Ma trận GE là công cụ phân tích chiến lược được sử dụng nhiều để đánh giá hiệu quả kinh doanh của các đơn vị trong một danh mục đầu tư đa ngành. Ra đời từ những năm 1970, công cụ này không chỉ cung cấp cái nhìn tổng quan về tình hình hoạt động hiện tại của doanh nghiệp mà còn định hướng các bước đi chiến lược trong tương lai, tối ưu hoá hiệu quả đầu tư và quản trị rủi ro. Cùng Base.vn tìm hiểu kỹ hơn về công cụ này trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Toggle1. Ma trận GE là gì?
1.1 Khái niệm
Ma trận GE, viết tắt của Ma trận General Electric còn được nhiều người gọi với cái tên Ma trận McKinsey là công cụ phân tích chiến lược ra đời năm 1970. Ma trận này đánh giá và so sánh sự đa dạng của các đơn vị kinh doanh dựa theo 2 tiêu chí:
Sự hấp dẫn của ngành: Đo lường mức độ hấp dẫn của ngành mà doanh nghiệp đang hoạt động, dựa trên các yếu tố như tốc độ tăng trưởng, quy mô thị trường, khả năng sinh lời, và mức độ cạnh tranh.
Sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp: Đánh giá năng lực nội bộ của doanh nghiệp, bao gồm thị phần, lợi thế cạnh tranh, chất lượng sản phẩm/dịch vụ, và khả năng phát triển công nghệ.
2.2 Các yếu tố của ma trận GE là gì?
Dựa theo 2 tiêu chí là sự hấp dẫn của ngành và sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp, chúng ta có thể chia các yếu tố của ma trận GE theo 2 nhóm sau:
Sự hấp dẫn của ngành (Industry Attractiveness)
Các tiêu chí thường được xem xét trong nhóm này bao gồm:
- Quy mô thị trường: Mức độ lớn của thị trường và cơ hội mở rộng.
- Tốc độ tăng trưởng của thị trường: Tỷ lệ tăng trưởng trong thời gian gần đây và tiềm năng trong tương lai.
- Lợi nhuận của ngành: Khả năng sinh lời và biên lợi nhuận trung bình.
- Cường độ cạnh tranh: Số lượng đối thủ, mức độ cạnh tranh, và rào cản gia nhập thị trường.
- Tính ổn định về kinh tế và chính trị: Ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế và chính trị đến ngành.
Sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp (Business Strength)
Yếu tố này đánh giá năng lực và hiệu quả của doanh nghiệp trong việc cạnh tranh trên thị trường, thông qua các khía cạnh như:
- Thị phần: Đo lường thị phần hiện tại của doanh nghiệp so với các đối thủ.
- Lợi thế cạnh tranh: Những ưu điểm nổi trội như chất lượng sản phẩm, công nghệ tiên tiến, hoặc chi phí sản xuất thấp hơn.
- Khả năng tài chính: Nguồn lực tài chính và khả năng đầu tư cho phát triển.
- Chất lượng đội ngũ quản lý: Kinh nghiệm, năng lực lãnh đạo, và khả năng hoạch định chiến lược của ban lãnh đạo.
- Khả năng nghiên cứu và phát triển (R&D): Mức độ đổi mới và cải tiến sản phẩm hoặc dịch vụ.
2. Lợi ích khi doanh nghiệp ứng dụng ma trận GE
Ma trận GE mang đến doanh nghiệp một bức tranh toàn cảnh và đa chiều về vị thế cạnh tranh của các đơn vị kinh doanh trong một thị trường nhất định, cụ thể:
- Xác định các đơn vị kinh doanh có tiềm năng tăng trưởng cao nhất, giúp doanh nghiệp có thể tập trung nguồn lực vào những lĩnh vực hứa hẹn nhất.
- Đánh giá sức hấp dẫn của từng ngành công nghiệp để đưa ra quyết định đầu tư hoặc rút lui một cách hợp lý.
- Lựa chọn chiến lược phù hợp nhằm tối đa hóa giá trị và lợi nhuận cho toàn bộ doanh nghiệp, giảm những khoản đầu tư không mang đến hiệu quả.
- Ứng dụng Ma trận GE giúp doanh nghiệp không chỉ tập trung vào tăng trưởng ngắn hạn mà còn định hướng phát triển bền vững, bằng cách đầu tư vào các ngành có tiềm năng và phù hợp với năng lực của mình.
3. Cấu trúc của ma trận GE
Ma trận GE được thiết kế dưới dạng lưới 3×3, với tổng cộng 9 ô, thể hiện sự kết hợp giữa hai yếu tố chính là sự hấp dẫn của ngành và sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp. Dưới đây là cấu tạo chi tiết của ma trận:
3.1 Trục tung thể hiện sự hấp dẫn của ngành
Trục tung đại diện cho mức độ hấp dẫn của ngành, được chia thành ba cấp độ:
- Cao (High)
- Trung bình (Medium)
- Thấp (Low)
Yếu tố này đánh giá các khía cạnh như tốc độ tăng trưởng, quy mô thị trường, lợi nhuận trung bình, mức độ cạnh tranh, và rủi ro ngành.
3.2 Trục hoành thể hiện sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp
Trục hoành thể hiện mức độ mạnh yếu của doanh nghiệp trong ngành, cũng được chia thành ba cấp độ:
- Mạnh (High)
- Trung bình (Medium)
- Yếu (Low)
Yếu tố này đánh giá khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp dựa trên thị phần, khả năng tài chính, chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ, và năng lực quản lý.
3.3 9 ô của ma trận GE
Ma trận GE có tổng cộng 9 ô, mỗi ô biểu thị một chiến lược khác nhau dựa trên sự kết hợp giữa hai yếu tố chính:
- Ô 1 (Cao – Mạnh): Doanh nghiệp có sức mạnh lớn trong ngành hấp dẫn, nên tập trung đầu tư mạnh mẽ để tăng trưởng.
- Ô 2 (Cao – Trung bình): Ngành hấp dẫn nhưng doanh nghiệp chưa có đủ sức mạnh, cần cải thiện năng lực cạnh tranh để phát triển.
- Ô 3 (Cao – Yếu): Ngành hấp dẫn nhưng doanh nghiệp yếu, nên xem xét đầu tư có chọn lọc hoặc tìm kiếm đối tác để cải thiện sức mạnh.
- Ô 4 (Trung bình – Mạnh): Doanh nghiệp mạnh nhưng ngành có sức hấp dẫn trung bình, nên tiếp tục duy trì vị trí hiện tại và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.
- Ô 5 (Trung bình – Trung bình): Doanh nghiệp ở mức trung bình cả về sức mạnh lẫn sự hấp dẫn của ngành, có thể cân nhắc đầu tư giữ nguyên hiện trạng.
- Ô 6 (Trung bình – Yếu): Ngành trung bình và doanh nghiệp yếu, nên chỉ đầu tư duy trì hoặc thu hồi vốn.
- Ô 7 (Thấp – Mạnh): Doanh nghiệp mạnh nhưng ngành kém hấp dẫn, nên tập trung thu hoạch và tối đa hóa lợi nhuận ngắn hạn.
- Ô 8 (Thấp – Trung bình): Ngành kém hấp dẫn, doanh nghiệp ở mức trung bình, nên xem xét rút vốn dần dần hoặc thoái lui khỏi thị trường.
- Ô 9 (Thấp – Yếu): Ngành kém hấp dẫn và doanh nghiệp yếu, nên xem xét thoái lui hoàn toàn khỏi ngành.
Đọc thêm: Mô hình 5 áp lực cạnh tranh: Giải nghĩa, Phân tích và Ví dụ cụ thể
4. Ưu điểm và hạn chế khi doanh nghiệp sử dụng ma trận GE
4.1 Ưu điểm
Một số ưu điểm khi doanh nghiệp sử dụng ma trận GE có thể kể đến như:
Giúp lãnh đạo có cái nhìn tổng quan: Ma trận GE mang đến cái nhìn tổng quan, toàn diện về môi trường kinh doanh. Qua đó các lãnh đạo có thể đánh giá vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp, sức hấp dẫn của ngành và xây dựng được chiến lược đầu tư, tăng trưởng hiệu quả nhất.
Tối ưu hóa nguồn lực: Ma trận GE giúp các doanh nghiệp xác định vị thế của từng đơn vị kinh doanh, từ đó đưa ra quyết định phân bổ nguồn lực một cách hợp lý, đảm bảo tối ưu nhân lực mà vẫn đảm bảo hiệu quả.
Hỗ trợ các quyết định đầu tư: Qua ma trận GE, doanh nghiệp sẽ xác định được lĩnh vực nên đầu tư, lĩnh vực cần duy trì hoặc cắt giảm, từ đó tối đa hóa nguồn lực để tập trung vào những cơ hội giúp doanh nghiệp tăng trưởng, bứt phá.
4.2 Hạn chế
Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng ma trận này cũng tồn tại một số hạn chế như:
Phức tạp và khó thực hiện: Đòi hỏi đánh giá nhiều yếu tố khác nhau nên dễ gây khó khăn trong việc xác định các chỉ số đo lường, đặc biệt là các yếu tố định tính như sức hấp dẫn thị trường hay lợi thế cạnh tranh.
Thiếu chính xác: Vì dựa nhiều vào yếu tố định tính, nên nếu không có thông tin rõ ràng hoặc khách quan, kết quả phân tích có thể thiếu chính xác.
Chi phí và thời gian: Việc thu thập dữ liệu và xây dựng ma trận đòi hỏi thời gian và chi phí khá lớn, khó phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ.
5. Một số ứng dụng của ma trận GE trong kinh doanh
Hỗ trợ các quyết định đầu tư
Ma trận GE giúp doanh nghiệp xác định vị trí của từng sản phẩm hoặc đơn vị kinh doanh trong ma trận để quyết định có nên tiếp tục đầu tư, duy trì hay thoái vốn.
Ví dụ, nếu một sản phẩm nằm ở ô “Đầu tư và tăng trưởng”, doanh nghiệp sẽ tập trung tài nguyên để phát triển sản phẩm này. Ngược lại, các đơn vị nằm trong ô “Thu hoạch hoặc thoái vốn” thường sẽ được giảm đầu tư hoặc loại bỏ khỏi danh mục.
Xây dựng chiến lược phát triển cho từng sản phẩm
Dựa vào vị trí trong ma trận, doanh nghiệp có thể xác định các chiến lược khác nhau cho từng sản phẩm hoặc dịch vụ.
- Phân loại sản phẩm: Ma trận GE giúp phân loại sản phẩm dựa trên vị thế cạnh tranh và sức hấp dẫn của thị trường, từ đó xác định chiến lược phát triển phù hợp cho từng sản phẩm.
- Đầu tư vào sản phẩm chủ lực: Ma trận giúp xác định các sản phẩm chủ lực cần đầu tư để tăng trưởng và duy trì vị thế cạnh tranh.
- Ngừng sản xuất hoặc tái cơ cấu: Đối với những sản phẩm có vị thế yếu và thị trường kém hấp dẫn, ma trận GE gợi ý nên ngừng sản xuất hoặc tái cơ cấu.
Quản lý rủi ro kinh doanh
Ma trận GE giúp doanh nghiệp đánh giá rủi ro bằng cách phân tích từng đơn vị kinh doanh trong mối tương quan giữa sức hấp dẫn thị trường và vị thế cạnh tranh. Điều này cho phép doanh nghiệp nhận diện các lĩnh vực có rủi ro cao để đưa ra biện pháp ứng phó, bảo vệ và điều chỉnh chiến lược nhằm giảm thiểu tổn thất.
Tối ưu hóa danh mục đầu tư
Ma trận GE hỗ trợ doanh nghiệp phân tích và đánh giá danh mục đầu tư để tối ưu hóa hiệu quả.
- Cắt giảm chi phí: Ma trận giúp xác định các đơn vị kinh doanh không hiệu quả để cắt giảm chi phí và tập trung nguồn lực vào những đơn vị có tiềm năng.
- Tái cơ cấu: Hỗ trợ xác định các đơn vị cần được sáp nhập, tách ra hoặc bán đi.
- Mua lại và sáp nhập: Ma trận GE giúp đánh giá các cơ hội mua lại và sáp nhập, đảm bảo rằng các thương vụ này phù hợp với chiến lược tổng thể của doanh nghiệp.
Phân bổ nguồn lực hợp lý
Ma trận GE giúp doanh nghiệp phân bổ nguồn lực một cách hợp lý giữa các đơn vị kinh doanh. Tài nguyên sẽ được tập trung vào các đơn vị có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao, từ đó đảm bảo tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực và nâng cao tỷ suất lợi nhuận cho toàn bộ doanh nghiệp.
Đọc thêm: Ma trận BCG là gì? Cách vẽ ma trận BCG và ví dụ phân tích
6. Các bước xây dựng ma trận GE hỗ trợ hoạt động kinh doanh
Để thiết lập ma trận GE, doanh nghiệp có thể tham khảo thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Xác định danh mục đơn vị kinh doanh/sản phẩm cần đánh giá
- Liệt kê tất cả các đơn vị kinh doanh (SBU – Strategic Business Unit) hoặc sản phẩm trong danh mục mà doanh nghiệp muốn phân tích.
- Mỗi đơn vị kinh doanh hoặc sản phẩm sẽ là một đối tượng trong ma trận, giúp đánh giá và so sánh toàn diện các yếu tố tác động.
Bước 2: Xác định yếu tố đánh giá sức hấp dẫn của thị trường
- Các yếu tố có thể bao gồm: Tốc độ tăng trưởng thị trường, quy mô thị trường, lợi nhuận, độ cạnh tranh, tiềm năng mở rộng, rào cản gia nhập, và xu hướng phát triển….
- Mỗi yếu tố có thể được xếp hạng từ thấp đến cao (1 – 5 điểm) hoặc dưới dạng thang đo tương tự để định lượng sức hấp dẫn của thị trường một cách tương đối.
Bước 3: Xác định yếu tố đánh giá vị thế cạnh tranh của đơn vị
- Các yếu tố đánh giá vị thế cạnh tranh có thể bao gồm: Thị phần, uy tín thương hiệu, khả năng tài chính, năng lực đổi mới, hiệu quả vận hành và khả năng chiếm lĩnh thị trường.
- Tương tự, mỗi yếu tố này sẽ được đánh giá theo thang điểm từ thấp đến cao để xác định sức mạnh tương đối của từng đơn vị kinh doanh.
Bước 4: Gán trọng số cho các yếu tố được đánh giá
Các yếu tố của cả sức hấp dẫn thị trường và vị thế cạnh tranh sẽ có mức độ quan trọng khác nhau. Do đó, bạn nên gán trọng số cho mỗi yếu tố để phản ánh mức độ ảnh hưởng của chúng đến hoạt động kinh doanh.
Ví dụ, nếu tốc độ tăng trưởng thị trường quan trọng hơn, bạn có thể gán trọng số cao hơn cho yếu tố này.
Bước 5: Tính điểm
- Sau khi đánh giá các yếu tố và gán trọng số, bạn tính điểm tổng hợp cho từng đơn vị kinh doanh bằng cách nhân trọng số với điểm của từng yếu tố rồi cộng lại.
- Điểm tổng hợp sẽ cho bạn biết sức hấp dẫn thị trường và vị thế cạnh tranh của từng sản phẩm, giúp xác định vị trí trong ma trận.
Bước 6: Xác định vị trí của từng đơn vị trên ma trận
Ma trận GE gồm 9 ô, chia theo hai trục:
- Trục tung: Sức hấp dẫn thị trường, từ thấp đến cao.
- Trục hoành: Vị thế cạnh tranh, từ yếu đến mạnh.
Dựa trên điểm tổng hợp của mỗi đơn vị kinh doanh, xác định vị trí của từng đơn vị trên ma trận, giúp chia thành các nhóm chiến lược:
- Đầu tư và tăng trưởng
- Duy trì và chọn lọc
- Thu hoạch hoặc thoái vốn
Bước 7: Phân tích và lên kế hoạch cho từng đơn vị
- Ô Đầu tư và Tăng trưởng: Đây là các đơn vị có sức hấp dẫn và vị thế cạnh tranh cao, cần đầu tư mạnh để gia tăng lợi nhuận và tăng trưởng.
- Ô Duy trì và Chọn lọc: Các đơn vị này cần xem xét, đánh giá để đưa ra quyết định tăng cường hoặc giữ nguyên nguồn lực.
- Ô Thu hoạch hoặc Thoái vốn: Do sức hấp dẫn và vị thế cạnh tranh thấp, nên giảm đầu tư hoặc thoái vốn để tập trung vào các đơn vị có tiềm năng hơn.
Bước 8: Đánh giá định kỳ và cập nhật
Thị trường và vị thế cạnh tranh thay đổi liên tục, do đó doanh nghiệp nên định kỳ đánh giá và cập nhật ma trận để đảm bảo kế hoạch chiến lược luôn phù hợp với tình hình thực tế.
Đọc thêm: SWOT là gì? Phân tích mô hình ma trận SWOT cho doanh nghiệp
7. Ví dụ về ma trận GE của một số thương hiệu nổi tiếng
7.1 Unilever
Unilever là một tập đoàn đa quốc gia sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng trong các lĩnh vực như thực phẩm, chăm sóc cá nhân và chăm sóc gia đình. Một số thương hiệu của Unilever có thể được phân tích bằng ma trận GE như sau:
Sản phẩm/Đơn vị kinh doanh | Sức hấp dẫn của thị trường | Vị thế cạnh tranh | Vị trí trong ma trận | Chiến lược |
Dove (Chăm sóc cá nhân) | Cao | Mạnh | Đầu tư và Tăng trưởng | Tăng cường đầu tư để phát triển |
Knorr (Thực phẩm, gia vị) | Trung bình | Trung bình | Duy trì và Chọn lọc | Đầu tư chọn lọc để duy trì thị phần |
Rexona (Khử mùi) | Trung bình | Yếu | Thu hoạch hoặc Thoái vốn | Giảm đầu tư hoặc thoái vốn |
Phân tích chi tiết
- Với sản phẩm Dove: Dove là thương hiệu mạnh của Unilever với sức hấp dẫn thị trường cao nhờ nhu cầu chăm sóc cá nhân ngày càng tăng và sự nhận diện thương hiệu tốt. Điều này khiến Dove xứng đáng được Unilever đầu tư và phát triển mạnh, tập trung vào các chiến lược tiếp thị và mở rộng sản phẩm.
- Với Knorr: Knorr có vị thế cạnh tranh và sức hấp dẫn thị trường ở mức trung bình, điều này đồng nghĩa với việc thương hiệu có thị phần nhưng đối mặt với sự cạnh tranh lớn. Do đó, Unilever nên chọn lọc đầu tư cho Knorr, duy trì ở các thị trường ổn định và tập trung vào phân khúc cao cấp hơn để tối ưu hóa lợi nhuận.
- Với Rexona: Sức hấp dẫn thị trường trung bình và vị thế cạnh tranh yếu của Rexona khiến đây trở thành một sản phẩm có thể cân nhắc giảm đầu tư hoặc thoái vốn. Bằng cách này, Unilever có thể tái phân bổ nguồn lực cho các thương hiệu mạnh hơn, như Dove hoặc Knorr.
7.2 Samsung
Samsung có nhiều dòng sản phẩm từ thiết bị điện tử tiêu dùng cho đến điện thoại thông minh và thiết bị gia dụng. Ma trận GE của Samsung có thể gồm các dòng sản phẩm như:
Sản phẩm/Đơn vị kinh doanh | Sức hấp dẫn của thị trường | Vị thế cạnh tranh | Vị trí trong ma trận | Chiến lược |
Galaxy (Điện thoại thông minh) | Cao | Mạnh | Đầu tư và Tăng trưởng | Tiếp tục đầu tư mạnh để duy trì vị thế |
Thiết bị gia dụng | Trung bình | Trung bình | Duy trì và Chọn lọc | Tập trung vào phân khúc cao cấp |
Máy tính bảng | Thấp | Yếu | Thu hoạch hoặc Thoái vốn | Giảm đầu tư, duy trì mức thấp |
Phân tích chi tiết
- Samsung Galaxy: Điện thoại Galaxy nằm ở vị trí có sức hấp dẫn và vị thế cạnh tranh cao, do đây là dòng sản phẩm chủ lực và rất thành công của Samsung. Thương hiệu này không chỉ phổ biến toàn cầu mà còn có sức cạnh tranh mạnh với các dòng flagship khác. Samsung sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào Galaxy để duy trì vị thế dẫn đầu thị trường, tập trung vào cải tiến công nghệ và mở rộng dòng sản phẩm.
- Thiết bị gia dụng: Thiết bị gia dụng của Samsung có sức hấp dẫn và vị thế cạnh tranh ở mức trung bình. Với thị trường ổn định nhưng cạnh tranh lớn từ LG, Panasonic, Samsung có thể tập trung vào phân khúc cao cấp để tối ưu hóa lợi nhuận từ dòng sản phẩm này, đảm bảo rằng dòng sản phẩm này có khả năng mang lại lợi nhuận tốt nhất.
- Máy tính bảng: Máy tính bảng của Samsung có sức hấp dẫn thị trường thấp và vị thế cạnh tranh yếu, do nhu cầu giảm sút và sự cạnh tranh mạnh từ Apple. Samsung nên xem xét giảm đầu tư cho sản phẩm này và duy trì ở mức thấp nhằm tối ưu hóa tài nguyên cho các sản phẩm chiến lược hơn như điện thoại Galaxy.
8. Kết luận
Ma trận GE là một công cụ phân tích chiến lược hữu hiệu, giúp doanh nghiệp đánh giá vị thế cạnh tranh của các đơn vị kinh doanh và sức hấp dẫn của từng ngành. Bằng cách xác định rõ vị trí của từng đơn vị kinh doanh trên ma trận, doanh nghiệp có thể đưa ra các quyết định đầu tư, phân bổ nguồn lực và xây dựng chiến lược một cách hiệu quả và khoa học hơn.