Chuyển đổi số logistics: Cơ hội, Thách thức và Giải pháp thiết thực

Chuyển đổi số Logistics

Cách đây vài năm, chuyển đổi số logistics chỉ được xem như “phao cứu sinh” giúp doanh nghiệp vượt qua cơn khủng hoảng do đại dịch, thì giờ đây, nó đã trở thành đòn bẩy chiến lược, là chìa khóa để nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy nền kinh tế số của quốc gia. Trong bài viết này, hãy cùng Base.vn tìm hiểu rõ hơn về bức tranh chuyển đổi số trong ngành logistics tại Việt Nam, bao gồm cơ hội, thách thức và các nhóm giải pháp thiết thực để thúc đẩy tiến trình này đi đến thành công!

1. Chuyển đổi số logistics là gì?

Chuyển đổi số logistics là quá trình triển khai, ứng dụng các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) hay chuỗi khối (blockchain) vào toàn bộ hoạt động thuộc chuỗi cung ứng, từ giai đoạn lập kế hoạch thu mua nguyên liệu thô, quản lý tồn kho, xử lý đơn hàng cho đến khâu phân phối sản phẩm cuối cùng và chăm sóc khách hàng. Mục tiêu chính của chuyển đổi số trong logistics là giúp các doanh nghiệp đảm bảo giao hàng đúng thời hạn, cải thiện dịch vụ khách hàng, cắt giảm chi phí và củng cố niềm tin với đối tác.

Ví dụ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển có thể ứng dụng hệ thống IoT để theo dõi vị trí và tình trạng hàng hóa theo thời gian thực, qua đó tối ưu hóa lộ trình giao hàng, giảm thiểu rủi ro và phản ứng nhanh chóng trước các sự cố phát sinh.

Chuyển đổi số logistics là gì

2. Vai trò của chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics

Chuyển đổi số trong logistics đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực, nhưng những lợi ích mà nó mang lại là hoàn toàn xứng đáng, không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả nhân viên và khách hàng. Dưới đây là một số giá trị thiết thực mà các doanh nghiệp có thể kỳ vọng:

– Nâng cao hiệu quả hoạt động: Các giải pháp tự động hóa, như hệ thống quản lý tồn kho tích hợp AI, có thể giúp loại bỏ những công việc thủ công lặp đi lặp lại, giảm thiểu ma sát và làm trơn tru quy trình làm việc. Nhờ đó, hiệu suất của toàn bộ chuỗi cung ứng sẽ tăng lên đáng kể.

– Cắt giảm chi phí vận hành: Chuyển đổi số có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí bằng một số cách như: Tự động hóa giúp giảm nhu cầu nhân lực cho các công việc đơn giản; Hệ thống định tuyến thông minh giúp tối ưu hóa hành trình giao hàng, từ đó tiết kiệm nhiên liệu và giảm phát thải carbon. Tất cả những điều này đều cho phép doanh nghiệp xử lý khối lượng công việc lớn mà không cần tăng thêm nguồn lực, từ quản lý kho bãi và hàng tồn kho đến vận chuyển và giao hàng chặng cuối.

– Cải thiện chất lượng phục vụ khách hàng: Khách hàng hiện nay luôn kỳ vọng về những dịch vụ giao hàng nhanh chóng và minh bạch. Các công cụ số như app giao hàng có thể giúp khách hàng chủ động theo dõi trạng thái đơn hàng của mình theo thời gian thực, chẳng hạn như biết được hàng đã xuất kho chưa? đã đến nơi nào? dự kiến khi nào nhận được hàng? Đồng thời, các trợ lý ảo hay chatbot AI có thể thay thế nhân viên trong việc giải đáp các thắc mắc thường gặp bất kể ngày đêm, từ đó tạo cảm giác yên tâm và tin tưởng nơi khách hàng.

– Tăng khả năng ra quyết định chính xác hơn: Với hệ thống dữ liệu được số hóa và phân tích chuyên sâu theo thời gian thực, nhà quản lý có thể dễ dàng đưa ra các quyết định kinh doanh sáng suốt và kịp thời hơn. Ví dụ, hệ thống quản lý kho tích hợp AI có thể dự báo chính xác thời điểm hàng sắp hết, từ đó lên kế hoạch sản xuất hoặc nhập hàng bổ sung hợp lý, tránh tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và đánh mất cơ hội kinh doanh.

Vai trò của chuyển đổi số trong Logistics

3. Công nghệ nào được ứng dụng trong chuyển đổi số logistics?

Trong quá trình chuyển đổi số chuỗi cung ứng và logistics, công nghệ chính là yếu tố chủ đạo giúp các doanh nghiệp tăng tốc vận hành và tối ưu chi phí. Dưới đây là một số nhóm công nghệ đang được ứng dụng phổ biến nhất:

3.1 Điện toán đám mây (Cloud Computing)

Các trung tâm dữ liệu tại chỗ và hạ tầng CNTT truyền thống thường cồng kềnh, khó mở rộng và hạn chế khả năng truy cập từ xa. Ngược lại, điện toán đám mây mang đến sự linh hoạt vượt trội, cho phép truy cập dữ liệu mọi lúc, mọi nơi, và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích hợp hay mở rộng theo nhu cầu sử dụng.

Chính vì vậy, cloud đang dần trở thành thành tố cốt lõi cho các sáng kiến chuyển đổi số. Chẳng hạn, hệ sinh thái hơn 60 ứng dụng quản trị doanh nghiệp của Base.vn đều được xây dựng trên nền tảng đám mây, cho phép người dùng truy cập hệ thống và làm việc từ bất kỳ nơi đâu, bất kỳ khi nào trên các thiết bị có kết nối internet.

3.2 Phân tích dự đoán (Predictive Analytics) và Dữ liệu lớn (Big Data)

Dự báo nhu cầu, điều phối hàng tồn kho hay tối ưu hóa vận tải chưa bao giờ là bài toán dễ dàng, nhất là khi dữ liệu phân tán hoặc không đủ sâu. May mắn là, công nghệ phân tích dự đoán, kết hợp với dữ liệu lớn, có thể giúp giải quyết vấn đề này bằng cách phân tích lượng lớn dữ liệu lịch sử để phát hiện xu hướng và hành vi tiêu dùng. Kết quả là doanh nghiệp có thể:

  • Dự báo chính xác nhu cầu thị trường.
  • Quản lý tồn kho chủ động, tránh thiếu hàng hoặc dư thừa.
  • Triển khai bảo trì dự đoán trong dây chuyền sản xuất để phát hiện sớm các lỗi tiềm ẩn trước khi gây ra gián đoạn hoạt động.

3.3 Internet vạn vật (IoT)

Một trong những thách thức lớn nhất trong logistics là thiếu khả năng giám sát tài sản và theo dõi lô hàng theo thời gian thực. Để giải quyết triệt để vấn đề này, doanh nghiệp có thể cân nhắc sử dụng các thiết bị kết nối internet (chẳng hạn như cảm biến thông minh). Cụ thể, với các cảm biến, thiết bị định vị GPS và thẻ RFID, doanh nghiệp có thể:

  • Theo dõi chính xác vị trí, tình trạng và nhiệt độ của hàng hóa trong suốt hành trình vận chuyển.
  • Phản ứng nhanh chóng trước những gì xảy ra trên tuyến đường vận chuyển dựa trên dữ liệu thực tế.
  • Cải thiện hiệu suất sử dụng phương tiện, container và kho bãi.

3.4 Trí tuệ nhân tạo (AI)

Với khả năng xử lý luồng dữ liệu khổng hồ, không ngừng học hỏi và cải thiện hiệu suất theo thời gian, các nhánh công nghệ AI, đặc biệt là học máy (machine learning), thường được ứng dụng trong việc dự báo nhu cầu hàng hóa, tối ưu hóa lộ trình vận chuyển, quản lý kho hàng và cải thiện trải nghiệm khách hàng.

Chẳng hạn, công nghệ AI có thể hỗ trợ doanh nghiệp lập kế hoạch vận chuyển tinh gọn hơn bằng cách phân tích các dữ liệu lịch sử, dữ liệu theo thời gian thực về tình trạng đường sá, thời tiết, giao thông, thời gian chờ/dừng bảo dưỡng, v.v…

3.5 Chuỗi khối (blockchain)

Blockchain hoạt động như một “sổ cái kỹ thuật số” phân tán, giúp ghi chép, lưu trữ và xác thực thông tin giao dịch một cách an toàn, trọn vẹn và không thể thay đổi. Trong logistics, công nghệ này mang lại nhiều giá trị hữu ích cho cả bên mua và bên bán:

  • Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, từ nơi sản xuất, nhà cung cấp đến toàn bộ quy trình vận hành.
  • Theo dõi hàng hóa theo thời gian thực, giúp quản lý hành trình từ nhà máy đến tay người tiêu dùng một cách rõ ràng và chính xác.
  • Đảm bảo tính xác thực của hàng hóa, giúp ngăn chặn gian lận, hàng giả, hàng nhái và bảo vệ uy tín thương hiệu.
  • Tự động hóa các giao dịch như thanh toán, xác minh giao nhận và xử lý chứng từ, mà không cần sự tham gia của tổ chức thứ ba.

3.6 Vận đơn hàng không điện tử (e-AWB)

Đây là bước tiến quan trọng trong việc số hóa chuỗi cung ứng quốc tế. Thay vì sử dụng các giấy tờ vận chuyển truyền thống, e-AWB giúp các bên giao dịch quản lý hợp đồng vận chuyển thông qua hệ thống điện tử. Nhờ đó, quy trình xử lý đơn hàng có thể được rút ngắn đáng kể. Hơn nữa, cả bên mua và bên bán có thể cùng theo dõi tình trạng đơn hàng theo thời gian thực và giảm tải chi phí liên quan đến in ấn và lưu trữ giấy tờ.

công nghệ trong chuyển đổi số logistics

4. Thực trạng chuyển đổi số logistics tại Việt Nam và trên thế giới

4.1 Trên thế giới

Từ năm 2020 đến nay, tình hình chuyển đổi số trong ngành logistics toàn cầu đã diễn ra cực kỳ sôi nổi, do được thúc đẩy bởi hàng loạt biến động lớn như đại dịch COVID-19, các cuộc xung đột vũ trang, bất ổn chính trị, các lệnh trừng phạt và hạn chế thương mại. Chính những biến động này đã buộc các doanh nghiệp logistics tăng tốc ứng dụng công nghệ để có thể thích nghi và duy trì tính liên tục trong chuỗi cung ứng.

Theo báo cáo của McKinsey, khoảng 70% doanh nghiệp logistics đã triển khai các sáng kiến chuyển đổi số và ghi nhận những lợi ích rõ rệt, từ tối ưu hóa quản lý tồn kho đến nâng cao năng lực vận hành kho bãi.

Đàng chú ý, chi tiêu cho chuyển đổi số trong ngành logistics toàn cầu được ước tính đạt 68,9 tỷ USD vào năm 2024, và dự kiến tăng lên 113,6 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 8,7% trong giai đoạn 2024–2030.

Hoa Kỳ hiện là quốc gia dẫn đầu, với mức chi tiêu cho chuyển đổi số logistics ước đạt 18 tỷ USD trong năm 2024. Trong khi đó, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, được kỳ vọng sẽ đạt quy mô thị trường 19,3 tỷ USD vào năm 2030, tăng trưởng với tốc độ CAGR 9,7% trong giai đoạn phân tích.

Một số thị trường nổi bật khác gồm: Nhật Bản và Canada, lần lượt tăng trưởng ở mức CAGR 7,4% và 8,2%; Đức, thị trường logistics trọng điểm tại châu Âu, dự kiến tăng trưởng với CAGR 7,6% trong cùng giai đoạn.

4.2 Tại Việt Nam

Xác định logistics là một trong những ngành trọng điểm của nền kinh tế số, ngày 14/02/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 200/QĐ-TTg, phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Mục tiêu đặt ra bao gồm: tỷ trọng logistics đạt 8–10% GDP, tốc độ tăng trưởng dịch vụ 15–20%, tỷ lệ thuê ngoài đạt 50–60%, và thứ hạng chỉ số năng lực logistics (LPI) quốc gia nằm trong top 50 toàn cầu.

Và gần đây nhất, vào ngày 24/01/2024 tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo “Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Dự thảo đặt mục tiêu nâng cao năng lực ngành logistics với các chỉ tiêu đáng chú ý: đóng góp 6–8% GDP, tỷ lệ thuê ngoài đạt 60–70%, chi phí logistics giảm xuống còn tương đương 16–18% GDP, và nâng thứ hạng chỉ số LPI lên trên vị trí 45 toàn cầu.

Theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), khoảng 50–60% doanh nghiệp logistics nội địa đã bắt đầu ứng dụng các công nghệ số khác nhau, tùy thuộc vào quy mô và đặc thù dịch vụ. Tiến trình chuyển đổi số của ngành logistics trong nước đang có những tín hiệu tích cực. Nhiều doanh nghiệp lớn đã tiên phong ứng dụng công nghệ hiện đại và thu được những kết quả khả quan. Chẳng hạn, Tân Cảng Sài Gòn triển khai hệ thống cảng điện tử (ePort), lệnh giao hàng điện tử (eDO) và trí tuệ nhân tạo (AI) trong chăm sóc khách hàng; Viettel Post sử dụng robot tự hành, hệ thống chia hàng quy mô lớn và công nghệ phân loại thông minh.

Tuy vậy, chuyển đổi số trong ngành logistics tại Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Tại Diễn đàn với chủ đề “Chuyển đổi số – Động lực mới thúc đẩy tăng trưởng vùng Đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng”, ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – đã dẫn lại kết quả Báo cáo Logistics 2023 và cho biết:

  • Có tới 90,5% doanh nghiệp logistics được khảo sát hiện vẫn chỉ đang ở giai đoạn số hóa ban đầu, chủ yếu dừng ở: Cấp độ 1 (Tin học hóa quy trình); và Cấp độ 2 (Kết nối dữ liệu cơ bản). Trong số đó, 73,5% doanh nghiệp đang ở Cấp độ 2.
  • Chỉ 5% tiến đến Cấp độ 3 (Trực quan hóa), 2,2% đạt Cấp độ 4 (Minh bạch hóa).
  • Đáng chú ý, chỉ 1,9% doanh nghiệp đạt Cấp độ 5 (Khả năng dự báo), và một con số rất khiêm tốn – chỉ 0,4% – đạt đến cấp độ 6 là cấp độ cao nhất (Thích ứng linh hoạt hoạt).

Ngoài ra, ông Công cũng nhấn mạnh rằng việc 90% doanh nghiệp logistics Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn “số hóa” cho thấy quá trình chuyển đổi số của ngành vẫn còn ở khởi điểm, chưa được chú trọng và đầu tư đúng mức.

Thực trạng chuyển đổi số logistics

5. Cơ hội dành cho chuyển đổi số logistics tại Việt Nam

Dựa trên thực tiễn phát triển hiện nay, có thể thấy một số cơ hội nổi bật đang mở ra cho quá trình chuyển đổi số của ngành logistics, bao gồm:

– Chính sách khuyến khích mạnh mẽ từ Chính phủ:

Chính phủ hiện đang quyết liệt thúc đẩy Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, với mục tiêu kép: vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số đủ năng lực vươn ra toàn cầu.

Cụ thể, đến năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu: Kinh tế số chiếm 20% GDP; Thuộc nhóm 50 quốc gia dẫn đầu về chỉ số phát triển CNTT (IDI), thuộc nhóm 50 quốc gia dẫn đầu về năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI), và 35 quốc gia hàng đầu về đổi mới sáng tạo (GII).

Chủ trương này tạo chính là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics nói chung và quá trình chuyển đổi số nói riêng. Bên cạnh đó, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, cùng các chính sách hỗ trợ, đang thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư lớn và doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, công nghệ và quản trị tham gia vào lĩnh vực logistics.

– Sự chuyển biến trong nhận thức:

Từ Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đến các doanh nghiệp trong ngành, nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Ngay từ tháng 5/2020, Ban Chấp hành VLA đã ban hành nghị quyết triển khai các dự án chuyển đổi số cụ thể. Một trong những trọng tâm là xây dựng nền tảng số kết nối toàn chuỗi logistics, bao gồm các thành phần như cảng biển, hãng vận tải, đại lý, công ty giao nhận, kho bãi,… Việc chia sẻ dữ liệu và kết nối thông suốt sẽ góp phần tăng hiệu suất sử dụng phương tiện, tối ưu hóa quy trình vận hành và nâng cao tính minh bạch trong chuỗi cung ứng.

– Cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế:

Trong quá trình phục hồi và phát triển ngành logistics hậu đại dịch COVID-19, việc Việt Nam tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo ra những cú hích quan trọng cho lĩnh vực này, đặc biệt là chuyển đổi số.

Đáng chú ý là Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 01/8/2020, mở ra nhiều cơ hội cho hoạt động xuất nhập khẩu, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp logistics nâng cấp năng lực công nghệ nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao từ thị trường quốc tế.

Cơ hội chuyển đổi số logistics tại việt nam

6. Thách thức đặt ra trong chuyển đổi số logistics tại Việt Nam

Bên cạnh những cơ hội đầy triển vọng, chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn:

– Chi phí đầu tư về công nghệ cao:

Theo VLA, chi phí chuyển đổi số có thể dao động từ 200 triệu đến hàng chục tỷ đồng, tùy quy mô và mức độ tự động hóa. Đây là một rào cản lớn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chiếm phần lớn trong ngành logistics Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp cho biết nếu áp dụng các phần mềm và mô hình tự động hóa tiên tiến từ nước ngoài thì chi phí đầu tư ban đầu rất cao. Trong khi đó, nếu tự phát triển giải pháp nội bộ thì quá trình lại kéo dài, đòi hỏi đội ngũ công nghệ thông tin chuyên sâu và phát sinh nhiều chi phí vận hành khác.

– Thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên môn:

Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến năm 2022, chỉ khoảng 5 đến 7% lực lượng lao động trong ngành logistics được đào tạo bài bản, và khả năng đáp ứng nhu cầu nhân sự chuyên ngành chỉ đạt khoảng 10%.

Không chỉ thiếu về số lượng, chất lượng nhân lực cũng là một bài toán nan giải. Việc thiếu hụt đội ngũ am hiểu cả chuyên môn logistics lẫn công nghệ là một trở ngại lớn, có thể làm chậm quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp.

– Hạn chế về năng lực cạnh tranh:

Mặc dù phần lớn doanh nghiệp logistics hoạt động tại Việt Nam là doanh nghiệp nội địa, nhưng so với các “ông lớn” quốc tế, năng lực cạnh tranh vẫn còn cách biệt. Nguyên nhân chính đến từ: tiềm lực tài chính còn yếu, hạ tầng công nghệ lạc hậu, thiếu nhân lực chất lượng cao, v.v…

Ngoài ra, các yếu tố như bộ máy quản trị cồng kềnh, kỹ năng lãnh đạo và vận hành chưa chuyên nghiệp cũng khiến nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận và khai thác tốt các giải pháp chuyển đổi số.

Đọc thêm: Chuyển đổi số ngành ngân hàng: Xu hướng trong thời đại số hoá

7. Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số logistics tại Việt Nam

Để tận dụng tốt các cơ hội hiện có và từng bước vượt qua những thách thức trong quá trình chuyển đổi số ngành logistics, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước và chính các doanh nghiệp trong ngành. Cụ thể:

7.1 Giải pháp từ phía cơ quan quản lý Nhà nước

– Triển khai chương trình hành động thúc đẩy ứng dụng công nghệ số: Tập trung đầu tư vào hạ tầng số, đáp ứng nhu cầu kết nối và xử lý dữ liệu ngày càng lớn trong ngành logistics. Đồng thời, khuyến khích sự hợp tác giữa các tập đoàn công nghệ thông tin nhằm xây dựng, chuyển giao phần mềm logistics cho doanh nghiệp trong nước với chi phí hợp lý, giúp mở rộng cơ hội tiếp cận công nghệ một cách công bằng và toàn diện.

– Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý và đào tạo: Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các mô hình quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, đồng thời thúc đẩy việc nghiên cứu, tích hợp các công nghệ mới trong quản lý vận hành và đào tạo nhân lực logistics.

– Ban hành các chính sách hỗ trợ tài chính và đầu tư: Đề xuất các chính sách ưu đãi về thuế, thuê đất và lãi suất vay để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống kho bãi, phân loại hàng hóa và các giải pháp tự động hóa khác.

– Hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động logistics số: Tập trung cập nhật, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến dịch vụ logistics, đặc biệt trong bối cảnh vận tải đa phương thức, thương mại điện tử và an toàn dữ liệu ngày càng được quan tâm.

– Tăng cường liên kết và hợp tác đa ngành: Thúc đẩy sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, hiệp hội chuyên ngành, tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp để tạo ra một hệ sinh thái chuyển đổi số đồng bộ cho ngành logistics.

7.2 Giải pháp từ phía doanh nghiệp trong ngành logistics

– Đổi mới tư duy và tầm nhìn chiến lược: Doanh nghiệp cần nhận thức rõ rằng chuyển đổi số không còn là nhu cầu mà đã trở thành yếu tố sống còn nếu muốn duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc thay đổi tư duy phải bắt đầu từ lãnh đạo cấp cao và lan tỏa xuống toàn bộ nhân viên, hình thành văn hóa số nhất quán trong tổ chức.

– Xây dựng lộ trình rõ ràng và phù hợp: Chuyển đổi số nên được triển khai theo từng giai đoạn với kế hoạch bài bản và phù hợp với đặc thù hoạt động của doanh nghiệp, từ số hóa dữ liệu, số hóa quy trình, đến tái cấu trúc mô hình kinh doanh trên nền tảng số. Ở mỗi bước, doanh nghiệp cần xác định rõ mục tiêu, lựa chọn công cụ tối ưu, hợp tác với nhà cung cấp công nghệ uy tín và đảm bảo hệ thống công nghệ có thể liên kết, tiêu chuẩn hóa và dễ dàng truy xuất dữ liệu.

– Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Doanh nghiệp cần có kế hoạch cụ thể trong tuyển dụng, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Có thể thông qua hợp tác với các cơ sở đào tạo chuyên ngành logistics để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, hay thậm chí là đặt hàng đào tạo theo nhu cầu thực tế.

– Đảm bảo triển khai đồng bộ và linh hoạt: Chuyển đổi số cần được thực hiện một cách tổng thể, kết nối tất cả các mắt xích trong chuỗi cung ứng như cảng, hãng vận tải, đại lý, công ty giao nhận, kho bãi,… để tăng khả năng chia sẻ dữ liệu và nâng cao hiệu suất toàn chuỗi. Đồng thời, cần ưu tiên lựa chọn các phần mềm quản lý có thể dễ dàng tích hợp và mở rộng nhằm đáp ứng sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

Base-Flatform

8. Base.vn – Giải pháp chuyển đổi số tối ưu dành cho doanh nghiệp logistics

Với hệ sinh thái 60+ ứng dụng số thông minh cùng kinh nghiệm triển khai thực tiễn phong phú, Base.vn hiện là đối tác tin cậy đồng hành cùng 10.000+ doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi số, bao gồm các lĩnh vực sản xuất, xây dựng, giáo dục và đặc biệt là chuỗi cung ứng, logistics.

Các ứng dụng của Base.vn không chỉ giúp doanh nghiệp giải quyết chuyên sâu từng bài toán vận hành và quản trị nội bộ (như quản lý nhân sự, điều phối dự án, phê duyệt đề xuất…) mà còn được thiết kế với khả năng tích hợp linh hoạt, mở rộng không giới hạn, tùy biến theo từng đặc thù kinh doanh. Mọi dữ liệu, hồ sơ và văn bản đều được số hóa, tập trung trên nền tảng Base.vn, giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định kịp thời, tăng tốc độ và chất lượng xử lý công việc, tiết kiệm thời gian và chi phí vận hành.

“Chỉ trong 3 tháng, đơn vị đã áp dụng nền tảng Base lên toàn bộ hơn 200 bưu cục từ Nam ra Bắc. Nhờ áp dụng Base Wework (Ứng dụng quản lý công việc) vào quản lý một hệ thống nhân sự hàng nghìn người, ban lãnh đạo có thể phân vùng, khu vực, phòng ban để giao việc đúng bộ phận, đúng người. Công tác phê duyệt, kiểm soát nguyên vật liệu cho hoạt động tài chính, kế toán, kiểm tra, xử lý hợp đồng,… cũng diễn ra nhanh gọn hơn do loại bỏ được khoảng “thời gian chết” với Base Request (Ứng dụng quản lý và phê duyệt đề xuất)” – ông Nguyễn Mạnh Hải, Giám đốc Tài chính của 247Express, chia sẻ.

9. Tạm kết

Chuyển đổi số logistics không chỉ là xu hướng tất yếu của thời đại 4.0, mà còn là một trong những trụ cột then chốt góp phần hiện thực hóa chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Dù con đường phía trước còn nhiều thách thức, nhưng với sự đồng hành của các cơ quan quản lý, sự chủ động thích ứng của doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ các nhà cung cấp công nghệ uy tín, ngành logistics Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra những bước tiến lớn, khẳng định vị trí trên bản đồ chuỗi cung ứng toàn cầu.

Base Blog tin rằng, mỗi bước tiến công nghệ hôm nay sẽ là bước đệm vững chắc cho sự phát triển của ngày mai. Chúc các doanh nghiệp sớm xác định lộ trình phù hợp, chuyển đổi số hiệu quả và bứt phá thành công trong kỷ nguyên số!

Đừng quên chia sẻ bài viết hữu ích này nhé!

Nhận tư vấn miễn phí

Nhận tư vấn miễn phí từ các Chuyên gia Chuyển đổi số của chúng tôi

"Bật mí" cách để bạn tăng tốc độ vận hành, tạo đà tăng trưởng cho doanh nghiệp của mình với nền tảng quản trị toàn diện Base.vn

  • Trải nghiệm demo các ứng dụng chuyên sâu được "đo ni đóng giày" phù hợp nhất với bạn.
  • Hỗ trợ giải quyết các bài toán quản trị cho doanh nghiệp ở mọi quy mô & từng lĩnh vực cụ thể.
  • Giải đáp các câu hỏi, làm rõ thắc mắc của bạn về triển khai, go-live, sử dụng và support

Đăng ký Demo

This will close in 2000 seconds

Zalo phone