
Công nghệ 4.0, đôi khi còn gọi là Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, kết hợp sản xuất và vận hành thực tế với công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn để tạo nên một hệ sinh thái kết nối thông minh và tự động. Vậy chính xác hơn, Cách mạng Công nghệ 4.0 là gì? Nó ảnh hưởng như thế nào đến cách doanh nghiệp hoạt động và vận hành? Hãy cùng Base Blog tìm hiểu chi tiết trong nội dung sau đây.
Mục lục
Toggle1. Công nghệ 4.0 là gì?
Công nghệ 4.0, hay Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, là bước tiến vượt bậc của nhân loại trong việc ứng dụng công nghệ số thông minh vào mọi lĩnh vực của đời sống. Cuộc cách mạng này không chỉ thay thế các phương thức truyền thống mà còn tối ưu hóa năng suất, nâng cao hiệu quả vận hành và thúc đẩy khả năng ra quyết định thông minh trong sản xuất, thương mại, y tế, giáo dục và nhiều ngành nghề khác.
Trọng tâm của Công nghệ 4.0 là sự kết hợp giữa tự động hóa, kết nối thông minh và phân tích dữ liệu để tạo ra hệ thống sản xuất và dịch vụ linh hoạt và hiện đại hơn. Những nhánh công nghệ cốt lõi định hình Công nghiệp 4.0 bao gồm: Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI) & Học máy (ML), Dữ liệu lớn (Big Data), Robot & Tự động hóa (Robotics & Automation) và Chuỗi khối (Blockchain).

2. Quá trình phát triển từ Cách mạng Công nghiệp 1.0 đến 4.0
Kể từ những năm 1800 và đến hiện tại, nhân loại đã trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp, bao gồm: 1.0 (động cơ hơi nước và cơ khí hóa), 2.0 (điện khí hóa), 3.0 (công nghệ máy tính) và 4.0 (công nghệ kỹ thuật số và tự động hóa). Chúng được gọi là “cuộc cách mạng” vì không chỉ cải thiện một chút năng suất – mà còn cách mạng hóa hoàn toàn các phương thức sản xuất hàng hóa, tạo ra những mô hình kinh doanh mới và góp phần tái định hình thị trường toàn cầu.
– Cuộc Cách mạng Công nghiệp 1.0: Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất diễn ra từ cuối thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 18. Giai đoạn này chứng kiến sự chuyển đổi từ phương thức sản xuất dựa vào sức lao động thủ công của con người và động vật sang mô hình lao động tối ưu hơn, được hỗ trợ bởi động cơ hơi nước và công cụ cơ giới dưới sự điều khiển của con người.
– Cuộc Cách mạng Công nghiệp 2.0: Vào những năm đầu thế kỷ 20, nhân loại bước vào Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ hai với sự xuất hiện của vật liệu thép và mạng lưới điện trong các nhà máy. Nhờ hệ thống điện, các nhà máy và công xưởng có thể vận hành máy móc linh hoạt hơn, giúp gia tăng năng suất và sản lượng đáng kể. Đây cũng là thời kỳ các mô hình sản xuất hàng loạt, đặc biệt là dây chuyền lắp ráp, dần trở nên phổ biến.
– Cuộc Cách mạng Công nghiệp 3.0: Từ cuối những năm 1950, Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ ba bắt đầu hình thành, khi các nhà sản xuất không chỉ sử dụng điện mà còn tích hợp công nghệ máy tính vào mô hình vận hành của họ. Sự kết hợp này đã tạo ra bước chuyển đổi lớn trong dây chuyền sản xuất, giảm dần sự phụ thuộc vào công nghệ analog và máy móc cơ khí, thay vào đó tập trung nhiều hơn vào kỹ thuật số và phần mềm tự động hóa.
– Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0: Thời đại Công nghệ 4.0 không xuất hiện ngẫu nhiên mà là sự kế thừa và phát triển từ ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đó. Công nghệ 4.0 lần đầu tiên được nhắc đến vào năm 2011 tại Hội chợ Công nghiệp Thế giới ở Hannover, Đức. Kể từ đó, nó đã trở thành tâm điểm trong các lĩnh vực kỹ thuật, kinh tế và chính trị, đánh dấu bước tiến quan trọng trong cách con người làm việc và sinh sống.

Đặc trưng của Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư là sự gia tăng hệ thống sản xuất tự động hóa và việc sử dụng máy móc thông minh hơn, khả năng phân tích dữ liệu và dự đoán xu hướng, giúp việc lập kế hoạch và ra quyết định đáng tin cậy hơn. Tuy nhiên, thời đại này cũng đặt ra những thách thức lớn về khả năng thích ứng với sự đổi mới, bảo mật thông tin và đạo đức trong việc ứng dụng công nghệ.
Đọc thêm: Chuyển đổi số là gì? “Sổ tay” chuyển đổi số cho doanh nghiệp
3. Cách mạng Công nghệ 4.0 gồm những gì?
Công nghệ 4.0 được xây dựng trên những trụ cột công nghệ có khả năng kết nối thế giới vật lý với kỹ thuật số để tạo ra các hệ thống thông minh và tự động. Dưới đây là một số trụ cột công nghệ cốt lõi định hình công nghệ 4.0:
3.1 Internet vạn vật (IoT)
Công nghệ IoT đề cập đến khả năng kết nối thiết bị vật lý với internet để thu thập, phân tích và chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực, từ đó tạo ra một hành động phù hợp mà không cần sự can thiệp của con người.
Công nghệ này được ứng dụng rộng rãi trong quản lý vận hành công nghiệp, phương tiện giao thông, thiết bị gia dụng và hệ thống nhà thông minh. Chẳng hạn như, trong sản xuất, cảm biến IoT được gắn trên dây chuyền giúp giám sát nhiệt độ, độ ẩm, hiệu suất máy móc theo thời gian thực, từ đó doanh nghiệp có thể kịp thời bảo trì hoặc sửa chữa khi cần thiết.
3.2 Trí tuệ nhân tạo (AI) & Học máy (ML)
Trí tuệ nhân tạo (AI) là một lĩnh vực của khoa học máy tính, giúp máy móc có thể học tập (tìm kiếm, thu thập, áp dụng quy tắc), lập luận (phân tích, dự đoán chính xác) và tự sửa lỗi tương tự cách làm của con người.
Học máy (ML) là một nhánh của AI, trong đó máy móc được huấn luyện bằng dữ liệu, giúp chúng nhận biết mẫu, quy luật, từ đó phân tích dữ liệu lớn, dự đoán hành vi và tự động hóa quyết định. Ví dụ, trong thương mại điện tử, AI và ML giúp cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm bằng cách đề xuất sản phẩm dựa trên hành vi và nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, AI và ML cũng được ứng dụng rộng rãi trong y tế, xây dựng, tài chính và nhiều lĩnh vực khác.

3.3 Dữ liệu lớn (Big Data)
Big Data cho phép chúng ta thu thập và khai thác một lượng dữ liệu khổng lồ theo thời gian thực. Chẳng hạn, trong lĩnh vực marketing, doanh nghiệp có thể thu thập một lượng lớn dữ liệu bao gồm thông tin cá nhân của từng khách hàng. Dựa trên nguồn dữ liệu quý báu này, doanh nghiệp có thể xác định các xu hướng, nhu cầu và mong muốn của khách hàng, từ đó tạo ra những chiến lược tiếp thị chất lượng trong từng giai đoạn.
3.3 Blockchain
Blockchain là công nghệ ghi chép số hoá, phân tán và bảo mật, giúp chúng ta ghi lại các giao dịch mà không cần đến một cơ quan trung gian. Trong tài chính, Blockchain được ứng dụng để thực hiện giao dịch tiền điện tử như Bitcoin. Trong chuỗi cung ứng, công nghệ này giúp theo dõi nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa và cải thiện quản lý logistics. Ngoài ra, hợp đồng thông minh (smart contract) tích hợp Blockchain có thể tự động thực thi các thỏa thuận mà không cần bên trung gian.

3.4 Công nghệ in 3D
Máy in 3D có thể tạo ra sản phẩm vật lý từ mô hình số hóa bằng cách xếp chồng từng lớp nguyên liệu như nhựa, kim loại, nhựa dẻo, thậm chí là tế bào sống trong lĩnh vực y học.
Điểm độc đáo của công nghệ này là khả năng sản xuất các sản phẩm tùy chỉnh và có thiết kế phức tạp mà không cần quy trình sản xuất hàng loạt truyền thống. Trước đây, việc tạo một sản phẩm mới thường yêu cầu làm khuôn mẫu—vốn tốn kém và mất nhiều thời gian. Trong khi đó, với in 3D, doanh nghiệp có thể nhanh chóng hiện thực hóa ý tưởng chỉ với một mô hình số hóa,
3.5 Tự động hóa quy trình robotic (RPA)
RPA là công nghệ phần mềm mô phỏng hành động của con người, giúp tự động hóa các tác vụ lặp đi lặp lại, nâng cao hiệu suất công việc. Hiểu một cách đơn giản, con người sẽ “dạy” robot ảo thực hiện các quy trình công việc đa bước trên nhiều ứng dụng, như xử lý form, gửi xác nhận, nhập liệu và sắp xếp dữ liệu.
3.6 Điện toán đám mây (Cloud Computing)
Điện toán đám mây là trụ cột không thể thiếu của Công nghệ 4.0, cung cấp nền tảng phát triển phần mềm, máy chủ, lưu trữ và dịch vụ qua internet. Công nghệ này hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất thông minh, giúp kết nối kỹ thuật, chuỗi cung ứng, sản xuất, bán hàng và dịch vụ trên cùng một nền tảng.
Đọc thêm: Ví dụ về chuyển đổi số – Cách các công ty hàng đầu thay đổi cuộc chơi
Trong kỷ nguyên 4.0, để khai thác tối đa sức mạnh của công nghệ, doanh nghiệp không chỉ cần ứng dụng một công nghệ riêng lẻ mà phải kết hợp chúng với nhau. Nền tảng quản trị doanh nghiệp toàn diện chính là điểm khởi đầu, giúp doanh nghiệp tối ưu vận hành và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Được tin dùng bởi 10.000+ doanh nghiệp, Base.vn hiện đang là một trong những công ty công nghệ đi đầu trong lĩnh vực xây dựng nền tảng quản trị 4.0 dưới dạng Software-as-a-Service (Saas) tại Việt Nam. Với hệ sinh thái hơn 60 ứng dụng thông minh, Base cung cấp cho doanh nghiệp các giải pháp quản lý: Công việc, Thông tin, Nhân sự, Tài chính và Quan hệ khách hàng, phù hợp với đa ngành như ngân hàng, xây dựng, giáo dục, sản xuất, thương mại, y tế, F&B,… Cụ thể, Base đem lại cho doanh nghiệp các giá trị nổi bật:
- Base Work+ – Quản trị hiệu suất công việc, quy trình và dự án toàn diện theo mô hình 3 chiều: giao nhiệm vụ (từ trên xuống dưới), báo cáo công việc (từ dưới lên trên), cộng tác và phối hợp liên phòng ban (theo chiều ngang).
- Base HRM+ – Quản trị và phát triển nhân sự toàn diện, giúp doanh nghiệp theo dõi và quản lý xuyên suốt vòng đời của nhân viên, từ tuyển dụng, hội nhập, chấm công, tính lương, khen thưởng, đến đánh giá và đào tạo nghiệp vụ, góp phần tạo dựng một môi trường làm việc tích cực và hiện đại.
- Base Finance+ – Quản trị tài chính đa chiều dữ liệu (doanh thu, chi phí, đối soát ngân hàng…), hỗ trợ ban lãnh đạo đưa ra quyết định chiến lược, đáp ứng nhu cầu lập báo cáo của kế toán và hỗ trợ việc theo dõi trạng thái giao dịch theo thời gian thực.
- Base Info+ – Quản trị chính sách, công văn, tài liệu,… và các luồng giao tiếp trong tổ chức, giúp doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ thông tin nội bộ, minh bạch hóa các thông báo quan trọng.
- Base CRM – Quản trị khách hàng và vận hành kinh doanh toàn diện, giúp doanh nghiệp quản lý Sản phẩm, Bán hàng, Marketing và Dịch vụ khách hàng trên cùng một nền tảng, thúc đẩy vận hành trơn tru, thấu hiểu khách hàng tốt hơn và tăng tỷ lệ chiến thắng thương vụ.
Hơn thế nữa, các ứng dụng của Base.vn được xây dựng với khả năng mở rộng vô hạn, tích hợp linh hoạt, sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp trên con đường tiếp cận các sản phẩm công nghệ tiên tiến trên thế giới và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
4. Cơ hội và thách thức khi áp dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động kinh doanh
4.1 Công nghệ 4.0 đem lại cơ hội gì cho doanh nghiệp?
– Tăng cường khả năng cạnh tranh: Ứng dụng công nghệ mới sẽ giúp thúc đẩy năng suất, tốn ít nhân công, tối ưu chất lượng sản phẩm, đồng thời thu thập và phân tích dữ liệu chi tiết và đáng tin cậy hơn. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể tích cực cải thiện doanh thu và lợi nhuận, tạo ra lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ.
– Đảm bảo độ chính xác và an toàn lao động: Robot có thể hoạt động liên tục 24/7 với độ chính xác tuyệt đối theo lập trình. Ví dụ, nếu sản phẩm yêu cầu độ dài 10cm, máy móc sẽ cắt chính xác 10cm, không dư thừa hay sai lệch. Ngoài ra, robot có thể thay thế con người trong các công việc nặng nhọc, nguy hiểm, giúp giảm thiểu tai nạn lao động và bảo vệ sức khỏe nhân viên.
– Tạo ra sản phẩm hoặc mô hình kinh doanh mới: Mỗi cuộc cách mạng công nghệ đều mở ra cơ hội cho sự đổi mới sản phẩm, cải tiến dịch vụ và phát triển các mô hình kinh doanh đột phá. Một ví dụ điển hình là sự ra đời của các ứng dụng đặt xe như Grab. Tận dụng Big Data, AI và Cloud Computing, Grab kết nối tài xế – khách hàng nhanh chóng và tính giá cước linh hoạt dựa theo quãng đường. Mô hình này không chỉ giúp khách hàng di chuyển thuận tiện hơn mà còn thay đổi ngành dịch vụ vận tải.
4.2 Thách thức đối với doanh nghiệp trong thời đại công nghệ 4.0
Song song với những lợi ích và cơ hội kinh doanh hấp dẫn, Cách mạng Công nghệ 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam, tiêu biểu là:
– Chi phí đầu tư cao: Các công nghệ 4.0 như IoT, AI, RPA thường đòi hỏi chi phí rất lớn, do đó doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng ngân sách để đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật lẫn nguồn nhân lực IT chuyên môn cao.
– Vấn đề an ninh mạng: Con người, thiết bị và dữ liệu đang ngày càng được kết nối liền mạch với nhau thông qua internet. Mặc dù điều này cho phép chúng ta dễ dàng truy cập dữ liệu mọi lúc, mọi nơi thông qua hệ thống đám mây, nhưng nó cũng tiềm ẩn nguy cơ bị tin tặc tấn công và lấy cắp dữ liệu của doanh nghiệp.
– Thiếu nhân sự công nghệ: Việc chuyển sang các hệ thống kỹ thuật số tiên tiến đặt ra nhu cầu lớn về nguồn nhân lực IT có trình độ cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực mới nổi như AI hay Blockchain. Do đó, doanh nghiệp cần phải liên tục điều chỉnh và cập nhật tiêu chí tuyển dụng để có thể bắt kịp xu hướng thời đại.
5. Kết luận
Như vậy, Base Blog vừa cùng doanh nghiệp tìm hiểu các thông tin liên quan đến “Công nghệ 4.0 là gì”, lịch sử phát triển và ứng dụng của công nghệ 4.0. Sự tiến bộ vượt bậc của các công nghệ như IoT, AI, học máy, blockchain và RPA mang lại vô số cơ hội đổi mới trong nhiều lĩnh vực và ngành nghề. Tuy nhiên, để tận dụng tốt những cơ hội này, doanh nghiệp cần chuẩn bị vững chắc về hạ tầng, nhân lực và sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong bảo mật dữ liệu.