Không một doanh nhân nào có thể xem nhẹ hay hời hợt với những kiến thức về tài chính, vì đó chính là một trong những hạt nhân quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Trong bài viết dưới đây, cùng Base.vn hiểu thêm những tri thức căn bản nhất về tài chính, giúp chủ doanh nghiệp có được tư duy tài chính tổng quan và làm quen với khái niệm vốn có thể hết sức trừu tượng này.
Mục lục
Toggle1. Tài chính là gì?
1.1 Định nghĩa về tài chính
Tài chính là cách một cá nhân hoặc một tổ chức quản lý các nguồn tài chính của mình, bao gồm vay, đầu tư, cho vay, lập ngân sách, tiết kiệm, chi tiêu và dự báo.
(Nguồn tài chính là nguồn cung cấp tiền hoặc tài sản mà cá nhân, doanh nghiệp hoặc tổ chức sử dụng để thực hiện các hoạt động kinh tế và đáp ứng nhu cầu chi tiêu, đầu tư hoặc phát triển).
Theo Ngân hàng Thế giới, tài chính là “nền tảng cơ bản của phát triển kinh tế, giúp tạo ra và phân phối nguồn lực, quản lý rủi ro và hỗ trợ việc đầu tư trong các lĩnh vực có thể tạo ra giá trị gia tăng.”
Hay theo Kinh tế học, tài chính có thể được mô tả như “nghệ thuật và khoa học của quản lý tiền, ngân sách, đầu tư và các nguồn lực tài chính khác.”
Nói một cách đơn giản, tài chính có thể hiểu là cách để chúng ta nấu được một bữa ăn hoàn hảo, bao gồm việc chọn nguyên liệu cho bữa ăn – lập kế hoạch ngân sách, sau đó thực hiện nấu bữa ăn đó một cách tập trung, tỉ mỉ như cách quản lý chi tiêu đòi hỏi sự chính xác và theo dõi cẩn thận.
Và nhiệm vụ của các “đầu bếp” là làm sao có được các thành phần cân đối, lựa chọn “món ăn” tài chính phù hợp, và không quên “làm sạch” ngân sách (loại bỏ nợ và tiết kiệm) thường xuyên.
1.2 Sự ra đời của tài chính
Nhiều nghiên cứu cho rằng, có 2 lý do cơ bản dẫn đến sự ra đời của tài chính.
Sự ra đời do sản xuất hàng hóa và tiền tệ
Thời kỳ công xã nguyên thủy tan rã, xã hội bắt đầu có sự phân công lao động. Cùng lúc đó, sản xuất và trao đổi hàng hóa ra đời và tiền tệ cũng xuất hiện làm trung gian cho việc trao đổi.
Trong nền kinh tế hàng hóa, tiền tệ đóng vai trò quan trọng với tư cách là môi giới trung gian giúp việc trao đổi hàng hóa được tiến hành một cách dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, bản chất tài chính không phải là tiền tệ. Các quỹ tiền tệ do Nhà nước hình thành chỉ là những biểu hiện giá trị bên ngoài của tài chính. Hay nói cách khác, tài chính tồn tại thực trong đời sống kinh tế – xã hội thông qua biểu hiện về mặt vật chất là các quỹ tiền tệ. Và sự tương tác trong quá trình con người sử dụng tiền tệ đã làm nảy sinh phạm trù tài chính.
Sự ra đời do sự xuất hiện của nhà nước
Theo chân sự phát triển của xã hội loài người, khi xã hội có sự chiếm hữu khác nhau về tư liệu sản xuất đã làm nảy sinh sự phân chia giai cấp, và nhà nước ra đời. Đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế hàng hóa, mở rộng phạm vi hoạt động của tài chính.
Mặt khác, nhà nước đã tạo lập quỹ ngân sách nhà nước nhằm duy trì hoạt động của mình và hình thành nên lĩnh vực tài chính nhà nước. Như vậy, bên cạnh những tiền đề quyết định làm nảy sinh phạm trù tài chính là sản xuất hàng hóa và tiền tệ, sự ra đời của nhà nước làm cho hoạt động tài chính phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn.
2. Vai trò quan trọng của tài chính trong nền kinh tế
2.1 Tài chính là công cụ điều tiết tiền tệ quốc gia
Tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết tiền tệ quốc gia bằng cách thực hiện các chính sách tiền tệ. Các cơ quan tài chính, chủ yếu là ngân hàng trung ương, thường sử dụng các công cụ như lãi suất và tăng trưởng tiền để kiểm soát lưu thông tiền tệ và duy trì ổn định giá cả.
Bằng cách điều chỉnh lãi suất, chính phủ có thể ảnh hưởng đến việc vay mượn và đầu tư, từ đó kiểm soát tăng trưởng kinh tế và ngăn chặn nguy cơ lạm phát hoặc suy thoái kinh tế.
Hơn thế nữa, nhà nước sử dụng tài chính để thực hiện chính sách điều tiết tầm vĩ mô, nhằm đạt được mục tiêu chung của nền kinh tế. Các biện pháp tài chính bao gồm chính sách ngân sách và chính sách thuế, được thiết kế để kiểm soát chi tiêu chung của chính phủ và tăng cường hoặc giảm thu nhập của người dân và doanh nghiệp.
Từ đó, chính phủ có thể ảnh hưởng đến mức đầu tư công, chi tiêu xã hội, và các dự án quan trọng khác, từ đó tạo ra tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế và sự phân phối thu nhập trong xã hội.
2.2 Tài chính doanh nghiệp là nhân tố quan trọng phát triển kinh tế
Tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn vốn cho doanh nghiệp, hỗ trợ các hoạt động sản xuất, mở rộng kinh doanh và đầu tư vào các dự án mới. Bằng cách sử dụng tài chính hiệu quả, doanh nghiệp có thể giảm chi phí lãi vay và tối ưu hóa cơ hội tăng lợi nhuận. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn đóng góp vào sự phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế nói chung.
Tài chính doanh nghiệp cũng được coi là công cụ giúp hoạt động kinh doanh diễn ra suôn sẻ và hiệu quả hơn nữa nhờ khả năng cân đối mua và đề ra mức bán hàng hoá, dịch vụ và cổ phiếu hợp lý trên thị trường. Dựa trên số liệu tài chính được tổng hợp mỗi ngày, các chủ doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt được tình hình hoạt động đang diễn ra tại doanh nghiệp và điều hành hoạt động kinh doanh.
3. Chức năng của tài chính
Ở Việt Nam, tài chính có ba chức năng chính.
3.1 Chức năng huy động
Tài chính giúp doanh nghiệp huy động vốn thông qua các phương tiện như phát hành cổ phiếu, trái phiếu, và vay mượn từ ngân hàng. Điều này giúp đảm bảo nguồn lực tài chính để thực hiện các dự án và hoạt động kinh doanh.
Huy động vốn có thể hiểu là việc mỗi cá nhân cần tìm kiếm nguồn tiền bằng cách đi làm thuê, vay mượn hoặc sử dụng các dịch vụ tín dụng,… Các phương thức này đơn giản là biểu hiện của chức năng huy động trong lĩnh vực tài chính. Ngoài ra, việc huy động vốn cũng phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế: Trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế, quá trình huy động vốn sẽ diễn ra nhanh chóng hơn.
3.2 Chức năng phân phối
Chức năng phân phối của tài chính thể hiện trong việc cung cấp nguồn lực tài chính từ những cá nhân, tổ chức hoặc nguồn cung khác đến những nơi cần thiết trong xã hội. Chức năng này đảm bảo rằng nguồn lực tài chính được sử dụng một cách hiệu quả và công bằng để đáp ứng nhu cầu và mục tiêu của cộng đồng.
Trong doanh nghiệp, chức năng này liên quan đến cách mà nguồn lực tài chính được cấp phát và sử dụng để đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp diễn ra một cách hiệu quả, bao gồm quản lý ngân sách, quản lý vốn lưu động, quyết định đầu tư,…
3.3 Chức năng giám sát
Tài chính giúp doanh nghiệp giám sát và quản lý rủi ro tài chính, bao gồm việc đánh giá và quản lý các yếu tố như biến động lãi suất, tỷ giá hối đoái, và các rủi ro tài chính khác. Điều này đảm bảo ổn định và bền vững trong quản lý tài chính.
Chức năng giám sát không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì sự ổn định mà còn tạo ra một môi trường minh bạch và đáng tin cậy, ảnh hưởng tích cực đến mối quan hệ với cổ đông, nhà đầu tư, và đối tác kinh doanh.
4. Phân loại tài chính
4.1 Tài chính công
Hiểu đơn giản, tài chính công bao gồm quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính của chính phủ hoặc các tổ chức công cộng. Tài chính công liên quan đến việc thu thuế, chi tiêu công, và quản lý ngân sách quốc gia.
Một số nhiệm vụ thiết yếu của chính phủ bao gồm thu tiền từ khu vực công thông qua thuế, huy động vốn thông qua trái phiếu và chuyển tiền vào một loạt các dịch vụ có lợi cho công chúng. Bằng cách giám sát việc tạo thu nhập và chi tiêu này, các cơ quan chính phủ giúp đảm bảo nền kinh tế ổn định và ngăn ngừa thất bại thị trường.
Các khía cạnh của tài chính công có ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến hoạt động kinh doanh và tài chính cá nhân.
4.2 Tài chính doanh nghiệp
Tài chính doanh nghiệp bao gồm tất cả các hoạt động tài chính liên quan đến việc điều hành một doanh nghiệp, bao gồm huy động vốn, đầu tư, quản lý rủi ro tài chính, và phân phối lợi nhuận.
Một ví dụ điển hình về tài chính doanh nghiệp là khi một doanh nghiệp lựa chọn giữa tài trợ bằng vốn cổ phần và tài trợ bằng nợ để huy động vốn. Tài trợ vốn cổ phần là hành động đảm bảo nguồn tài trợ thông qua các sàn giao dịch chứng khoán và phát hành, trong khi tài trợ bằng nợ là một khoản vay phải được hoàn trả cùng với lãi suất vào một ngày đã thỏa thuận.
Doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch tạo doanh thu để xác định lợi nhuận kinh doanh trong trung và dài hạn.
4.3 Tài chính cá nhân
Tài chính cá nhân liên quan đến vấn đề tiền bạc của cá nhân và gia đình, bao gồm lập ngân sách, lập chiến lược, tiết kiệm và đầu tư, mua sản phẩm tài chính và bảo vệ tài sản. Ngân hàng cũng được coi là một thành phần của tài chính cá nhân.
Tài chính cá nhân có thể tác động đến doanh nghiệp của bạn như thế nào?
Chủ doanh nghiệp phải phát triển một kế hoạch tài chính cá nhân chiến lược để bảo vệ họ khỏi những tình huống không lường trước được. Ví dụ, tiền tiết kiệm có thể giúp cá nhân huy động vốn khởi nghiệp và duy trì kinh doanh, giúp chủ doanh nghiệp tránh bị hết tiền và buộc phải bán doanh nghiệp.
4.4 Tài chính xã hội
Tài chính xã hội tập trung vào việc áp dụng các nguyên tắc và công cụ tài chính để tạo ra tác động tích cực đối với cộng đồng và xã hội. Mục tiêu chung hướng tới là không chỉ tạo ra lợi nhuận tài chính mà còn đem lại giá trị xã hội và môi trường cho cộng đồng.
Tài chính xã hội có thể bao gồm các hoạt động như đầu tư vào các dự án giáo dục, y tế, phát triển cộng đồng, hỗ trợ người nghèo, hỗ trợ cho các doanh nghiệp xã hội, và các chương trình bảo vệ môi trường.
4.5 Tài chính hành vi
Tài chính hành vi tập trung nghiên cứu về cách con người, tổ chức và các thị trường tài chính thực hiện quyết định tài chính.
Mở rộng ra, tài chính hành vi còn nghiên cứu về cách nhận thức, tâm lý, và yếu tố xã hội ảnh hưởng đến quyết định tài chính, ví dụ như dựa vào tâm lý học hành vi để giải thích sự kiện bất thường trên thị trường chứng khoán, chẳng hạn như sự tăng hoặc giảm giá cổ phiếu.
5. Một số thuật ngữ và khái niệm tài chính cần biết
Tài sản: Tài sản là tất cả các nguồn giá trị mà một cá nhân, doanh nghiệp hoặc tổ chức sở hữu. Tài sản có thể bao gồm mọi thứ từ tài sản vật chất đến tài sản vô hình, hay các khoản đầu tư tài chính.
Dòng tiền: Dòng tiền là sự chuyển động của tiền vào và ra khỏi doanh nghiệp hoặc hộ gia đình.
Lợi nhuận: Lợi nhuận là khoản tiền dương thu được từ hoạt động kinh doanh sau khi trừ đi các chi phí, lãi vay, thuế và các chi phí khác. Nó thường được coi là một thước đo quan trọng về hiệu suất kinh doanh của một tổ chức hoặc cá nhân.
Lợi tức: Lợi tức là sự chênh lệch giữa lợi nhuận thu được từ một đầu tư và chi phí của nó, thường được tính dưới dạng phần trăm.
Lãi kép: Không giống như lãi đơn là lãi được cộng vào gốc một lần, lãi kép được tính và cộng theo định kỳ. Lãi suất không chỉ được tính trên số tiền gốc mà còn trên số tiền lãi đã tích lũy.
Bảng cân đối kế toán: Bảng cân đối kế toán là một công cụ quan trọng trong lĩnh vực kế toán, thể hiện sự cân đối giữa tài sản, nợ và vốn của một doanh nghiệp.
Vốn chủ sở hữu: Vốn chủ sở hữu là nguồn vốn của doanh nghiệp đến từ các cổ đông, biểu thị bằng cổ phần. Vốn chủ sở hữu bao gồm cổ phiếu thông thường và cổ phiếu ưu tiên, là một thành phần quan trọng của cấu trúc tài chính doanh nghiệp.
Chính sách tiền tệ: Chính sách tiền tệ là các quyết định và biện pháp của ngân hàng trung ương liên quan đến lượng tiền trong nền kinh tế và lãi suất.
Tính thanh khoản: Tính thanh khoản đề cập đến mức độ dễ dàng chuyển đổi một tài sản thành tiền mặt. Ví dụ, bất động sản không phải là một khoản đầu tư có tính thanh khoản cao vì có thể phải mất hàng tuần hoặc hàng tháng mới bán được.
Rủi ro tài chính: Rủi ro tài chính là khả năng mất mát tài chính do biến động không lường trước hoặc không mong muốn trong thị trường tài chính.
6. Thách thức và cơ hội trong lĩnh vực tài chính
6.1 Thách thức
Đặt giữa bức tranh chung của thị trường tài chính toàn cầu, hệ thống tài chính ở Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng nhờ sự hội nhập và tiến bộ công nghệ nhưng cũng đối mặt với những thách thức đáng kể, đặc biệt là trong bối cảnh biến động toàn cầu và những khó khăn nội tại của nền kinh tế.
Biến động thị trường
Sự biến động thị trường toàn cầu có thể tạo ra rủi ro lớn và đòi hỏi sự linh hoạt trong chiến lược tài chính. Ví dụ biến động của tỷ giá hối đoái có thể ảnh hưởng đến giá trị các tài sản và nợ phải trả của doanh nghiệp hoặc quốc gia. Những thay đổi nhanh chóng trong tỷ giá có thể tạo ra những rủi ro không lường trước được.
Theo nhận định từ báo Vietnamnews.vn, “Kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều sóng gió, đặc biệt là tác động của xung đột địa chính trị kéo dài và cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa các nước lớn; rủi ro càng kéo dài trên thị trường tài chính và tiền tệ”.
Thêm vào đó, rủi ro tài chính, tiền tệ ngày càng gia tăng, giá cả, lạm phát, lãi suất toàn cầu hiện vẫn ở mức cao khiến cho quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu cũng chậm hơn dự kiến. Điều này cũng ẩn nhiều nguy cơ và thách thức lên lĩnh vực tài chính.
Bảo mật tài chính
Với sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin, nhiều công nghệ mới được ra đời, vấn đề bảo mật tài chính vẫn là thách thức đối với ngành tài chính nói chung.
Mặc dù đã đầu tư nhiều giải pháp an toàn thông tin và có những biện pháp phòng chống tội phạm, nhưng ngành tài chính vẫn đang đối mặt với nhiều đe dọa từ tin tặc. Số vụ tấn công lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn còn dai dẳng và chưa triệt để.
Thêm vào đó, hệ thống ngân hàng thương mại nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất là trong các hoạt động tín dụng, mà cụ thể là tỷ lệ nợ xấu vẫn còn cao, hoạt động giám sát tài chính tiền tệ chưa hiệu quả nên chưa đóng góp nhiều cho công tác đảm bảo an ninh, an toàn tài chính của toàn hệ thống.
Hạn chế về thể chế và năng lực quản lý của cá nhân và tổ chức cũng khiến cho nhiều lỗ hổng bảo mật trong giao dịch tài chính vẫn chưa được khắc phục kịp thời.
Biến động chính sách tiền tệ
Thay đổi chính sách tiền tệ từ các ngân hàng trung ương có thể ảnh hưởng đến lãi suất và chi phí vốn, tạo ra thách thức cho quản lý tài chính.
Lấy ví dụ, việc tăng hoặc giảm lãi suất cơ bản có thể ảnh hưởng đến chi phí vốn cho vay và lợi nhuận từ các đầu tư. Nếu lãi suất tăng, chi phí vay có thể tăng lên, ảnh hưởng đến chi phí tài chính của doanh nghiệp.
Điều này cũng ảnh hưởng đến giá trị thị trường của các tài sản tài chính như trái phiếu và cổ phiếu. Các doanh nghiệp phải đối mặt với thách thức trong việc đánh giá lại giá trị tài sản và lợi nhuận dự kiến trong bối cảnh biến động này.
6.2 Cơ hội
Cơ hội lớn trong lĩnh vực tài chính được mở ra nhờ sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của ngành FinTech – Công nghệ tài chính.
Tháng 2/2023, Hệ thống Giám sát và Phân tích thông tin trên môi trường mạng (Reputa) có trích dẫn dự báo của Robotics Group, rằng thị trường Fintech Việt Nam có thể cán mốc 18 tỷ USD vào năm 2024, và Việt Nam có thể vượt mặt Singapore để trở thành quốc gia có thị trường tài chính số tăng trưởng nhanh nhất khu vực.
“Triển vọng tươi sáng này được lý giải bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế dương, dân số trẻ am hiểu công nghệ đi kèm nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy tiêu dùng số”.
Và sự phát triển đó mang lại cơ hội cho các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức tiếp cận tới các giải pháp tài chính sáng tạo và hiệu quả hơn.
Công nghệ trong dịch vụ tài chính
Khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho cả cá nhân và doanh nghiệp đều được tăng cường.
Các ứng dụng di động, trang web và các nền tảng trực tuyến cung cấp cơ hội để thực hiện giao dịch tài chính mọi nơi và mọi lúc.
Các công nghệ chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (big data) được sử dụng để cải thiện quy trình đánh giá tín dụng và chính sách tài chính, giúp đưa ra quyết định về tín dụng một cách nhanh chóng và chính xác hơn.
Các công nghệ hiện đại như điện toán đám mây, tự động hóa quy trình bằng robot, sinh trắc học, công nghệ thực tế ảo đã hỗ trợ đắc lực cho dịch vụ quản lý và dự báo tài chính. Blockchain có thể được sử dụng để cải thiện quản lý chuỗi cung ứng và quản lý tài sản.
Đọc thêm: Top 7 phần mềm quản lý tài chính doanh nghiệp tốt nhất hiện nay
Công nghệ trong quản trị tài chính doanh nghiệp
Với một bộ giải pháp quản trị tài chính 4.0, các vấn đề và kỳ vọng trong bài toán tài chính nội bộ của doanh nghiệp có thể được giải quyết triệt để và toàn diện – mà với cách làm thủ công truyền thống là gần như bất khả thi.
Nhờ công nghệ, chủ doanh nghiệp sẽ luôn nắm được sức khoẻ tài chính của doanh nghiệp một cách tức thời, nhanh chóng đưa ra các quyết định và quyết sách chiến lược quan trọng về tài chính.
Đồng thời, bộ phận kế toán cũng có thể nhanh chóng chuẩn bị nhiều báo cáo khác nhau với độ chính xác cao. Các giao dịch tài chính ra – vào và các hoạt động xem xét hoá đơn chứng từ và duyệt chi tiền trong toàn nội bộ cũng được trơn tru, thuận lợi.
Theo phát biểu của ông Nguyễn Trường Hiệp, Giám đốc Bộ sản phẩm Quản trị tài chính Base Finance+ của Base.vn, mục tiêu và sứ mệnh của công nghệ này nên là “vì một sức khỏe tài chính và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam.”
7. Tạm kết
Không thể phủ nhận tầm quan trọng và các ảnh hưởng từ tài chính tới các cá nhân, doanh nghiệp và toàn bộ xã hội nói chung. Vấn đề đặt ra lúc này là làm thế nào để sẵn sàng thích ứng và linh hoạt trong việc đối mặt với những thách thức, đồng thời tận dụng các cơ hội phát triển trong lĩnh vực tài chính hiện nay.