Base Blog

Ma trận EFE là gì? Tìm hiểu cách đánh giá yếu tố bên ngoài

Ma trận EFE

Có bao giờ bạn tự hỏi những yếu tố nào bên ngoài đang tác động đến sự thành bại của doanh nghiệp? Ma trận EFE là một công cụ phân tích chiến lược có thể giúp bạn trả lời câu hỏi đó. Bằng cách liệt kê và đánh giá các yếu tố bên ngoài, ma trận EFE cung cấp một bức tranh tổng quan về môi trường kinh doanh, giúp doanh nghiệp xác định những cơ hội và thách thức để giúp tổ chức phát triển hơn.

1. Ma trận EFE là gì?

1.1 Khái niệm

Ma trận EFE (External Factor Evaluation Matrix) là một công cụ quản trị chiến lược dùng để đánh giá các yếu tố bên ngoài (môi trường bên ngoài) tác động đến một doanh nghiệp hoặc tổ chức. Ma trận xem xét đến những yếu tố ảnh hưởng đến việc ra quyết định của tổ chức như: Diễn biến thị trường, thay đổi về pháp lý, sự cạnh tranh trong ngành, tình hình kinh tế, thay đổi về công nghệ…. Qua đó doanh nghiệp xác định các cơ hội và thách thức quan trọng để xây dựng chiến lược phát triển phù hợp.

EFE Matrix được giới thiệu bởi Fred R.David trong cuốn sách Quản trị chiến lược do chính ông là tác giả. Theo ông, cả IFE và EFE đều được sử dụng để tóm lược những thông tin doanh nghiệp thu thập được từ việc phân tích môi trường bên trong và bên ngoài. Do đó, sự kết hợp giữa 2 ma trận này sẽ tạo nên ma trận nội ngoại IE, giúp doanh nghiệp đánh giá, lựa chọn chiến lược kinh doanh phù hợp, hiệu quả.

Ma trận EFE

1.2 Các yếu tố chính trong ma trận EFE

Ma trận EFE được xây dựng dựa trên 4 yếu tố chính gồm:

Các yếu tố then chốt bên ngoài

Đây là các yếu tố thuộc môi trường bên ngoài có thể ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp. Chúng được chia thành:

  • Cơ hội (Opportunities): Những yếu tố tích cực mà doanh nghiệp có thể tận dụng để phát triển, ví dụ như: Xu hướng thị trường, hỗ trợ từ chính phủ, tiềm năng ở thị trường mới….
  • Thách thức (Threats): Những yếu tố tiêu cực mà doanh nghiệp cần đối mặt như: Đối thủ cạnh tranh, thay đổi về luật pháp, biến động kinh tế….

Trọng số (Weights)

Trọng số đại diện cho mức độ quan trọng của từng yếu tố đối với sự thành công hoặc thất bại của doanh nghiệp. Giá trị của trọng số sẽ dao động trong khoảng từ 0.0 đến 1.0, trong đó:

  • 0.0: Không quan trọng.
  • 1.0: Quan trọng tuyệt đối.
  • Kết quả Ttổng trọng số của tất cả các yếu tố bằng 1.0.

Doanh nghiệp sẽ xác định trọng số dựa trên mức độ tác động và ưu tiên của từng yếu tố. Bạn có thể sử dụng các công cụ như phân tích SWOT hoặc ý kiến từ các chuyên gia, ban lãnh đạo.

Điểm đánh giá (Rating)

Chỉ số này phản ánh khả năng của doanh nghiệp trong việc phản ứng hoặc đối phó với từng yếu tố. Điểm đánh giá dao động trong khoảng từ 1 đến 4:

  • 1: Phản ứng rất kém.
  • 2: Phản ứng kém.
  • 3: Phản ứng tốt.
  • 4: Phản ứng rất tốt.

Tổng điểm có trọng số

Công thức tính: 

Tổng điểm có trọng số = Trọng số x Điểm đánh giá

Ý nghĩa của tổng điểm EFE:

  • > 2.5: Doanh nghiệp đang tận dụng tốt cơ hội và xử lý thách thức hiệu quả.
  • < 2.5: Doanh nghiệp chưa tận dụng hiệu quả các yếu tố bên ngoài.

2. Ví dụ về ma trận EFE

Để dễ hình dung hơn, bạn có thể tham khảo ví dụ của một công ty A sau đây:

Yếu tố then chốtTrọng sốĐiểm đánh giáTổng điểm có trọng số
Tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng0.2040.80
Chính sách hỗ trợ của chính phủ0.1530.45
Đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ0.2520.50
Thay đổi công nghệ0.2030.60
Biến động kinh tế toàn cầu0.2010.20
Tổng cộng1.002.55

Mức điểm 2.55 nằm trên mốc trung bình 2.5, cho thấy doanh nghiệp đang xử lý khá tốt các yếu tố bên ngoài. Điều này nghĩa là doanh nghiệp có khả năng tận dụng các cơ hội và đối phó với thách thức một cách hiệu quả.

Đọc thêm: Ma trận IFE là gì? Phân tích yếu tố nội tại của doanh nghiệp

3. Ý nghĩa của ma trận EFE đối với doanh nghiệp

3.1 Xác định rõ các cơ hội và thách thức từ môi trường bên ngoài

Môi trường bên ngoài luôn thay đổi với nhiều yếu tố như chính trị, kinh tế, xã hội, công nghệ, môi trường và pháp luật…. Ma trận EFE giúp doanh nghiệp:

  • Liệt kê và nhận biết các cơ hội như thị trường mới nổi, chính sách hỗ trợ từ chính phủ, hay xu hướng tiêu dùng tăng trưởng.
  • Phát hiện thách thức tiềm ẩn, chẳng hạn cạnh tranh gay gắt, khủng hoảng kinh tế, hoặc sự thay đổi trong luật pháp.

Qua đó doanh nghiệp sẽ đưa ra được những chiến lược tận dụng được tất cả cơ hội và giảm thiểu tối đa rủi ro.

Ví dụ, một công ty trong lĩnh vực năng lượng tái tạo có thể sử dụng ma trận EFE để nhận thấy cơ hội từ các chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, đồng thời chuẩn bị cho rủi ro từ việc cạnh tranh về giá với các công ty truyền thống.

3.2 Giúp oanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh

Kết quả phân tích từ ma trận cung cấp một bức tranh toàn cảnh, chi tiết về môi trường kinh doanh bên ngoài, từ đó giúp doanh nghiệp:

  • Nhận diện chính xác các cơ hội: Bằng cách xác định những xu hướng thị trường mới nổi, nhu cầu chưa được đáp ứng hoặc những phân khúc thị trường tiềm năng, doanh nghiệp có thể phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới hoặc cải tiến sản phẩm hiện có để tận dụng tối đa cơ hội tăng trưởng.
  • Đánh giá và ứng phó hiệu quả với các thách thức: Ma trận EFE giúp doanh nghiệp xác định rõ những rào cản, khó khăn và các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng. Từ đó, doanh nghiệp có thể xây dựng các chiến lược phòng thủ, tấn công hoặc thích ứng để vượt qua những thách thức này và duy trì vị thế cạnh tranh.

3.3 Giúp lãnh đạo ra quyết định đúng đắn và chính xác

Với một cái nhìn tổng quan về môi trường bên ngoài, doanh nghiệp có thể so sánh thế mạnh và điểm yếu của mình với các cơ hội và thách thức hiện có. Điều này giúp lãnh đạo cũng như doanh nghiệp đưa ra những quyết định đầu tư, phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường một cách khoa học và hiệu quả.

Bằng cách đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố bên ngoài, doanh nghiệp có thể giảm thiểu rủi ro và tăng khả năng thành công của các dự án.

Ví dụ như một công ty sản xuất điện thoại di động A có thể quyết định tập trung phát triển dòng sản phẩm tầm trung sau khi nhận ra rằng nhu cầu cho dòng sản phẩm này tăng mạnh trong bối cảnh kinh tế suy thoái.

3.4 Tăng khả năng cạnh tranh

Phân tích ma trận EFE giúp doanh nghiệp xác định chính xác các yếu tố quan trọng tác động đến hoạt động kinh doanh. Từ đó, doanh nghiệp có thể tìm kiếm những cơ hội mới, xây dựng lợi thế cạnh tranh độc đáo và khắc phục những thách thức một cách hiệu quả. Nhờ đó, doanh nghiệp không chỉ “sống sót” mà còn phát triển mạnh mẽ trong một môi trường kinh doanh đầy biến động.

4. Quy trình xây dựng ma trận EFE trong doanh nghiệp

Bước 1: Liệt kê các yếu tố bên ngoài tác động đến doanh nghiệp

Trước tiên, doanh nghiệp cần xác định các yếu tố bên ngoài đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, cụ thể như:

  • Môi trường kinh tế: Tốc độ tăng trưởng GDP, lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp,…
  • Môi trường chính trị: Chính sách của chính phủ, sự ổn định chính trị,…
  • Môi trường xã hội – văn hóa: Dân số, cấu trúc dân số, xu hướng tiêu dùng,…
  • Môi trường công nghệ: Công nghệ mới, đổi mới sáng tạo,…
  • Môi trường pháp lý: Quy định của nhà nước, luật cạnh tranh,…
  • Môi trường cạnh tranh: Số lượng đối thủ, thị phần của đối thủ,…

Sau khi đã liệt kê xong, bạn gán trọng số cho từng yếu tố dựa trên mức độ ảnh hưởng của nó đến doanh nghiệp. Cách gán trọng số bạn có thể xem lại tại mục 1.2.

Bước 2: Đánh giá mức độ tác động của các yếu tố

Khi đã liệt kê và gán trọng số, bạn đánh giá mức độ tác động của từng yếu tố đến doanh nghiệp, có thể là tích cực (cơ hội) hoặc tiêu cực (thách thức). Đây chính là phần Điểm đánh giá (Rating) mà chúng tôi đã nêu ở mục 1.2, cụ thể như sau:

  • 1: Tác động rất thấp
  • 2: Tác động thấp
  • 3: Tác động trung bình
  • 4: Tác động cao

Bước 3: Tính điểm tổng thể cho từng yếu tố

Ở bước này, bạn nhân trọng số của từng yếu tố với điểm số tương ứng để tính được điểm tổng thể. Sau đó, tổng hợp điểm tổng thể của tất cả các yếu tố để có được một bức tranh tổng quan về môi trường bên ngoài.

Bước 4: Đánh giá và kết luận

Dựa trên kết quả có được bạn sẽ nhận diện những yếu tố có điểm số cao và mang tính tích cực cũng những yếu tố có điểm số cao và mang tính tiêu cực.

Từ đó, doanh nghiệp có thể xây dựng các chiến lược kinh doanh phù hợp để tận dụng cơ hội và đối phó với thách thức.

Quy trình ma trận EFE

Đọc thêm: Mô hình 5 áp lực cạnh tranh: Giải nghĩa, Phân tích và Ví dụ cụ thể

5. Ma trận EFE của một số thương hiệu nổi tiếng

5.1 Ma trận EFE của Vinamilk

Dưới đây là phân tích về ma trận EFE của Vinamilk – thương hiệu sữa nổi tiếng tại Việt Nam bạn có thể tham khảo:

Yếu tố bên ngoàiTrọng sốXếp hạngĐiểm trọng số
Cơ hội
Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm từ sữa tăng cao0,1540,60
Mở rộng thị trường xuất khẩu0,1030,30
Chính sách hỗ trợ từ nhà nước0,0530,15
Thách thức
Cạnh tranh từ các đối thủ trong và ngoài nước0,2030,60
Có nhiều biến động về giá nguyên liệu đầu vào0,1520,30
Yêu cầu chất lượng sản phẩm ngày càng cao từ khách hàng0,1040,40
Thay đổi xu hướng tiêu dùng0,1030,30
Tổng cộng1,002,65

Đánh giá: Với tổng điểm 2,65, Vinamilk đang tận dụng tốt cơ hội từ nhu cầu trong nước và quốc tế nhưng cần cải thiện khả năng phản ứng trước các yếu tố như giá nguyên liệu và cạnh tranh.

5.2 Ma trận EFE của Viettel

Bạn có thể tham khảo ma trận của Viettel như sau:

Yếu tố bên ngoàiTrọng sốXếp hạngĐiểm trọng số
Cơ hội
Phát triển công nghệ 5G0,2040,80
Mở rộng thị trường quốc tế0,1530,45
Chính sách hỗ trợ từ nhà nước0,1040,40
Thách thức
Cạnh tranh từ thương hiệu khác: Vinaphone, Mobifone…0,2030,60
Biến động kinh tế và chính trị tại các thị trường nước ngoài0,1520,30
Thay đổi công nghệ nhanh chóng0,1030,30
Yêu cầu bảo mật và an ninh mạng cao0,1030,30
Tổng cộng1,003,15

Đánh giá: Viettel dẫn đầu nhờ khả năng tận dụng công nghệ và chính sách nhà nước, nhưng cần chú trọng hơn vào việc quản lý cạnh tranh và biến động thị trường.

Lưu ý: Những số liệu chỉ mang tính chất minh họa do chúng tôi không có đẩy đủ dữ liệu từ các thương hiệu này. Bạn có thể xem để hiểu qua về ma trận EFE và áp dụng đúng cách vào doanh nghiệp của mình.

6. Kết luận

Hy vọng qua bài viết này bạn đã hiểu về ma trận EFE – một công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp đánh giá toàn diện môi trường bên ngoài. Bằng cách xác định rõ các cơ hội và thách thức, doanh nghiệp có thể đưa ra những quyết định chiến lược sáng suốt, nâng cao khả năng cạnh tranh và đạt được mục tiêu kinh doanh đề ra. 

Đừng quên chia sẻ bài viết hữu ích này nhé!

Nhận tư vấn miễn phí

Nhận tư vấn miễn phí từ các Chuyên gia Chuyển đổi số của chúng tôi

"Bật mí" cách để bạn tăng tốc độ vận hành, tạo đà tăng trưởng cho doanh nghiệp của mình với nền tảng quản trị toàn diện Base.vn

  • Trải nghiệm demo các ứng dụng chuyên sâu được "đo ni đóng giày" phù hợp nhất với bạn.
  • Hỗ trợ giải quyết các bài toán quản trị cho doanh nghiệp ở mọi quy mô & từng lĩnh vực cụ thể.
  • Giải đáp các câu hỏi, làm rõ thắc mắc của bạn về triển khai, go-live, sử dụng và support

Đăng ký Demo

This will close in 2000 seconds

Zalo phone