Báo cáo kết quả kinh doanh là một trong bốn báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp, được quy định trong Thông tư số 200/2014/TT-BTC. Vậy, mẫu báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cần có những nội dung gì? Làm thế nào để lập, đọc, và phân tích các chỉ tiêu quan trọng trong báo cáo này? Mời doanh nghiệp cùng Base.vn khám phá chi tiết về báo cáo kết quả kinh doanh trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Toggle1. Báo cáo kết quả kinh doanh là gì?
Báo cáo kết quả kinh doanh là một phần quan trọng của Báo cáo tài chính, được bộ phận kế toán lập định kỳ với mục đích tổng hợp chi tiết về Doanh thu, Chi phí, và Lợi nhuận, phản ánh chính xác kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp.
Báo cáo kết quả kinh doanh tiếng Anh là Profit and Loss Statement (viết tắt là P&L) cho nên báo cáo này còn được gọi là Báo cáo Lãi Lỗ.
Ý nghĩa của Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh:
- Đánh giá hiệu quả kinh doanh: Báo cáo giúp ban quản trị hiểu rõ về sản lượng tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, hoặc dịch vụ của doanh nghiệp trong năm. Nó cho phép so sánh với số liệu cùng kỳ năm trước, từ đó xác định xu hướng tăng trưởng hoặc giảm sút doanh thu.
- Kiểm soát chi phí: Báo cáo cung cấp thông tin chi tiết về các chi phí như giá vốn hàng bán, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý. Ban quản trị có thể so sánh sự biến động của các chi phí này với sự thay đổi doanh thu để đánh giá hiệu quả quản lý chi phí.
- Phân tích nguồn lợi nhuận: Ngoài việc theo dõi kết quả kinh doanh từ hoạt động chính, báo cáo còn thể hiện rõ thu nhập và chi phí khác của doanh nghiệp. Điều này giúp xác định liệu Lợi nhuận sau thuế chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi hay từ các hoạt động khác. Một doanh nghiệp có lợi nhuận chủ yếu từ hoạt động chính thường có lợi thế trong việc xây dựng thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường, bởi họ tập trung vào các sản phẩm thế mạnh của mình.
Như vậy, Báo cáo kết quả kinh doanh không chỉ là một công cụ để quản lý tài chính mà còn còn là cơ sở để doanh nghiệp định hướng chiến lược và quyết định đầu tư.
2. Cấu trúc của một báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
Cấu trúc của một bản báo cáo kết quả kinh doanh bao gồm 5 cột chính được trình bày như sau:
CHỈ TIÊU(1) | MÃ SỐ(2) | THUYẾT MINH(3) | NĂM NAY(4) | NĂM TRƯỚC(5) |
– | – | – | – | – |
- Chỉ tiêu: Liệt kê các chỉ tiêu quan trọng cần được báo cáo.
- Mã số: Mã số tương ứng với từng chỉ tiêu.
- Thuyết minh báo cáo tài chính: Giải thích chi tiết nội dung của các chỉ tiêu báo cáo tương ứng.
- Năm nay: Tổng số liệu phát sinh trong kỳ báo cáo năm.
- Năm trước: Số liệu của năm trước, được dùng để so sánh và đánh giá hiệu quả so với cột 4.
3. Ý nghĩa các chỉ số trong báo cáo kết quả kinh doanh
Bản báo cáo kết quả kinh doanh cần phải được trình bày một cách khoa học và đồng thời đảm bảo đầy đủ nội dung, tuân theo đúng quy chuẩn kế toán. Nếu không, báo cáo sẽ không được công nhận là hợp lệ.
Theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC, Báo cáo kết quả kinh doanh bao gồm 20 chỉ tiêu, được chia thành hai nhóm chính: Doanh thu và Chi phí.
Lưu ý: hai chỉ tiêu cuối. bao gồm Lãi cơ bản trên cổ phiếu và Lãi suy giảm trên cổ phiếu, chỉ xuất hiện trong Báo cáo kết quả kinh doanh tổng hợp và không được trình bày trong các báo cáo kết quả kinh doanh khác.
3.1 Nhóm doanh thu
- (1) Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ: Tổng doanh thu từ các hoạt động kinh doanh và đầu tư. Đối với các đơn vị không có tư cách pháp nhân, cần loại bỏ các khoản phát sinh nội bộ. Doanh thu không bao gồm các loại thuế gián thu như thuế giá trị gia tăng.
- (2) Các khoản giảm trừ doanh thu: Bao gồm chiết khấu, giảm giá và hàng bị hoàn lại.
- (10) Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ: Doanh số sau khi trừ các khoản giảm trừ doanh thu, tương đương với (1)-(2).
- (11) Giá vốn bán hàng: Tổng giá vốn của sản phẩm và chi phí sản xuất hàng hóa, dịch vụ.
- (20) Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ: Chênh lệch giữa doanh thu thuần và giá vốn bán hàng, tương đương (10)-(11).
- (21) Doanh thu hoạt động tài chính: Tổng doanh thu từ các hoạt động tài chính.
3.2 Nhóm chi phí
- (22) Chi phí tài chính: Chi phí tài chính như bản quyền và các hoạt động liên doanh.
- (23) Chi phí lãi vay: Chi phí lãi vay được tính vào chi phí tài chính.
- (25) Chi phí bán hàng: Chi phí liên quan đến việc bán hàng hóa và dịch vụ.
- (26) Chi phí quản lý doanh nghiệp: Chi phí cần thiết cho hoạt động quản lý kinh doanh.
- (30) Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh: Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, tính bằng tổng lợi nhuận gộp và doanh thu tài chính trừ các chi phí tài chính, lãi vay, bán hàng và quản lý doanh nghiệp, tương đương ((20) + (21) – (22) – (25) – (26)).
- (31) Thu nhập khác: Các khoản thu nhập phát sinh trong kỳ kế toán.
- (32) Chi phí khác: Chi phí phát sinh trong kỳ kế toán.
- (40) Lợi nhuận khác: Chênh lệch giữa thu nhập khác và chi phí khác, tương đương (31)-(32).
- (50) Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế: Tổng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh và hoạt động khác, tương đương (30)-(40).
- (51) Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành: Chi phí thuế phát sinh trong kỳ kế toán.
- (52) Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại: Chi phí thuế hoãn phát sinh trong kỳ kế toán.
3.3 Nhóm lợi nhuận
- (60) Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp: Lợi nhuận sau thuế, tính bằng tổng lợi nhuận trước thuế (50) trừ chi phí thuế ((51)+(52)).
- (70) Lãi cơ bản trên cổ phiếu: Lãi cơ bản trên cổ phiếu, không tính các công cụ trong tương lai có thể ảnh hưởng đến giá trị cổ phiếu.
- (71) Lãi suy giảm trên cổ phiếu: Lãi suy giảm trên cổ phiếu, có tính đến các công cụ trong tương lai có thể ảnh hưởng đến giá trị cổ phiếu.
4. Hướng dẫn: Cách lập và trình bày Báo cáo kết quả kinh doanh (Kèm ví dụ)
Theo thông tư 200/2024/TT-BTC, Báo cáo kết quả kinh doanh được lập và trình bày như sau:
4.1. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (Mã 01)
Chỉ tiêu này phản ánh chính xác tình hình doanh thu từ hoạt động bán hàng, bất động sản đầu tư, sản phẩm, cung cấp dịch vụ và các loại doanh thu khác trong năm báo cáo của doanh nghiệp. Số liệu được ghi vào chỉ tiêu này là tổng số phát sinh bên Có của Tài khoản 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp.
Lưu ý: Khi lập báo cáo tổng hợp cho các đơn vị cấp dưới không có tư cách pháp nhân, cần loại trừ các khoản doanh thu từ giao dịch nội bộ.
Chỉ tiêu này không bao gồm các loại thuế gián thu như: thuế xuất khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (kể cả GTGT nộp trực tiếp), và các khoản phí gián thu khác.
4.2 Các khoản giảm trừ doanh thu (Mã 02)
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản được ghi nhận giảm trừ vào tổng doanh thu trong năm, bao gồm chiết khấu thương mại, hàng bán bị trả lại, và giảm giá hàng bán trong kỳ báo cáo.
Số liệu trong mục này là lũy kế số phát sinh bên Nợ của Tài khoản 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, đối ứng với bên Có của Tài khoản 521 – Các khoản giảm trừ doanh thu, trong kỳ báo cáo.
Lưu ý: Chỉ tiêu này không bao gồm các loại thuế gián thu và phí mà doanh nghiệp không được hưởng và phải nộp vào ngân sách Nhà nước. Những khoản này được kế toán ghi nhận là chi phí giảm doanh thu trong sổ kế toán Tài khoản 511, vì chúng chỉ là các khoản thu hộ Nhà nước và không được coi là khoản giảm trừ doanh thu trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp.
4.3 Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ (Mã số 10)
Chỉ tiêu này phản ánh doanh thu từ bán hàng hóa, bất động sản đầu tư, sản phẩm, dịch vụ và các loại doanh thu khác sau khi đã trừ các khoản giảm trừ như chiết khấu thương mại, hàng bán bị trả lại, và giảm giá hàng bán trong kỳ báo cáo. Đây là cơ sở để lập báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Lưu ý: Mã số 10 = Mã số 1 – Mã số 2
4.4 Giá vốn hàng bán (Mã số 11)
Chỉ tiêu này phản ánh tổng giá vốn của hàng hóa, bất động sản đầu tư, giá vốn của thành phẩm đã bán, và các chi phí khác được tính vào hoặc ghi giảm giá vốn hàng bán trong kỳ báo cáo.
Số liệu này là lũy kế số phát sinh bên Có của Tài khoản 632 trong kỳ báo cáo, đối ứng với bên Nợ của Tài khoản 911. Khi lập báo cáo tổng hợp cho các đơn vị cấp dưới hạch toán phụ thuộc, cần loại trừ các khoản giá vốn hàng bán phát sinh từ giao dịch nội bộ.
4.5 Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ (Mã số 20)
Chỉ tiêu này phản ánh khoản chênh lệch giữa doanh thu thuần từ bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ với giá vốn hàng bán phát sinh trong kỳ báo cáo. Nếu số liệu mục này âm thì doanh nghiệp cần ghi trong ngoặc đơn (…).
Lưu ý: Mã số 20 = Mã số 10 – Mã số 11
4.6 Doanh thu hoạt động tài chính (Mã số 21)
Chỉ tiêu này phản ánh doanh thu thuần từ hoạt động tài chính phát sinh trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp.
Số liệu ghi vào mục này là lũy kế số phát sinh bên Nợ của Tài khoản 515, đối ứng với bên Có của Tài khoản 911 trong kỳ báo cáo. Khi lập báo cáo tổng hợp cho các đơn vị cấp dưới hạch toán phụ thuộc, cần loại trừ các khoản doanh thu từ hoạt động tài chính phát sinh từ giao dịch nội bộ.
4.7 Chi phí tài chính (Mã số 22)
Chỉ tiêu này phản ánh tổng chi phí tài chính phát sinh trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp, bao gồm tiền lãi vay phải trả, chi phí liên quan đến việc cho thuê bản quyền, chi phí hoạt động liên doanh, và các chi phí tài chính khác.
Số liệu để ghi vào mục này là lũy kế số phát sinh bên Có của TK 635, đối ứng với bên Nợ của TK 911 trong kỳ báo cáo. Khi lập báo cáo tổng hợp cho các đơn vị cấp dưới hạch toán phụ thuộc, cần loại trừ các khoản chi phí tài chính do phát sinh từ giao dịch nội bộ.
4.8 Chi phí lãi vay (Mã số 23)
Chỉ tiêu này phản ánh chi phí lãi vay phải trả được tính vào chi phí tài chính trong kỳ báo cáo. Số liệu ghi vào mục này dựa trên số liệu chi tiết về chi phí lãi vay của TK 635 trong kỳ báo cáo.
4.9 Chi phí quản lý kinh doanh (Mã số 24)
Chỉ tiêu này phản ánh tổng tất cả các khoản chi phí của hoạt động quản lý kinh doanh phát sinh trong kỳ báo cáo. Số liệu được ghi vào mục này là tổng số phát sinh bên Có của TK 642, đối ứng với bên Nợ của TK 911 trong kỳ báo cáo.
4.10 Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (Mã số 30)
Chỉ tiêu này phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong kỳ báo cáo. được tính bằng cách lấy lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ cộng (+) với doanh thu hoạt động tài chính và trừ (-) chi phí tài chính và chi phí quản lý kinh doanh phát sinh trong kỳ báo cáo. Nếu số liệu âm, doanh nghiệp cần ghi trong ngoặc đơn (…).
Lưu ý: Mã số 30 = Mã số 20 + Mã số 21 – Mã số 22 – Mã số 24
4.11 Thu nhập khác (Mã số 31)
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản thu nhập khác phát sinh trong kỳ báo cáo. Số liệu ghi vào chỉ tiêu này dựa trên tổng số phát sinh bên Nợ của Tài khoản 711, sau khi đã trừ phần thu nhập từ thanh lý và nhượng bán tài sản cố định (TSCĐ), đối ứng với bên Có của Tài khoản 911 trong kỳ báo cáo.
Đối với giao dịch thanh lý và nhượng bán TSCĐ, số liệu ghi vào chỉ tiêu này là phần chênh lệch giữa khoản thu từ việc thanh lý hoặc nhượng bán cao hơn giá trị còn lại của TSCĐ và chi phí thanh lý.
Khi đơn vị cấp trên lập báo cáo tổng hợp với các đơn vị cấp dưới hạch toán phụ thuộc, cần loại trừ các khoản thu nhập khác phát sinh từ giao dịch nội bộ.
4.12 Chi phí khác (Mã số 32)
Chỉ tiêu này phản ánh tất cả các khoản chi phí khác phát sinh trong kỳ báo cáo. Số liệu ghi vào mục này dựa trên tổng số phát sinh bên Có của Tài khoản 811 “Chi phí khác”, sau khi đã trừ phần chi phí từ thanh lý và nhượng bán tài sản cố định (TSCĐ), đối ứng với bên Nợ của Tài khoản 911 trong kỳ báo cáo.
Đối với giao dịch thanh lý và nhượng bán TSCĐ, số liệu ghi vào chỉ tiêu này là phần chênh lệch giữa khoản thu từ việc thanh lý hoặc nhượng bán nhỏ hơn giá trị còn lại của TSCĐ và chi phí thanh lý. Khi các đơn vị lập báo cáo tổng hợp cho các đơn vị cấp dưới hạch toán phụ thuộc, cần loại trừ các khoản chi phí khác do phát sinh từ giao dịch nội bộ.
4.13 Lợi nhuận khác (Mã số 40)
Chỉ tiêu này phản ánh sự chênh lệch giữa thu nhập khác với các chi phí khác phát sinh trong kỳ báo cáo. Nếu số liệu này là âm thì doanh nghiệp ghi nhận trong ngoặc đơn (…).
Lưu ý: Mã số 40 = Mã số 31 – Mã số 32
4.14 Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế (Mã số 50)
Chỉ tiêu này phản ánh tổng lợi nhuận kế toán của doanh nghiệp trong năm báo cáo trước khi trừ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp từ cả hoạt động kinh doanh và các hoạt động khác phát sinh trong kỳ báo cáo.
Nếu doanh thu thuần nhỏ hơn giá vốn hàng bán, số liệu sẽ được ghi dưới dạng số âm trong ngoặc đơn (…). Nếu tổng lợi nhuận kế toán trước thuế là số âm, cũng cần ghi trong ngoặc đơn (…).
Lưu ý: Mã số 50 = Mã số 30 + Mã số 40
4.15 Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp (Mã số 51)
Chỉ tiêu này phản ánh chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh trong năm báo cáo. Số liệu ghi vào mục này dựa trên tổng số phát sinh bên Có TK 821, đối ứng với bên Nợ TK 911, hoặc được căn cứ vào số phát sinh bên Nợ TK 821, đối ứng với bên Có TK 911 trong kỳ báo cáo.
4.16 Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp (Mã số 60)
Chỉ tiêu này phản ánh tổng số lợi nhuận thuần (hoặc lỗ) từ các hoạt động của doanh nghiệp (sau khi trừ chi phí thuế TNDN) phát sinh trong năm báo cáo. Nếu số liệu này là âm thì doanh nghiệp cần ghi trong ngoặc đơn (…).
Lưu ý: Mã số 60 = Mã số 50 – (Mã số 51 + Mã số 52)
4.17 Lãi cơ bản trên cổ phiếu (Mã số 70)
Chỉ tiêu này phản ánh lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu của doanh nghiệp, không kể đến các công cụ tài chính phát hành trong tương lai có thể làm pha loãng giá trị cổ phiếu. Đối với các công ty cổ phần độc lập, chỉ tiêu này được trình bày trên Báo cáo tài chính riêng. Đối với công ty mẹ là công ty cổ phần, chỉ tiêu này chỉ xuất hiện trên Báo cáo tài chính hợp nhất và không được trình bày trong Báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ.
Trong trường hợp Quỹ khen thưởng và phúc lợi được trích từ lợi nhuận sau thuế, lãi cơ bản trên cổ phiếu được xác định theo công thức sau:
Lãi cơ bản trên cổ phiếu | = | Lợi nhuận hoặc lỗ phân bổ cho cổ đông sở hữu cổ phiếu phổ thông | _ | Số trích quỹ khen thưởng, phúc lợi |
____________________________________________________________ | ||||
Số lượng bình quân gia quyền của cổ phiếu phổ thông đang lưu hành trong kỳ |
Việc xác định lợi nhuận hoặc lỗ phân bổ cho cổ đông sở hữu cổ phiếu phổ thông, cùng với số lượng bình quân gia quyền của cổ phiếu phổ thông đang lưu hành trong kỳ, được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 21/2006/TT-BTC của Bộ Tài chính, cùng với các văn bản sửa đổi và bổ sung có liên quan.
4.18 Lãi suy giảm trên cổ phiếu (Mã số 71)
Chỉ tiêu này phản ánh lãi suy giảm trên mỗi cổ phiếu, tính đến ảnh hưởng của các công cụ tài chính trong tương lai có thể chuyển đổi thành cổ phiếu và làm pha loãng giá trị cổ phiếu hiện tại.
Chỉ tiêu này được trình bày trong Báo cáo tài chính của công ty cổ phần độc lập. Đối với công ty mẹ là công ty cổ phần, chỉ tiêu này chỉ xuất hiện trong Báo cáo tài chính hợp nhất và không có mặt trong Báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ.
Lãi suy giảm trên cổ phiếu được xác định theo công thức sau:
Lãi suy giảm trên cổ phiếu | = | Lợi nhuận hoặc lỗ phân bổ cho cổ đông sở hữu cổ phiếu phổ thông | _ | Số trích quỹ khen thưởng, phúc lợi |
____________________________________________________________ | ||||
Số lượng bình quân gia quyền của cổ phiếu phổ thông đang lưu hành trong kỳ | + | Số lượng cổ phiếu phổ thông dự kiến được phát hành thêm |
- Xác định lợi nhuận (hoặc lỗ) phân bổ cho cổ đông sở hữu cổ phiếu phổ thông để tính lãi suy giảm trên cổ phiếu:
Lợi nhuận hoặc lỗ phân bổ cho cổ phiếu phổ thông | = | Lợi nhuận hoặc lỗ sau thuế TNDN | – | Các khoảnđiều chỉnh giảm | + | Các khoản điều chỉnh tăng |
Khi doanh nghiệp trình bày lãi cơ bản trên cổ phiếu trong Báo cáo tài chính hợp nhất, lợi nhuận hoặc lỗ sau thuế TNDN trong kỳ là lợi nhuận hoặc lỗ sau thuế được tính trên cơ sở thông tin hợp nhất. Ngược lại, nếu doanh nghiệp trình bày trên Báo cáo tài chính riêng, lợi nhuận hoặc lỗ sau thuế TNDN trong kỳ là lợi nhuận hoặc lỗ sau thuế của riêng công ty.
a. Các khoản điều chỉnh giảm lợi nhuận (hoặc lỗ) sau thuế TNDN để tính lợi nhuận (hoặc lỗ) phân bổ cho cổ phiếu phổ thông khi xác định lãi suy giảm trên cổ phiếu:
Cổ tức của cổ phiếu ưu đãi bao gồm:
- Cổ tức của cổ phiếu ưu đãi không lũy kế được thông báo trong kỳ báo cáo.
- Cổ tức của cổ phiếu ưu đãi lũy kế phát sinh trong kỳ báo cáo.
Cổ tức của cổ phiếu ưu đãi được tính theo công thức sau:
Cổ tức củacổ phiếu ưu đãi | = | Tỷ lệ cổ tức củacổ phiếu ưu đãi | – | Mệnh giácổ phiếu ưu đãi |
b. Xác định các khoản điều chỉnh tăng lợi nhuận hoặc lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp:
Khoản chênh lệch lớn hơn giữa giá trị hợp lý của khoản thanh toán cho người sở hữu và giá trị ghi sổ của cổ phiếu ưu đãi khi công ty cổ phần mua lại cổ phiếu ưu đãi.
Các yếu tố làm tăng lợi nhuận sau thuế TNDN nếu chuyển đổi cổ phiếu phổ thông tiềm năng có tác động suy giảm thành cổ phiếu phổ thông, ví dụ: khi chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông, doanh nghiệp sẽ giảm chi phí lãi vay liên quan đến trái phiếu chuyển đổi, từ đó làm tăng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ.
- Số lượng cổ phiếu để tính lãi suy giảm trên cổ phiếu:
Số lượng cổ phiếu để tính lãi suy giảm bao gồm số bình quân gia quyền của cổ phiếu phổ thông đang lưu hành trong kỳ cộng (+) với số bình quân gia quyền của cổ phiếu phổ thông dự kiến sẽ phát hành thêm nếu tất cả các cổ phiếu phổ thông tiềm năng có tác động suy giảm được chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông.
a. Việc xác định số lượng bình quân gia quyền của cổ phiếu phổ thông đang lưu hành trong kỳ và số lượng cổ phiếu phổ thông sẽ được phát hành thêm trong kỳ thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 21/2006/TT-BTC của Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.
b. Xác định số lượng bình quân gia quyền của cổ phiếu phổ thông dự kiến được doanh nghiệp phát hành thêm trong kỳ:
Cổ phiếu phổ thông dự kiến phát hành thêm trong kỳ được xem là cổ phiếu phổ thông tiềm năng có thể làm giảm lãi trên cổ phiếu, bao gồm:
- Quyền chọn mua chứng quyền và các công cụ tương đương.
- Công cụ tài chính có thể chuyển đổi.
- Cổ phiếu phổ thông phát hành có kèm điều kiện.
- Hợp đồng thanh toán bằng hình thức cổ phiếu phổ thông hoặc tiền.
- Các quyền chọn đã mua.
- Quyền chọn bán đã phát hành.
4.19 Ví dụ về cách lập Báo cáo kết quả kinh doanh
Sau đây là một ví dụ đơn giản về cách lập báo cáo kết quả kinh doanh:
CÔNG TY ABC – BÁO CÁO KẾT QUẢ KINH DOANH
Kỳ báo cáo: Từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/12/2020
STT | CHỈ TIÊU | MÃ SỐ | SỐ TIỀN (VNĐ) |
1 | Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ | 01 | 5,000,000,000 |
2 | Các khoản giảm trừ doanh thu | 02 | (200,000,000) |
3 | Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ | 10 | 4,800,000,000 |
4 | Giá vốn hàng bán | 11 | (3,000,000,000) |
5 | Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ | 20 | 1,800,000,000 |
6 | Doanh thu hoạt động tài chính | 21 | 100,000,000 |
7 | Chi phí tài chính | 22 | (50,000,000) |
8 | Chi phí quản lý kinh doanh | 24 | (450,000,000) |
9 | Chi phí bán hàng | 25 | (200,000,000) |
10 | Chi phí quản lý doanh nghiệp | 26 | (250,000,000) |
11 | Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh | 30 | 1,400,000,000 |
12 | Thu nhập khác | 31 | 30,000,000 |
13 | Chi phí khác | 32 | (20,000,000) |
14 | Lợi nhuận khác | 40 | 10,000,000 |
15 | Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế | 50 | 1,410,000,000 |
16 | Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành | 51 | (300,000,000) |
17 | Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại | 52 | (50,000,000) |
18 | Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp | 60 | 1,060,000,000 |
19 | Lãi cơ bản trên cổ phiếu (*) | 70 | |
20 | Lãi suy giảm trên cổ phiếu (*) | 71 |
(*) Chỉ áp dụng đối với công ty Cổ phần
Trong đó:
- Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ = (1) – (2) = 4,800,000,000 VNĐ;
- Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ = (10) – (11) = 1,800,000,000 VNĐ;
- Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh = (20) + (21) – (22) – (24) = 1,400,000 VNĐ;
- Lợi nhuận khác = (31) – (32) = 10,000,000 VNĐ;
- Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế = (30) + (40) = 1,410,000,000 VNĐ;
- Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp = (50) – (51) = 1,060,000,000 VNĐ.
Đọc thêm: Phân tích báo cáo tài chính: Hướng dẫn cách làm và các lưu ý quan trọng
5. Hướng dẫn: Cách phân tích và nhận xét Báo cáo kết quả kinh doanh (Kèm ví dụ)
Sau đây là các bước cơ bản trong quá trình phân tích và nhận xét Báo cáo kết quả kinh doanh mà nhà quản trị doanh nghiệp cần nắm:
Bước 1: Đọc thông tin của các chỉ tiêu trong Báo cáo
Khi tiếp nhận Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh từ phòng kế toán, nhà quản trị cần chú trọng vào các chỉ tiêu quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Đầu tiên, xem chỉ tiêu Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp (Mã số 60): Kiểm tra chỉ tiêu này để xác định doanh nghiệp có lãi hay lỗ trong kỳ báo cáo và số tiền cụ thể là bao nhiêu.
Tiếp theo, kiểm tra chỉ tiêu Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành (Mã số 51): Xem xét chỉ tiêu này để biết số tiền thuế phải nộp trong kỳ báo cáo. Đây là thông tin quan trọng khi xem Báo cáo kết quả hoạt động cuối năm, giúp nhà quản trị hiểu rõ nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp theo quy định pháp luật. Chỉ tiêu này phản ánh chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tính trên thu nhập chịu thuế trong năm, theo thuế suất hiện hành.
Sau đó, đánh giá các chỉ tiêu doanh thu và chi phí: Nhà quản trị tiếp tục phân tích các chỉ tiêu về doanh thu và chi phí để đánh giá lợi nhuận từ từng hoạt động cụ thể. Chú trọng đến doanh thu, chi phí và lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính cũng như biên lợi nhuận của doanh nghiệp.
Lưu ý: Kiểm tra lại chỉ tiêu kỳ báo cáo để đảm bảo rằng nhà quản trị đang xem báo cáo của đúng kỳ mong muốn.
Bước 2: Đánh giá chi tiết các chỉ tiêu trong Báo cáo
Nhà quản trị cần đọc các chỉ tiêu và nắm được kết quả hoạt động kinh doanh được chia thành 3 phần, bao gồm: Kết quả từ hoạt động kinh doanh chính; Kết quả hoạt động tài chính; và Kết quả hoạt động khác.
Trong đó: Kết quả hoạt động kinh doanh được xác định theo công thức tính:
Kết quả hoạt động kinh doanh (lãi/lỗ) = Doanh thu – Chi phí
Ví dụ:
a. Xác định kết quả kinh doanh từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính:
STT | CHỈ TIÊU | MÃ SỐ | NĂM NAY(2020) | NĂM TRƯỚC(2019) |
1 | Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ | 01 | 1,200,000,000 | 1,000,000,000 |
2 | Các khoản giảm trừ doanh thu | 02 | 0 | 0 |
3 | Doanh thu thuần về BH và cung cấp dịch vụ (10 = 01 – 02) | 10 | 1,200,000,000 | 1,000,000,000 |
4 | Giá vốn hàng bán | 11 | 800,000,000 | 600,000,000 |
5 | Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ (20 = 10 – 11) | 20 | 400,000,000 | 400,000,000 |
6 | Chi phí bán hàng | 25 | 120,000,000 | 100,000,000 |
7 | Chi phí quản lý doanh nghiệp | 26 | 214,000,000 | 200,000,000 |
8 | Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chính [30a = 20 – (25 + 26)] | 30a | 66,000,000 | 100,000,000 |
Đánh giá sơ bộ: Kết quả hoạt động kinh doanh năm 2020 cho thấy doanh nghiệp đạt lợi nhuận 66,000,000 VNĐ, giảm 34% so với năm 2019 (lợi nhuận năm 2019 là 100,000,000 VNĐ).
Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân giảm sút này, nhà quản trị cần phân tích chi tiết cơ cấu, tỷ trọng, và sự biến động của các chỉ tiêu doanh thu và chi phí. Phân tích này sẽ giúp xác định các yếu tố khiến doanh thu tăng nhưng tỷ lệ tăng chi phí cao hơn, dẫn đến kết quả kinh doanh tổng thể giảm.
Đối với các doanh nghiệp đã thiết lập kế hoạch và định mức cho các chỉ tiêu doanh thu và chi phí, nên so sánh số liệu từ Báo cáo kết quả kinh doanh với các dự toán hoặc định mức đã xây dựng. Điều này sẽ giúp đánh giá hiệu quả công tác quản trị doanh thu và chi phí trong kỳ.
Lưu ý: Chỉ tiêu 30 – Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh – bao gồm cả lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính và hoạt động tài chính. Vì vậy, trong ví dụ này, chúng ta sẽ tách chỉ tiêu 30 thành hai chỉ tiêu cụ thể:
- Chỉ tiêu 30a: Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chính.
- Chỉ tiêu 30b: Lợi nhuận thuần từ hoạt động tài chính.
b. Đọc kết quả kinh doanh từ hoạt động tài chính:
STT | CHỈ TIÊU | MÃ SỐ | NĂM NAY(2020) | NĂM TRƯỚC(2019) |
1 | Doanh thu hoạt động tài chính | 21 | 4,000,000 | 5,000,000 |
2 | Chi phí tài chính | 22 | 30,000,000 | 50,000,000 |
3 | Lợi nhuận thuần từ hoạt động tài chính (30a = 21 -22) | 30b | -26,000,000 | -45,000,000 |
Đánh giá sơ bộ: Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh tài chính năm 2020 cho thấy doanh nghiệp ghi nhận lỗ 26,000,000 VNĐ, giảm 42% so với năm 2019 (lỗ của năm 2019 là 45,000,000 VNĐ). Sự cải thiện này chủ yếu nhờ vào việc giảm đáng kể chi phí tài chính, cụ thể là giảm 20,000,000 VNĐ trong năm nay.
Đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ, thường không phát sinh các hoạt động đầu tư lớn, doanh thu từ hoạt động tài chính chủ yếu bao gồm lãi từ các khoản tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi thanh toán, và tiền cho vay cá nhân hoặc tổ chức. Tương tự, chi phí hoạt động tài chính thường chỉ bao gồm các khoản lãi vay và lỗ tỷ giá.
c. Đọc kết quả kinh doanh từ hoạt động khác:
STT | CHỈ TIÊU | MÃ SỐ | NĂM NAY(2020) | NĂM TRƯỚC(2019) |
1 | Thu nhập khác | 31 | 0 | 200,000,000 |
2 | Chi phí khác | 32 | 0 | 185,000,000 |
3 | Lợi nhuận khác (10 = 31 – 32) | 40 | 0 | 15,000,000 |
Đánh giá sơ bộ: Hoạt động kinh doanh năm 2020 không phát sinh lợi nhuận khác, trong khi năm 2019 lãi 15,000,000 VNĐ.
d. Đọc kết quả tổng hoạt động kinh doanh doanh nghiệp
STT | CHỈ TIÊU | MÃ SỐ | NĂM NAY(2020) | NĂM TRƯỚC(2019) |
1 | Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chính | 30a | 66,000,000 | 100,000,000 |
2 | Lợi nhuận thuần từ hoạt động tài chính | 30b | -26,000,000 | -45,000,000 |
3 | Lợi nhuận thuần khác | 40 | 0 | 15,000,000 |
4 | Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế (50 = 30a + 30b + 40) | 50 | 40,000,000 | 70,000,000 |
Đánh giá tổng quát: Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2020 cho thấy doanh nghiệp ghi nhận lãi 40,000,000 VNĐ từ ba hoạt động chính, giảm 33% so với năm 2019 (lãi đạt 70,000,000 VNĐ).
Đối với các doanh nghiệp nhỏ, các số liệu về lợi nhuận thuần từ hoạt động tài chính và lợi nhuận thuần khác thường không đáng kể. Ngược lại, đối với các doanh nghiệp vừa và lớn, giá trị lợi nhuận thuần từ hoạt động tài chính và lợi nhuận thuần khác có thể chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng kết quả kinh doanh.
Trong trường hợp này, nhà quản trị cần phải phân tích tỷ trọng của từng thành phần cấu thành lợi nhuận, đồng thời thực hiện các phân tích sâu hơn để đánh giá hiệu quả của từng hoạt động. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính thường được coi là bền vững hơn và đáng tin cậy hơn.
Nếu tổng lợi nhuận trong năm của doanh nghiệp đạt hoặc vượt kế hoạch nhưng chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư tài chính hoặc các hoạt động khác, thay vì từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính, đây là vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng và giải đáp.
Bước 3: Phân tích chi tiết các chỉ tiêu và báo cáo kết quả kinh doanh
Sau khi đã xác định số liệu và có đánh giá sơ bộ về kết quả kinh doanh của từng hoạt động, nhà quản trị cần tiến hành phân tích sâu hơn bằng cách kết hợp báo cáo kết quả kinh doanh với bảng tổng hợp phân tích doanh thu, chi phí, và các báo cáo liên quan khác.
Lúc này, việc phân tích nên tập trung vào các yếu tố sau:
- Doanh thu: Đánh giá các nguồn doanh thu và sự biến động qua các kỳ.
- Chi phí: Phân tích từng loại chi phí hoạt động và tỷ trọng chi phí so với doanh thu.
- Hiệu quả hoạt động: So sánh kế hoạch với thực hiện để đánh giá hiệu quả.
- Biến động theo thời gian: So sánh số liệu giữa các năm hoặc kỳ để nhận diện xu hướng.
Nhà quản trị cần xem xét các chỉ tiêu hiệu quả để nắm bắt tình hình kinh doanh thực tế của doanh nghiệp. Từ đó, có thể đưa ra các quyết định quản trị kịp thời và chính xác nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động và đạt được mục tiêu kinh doanh.
6. Tải miễn phí: Mẫu báo cáo kết quả kinh doanh Excel
Hiện nay, Báo cáo tài chính của doanh nghiệp được lập theo quy định của hai Thông tư chính: Thông tư 200/2014/TT-BTC và Thông tư 133/2016/TT-BTC. Đồng thời, kèm theo đó là Phụ lục Báo cáo Kết quả Sản xuất Kinh doanh 03-1A/TNDN theo Thông tư 78/2014/TT-BTC. Cụ thể:
Mẫu Báo cáo Kết quả Kinh doanh theo Thông tư 133: Áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm cả doanh nghiệp siêu nhỏ. [TẢI MIỄN PHÍ]
Lưu ý, doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng Thông tư 200 sẽ không sử dụng mẫu này.
Mẫu Báo cáo Kết quả Kinh doanh theo Thông tư 200: Dành cho các doanh nghiệp lớn, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các lĩnh vực đặc thù. [TẢI MIỄN PHÍ]
Mẫu Phụ lục Báo cáo Kết quả Sản xuất Kinh doanh 03-1A/TNDN theo Thông tư 78: Mẫu phụ lục số 03-1A/TNDN được ban hành dành cho người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong các ngành sản xuất, thương mại, và dịch vụ. [TẢI MIỄN PHÍ]
7. Một số công cụ hỗ trợ lập/đọc/phân tích Báo cáo kết quả kinh doanh
Việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động lập, đọc và phân tích Báo cáo kết quả kinh doanh không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, hạn chế sai sót, mà còn cung cấp cho ban quản trị cơ sở dữ liệu cho mọi quyết định quan trọng. Sau đây là một số công cụ phổ biến trong hoạt động quản lý tài chính:
7.1 Excel
Excel là phần mềm quản lý, thống kê, báo cáo tài chính và kế toán được nhiều doanh nghiệp ưa chuộng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ bởi sự tiện lợi và miễn phí. Bằng việc sử dụng các hàm tính, kế toán viên có thể truy xuất và xử lý số liệu đầu vào một cách chi tiết và dễ hiểu.
Tuy nhiên, khi sử dụng Excel, kế toán viên cần phải mất nhiều thời gian để nhập liệu thủ công và nắm vững các hàm tính toán để hạn chế thấp nhất rủi ro nhầm lẫn.
7.2 Phần mềm kế toán
Bên cạnh Excel, phần mềm kế toán cũng là một công cụ quản lý tài chính và kế toán thông dụng với hầu hết các doanh nghiệp hiện nay. Nó cung cấp các công cụ tự động hóa quy trình lập Báo cáo Kết quả Kinh doanh, theo dõi doanh thu, chi phí, và lợi nhuận một cách chính xác và nhanh chóng, khắc phục hạn chế của Excel.
Tuy nhiên, phần mềm kế toán chủ yếu đáp ứng các nghiệp vụ kế toán và chưa thể đáp ứng nhu cầu quản trị tài chính toàn diện của ban lãnh đạo doanh nghiệp.
7.4 Phần mềm trực quan hóa dữ liệu
Các công cụ trực quan hóa dữ liệu như Tableau, Power BI, hoặc Google Data Studio cho phép người dùng diễn giải dữ liệu tài chính một cách dễ hiểu, phát hiện nhanh chóng các vấn đề và cơ hội, và ra quyết định dựa trên dữ liệu.
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của các công cụ trực quan hóa dữ liệu này là chúng không được thiết kế chuyên sâu cho mục đích quản lý tài chính, kế toán, và người dùng phải tự mình thiết lập hoàn toàn các bước từ xác lập mục tiêu, thu thập dữ liệu, làm sạch dữ liệu, và chọn phương tiện để trực quan hóa dữ liệu kinh doanh.
7.5 Bộ giải pháp quản trị tài chính Base Finance+
Base Finance+ là bộ giải pháp quản trị tài chính toàn diện theo thời gian thực, được thiết kế để khắc phục các hạn chế của những công cụ trên và nâng cao hiệu suất làm việc của nhân viên trong doanh nghiệp. Bộ giải pháp bao gồm 4 ứng dụng quản trị tài chính chuyên sâu:
- Base Finance: Cung cấp cho chủ doanh nghiệp và ban lãnh đạo cái nhìn toàn diện và khách quan về tình hình tài chính của doanh nghiệp, mọi lúc, mọi nơi.
- Base Income: Giúp doanh nghiệp quản lý doanh thu, tỷ suất lợi nhuận và dòng tiền, tối ưu hóa các khoản thu nhập.
- Base Expense: Hỗ trợ doanh nghiệp kiểm soát chi phí chặt chẽ, ngăn ngừa lãng phí và thất thoát ngân sách.
- Base BankFeeds: Quản lý đối soát ngân hàng, cập nhật và đối chiếu dữ liệu với số dư thực tế một cách nhanh chóng.
Base Finance+ không chỉ có khả năng tích hợp dữ liệu với phần mềm kế toán, mà còn giúp doanh nghiệp trực quan hóa dòng chảy tài chính, cung cấp báo cáo dữ liệu nhanh chóng, chính xác, hỗ trợ ban lãnh đạo đưa ra các quyết định tài chính mang tính chiến lược. Đồng thời, Base Finance+ tạo ra một môi trường số hóa cho phép tất cả nhân sự cùng nhau cải thiện “sức khỏe tài chính” của doanh nghiệp.
8. Kết luận
Khi phân tích báo cáo kết quả kinh doanh, doanh nghiệp cần tập trung vào lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính để đánh giá tính ổn định và bền vững. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần so sánh các chỉ số về tỷ suất lợi nhuận ròng trên doanh thu, tỷ trọng giá vốn trên doanh thu,… với các doanh nghiệp cùng ngành để đánh giá xem hiệu suất kinh doanh của mình có thực sự vượt trội hay không. Chúc doanh nghiệp áp dụng thành công các kiến thức liên quan đến Báo cáo kết quả kinh doanh từ Base.vn!