP – Nhà cơ học
ISTP – Nhà cơ học
  • Ưu điểm:

– Có xu hướng vui vẻ, tràn đầy năng lượng cá nhân

– Giỏi đối phó với các tình huống khủng hoảng

– Rất linh hoạt và đa năng, không lo lắng quá nhiều về tương lai

– Có một trí tưởng tượng sống động, đặc biệt là khi nói đến những vấn đề thực tế hoặc máy móc

  • Nhược điểm:

– Có thể trở nên rất thẳng thừng và nổi cáu nếu bị chỉ trích

– Rất khó tập trung vào một điều gì đó trong một thời gian dài

– Thường không để ý đến cảm xúc nên vô tình làm tổn thương người khác

– Không thích cam kết

  • ISTP phù hợp với ngành nghề nào?

Các ISTP sẽ thể hiện khả năng tốt nhất khi làm việc một mình hoặc trong môi trường có đủ sự linh hoạt mà họ có thể áp dụng kỹ năng lập luận tuyệt vời hoặc giải quyết những vấn đề thực tế.

Ví dụ như:

– Pháp y

– Cảnh sát và thám tử

– Kỹ sư

– Thợ cơ khí

– Lập trình viên, chuyên gia phân tích hệ thống, chuyên gia máy tính

– Thợ mộc

– Phi công, tài xế, vận động viên đua xe

– Nhà thầu khoán

– Vận động viên thể dục thể thao

3. Ứng dụng của MBTI trong quản trị nhân sự

3.1. Tuyển dụng nhân sự

MBTI là công cụ giúp nhà tuyển dụng phán đoán tính cách của ứng viên, từ đó biết được điểm mạnh điểm yếu của họ. Bên cạnh khả năng chuyên môn, tính cách của ứng viên rất quan trọng. Nhà tuyển dụng có thể đánh giá xem ứng viên có phù hợp với môi trường cũng như con người của tổ chức hay không, thông qua bài Test tính cách MBTI.

3.2. Quản lý nhân sự

MBTI trong quản lý nhân sự
MBTI trong quản lý nhân sự

Việc hiểu rõ tính cách từng thành viên có thể giúp cá nhân quản lý tăng khả năng lãnh đạo của mình. Anh ta sẽ hiểu từng con người bằng cách suy nghĩ khi gặp vấn đề. Mỗi khi quản lý nói nhân viên sẽ cảm thấy rất trúng Insight, và quản lý có thể âm thầm cung cấp những thứ cần thiết cho nhân viên như món quà đầy bất ngờ.

Một trong những lý do tuyệt vời khác đó là việc giảm thiểu các mâu thuẫn, điều tiếng trong công ty. Có những nhóm tính cách phối hợp với nhau tốt hơn các nhóm khác. Việc nắm được MBTI giúp tối ưu hiệu quả cộng tác tại nơi làm việc

3.3. Cách đánh giá ứng viên / nhân viên qua MBTI

Với tính ứng dụng rộng rãi và độ hiệu quả của nó, việc xác định MBTI của ứng viên / nhân viên hiện nay đã trở nên rất phổ biến, và từ đó có xuất hiện nhiều phương án giúp nhà quản lý phân loại tính các theo MBTI dễ dàng.

  • Sử dụng bộ câu hỏi test có sẵn

Những nguồn có sẵn trên Google hiện khá nhiều. Bạn chỉ cần gõ một vài từ khóa liên quan đến MBTI như “kiểm tra MBTI”, “ MBTI Test”, … thì chúng ta sẽ nhận được kết quả trả về là những trang Web có sẵn bộ câu hỏi tương ứng giúp bạn tự làm và khám phá bản thân.

Một trang Web uy tín và chính thống bạn có thể tham khảo về MBTI:

Cũng có các website tiếng Việt nhằm test MBTI dưới dạng bộ câu hỏi kiểm tra tính cách như:

https://mbti.vn/

– https://testiq.vn/trac-nghiem-mbti-test.html

– https://www.tracnghiemmbti.com/

– http://aroma.vn/mbti/#lam-trac-nghiem

– …

Cách này phù hợp cho các bạn trẻ, những người tò mò về tính cách bản thân có thể có một nguồn tham khảo hữu ích. Cách này có thể sẽ không hiệu quả với các doanh nghiệp, do đó chúng ta có cách thứ 2 bên dưới.

  • Sử dụng nguồn tự cung:

Nguồn tự cung ở đây tức là doanh nghiệp tự biên soạn một bộ câu hỏi xác định tính cách cho mình. Có 2 điểm mà doanh nghiệp cần lưu ý cải thiện khi biên soạn, đó cũng là 2 điểm tối ưu của phương pháp này:

– Cải thiện giao diện người dùng:

Sẽ tốt hơn khi doanh nghiệp tạo phiên bản kiểm tra tính cách trên Website thay vì bản in giấy. Giao diện và thiết kế tốt, thân thiện với người dùng, dễ đọc, dễ thao tác sẽ giúp doanh nghiệp thu hút nhiều ứng viên, tạo thương hiệu tốt trên thị trường tuyển dụng.

– Tối ưu hóa bộ câu hỏi cho từng vị trí tuyển dụng:

Khi đưa ra một bản mô tả công việc, người quản lý chắc chắn có những kỳ vọng về ứng viên mình muốn đưa vào vị trí. Sau khi tìm ra nhóm tính cách phù hợp, doanh nghiệp nên chủ ý soạn câu hỏi sâu hơn về nhóm tính cách đó để khai thác những tố chất cần tìm bên trong từng ứng viên rồi so sánh mức độ, lựa chọn.

Ví dụ: người thuộc vị trí nhân viên kinh doanh cần yếu tố hướng ngoại (E) và tố chất thực thi (S – T – P) cao nên bộ câu hỏi cần làm bật lên 2 tố chất này ở ứng viên, giúp nhà tuyển dụng đánh giá mức độ trội của 2 tính chất này bên trong từng ứng viên, rồi so sánh với ứng viên khác và đưa ra quyết định.

Nhiều doanh nghiệp hiện đã áp dụng trắc nghiệm MBTI đối với ứng viên của họ trong tuyển dụng.

Ví dụ như VietCredit (tức Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt). Khi thiết kế website tuyển dụng, VietCredit đã tạo thêm mục Bài kiểm tra trắc nghiệm MBTI và Kiểm tra IQ đối với ứng viên và bất kỳ ai quan tâm. Chỉ cần để lại thông tin, email và số điện thoại và bắt đầu hoàn toàn miễn phí. 

VietCredit sử dụng bài test MBTI trên trang tuyển dụng của doanh nghiệp
VietCredit sử dụng bài test MBTI trên trang tuyển dụng của doanh nghiệp

4. Kết luận

MBTI là một phương pháp đặc biệt bên cạnh DISC hay các phương pháp đánh giá con người khác. Dù thực hiện MBTI một cách chuyên biệt cho doanh nghiệp tốn không ít công sức của phòng HR nhưng công cụ này rất đáng để đầu tư. Mong rằng bài viết của Base Blog có thể gợi mở phần nào cho các quản lý trong việc tìm ra phương pháp ứng dụng tối ưu cho quản lý nhân sự của doanh nghiệp mình.

Đừng quên chia sẻ bài viết hữu ích này nhé!

Nhận tư vấn miễn phí

Nhận tư vấn miễn phí từ các Chuyên gia Chuyển đổi số của chúng tôi

"Bật mí" cách để bạn tăng tốc độ vận hành, tạo đà tăng trưởng cho doanh nghiệp của mình với nền tảng quản trị toàn diện Base.vn

  • Trải nghiệm demo các ứng dụng chuyên sâu được "đo ni đóng giày" phù hợp nhất với bạn.
  • Hỗ trợ giải quyết các bài toán quản trị cho doanh nghiệp ở mọi quy mô & từng lĩnh vực cụ thể.
  • Giải đáp các câu hỏi, làm rõ thắc mắc của bạn về triển khai, go-live, sử dụng và support

Đăng ký Demo

This will close in 2000 seconds

Zalo