Training nhân sự là một trong những hoạt động quan trọng tại các tổ chức, doanh nghiệp. Training dịch sang tiếng Việt được hiểu là đào tạo nhân sự. Nói cách khác, training là một khóa đào tạo dành cho một nhân viên hoặc một nhóm nhân viên để họ hiểu rõ về tính chất công việc và văn hóa doanh nghiệp.
Vậy training là gì? Tại sao doanh nghiệp cần training nhân sự? Hiện nay có các hình thức training phổ biến nào? Tất cả sẽ được Base Blog giải đáp trong bài viết sau đây!
Mục lục
Toggle1. Training là gì?
1.1. Định nghĩa training
Training là quá trình đào tạo nhân viên trong một tổ chức, doanh nghiệp. Mục đích của training là cung cấp kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết cho nhân viên để họ làm việc một cách tốt nhất, từ đó góp phần vào thành công chung của tập thể.
Training không chỉ dừng ở việc đào tạo và huấn luyện nhân viên tại vị, mà còn là căn cứ để doanh nghiệp đánh giá năng lực của nhân viên mới trước khi đưa ra quyết định tuyển dụng chính thức.
1.2. Các mục tiêu của hoạt động training
Đào tạo nhân viên mới
Training nhân viên mới là hoạt động cần thiết để giúp người mới làm quen với công việc và văn hóa doanh nghiệp, đồng thời giúp họ giảm bớt sự căng thẳng, lo lắng trong ngày đầu “onboard”.
Thông qua quá trình đào tạo, doanh nghiệp cần phổ biến đến thành viên mới các thông tin như sau:
- Các mục tiêu, kỳ vọng đối với công việc họ sẽ đảm nhận.
- Các quy tắc, định hướng trong văn hóa tổ chức, tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.
- Cách sử dụng tài nguyên và công cụ cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ, chẳng hạn như: tài khoản IT, tài liệu sản phẩm, phần mềm nội bộ, v.v…
Đào tạo tuân thủ
Đào tạo tuân thủ hay Compliance Training, là một hoạt động mở rộng trong chương trình đào tạo nhân viên mới. Mục đích của đào tạo tuân thủ là giúp người lao động nắm rõ các điều luật hoặc quy định của doanh nghiệp, của ngành nghề mà họ bắt buộc phải tuân thủ khi thực hiện công việc.
Hiện nay, các doanh nghiệp và tổ chức trên thế giới thường áp dụng các chương trình đào tạo tuân thủ gồm:
- Đào tạo an toàn: nhằm trang bị cho nhân viên các kiến thức về đảm bảo an toàn tại nơi làm việc, cũng như cách phòng ngừa tai nạn lao động, rủi ro về cháy nổ, chập điện
- Đào tạo an ninh: thường được áp dụng trong mọi lĩnh vực, nhằm hướng dẫn nhân viên cách bảo vệ bản thân khi xảy ra các tình huống tấn công bằng bạo lực
- Đào tạo đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm đối với xã hội
- Đào tạo về các chủ đề phòng chống quấy rối tại nơi làm việc.
Đào tạo về sản phẩm
Đào tạo sản phẩm là chương trình đào tạo giúp nhân viên hiểu rõ mọi khía cạnh về hàng hóa hoặc dịch vụ của doanh nghiệp. Nếu hỏi “Đào tạo về sản phẩm có quan trọng hay không?”, câu trả lời đương nhiên là “Có”. Tùy vào vai trò và vị trí của mỗi nhân viên, họ sẽ vận dụng kiến thức sản phẩm theo cách riêng để đem lại lợi ích cho doanh nghiệp. Ví dụ:
- Đối với bộ phận marketing: cần hiểu được giá trị của sản phẩm để tổ chức các chiến dịch quảng cáo, khuyến mãi thu hút khách hàng tiềm năng
- Đối với bộ phận bán hàng: hiểu biết về sản phẩm là chìa khóa giúp họ tự tin giao tiếp và thuyết phục khách hàng, từ đó tạo ra sự tăng trưởng trong doanh thu
- Đối với bộ phận chăm sóc khách hàng: cần nắm vững mọi thông tin về sản phẩm để kịp thời tư vấn, giải đáp các thắc mắc của khách hàng.
Đào tạo nâng cao chuyên môn
Doanh nghiệp có thể tổ chức training chuyên môn cho nhân viên định kỳ hoặc tùy theo thay đổi của thị trường. Mục đích của chương trình đào tạo này là giúp nhân viên cập nhật các kiến thức, kỹ năng mới trong lĩnh vực của họ. Từ đó, cải thiện đáng kể chất lượng nguồn nhân lực và tạo lập thêm nhiều giá trị cho tổ chức.
Đào tạo năng lực lãnh đạo
Đào tạo năng lực lãnh đạo là chương trình training được thiết kế riêng cho những vị trí quản lý. Đây là hoạt động đào tạo chuyên sâu nhằm nâng cao các kỹ năng lãnh đạo như: kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng đàm phán, kỹ năng ra quyết định,…
Đối tượng được chọn để training kỹ năng lãnh đạo thường là các nhân viên xuất sắc có tiềm năng trở thành quản lý hoặc người kế thừa cho những nhân sự về hưu. Tùy theo khả năng và điều kiện, doanh nghiệp có thể chủ động tổ chức đào tạo nhân viên hoặc cử họ tham gia các hội thảo phát triển kỹ năng lãnh đạo.
1.3 So sánh training với education
Training (Đào tạo) và Education (Giáo dục) là hai khái niệm liên quan đến hoạt động truyền đạt kiến thức và kỹ năng. Tuy nhiên, giữa chúng tồn tại một số điểm khác biệt như sau:
Training (Đào tạo) | Education (Giáo dục) | |
Mục tiêu | Tập trung truyền đạt các kiến thức, kỹ năng cụ thể, có liên quan trực tiếp đến công việc hoặc nghề nghiệp mà người học sẽ đảm nhận Ví dụ: Đào tạo kỹ năng lái xe. | Giúp người học mở mang kiến thức về mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Việc áp dụng kiến thức đó như thế nào là do người học tự quyết định Ví dụ: Giáo dục đạo đức cho học sinh. |
Đơn vị tổ chức | Thường được tổ chức bởi các cơ quan, doanh nghiệp, giúp nhân viên nâng cao kỹ năng chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn | Thường được tổ chức bởi nhà trường các cấp hoặc các tổ chức giáo dục |
Như vậy, Training hướng đến mục tiêu giúp người học nắm vững các kỹ năng cụ thể để thực hiện một công việc hoặc nghề nghiệp nhất định. Trái lại, Education đặt ưu tiên vào việc mở rộng phạm vi kiến thức và cải thiện khả năng tư duy của học viên. Ngoài ra, hoạt động giáo dục thường đòi hỏi thời gian dài hơn so với các chương trình đào tạo.
2. Tại sao doanh nghiệp cần training nhân sự?
2.1. Training nhân sự giúp nâng cao hiệu suất lao động
Được tạo điều kiện học hỏi, trau dồi kỹ năng chuyên môn là mong muốn của hầu hết người lao động. Vì vậy, training nhân sự được coi là phương pháp hữu ích nhất giúp nhân viên khám phá tiềm năng của bản thân, có thêm động lực để công tác hiệu quả hơn. Điều này không chỉ tạo ra cơ hội thăng tiến cho bản thân nhân viên mà còn tạo ra giá trị lao động to lớn cho doanh nghiệp. Thông qua công tác training, tay nghề của nhân sự chắc chắn được cải thiện, hiệu suất làm việc cũng nhờ vậy được tăng cao.
Bên cạnh đó, việc thực hiện training nhân sự cũng thể hiện sự quan tâm và cam kết của doanh nghiệp dành cho người lao động, giúp họ cảm thấy hài lòng và sẵn sàng cống hiến vì mục tiêu chung.
2.2. Training nhân sự giúp phát triển nguồn nhân lực chất lượng và tiết kiệm chi phí tuyển dụng
Chiêu mộ người tài đã khó, giữ chân nhân tài càng khó hơn. Để giải quyết bài toán này, doanh nghiệp cần xây dựng các chương trình training nhân sự bài bản, xuyên suốt vòng đời của người lao động. Nhờ đó, mỗi cá nhân sẽ chủ động hơn trong công việc, cũng như gắn bó với doanh nghiệp lâu dài hơn.
Ngoài việc phát triển nguồn nhân lực nội bộ, doanh nghiệp cũng có thể tận dụng thành công của các chương trình đào tạo để nâng cao thương hiệu tuyển dụng. Đây chính là bí quyết giúp doanh nghiệp thu hút các ứng viên sáng giá, cũng như tiết kiệm đáng kể chi phí tuyển dụng.
2.3. Training nhân sự giúp doanh nghiệp phát huy sức mạnh nội bộ, tăng khả năng cạnh tranh
Trong các nguồn lực, nguồn nhân lực được coi là yếu tố “nội sinh”, có tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển của doanh nghiệp. Nếu biết cách bồi dưỡng, khai thác và sử dụng nhân lực một cách hợp lý, doanh nghiệp có thể chọn ra được người tài, đủ khả năng đảm đương trọng trách lớn.
Trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao và thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi của thị trường là một yếu tố then chốt đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
3. Các hình thức training phổ biến
3.1. On-the-job training – Đào tạo tại chỗ
On-the-job training (OJT) hay đào tạo tại chỗ là một hình thức đào tạo nhân viên trực tiếp dựa trên công việc thực tế tại nơi làm việc. Trong OJT, nhân viên sẽ được hướng dẫn và giám sát bởi những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực hoặc vị trí tương ứng.
Training theo hình thức OJT thường bao gồm việc hướng dẫn người lao động về quy trình làm việc, kỹ năng nghề nghiệp và các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn. Song song với đó, người lao động cũng sẽ được thực hành các tác vụ thực tế để có thể nắm vững công việc và phát triển kỹ năng cần thiết.
Ưu điểm | Nhược điểm |
– Tăng cường giữ chân nhân tài, nhất là trong giai đoạn hòa nhập tổ chức – Tiết kiệm chi phí đào tạo và tổ chức khóa học – Tăng cường sự hợp tác giữa các nhân viên – Giảm thiểu thất thoát kiến thức nội bộ | – Hạn chế phát triển ý tưởng mới khi đào tạo nội bộ – Thiếu sự nhất quán vì không có tài liệu, lịch trình đào tạo bài bản – Khó tìm được người hướng dẫn vì một số nhân viên sợ mất điểm cạnh tranh nên họ không sẵn lòng trở thành người đào tạo |
3.2. Classroom training – Lớp học tại doanh nghiệp
Classroom training là một hình thức đào tạo nhân sự bằng cách tổ chức lớp học truyền thống. Đối với hình thức training này, nhân viên sẽ tham gia vào các buổi học hoặc các buổi tập huấn dưới sự hướng dẫn của giảng viên hoặc nhà quản lý giàu kinh nghiệm.
Classroom training thường bao gồm các bài giảng, bài tập thực hành và các hoạt động thảo luận nhóm nhằm bồi dưỡng văn hóa tổ chức và kỹ năng nghề nghiệp cần thiết cho nhân viên.
Ưu điểm | Nhược điểm |
– Một nhóm nhân sự có thể tiếp thu được một lượng lớn kiến thức cùng một lúc – Tương tác và trao đổi trực tiếp giữa người training và nhân viên | – Tương đối tốn kém vì doanh nghiệp phải chi trả tiền thuê địa điểm cùng một số chi phí liên quan – Dễ khiến nhân viên cảm thấy nhàm chán và kém linh hoạt |
3.3. E-learning – Đào tạo trực tuyến
E-learning hay đào tạo trực tuyến, cho phép nhân viên sử dụng các thiết bị điện tử và internet để truy cập các tài nguyên giáo dục, khóa học và chương trình đào tạo của doanh nghiệp.
Ưu điểm | Nhược điểm |
– Cung cấp cho nhân viên chương trình đào tạo trực tuyến linh hoạt và thuận tiện, phá vỡ các rào cản của lớp đào tạo truyền thống – Được thiết kế gồm nhiều định dạng khác nhau như các lớp học ảo, thư viện trực tuyến, các module tương tác hai chiều giữa nhân viên và người training | – Tiềm ẩn rủi ro thất thoát tài liệu đào tạo – Thiếu sự giám sát của người training – Tương tác giữa các học viên bị hạn chế do phải trao đổi qua tin nhắn hoặc email |
3.4. Mentoring – Kèm cặp
Mentoring hoặc Mentorship là một mối quan hệ đào tạo giữa một cố vấn có kiến thức và kinh nghiệm (gọi là Mentor) với một người có ít kinh nghiệm và kiến thức hơn (gọi là Mentee).
Trong hình thức đào tạo này, Mentor sẽ chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của mình để giúp Mentee phát triển sự nghiệp. Mentor không nhất thiết phải là nhân sự cấp cao nhưng phải là người có đủ năng lực và kỹ năng cần thiết để Mentee học hỏi.
Hiện nay, Mentoring với nhiều lợi ích quan trọng, đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược đào tạo nhân sự tại nhiều tập đoàn, tổ chức lớn trên thế giới.
Ưu điểm | Nhược điểm |
– Tạo ra mối liên kết giữa Mentor và Mentee, truyền động lực và cảm hứng làm việc cho các Mentee – Nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết giữa các đồng nghiệp – Tăng cơ hội trải nghiệm cho nhân viên – Mentor được thử thách với vai trò mới – Mentee học hỏi nhiều kinh nghiệm thực tế, từ đó nâng cao hiểu biết về vị trí mình sẽ đảm nhiệm trong tổ chức | – Hình thành sự chênh lệch về khả năng tiếp thu giữa các Mentee, nhất là khi áp dụng mô hình Mentoring theo nhóm – Không dễ để thuyết phục các nhân sự kỳ cựu chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Mentee tối đa |
3.5. Làm thế nào để chọn được hình thức training phù hợp?
Trên thực tế, không có hình thức training nhân sự nào được xem là hoàn hảo 100%. Hiệu quả đào tạo phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thực tế và kỳ vọng của doanh nghiệp khi triển khai các chương trình đào tạo. Trước khi quyết định hình thức training nhân sự, doanh nghiệp cần xem xét và đánh giá các tiêu chí sau:
- Đối tượng tham gia và mục tiêu của chương trình đào tạo
- Nội dung chương trình đào tạo là cơ bản hay chuyên sâu, sử dụng một lần hay nhiều lần
- Khả năng tham gia đào tạo của nhân viên, bao gồm lịch đào tạo, thiết bị và các yếu tố liên quan
Ngoài những tiêu chí cơ bản trên, doanh nghiệp cũng cần xét đến tầm nhìn dài hạn của công việc training. Đặc biệt, “số hóa” chương trình đào tạo sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng lưu trữ và quản lý tài liệu, cũng như triển khi một cách linh hoạt, tiết kiệm chi phí và thời gian.
4. Ví dụ về một số hoạt động training nhân sự trong doanh nghiệp
4.1. Chương trình đào tạo Mentorship Program – Ngân hàng First Horizon (Hoa Kỳ)
First Horizon, một ngân hàng có trụ sở tại Tennessee, Hoa Kỳ, đã chọn hình thức đào tạo Mentorship Program để chuẩn bị những kiến thức cần thiết cho các nhân sự tiềm năng trở thành nhà quản lý.
Cụ thể, First Horizon đã tổ chức các buổi họp trực tiếp với sự tham gia của các Mentor và một nhóm các Mentee. Qua sự hướng dẫn của Mentor về quản lý nguồn lực, thiết lập mục tiêu và vượt qua các thách thức, các Mentee đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tế, từ đó nâng cao hiểu biết của họ về vị trí mà họ sẽ đảm nhận trong tương lai.
Thực tế cho thấy, không chỉ các Mentee mà các nhân sự kỳ cựu cũng được hưởng lợi khi trở thành Mentor. Bà Marla Kaplowitz, một trong các Mentor tại First Horizon, chia sẻ: “Việc kết nối với thế hệ trẻ giúp tôi hiểu rõ hơn về cách sử dụng công nghệ mới trong công việc lẫn cuộc sống hằng ngày”.
4.2. Bổ nhiệm người đào tạo nội bộ – Google (Hoa Kỳ)
Trong quá khứ, các công ty tại Mỹ đã từng chi số tiền khổng lồ lên đến hơn 156 tỷ USD cho các chương trình đào tạo nhân sự. Tuy nhiên, phần lớn số tiền này được coi là “đổ sông đổ bể”. Vì sao lại như vậy?
Một số ý kiến cho rằng nguyên nhân gây ra sự lãng phí này là do các chương trình đào tạo không được triển khai hiệu quả, điển hình như mục tiêu đào tạo không rõ ràng, người phụ trách đào tạo không phù hợp, và nội dung đào tạo không thực tế.
Vậy ai mới là người hướng dẫn, đào tạo nhân viên phù hợp nhất? Đừng tìm đâu xa, họ chính là những người tài trong các lĩnh vực tại doanh nghiệp.
Khi Google cần chuyên gia đào tạo kỹ năng bán hàng cho nhân viên mới, họ đã ngay lập tức bổ nhiệm những chuyên viên bán hàng cấp cao hoặc cấp quản lý trong công ty. Phương pháp này không chỉ giúp Google tối ưu chi phí đào tạo mà còn giúp thắt chặt tinh thần đoàn kết cùng hướng đến mục tiêu chung.
5. Quy trình training nhân sự dành cho doanh nghiệp
Bước 1: Xác định nhu cầu training nhân sự
Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong quy trình training nhân sự. Trước khi lên kế hoạch đào tạo, doanh nghiệp cần trả lời các câu hỏi cơ bản sau:
- Đối tượng được đào tạo gồm những ai?
- Cần đào tạo những gì và mục đích cuối cùng để làm gì?
Tiếp theo, người phụ trách công tác sẽ tiến hành trao đổi chi tiết với cấp quản lý để đưa ra quyết định đào tạo hợp lý nhất.
Bước 2: Xây dựng chương trình training nhân sự
Ở bước này, bộ phận Đào tạo và Phát triển (L&D) sẽ tiến hành xây dựng chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Trong kế hoạch training nhân sự, doanh nghiệp cần trả lời được các câu hỏi sau:
- Tên chương trình đào tạo là gì?
- Mục tiêu hoặc kết quả đào tạo cần đạt được?
- Đối tượng được đào tạo là ai?
- Phòng ban, nhân sự phụ trách gồm những ai?
- Nội dung, hình thức đào tạo như thế nào?
- Thời gian, chi phí và địa điểm tổ chức đào tạo?
- Một số điều cần lưu ý?
Chương trình training được xây dựng càng bài bản và cụ thể thì khả năng triển khai thành công càng cao. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần xem xét xem phòng ban nào cần ưu tiên đào tạo trước để không làm ảnh hướng đến năng suất và tiến độ công việc của tập thể.
Bước 3: Triển khai và đánh giá kết quả training
Sau khi đã lên kế hoạch training nhân sự, doanh nghiệp cần phổ biến thông tin chi tiết về chương trình đào tạo cho các bộ phận liên quan. Việc này giúp nhân viên hiểu rõ hơn về ý nghĩa thực sự của công tác huấn luyện và đào tạo.
Công việc tiếp theo là tổ chức hoạt động đào tạo theo kế hoạch đã đề ra. Trong quá trình triển khai đào tạo, doanh nghiệp cần chú ý và theo dõi phản ứng của học viên để điều chỉnh khi cần thiết.
Kết thúc mỗi chương trình đào tạo, doanh nghiệp cần tiến hành phân tích các ý kiến phản hồi từ người học, đánh giá kết quả đạt được cũng như mục tiêu chưa hoàn thành để rút ra bài học kinh nghiệm.
Đọc thêm: Top 10 phần mềm quản lý đào tạo nhân viên (nội bộ doanh nghiệp)
6. Một số sai lầm thường mắc phải trong hoạt động tổ chức training và giải pháp khắc phục
6.1. Chương trình training không phản ánh đúng nhu cầu thực tế của người học
Thông thường, các chương trình training được xây dựng bởi bộ phận Nhân sự – những người không trực tiếp thực hiện các công việc chuyên môn. Do đó, khó tránh khỏi tình trạng chương trình đào tạo không bám sát nhu cầu thực tế của nhân viên.
Điều này sẽ khiến nhân viên cảm thấy áp lực khi họ vừa phải tìm cách hoàn thành công việc vừa phải tốn thời gian để học những kiến thức không liên quan.
Dưới đây là một số cách giúp doanh nghiệp tổ chức chương trình training phù hợp với nhu cầu của nhân viên:
- Nhà quản lý cần tập trung tìm hiểu cảm nhận, suy nghĩ của nhân viên trước khi lên kế hoạch đào tạo và huấn luyện.
- Doanh nghiệp có thể thực hiện một số cuộc khảo sát để nhân viên có cơ hội nói lên tâm tư, nguyện vọng của họ. Đó cũng là bí quyết để giao tiếp hiệu quả và thắt chặt sự gắn kết giữa nhân viên với tổ chức.
- Nội dung đào tạo cần được cập nhật thường xuyên để phù hợp với xu thế thị trường, pháp luật, công nghệ,… Điều này đảm bảo cho nhân viên luôn nhận được những kiến thức mới để xử lý công việc hiệu quả.
6.2. Nội dung training bị quá tải
Trong một doanh nghiệp, mỗi vị trí công việc đòi hỏi những kiến thức, kỹ năng riêng. Vì vậy, việc yêu cầu tất cả nhân viên cùng tham gia một chương trình đào tạo là điều không phù hợp. Mặt khác, việc sắp xếp quá nhiều khóa học trong một khoảng thời gian ngắn có thể tạo ra áp lực cho nhân viên, khiến họ e ngại tham gia.
Để nâng cao hiệu quả đào tạo, doanh nghiệp cần chú ý các điểm sau:
- Sắp xếp các chương trình đào tạo theo thứ tự ưu tiên, bắt đầu với những khóa học quan trọng và cần thiết nhất (đối với mỗi vị trí công việc), tiếp theo là những khóa học quan trọng nhưng chưa thực sự cần thiết, kế đến là những khóa học phát triển kỹ năng cá nhân. Tạm thời, cần loại bỏ những khóa học ít quan trọng hơn.
- Song song với các lớp học truyền thống, doanh nghiệp cũng cần triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến, giúp nhân viên chủ động học tập mọi lúc, mọi nơi.
6.3. Nhân viên chỉ học lý thuyết, không được thực hành
Sự truyền đạt kiến thức một chiều, trong đó người training chỉ nói và người học chỉ ngồi lắng nghe, có thể làm nhân viên mất hứng thú đối với các chương trình đào tạo. Thay vào đó, doanh nghiệp có thể xem xét các phương pháp sau để thúc đẩy sự hứng thú của người học:
- Thiết kế tài liệu đào tạo dưới nhiều hình thức khác nhau như hình ảnh, video, ảnh gif,… hoặc các hình thức sáng tạo khác.
- Tạo ra các tình huống giả định để thúc đẩy sự tương tác và tham gia của nhân viên trong việc giải quyết vấn đề. Điều này sẽ giúp nhân viên rèn luyện các kỹ năng xử lý tình huống, cảm thấy hào hứng hơn trong quá trình tham gia đào tạo.
7. Tạm kết
Trên đây là các thông tin liên quan đến Training là gì tương đối đầy đủ và chi tiết. Hy vọng rằng những kiến thức này sẽ giúp ích cho hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại các tổ chức, doanh nghiệp.
Trong training nội bộ, làm thế nào để thúc đẩy nhân sự chủ động học tập và hỗ trợ đồng nghiệp? Làm thế nào để “tài sản tri thức” quý giá của doanh nghiệp được lưu trữ lâu dài và truyền lại thành công cho các thế hệ tiếp sau? Giải pháp chính là một hệ thống quản trị tri thức 4.0 – Base Square.
Tham khảo tính năng và Đăng ký demo trải nghiệm Base Square NGAY TẠI ĐÂY.