Rất rõ ràng, các chủ doanh nghiệp luôn muốn hiểu được những yếu tố định hình và làm sáng tỏ bức tranh tài chính và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh thu thuần là một trong những chỉ số quan trọng như vậy.
Có thể bạn vẫn còn nhầm lẫn giữa các khái niệm doanh thu thuần, tổng doanh thu với doanh thu ròng. Bài viết dưới đây của Base Blog sẽ làm rõ các khái niệm, công thức tính, các yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu thuần và chiến lược tối ưu chỉ số này.
Mục lục
Toggle1. Định nghĩa doanh thu thuần
1.1. Doanh thu thuần là gì?
Doanh thu thuần là tổng số tiền thu được sau khi trừ đi các chi phí liên quan đến khấu trừ các loại thuế và các khoản giảm trừ (bao gồm: thuế xuất nhập khẩu, doanh thu bị trả lại, giảm giá bán hàng, chiết khấu thương mại…)
Doanh thu thuần là chỉ số quan trọng để đo lường kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trước khi tính đến các chi phí khác như chi phí bán hàng, chi phí quản lý, chi phí tài chính và các khoản thuế.
Doanh thu thuần phản ánh đúng kết quả, chất lượng doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp do đã loại trừ các khoản giảm trừ doanh thu.
1.2. Doanh thu thuần tiếng Anh là gì?
Doanh thu trong tiếng Anh là Revenue, còn doanh thu thuần là Net revenue.
Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo thêm một số cụm từ khác liên quan đến chủ đề doanh thu:
- Gross revenue: Doanh thu gộp (trước khi trừ chi phí)
- Cost of goods sold (COGS): Giá vốn hàng bán (chi phí trực tiếp sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ)
- Gross profit: Lợi nhuận gộp (chênh lệch giữa doanh thu thuần với giá vốn hàng bán)
- Profit margin: Biên lợi nhuận, lợi nhuận cận biên (với 100 đồng doanh thu tăng thêm sẽ tăng thêm được bao nhiêu đồng lợi nhuận)
- Operating income, hoặc Earnings before interest and taxes (EBIT): Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, hoặc Lợi nhuận trước thuế và lãi
- Earnings before interest, taxes, depreciation, and amortization (EBITDA): Lợi nhuận trước thuế, lãi, giảm giá và hao mòn
- Revenue growth: Tăng trưởng doanh thu
- Sales revenue: Doanh thu từ bán hàng
1.3. So sánh doanh thu gộp (Gross revenue), doanh thu thuần (Net revenue) và Lợi nhuận thuần (Net profit)
Tiêu chí | Doanh thu gộp (Gross revenue) | Doanh thu thuần (Net revenue) | Lợi nhuận thuần (Net profit) |
Định nghĩa | Tổng doanh thu trước khi trừ đi bất kỳ chi phí nào khác (bao gồm chi phí sản xuất) | Doanh thu sau khi trừ đi chi phí trực tiếp liên quan đến sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ | Lợi nhuận cuối cùng của doanh nghiệp sau khi trừ đi tất cả các chi phí, bao gồm cả chi phí hoạt động, chi phí tài chính, thuế và các chi phí khác |
Phản ánh | Đo lường tổng doanh thu từ bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ mà không xét đến chi phí sản xuất | Tập trung vào kết quả kinh doanh từ hoạt động cốt lõi mà không tính đến các chi phí bán hàng, quản lý và khác | Cho biết doanh nghiệp có thật sự có lãi hay không |
Công thức tính | Doanh thu gộp = Giá bán x Số lượng hàng bán | Doanh thu thuần = Tổng doanh thu – Các khoản giảm trừ doanh thu | Lợi nhuận thuần = Doanh thu thuần – Giá vốn hàng bán + (Doanh thu hoạt động tài chính – Chi phí tài chính) – (Chi phí bán hàng + Chi phí quản lý doanh nghiệp) |
Ví dụ | Nếu một loại sản phẩm được bán với giá $10 và đã bán được 30 sản phẩm, doanh thu gộp là $300. | Nếu công ty có doanh thu gộp là $300 và chiết khấu thương mại là $30, doanh thu thuần sẽ là $270. | Nếu doanh thu thuần là $270, giá vốn hàng bán là $30, sau đó phải trả $20 cho chi phí bán hàng và $10 cho chi phí quản lý, lợi nhuận thuần sẽ là $210. |
2. Công thức tính doanh thu thuần
Theo quy định, doanh thu thuần được tính bằng công thức như sau:
Doanh thu thuần = Doanh thu tổng thể của doanh nghiệp – Các khoản giảm trừ doanh thu
Trong đó:
- Doanh thu tổng thể của doanh nghiệp là tổng giá trị doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp.
- Các khoản giảm trừ doanh thu bao gồm: thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán trả lại.
Căn cứ Quyết định 15/2006/QĐ-BTC Chế độ Kế toán doanh của Bộ Tài Chính, công thức tính doanh thu thuần được quy định:
Doanh thu thuần = Doanh thu tổng thể của doanh nghiệp – Chiết khấu bán hàng – Hàng bán bị trả lại – Giảm giá hàng bán – Thuế gián thu
Ví dụ:
Giả sử doanh nghiệp bạn bán giày với giá $100 một đôi. Trong một quý, bạn đã bán được 12 nghìn đôi giày và có tổng cộng 200 đôi được trả lại.
Tổng doanh thu của bạn sẽ bằng giá của bạn nhân với tổng số giày được bán, tương đương $1,200,000. Từ đó, bạn có thể tính doanh thu thuần bằng cách trừ đi giá trị của các đôi giày bị trả lại.
Doanh thu thuần = Doanh thu tổng thể của doanh nghiệp – Các khoản giảm trừ doanh thu = ($100 x 12,000) – ($100 x 200) = $1,180,000
3. Tầm quan trọng của doanh thu thuần với doanh nghiệp
3.1. Đo lường hiệu suất kinh doanh
Doanh thu thuần phản ánh trực tiếp về hiệu suất kinh doanh chung của doanh nghiệp. Doanh thu thuần không chỉ thể hiện khả năng bán hàng hay cung cấp dịch vụ mà còn là một chỉ số quan trọng đánh giá “sức khỏe” của doanh nghiệp trên thị trường.
Tăng trưởng doanh thu thuần thường được coi là một dấu hiệu tích cực và thể hiện sự cạnh tranh tốt trên thị trường.
3.2. Dự báo tăng trưởng
Sự tăng trưởng của doanh thu thuần là yếu tố quan trọng để dự đoán tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai. Nhà đầu tư và các bên liên quan khác thường sử dụng doanh thu thuần như một chỉ số dẫn đầu để đánh giá khả năng sinh lời và bền vững của doanh nghiệp. Điều này có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và các quyết định đầu tư.
3.3. Quản trị tài chính
Doanh thu thuần giúp nhà quản trị có cái nhìn toàn diện về mức thu nhập mà doanh nghiệp đang đạt được trước khi xem xét các chi phí và lỗ nếu có. Điều này là quan trọng để đảm bảo rằng doanh nghiệp đang có đủ nguồn thu nhập để duy trì và phát triển.
3.4. Là chủ đề đối thoại với cổ đông và nhà đầu tư
Trong các cuộc họp cổ đông, doanh thu thuần thường được sử dụng để giải thích và bàn luận về hiệu suất kinh doanh. Thông tin này giúp cổ đông và nhà đầu tư hiểu rõ hơn về chiến lược kinh doanh, cũng như mức độ thành công và thách thức mà doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Đọc thêm: Doanh thu là gì? Những điều nhà quản trị cần biết về doanh thu
4. Các yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu thuần
4.1. Thị trường cạnh tranh
Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến doanh thu thuần là mức độ cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt khi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, khả năng tìm kiếm và giữ chân khách hàng, chiến lược giá cả lại đóng vai trò hết sức quan trọng.
Các chủ doanh nghiệp sẽ đứng giữa quyết định việc duy trì giá cao để tăng giá trị thương hiệu và doanh thu thuần hay giảm giá để thu hút và giữ chân khách hàng.
4.2. Giá bán sản phẩm/dịch vụ
Giá cả có thể ảnh hưởng đến việc khách hàng quyết định mua sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp đó hay không, cũng như tần suất mua hàng và số lượng mua hàng của khách hàng.
Nếu giá cả quá cao so với giá trị hoặc so với mức giá cạnh tranh của thị trường, khách hàng có thể từ chối mua sản phẩm hoặc dịch vụ và chuyển sang nhà cung cấp khác. Tuy nhiên, nếu giá cả quá thấp, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc tạo ra lợi nhuận đủ để duy trì hoạt động và phát triển.
4.3. Chi phí sản xuất và quản lý
Chi phí sản xuất bao gồm các khoản chi tiêu liên quan đến quá trình sản xuất sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ, bao gồm cả chi phí nguyên vật liệu, lao động, máy móc, vận chuyển và các chi phí khác.
Nếu chi phí sản xuất quá cao, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc tạo ra lợi nhuận đủ để duy trì và phát triển.
Nếu chi phí liên quan đến quản lý nhân sự (bao gồm lương, phúc lợi, và đào tạo,…) tăng, doanh nghiệp có thể đối mặt với áp lực tăng giá và giảm lợi nhuận. Thế nhưng chi phí này lại có thể tác động đến năng suất lao động.
5. Cách để tăng doanh thu thuần
5.1. Tối ưu hóa chiến lược giá
Tối ưu hóa chiến lược giá là một quá trình phức tạp và cần sự đánh giá kỹ lưỡng của nhiều yếu tố khác nhau. Một trong những khía cạnh quan trọng là định giá dựa trên giá trị, với mục tiêu làm cho khách hàng cảm thấy họ nhận được giá trị tốt nhất cho số tiền họ chi trả. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của khách hàng, từ đó tạo ra một cảm giác thoải mái và hài lòng khi chi trả một khoản tiền cụ thể.
Chiến lược giảm giá là một công cụ mạnh mẽ để kích thích doanh số bán hàng và thu hút khách hàng mới. Tuy nhiên, để tránh tình trạng giảm giá không kiểm soát, doanh nghiệp cần xác định rõ mục tiêu của mình trong việc áp dụng chiến lược này: tăng doanh số bán hàng ngay lập tức, thu hút khách hàng mới hay giữ chân khách hàng hiện tại.
Ví dụ trong lĩnh vực bán lẻ và bán buôn, nhiều doanh nghiệp sử dụng chiết khấu mua hàng để khuyến khích khách hàng mua sản phẩm hoặc dịch vụ của họ.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể sử dụng trợ cấp mua hàng để khuyến khích người mua (mua hàng bằng tín dụng) thanh toán sớm hơn. Lấy ví dụ, khách hàng được giảm giá 2% khi thanh toán hóa đơn sớm trong vòng 10 ngày thay vì 30 ngày.
Khi một công ty cung cấp chiết khấu hoặc trợ cấp cho khách hàng, việc này được ghi nhận trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của công ty dưới dạng các khoản giảm trừ doanh thu. Điều này có nghĩa là con số doanh thu thuần là doanh thu “thực” trong khoảng thời gian được chỉ định.
5.2. Phát triển sản phẩm/ dịch vụ mới
Bằng cách tạo ra sản phẩm/ dịch vụ mới, doanh nghiệp có thể phục vụ nhu cầu của đối tượng khách hàng mới, thu hút sự chú ý và mở rộng phạm vi tiếp cận thị trường. Việc này có thể giúp tăng cường sự đa dạng trong lựa chọn sản phẩm và dịch vụ, làm tăng doanh số bán hàng và kích thích mua sắm bổ sung.
Mặt khác, sự đổi mới cũng đưa ra cơ hội để mở rộng thị trường và xâm nhập vào các thị trường mới. Sản phẩm/ dịch vụ mới có thể được thiết kế để đáp ứng những đặc thù và yêu cầu của thị trường mới, tạo ra cơ hội kinh doanh mới, từ đó tăng trưởng chỉ số doanh thu thuần.
5.3. Mở rộng thị trường và khách hàng
Đầu tiên, doanh nghiệp cần nghiên cứu và hiểu thị trường mục tiêu của mình. Bằng cách thu thập thông tin về lĩnh vực kinh doanh, xu hướng và nhu cầu của khách hàng, doanh nghiệp có thể xác định chiến lược và kế hoạch mở rộng thị trường phù hợp.
Mở rộng thị trường cũng là cơ hội để doanh nghiệp kích thích tăng trưởng doanh thu thuần bằng cách thu hút khách hàng mới. Qua đó, doanh nghiệp sẽ tận dụng được hiệu quả mọi cơ hội tiếp cận khách hàng thông qua các kênh truyền thông online và offline.
Cuối cùng, hợp tác và đối tác cũng có thể giúp doanh nghiệp mở rộng mạng lưới khách hàng. Tìm kiếm cơ hội hợp tác và đối tác với các doanh nghiệp hoặc tổ chức có lợi ích chung sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới và tăng cường sức mạnh cạnh tranh.
5.4. Quản trị tài chính hiệu quả
Quản trị tài chính tốt giúp doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả và tối ưu. Điều này đảm bảo rằng tiền được đầu tư vào các hoạt động có khả năng sinh lời cao nhất và giảm thiểu lãng phí. Khi sử dụng nguồn vốn một cách thông minh, doanh nghiệp có thể tăng hiệu suất tài sản và sinh lời, tạo ra sự tăng trưởng và doanh thu thuần.
Điều quan trọng là doanh nghiệp phải quản lý dòng tiền một cách chặt chẽ. Điều này bao gồm theo dõi và dự báo thu chi của doanh nghiệp để đảm bảo rằng luồng tiền luôn đủ để thực hiện các hoạt động kinh doanh quan trọng. Quản lý dòng tiền hiệu quả giúp doanh nghiệp tránh các vấn đề về thanh toán và sẵn sàng tận dụng các cơ hội tăng doanh thu.
Trước bài toán quản trị tài chính, các doanh nghiệp cũng đang không ngừng tìm kiếm các giải pháp công nghệ để tối ưu hóa quy trình và kết quả đạt được. Theo đó, việc lựa chọn công cụ quản trị tài chính mạnh mẽ và phù hợp là một quyết định quan trọng.
Một trong những lời giải tốt nhất cho doanh nghiệp là Bộ giải pháp quản trị tài chính thời gian thực Base Finance+.
Với bộ tính năng toàn diện bao gồm cả quản lý thông tin tài chính, quản trị doanh thu, chi phí và theo dõi dòng tiền, Base Finance+ cung cấp cho bộ phận kế toán và chủ doanh nghiệp góc nhìn toàn diện về tình hình tài chính của công ty – bao gồm cả doanh thu thuần. Các dashboard tài chính được trình bày trực quan và cập nhật real-time chính là một “người trợ lý tài chính” thông minh và nhạy bén.
6. Tạm kết
Việc hiểu rõ về doanh thu thuần, cách tính toán và các yếu tố ảnh hưởng đến nó là điều quan trọng đối với tất cả các doanh nghiệp đang muốn phát triển. Bằng cách tăng doanh thu thuần, doanh nghiệp sẽ có thể tạo ra môi trường kinh doanh bền vững và đạt được mục tiêu chiến lược của mình.
Chúc doanh nghiệp bạn luôn đưa ra các quyết định tài chính đúng đắn và đạt được mục tiêu tăng doanh thu thuần.