Base Blog

Tháp nhu cầu Maslow là gì? Hiểu đúng để áp dụng đúng

Tháp nhu cầu Maslow

Tháp nhu cầu Maslow là một trong những học thuyết nổi tiếng trong tâm lý học, mô tả các nhu cầu cơ bản của con người và cách chúng ảnh hưởng đến hành vi. Tuy nhiên hiện nay có rất nhiều cách hiểu khác nhau về tháp Maslow, vậy đâu là cách hiểu đúng?

1. Tháp nhu cầu Maslow là gì?

1.1. Nhu cầu là gì?

Nhu cầu là một hiện tượng tâm lý của con người, phản ánh những mong muốn về vật chất và tinh thần của con người được thỏa mãn. Khi nhu cầu được đáp ứng, con người sẽ có cảm giác thỏa mãn và hạnh phúc, từ đó dẫn đến những hành vi tích cực. Ngược lại, khi những nhu cầu không được đáp ứng, con người sẽ dễ rơi vào trạng thái khó chịu, căng thẳng, và dẫn đến những hành vi tiêu cực.

Tùy theo đặc điểm sinh lý và môi trường sống mà mỗi người sẽ có những nhu cầu khác nhau.  Nhìn các nhu cầu được chia ra 5 loại cơ bản như sau:

  • Nhu cầu về thể chất và sinh lý: Ăn, uống, ngủ nghỉ, đi lại,…
  • Nhu cầu về an toàn: An toàn tính mạng, tài sản, nghề nghiệp, an toàn lao động, tâm lý,…
  • Nhu cầu xã hội: Giao tiếp xã hội, bạn bè, người thân,…Hi vọng được yêu thương và quan tâm. 
  • Nhu cầu tôn trọng: Mong muốn có được địa vị, được mọi người công nhận và tôn trọng, được yêu mến,…
  • Nhu cầu thể hiện bản thân: Đây là nhu cầu cao nhất hướng đến việc phát huy tiềm năng bản thân để trở thành người thành đạt, nắm quyền lực trong xã hội, tổ chức,…

1.2. Khái niệm Tháp nhu cầu Maslow

Tháp nhu cầu Maslow là mô hình kim tự tháp phân tầng 5 loại nhu cầu cơ bản của con người, các nhu cầu được sắp xếp theo thứ tự từ đơn giản đến phức tạp: nhu cầu thể chất và sinh lý, nhu cầu an toàn, nhu cầu xã hội, nhu cầu tôn trọng, nhu cầu thể hiện bản thân.

Tháp nhu cầu Maslow
Tháp nhu cầu Maslow

1.3. Nguồn gốc của Tháp nhu cầu Maslow

Tháp nhu cầu Maslow bắt nguồn từ nhà tâm lý học người Mỹ Abraham Maslow trong những năm 1940 và 1950. Ông được coi là một trong những người sáng lập của chủ nghĩa nhân văn trong lĩnh vực tâm lý học.

Tuy nhiên ít ai biết rằng, Abraham Maslow không tạo ra kim tự tháp Maslow 5 tầng như chúng ta thấy hiện nay, ông chỉ đưa ra ý tưởng rằng con người có một số nhu cầu cơ bản, và việc đáp ứng các nhu cầu này là quan trọng để đạt được sự phát triển và hạnh phúc. Sau này, các nhà tâm lý học đã khái quát lý thuyết này thành chiếc kim tự tháp Maslow nổi tiếng.

2. Ý nghĩa của tháp nhu cầu Maslow

Tháp nhu cầu Maslow thể hiện:

  • Con người không chỉ có nhu cầu vật chất mà còn có nhu cầu tinh thần, xã hội. 
  • Các nhu cầu cơ bản ở mức thấp như thức ăn, nước uống và an toàn phải được đáp ứng trước những nhu cầu cao hơn. Nếu các nhu cầu thấp hơn không được đáp ứng đầy đủ, thì sẽ khó có thể tiến đến những mục tiêu cao hơn.
  • Tháp Maslow giải thích sự thay đổi của cá nhân một cách tuyến tính theo các cấp bậc nhu cầu, thay vì coi đó là những hành vi bất thường.

Trong thế giới phức tạp, tháp nhu cầu Maslow là một lăng kính để ta dễ dàng quan sát cuộc sống xung quanh.

Ví dụ khi nói về quá trình phát triển của một đứa trẻ.

Chúng ta thấy rằng từ khi mới sinh, trẻ cần đảm bảo các nhu cầu cơ bản như đủ thức ăn, đủ nước uống, giấc ngủ đủ và cảm giác ấm áp. Khi trẻ vào tuổi đi nhà trẻ, trẻ bắt đầu quan tâm đến việc tạo ra các mối quan hệ bạn bè, cảm nhận sự ghen tị và lo sợ không được yêu thương. Lớn hơn một chút, trẻ có thể bắt đầu nhận thức về sự khác biệt về địa vị xã hội giữa gia đình của họ và gia đình của bạn bè, cũng như cảm thấy khó chịu khi không được nghe và bày tỏ ý kiến của mình.

Tháp Maslow cũng được ứng dụng nhiều trong quản trị nhân sự.

Các công ty cần đảm bảo rằng nhu cầu cơ bản của nhân viên được đáp ứng trước tiên, như lương thưởng, phúc lợi, ăn trưa, dịch vụ đưa đón,…. Sau đó, họ cần tập trung vào việc xây dựng một môi trường làm việc tích cực và gắn kết, thông qua các sự kiện team building gắn kết nhân viên. Cuối cùng, công ty cũng cần thể hiện sự quan tâm đến nhu cầu của nhân viên về các cơ hội phát triển bản thân, thông qua các chính sách thăng chức và tăng lương rõ ràng, minh bạch.

Xem thêm: DISC là gì? Cách đọc biểu đồ DISC và ứng dụng DISC trong quản lý nhân sự

3. 5 cấp bậc trong tháp nhu cầu Maslow

5 cấp bậc trong tháp nhu cầu Maslow được sắp xếp theo thứ tự từ dưới lên, tương ứng mức độ nhu cầu cơ bản đến phức tạp.

Theo Maslow, 4 nhu cầu đầu tiên phát sinh từ sự thiếu hụt, dẫn đến xuất hiện của nhu cầu cơ bản (Basic needs) nhằm đáp ứng những yêu cầu này. Trong khi đó, nhu cầu thứ 5 – cấp bậc cao nhất, không phải bắt nguồn từ sự thiếu hụt mà được sinh ra từ những nhu cầu tự nhiên của con người về phát triển bản thân (Meta needs).

5 cấp bậc trong tháp nhu cầu Maslow
5 cấp bậc trong tháp nhu cầu Maslow

Nhu cầu cơ bản (Basic needs):

  • Nhu cầu sinh lý (Physiological Needs)
  • Nhu cầu đảm bảo an toàn (Safety Needs)
  • Nhu cầu xã hội (Love/ Belonging Needs)
  • Nhu cầu được kính trọng (Esteem Needs)

Nhu cầu tự nhiên (Meta needs):

  • Nhu cầu thể hiện bản thân (Self-Actualization Needs)

3.1. Nhu cầu sinh lý (Physiological needs)

Nhu cầu sinh lý (Physiological Needs) đại diện cho những yêu cầu cơ bản và không thể thiếu của con người, bao gồm nhu cầu về thức ăn, nước uống, không khí, giấc ngủ, quần áo và mái ấm. 

Những nhu cầu này là rất quan trọng vì nếu không được đáp ứng đầy đủ, chúng có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự tồn tại của con người. Việc đáp ứng các nhu cầu sinh lý được coi là điều kiện tiên quyết để con người có thể sống và phát triển.

Nhu cầu sinh lý là cấp bậc dưới cùng trong tháp nhu cầu Maslow. Theo Maslow, chỉ khi những nhu cầu này được đáp ứng đầy đủ, mỗi người mới có thể tiến tới những cấp bậc tiếp theo trong mô hình tháp.

3.2. Nhu cầu đảm bảo an toàn (Safety needs)

Khi các nhu cầu sinh lý được đáp ứng, con người bắt đầu quan tâm đến các nhu cầu đảm bảo an toàn (Safety Needs) – là nhu cầu cảm thấy an toàn và được bảo vệ khỏi các nguy hiểm có thể xảy ra. Việc đáp ứng các nhu cầu này giúp con người cảm thấy an tâm và thoải mái, từ đó có thể tập trung vào việc phát triển các nhu cầu cao hơn. 

Nhu cầu đảm bảo an toàn bao gồm cả an toàn về thể chất, tinh thần và xã hội:

  • An toàn về mặt thể chất: bao gồm nhu cầu có một nơi ở an toàn, được bảo vệ khỏi nguy cơ về thức ăn, nước uống, y tế và môi trường. Con người cần cảm thấy rằng họ và gia đình của mình được bảo vệ khỏi các nguy cơ về thảm họa và thiệt hại tài sản.
  • An toàn tinh thần: bao gồm nhu cầu cảm thấy an toàn về mặt tinh thần và xã hội. Con người cần cảm thấy không bị đe dọa bởi xung đột, bạo lực hoặc tình trạng tinh thần không ổn định. Họ muốn có một môi trường xã hội ổn định và an toàn để phát triển và thể hiện bản thân.
  • An toàn về xã hội: bao gồm nhu cầu được bảo vệ khỏi các nguy hiểm xã hội như bạo lực, bất công và xung đột.

3.3. Nhu cầu xã hội (Love/ Belonging needs)

Sau khi đã đáp ứng các nhu cầu về thể chất, mỗi người sẽ khao khát thỏa mãn những nhu cầu về tinh thần. Ở cấp bậc thứ ba này, những nhu cầu về tinh thần bắt đầu trỗi dậy. Đây là những khát khao về việc mở rộng mối quan hệ như gia đình, tình yêu, bạn bè,… nhằm giảm bớt cảm giác cô đơn, buồn bã khi ở một mình, mang lại sự thân thuộc, gần gũi và sẻ chia.

Ví dụ, một người mới vào công việc có thể ban đầu quan tâm đến mức lương để đáp ứng các nhu cầu về chỗ ở, ăn uống, mặc ấm,… Sau đó, họ có thể xem xét môi trường làm việc có an toàn không, có được đóng bảo hiểm không. Khi những điều này được đáp ứng, cá nhân đó sẽ bắt đầu mở rộng các mối quan hệ xã hội, gắn kết với đồng nghiệp, khách hàng nhằm hòa nhập và thực hiện công việc hiệu quả hơn.

3.4. Nhu cầu được kính trọng (Esteem needs)

Trong tháp nhu cầu Maslow, nhu cầu được kính trọng thể hiện sự mong muốn nhận được sự tôn trọng từ người khác. Ở cấp bậc này, mỗi người sẽ không ngừng nỗ lực và cố gắng để thu hút sự tôn trọng từ bên ngoài.

Biểu hiện rõ nhất của nhu cầu này bao gồm:

  • Mong muốn về danh tiếng và sự tôn trọng từ bên ngoài, bao gồm danh tiếng, vị trí xã hội, và mức độ thành công.
  • Lòng tự trọng với bản thân, thể hiện ở việc coi trọng đạo đức cá nhân và giá trị của bản thân. Thiếu lòng tự trọng có thể dẫn đến cảm giác mặc cảm và lo lắng khi đối mặt với thách thức trong cuộc sống.

Thực tế cho thấy rằng, khi nhận được sự tôn trọng và công nhận từ bên ngoài, mỗi cá nhân sẽ cảm thấy tự tin và tôn trọng bản thân hơn. Ở cấp độ này, mỗi cá nhân sẽ tự hiểu và cố gắng phát triển bản thân bằng mọi cách để tiến xa hơn trong công việc và cuộc sống.

3.5. Nhu cầu thể hiện bản thân (Self-actualization needs)

Nhu cầu thể hiện bản thân (Self-Actualization Needs) là cấp độ cao nhất trong tháp nhu cầu Maslow, đại diện cho sự tiến triển và phát triển cá nhân đạt đến đỉnh cao của tiềm năng.

Vị trí này xuất hiện sau khi 4 cấp độ trước đã được thỏa mãn, nhưng có một điểm khác biệt so với 4 nhu cầu trước đó, đó là nhu cầu này không bắt nguồn từ sự thiếu hụt mà từ mong muốn phát triển bản thân của mỗi người.

Nhu cầu thực hiện bản thân thường xuất hiện ở những người đã đạt được những thành tựu, thành công trong cuộc sống. Họ khao khát được thể hiện trí tuệ, tiềm năng và sự phát triển của bản thân, và sẵn lòng làm mọi việc để thỏa mãn đam mê và khám phá những giá trị thực sự của mình.

Maslow cho rằng, để đạt được cấp độ này, cá nhân không chỉ cần thỏa mãn nhu cầu ở các cấp độ dưới mà còn phải thực sự làm chủ được chúng. Có thể nói, mục đích của con người khi muốn đạt được nhu cầu ở đỉnh cao này là để đảm bảo và duy trì những nhu cầu ở cấp độ dưới.

4. Mở rộng thêm: Tháp nhu cầu Maslow 8 bậc

Ngoài 5 cấp bậc chính trên, tháp nhu cầu Maslow hiện tại còn mở rộng thêm 3 cấp độ nữa, gọi là tháp nhu cầu Maslow 8 bậc, bao gồm:

  • Bậc 6. Nhu cầu nhận thức (Cognitive)
  • Bậc 7. Thu cầu thẩm mỹ (Aesthetic)
  • Bậc 8. Nhu cầu về tự tôn bản ngã (Self-Transcendence)

4.1. Nhu cầu nhận thức (Cognitive)

Nhu cầu nhận thức (Cognitive Needs) tượng trưng cho mong muốn tìm hiểu, học hỏi kiến thức. Nhu cầu này phản ánh sự khao khát của con người trong việc khám phá thế giới xung quanh và thúc đẩy sự phát triển trí tuệ. Nhu cầu nhận thức thường được thỏa mãn thông qua việc học tập, nghiên cứu, và khám phá môi trường xung quanh.

4.2. Thu cầu thẩm mỹ (Aesthetic)

Nhu cầu thẩm mỹ (Aesthetic Needs) đại diện cho mong muốn trải nghiệm và tạo ra cái đẹp trong cuộc sống. Có thể kể đến các hoạt động như tận hưởng các tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc, văn hóa; tham gia vào các hoạt động mang tính thẩm mỹ như viết, vẽ, hoặc thiết kế. Nhu cầu thẩm mỹ giúp làm giàu trải nghiệm cuộc sống và đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra cảm giác hài lòng.

4.3. Nhu cầu về tự tôn bản ngã (Self-transcendence)

Nhu cầu về tự tôn bản ngã (Self-transcendence) đại diện cho mong muốn vượt qua bản ngã cá nhân và kết nối với cái ngoại vi lớn hơn, như cộng đồng, tự nhiên, hoặc tâm linh. Có thể kể đến việc tìm kiếm ý nghĩa và mục đích trong cuộc sống, cống hiến cho người khác hoặc cho một mục tiêu cao cả hơn, và trải nghiệm kết nối tâm linh. 

Tháp nhu cầu Maslow 8 bậc
Tháp nhu cầu Maslow 8 bậc

5. Ưu nhược điểm của tháp nhu cầu Maslow

5.1. Ưu điểm

Ưu điểm của tháp nhu cầu Maslow:

  • Đơn giản hóa cách hiểu về hành vi con người: tháp Maslow cung cấp một cơ sở để để ta hiểu hành vi con người một cách rõ ràng hơn, hiểu những gì đang thúc đẩy hành vi của họ.
  • Tạo động lực và phát triển cá nhân: tháp Maslow không chỉ giải thích tại sao con người hành động mà còn đề xuất cách để tạo ra động lực và thúc đẩy sự phát triển cá nhân. 
  • Hỗ trợ quản lý và lãnh đạo: ở khía cạnh quản trị, tháp Maslow cung cấp một cơ sở lý thuyết hữu ích cho lãnh đạo. Bằng cách hiểu nhu cầu của nhân viên, lãnh đạo có thể tạo ra môi trường làm việc tích cực và tạo động lực cho nhân viên.
  • Áp dụng rộng rãi trong nhiều ngành nghề lĩnh vực: mô hình này có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, từ quản trị doanh nghiệp, đến tâm lý học, quản lý đến giáo dục, chăm sóc sức khỏe,… Điều này khiến tháp Maslow trở thành một công cụ hữu ích cho việc hiểu và phân tích hành vi con người trong nhiều ngữ cảnh khác nhau.

5.2. Nhược điểm

Tháp nhu cầu Maslow vẫn là một học thuyết gây tranh cãi bởi những ý nghĩa chỉ mang tính tương đối, một số nhược điểm của tháp nhu cầu Maslow có thể kể đến:

  • Cứng nhắc và thiếu linh hoạt: tháp Maslow giả định con người cần được thỏa mãn các bậc nhu cầu một cách tuần tự, mà không có sự linh hoạt hoặc khả năng di chuyển giữa các bậc. Tuy nhiên trong thực tế, con người có thể cảm nhận và đáp ứng đồng thời nhiều nhu cầu khác nhau.
  • Không đặc trưng cho từng cá nhân: tháp Maslow không phản ánh sự đa dạng của nhu cầu con người, trong khi mỗi người có thể có một ưu tiên và ảnh hưởng từ các nhu cầu khác nhau trong cùng một thời điểm.
  • Không tính đến yếu tố văn hóa và xã hội: tháp nhu cầu Maslow không đề cập đến sự ảnh hưởng của yếu tố văn hóa, xã hội và môi trường lên nhu cầu con người. Những yếu tố này có thể làm thay đổi và tác động mạnh mẽ đến nhu cầu và ưu tiên của mỗi người.
Ưu nhược điểm của Tháp nhu cầu Maslow

6. Lưu ý: Tháp nhu cầu Maslow “hiện đại” của thế kỷ 21

6.1. Nhu cầu không phải lúc nào cũng tăng theo trình tự

Lý thuyết tháp Maslow cho rằng chỉ khi thực hiện những cấp thấp thì mới tiến lên được các cấp cao hơn theo thứ tự từ đáy đến đỉnh. Nhưng nhu cầu không phải lúc nào cũng rập khuôn như vậy, nó có thể thay đổi tùy vào mỗi cá nhân và hoàn cảnh cụ thể.

Ví dụ trong môi trường công sở, mặc dù nhu cầu cơ bản như lương và phúc lợi là quan trọng, nhưng với một số nhân viên thì các yếu tố khác như sự kết nối, sự công nhận, và phát triển cá nhân lại là ưu tiên hàng đầu.

6.2. Xuất hiện các nhu cầu mới, trải nghiệm mới trong từng cấp bậc

Trong nhiều trường hợp, không phải lúc nào cũng có sự chuyển rõ ràng từ cấp bậc này sang cấp bấc khác trong tháp Maslow. Trong một cấp bậc cũng có thể xảy ra những nhu cầu và trải nghiệm của cấp khác. 

Ví dụ trong khi nhu cầu về an toàn của nhân viên được đáp ứng thông qua công việc với chế độ lương và bảo hiểm ổn định; nhưng vẫn có thể xuất hiện những yếu tố như mong muốn khám phá, khát vọng sáng tạo, và làm thay đổi các thứ tự ưu tiên các nhu cầu của nhân viên.

Một lưu ý rằng mỗi cá nhân có những trải nghiệm và nhu cầu riêng biệt, các nhu cầu thay đổi có thể không thể không theo một trình tự tuyến tính theo tháp nhu cầu Maslow, mà thay vào đó là một hành trình phát triển cá nhân phức tạp và đa chiều hơn.

Xem thêm: Ma trận BCG là gì? Cách vẽ ma trận BCG và ví dụ phân tích

7. Ứng dụng của tháp nhu cầu Maslow trong thực tiễn quản trị doanh nghiệp

7.1. Tháp nhu cầu Maslow trong marketing

Ứng dụng tháp nhu cầu Maslow trong marketing như sau:

  • Nghiên cứu thị trường và phân tích khách hàng: marketing phải hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Áp dụng mô hình Maslow giúp bạn nhận diện và đánh giá các yếu tố nhu cầu cơ bản của khách hàng, từ đó xây dựng chiến lược tiếp thị phù hợp.
  • Phát triển sản phẩm và dịch vụ: dựa trên các cấp độ trong tháp Maslow, các nhà tiếp thị có thể phát triển sản phẩm và dịch vụ phù hợp với các nhu cầu khác nhau của khách hàng. Ví dụ, sản phẩm có thể được thiết kế để đáp ứng nhu cầu sinh lý, an toàn, tình thân, tôn trọng hoặc thể hiện bản thân.
  • Tùy chỉnh chiến lược tiếp thị và quảng cáo: các chiến lược quảng cáo và tiếp thị nên tập trung vào việc gợi cảm xúc và kích thích nhu cầu của khách hàng tại từng giai đoạn trong tháp Maslow. Ví dụ, quảng cáo có thể tập trung vào việc tạo ra cảm giác an toàn, cảm giác thuộc về hay việc thể hiện bản thân.
  • Xây dựng mối quan hệ với khách hàng: marketing cần tạo ra một môi trường mà khách hàng cảm thấy được đáp ứng. Việc hiểu và tôn trọng nhu cầu của khách hàng trong mỗi giai đoạn của tháp Maslow giúp doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ tốt hơn với họ.

7.2. Tháp nhu cầu Maslow trong kinh doanh bán hàng

Ứng dụng tháp nhu cầu Maslow trong kinh doanh bán hàng như sau:

  • Phân loại và định hình đối tượng khách hàng: doanh nghiệp có thể áp dụng tháp Maslow để phân loại và định hình đối tượng khách hàng cho chiến lược bán hàng. Việc này giúp doanh nghiệp tập trung nguồn lực vào các đối tượng khách hàng có tiềm năng và đáp ứng nhu cầu của họ một cách hiệu quả
  • Hiểu và nắm bắt nhu cầu của khách hàng: doanh nghiệp có thể áp dụng tháp Maslow để phân tích và hiểu rõ hơn về nhu cầu của khách hàng. Từ đó, nhà bán hàng có thể đưa ra các giải pháp và sản phẩm phù hợp với từng giai đoạn của nhu cầu, từ đó đáp ứng các nhu cầu của khách hàng tốt nhất.
  • Xây dựng mối quan hệ với khách hàng: dựa trên mô hình Maslow, doanh nghiệp có thể tạo ra các chiến lược giao tiếp và tương tác với khách hàng, điều này giúp tạo ra mối quan hệ lâu dài với khách hàng.
  • Tối ưu hóa trải nghiệm mua hàng: doanh nghiệp tùy chỉnh trải nghiệm mua hàng của khách hàng tại mỗi giai đoạn của tháp Maslow, từ đó tạo ra một trải nghiệm mua hàng thuận tiện và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, giúp tăng sự hài lòng và tăng cơ hội bán hàng.

7.3. Tháp nhu cầu Maslow trong quản trị nhân sự

Ứng dụng tháp nhu cầu Maslow trong quản trị nhân sự như sau:

  • Xây dựng chính sách nhân sự: doanh nghiệp sử dụng mô hình Maslow để xác định và hiểu rõ các nhu cầu cơ bản của nhân viên, từ nhu cầu vật lý đến nhu cầu tinh thần. Điều này giúp doanh nghiệp định hình chính sách và chương trình phúc lợi nhân viên một cách phù hợp.
  • Cung cấp điều kiện làm việc an toàn và ổn định: điều đầu tiên một ứng viên quan tâm và đặt vấn đề rõ ràng nhất luôn là lương thưởng và phúc lợi để duy trì đời sống tối thiểu (ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt…). Doanh nghiệp có thể đáp ứng nhu cầu này bằng cách đưa ra chính sách lương tốt và công bằng dựa trên các tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc như: KPI, thái độ làm việc, thời gian làm việc, mối quan hệ với cấp trên và đồng nghiệp,…
  • Xây dựng môi trường làm việc tích cực: sau khi được thỏa mãn nhu cầu cơ bản và nhu cầu sức khỏe, nhân viên cần môi trường làm việc thân thiện có thể giao lưu, học hỏi từ lãnh đạo và đồng nghiệp. Ai cũng mong muốn được làm việc trong môi trường thoải mái nhận được sự quan tâm từ cấp trên và đồng nghiệp, đặc biệt vào những lúc khó khăn cần sự giúp đỡ.
  • Đưa ra các chương trình đào tạo và phát triển cá nhân: nhân viên nào cũng có kế hoạch phát triển sự nghiệp và thực hiện lý tưởng cá nhân; và họ cần được tạo điều kiện thông qua những chương trình đào tạo, khóa học phát triển kỹ năng; được trao cho các dự án mới, nhiệm vụ mới; hay tham gia các chương trình L&D trong nội bộ doanh nghiệp,…
  • Tạo ra hệ thống đánh giá và phản hồi công bằng: doanh nghiệp xây dựng một hệ thống đánh giá công bằng, đưa ra những đánh giá chính xác về hiệu quả công việc của nhân viên. Điều này giúp đáp ứng nhu cầu về sự công nhận của nhân viên.

Sự hiệu quả của mỗi doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào nhân viên có năng lực. Chắc chắn không một doanh nghiệp nào muốn mất mát nhân tài ưu tú cho đối thủ cạnh tranh. Vì vậy, việc áp dụng chiến lược nhân sự dựa trên tháp nhu cầu Maslow là một phương tiện hữu ích để doanh nghiệp giữ chân những nhân viên xuất sắc và giúp họ đạt được hiệu suất tốt trong tổ chức.

8. Tạm kết

Tháp nhu cầu Maslow không chỉ giúp chúng ta hiểu sâu hơn về nhu cầu của con người, mà còn cung cấp một cơ sở lý thuyết quan trọng cho nhiều lĩnh vực, từ tiếp thị và kinh doanh đến quản lý nhân sự. Tuy nhiên, tháp Maslow vẫn có những hạn chế, vì vậy khi áp dụng, bạn cần xem xét và điều chỉnh sao cho phù hợp với nhu cầu, bối cảnh, và đối tượng áp dụng.

Đừng quên chia sẻ bài viết hữu ích này nhé!

Nhận tư vấn miễn phí

Nhận tư vấn miễn phí từ các Chuyên gia Chuyển đổi số của chúng tôi

"Bật mí" cách để bạn tăng tốc độ vận hành, tạo đà tăng trưởng cho doanh nghiệp của mình với nền tảng quản trị toàn diện Base.vn

  • Trải nghiệm demo các ứng dụng chuyên sâu được "đo ni đóng giày" phù hợp nhất với bạn.
  • Hỗ trợ giải quyết các bài toán quản trị cho doanh nghiệp ở mọi quy mô & từng lĩnh vực cụ thể.
  • Giải đáp các câu hỏi, làm rõ thắc mắc của bạn về triển khai, go-live, sử dụng và support

Đăng ký Demo

This will close in 2000 seconds

Zalo