Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của thị trường hiện nay, việc duy trì và phát triển mối quan hệ lâu dài với khách hàng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Và một trong những chỉ số đo lường hiệu quả nhất trong việc đánh giá giá trị của khách hàng chính là Customer Lifetime Value (CLV). Vậy CLV là gì? Tại sao nó lại quan trọng đối với doanh nghiệp? Cùng Base.vn tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Mục lục
Toggle1. CLV là gì?
Customer Lifetime Value (CLV), hay còn gọi là giá trị vòng đời khách hàng, là tổng giá trị kinh tế mà một khách hàng mang lại cho doanh nghiệp trong suốt quá trình họ gắn bó với thương hiệu. Thay vì chỉ xem xét giá trị của từng giao dịch đơn lẻ, CLV tính toán toàn bộ các giao dịch có thể phát sinh trong suốt mối quan hệ với khách hàng và ước lượng lợi nhuận cụ thể từ mỗi người.
CLV không chỉ là một chỉ số tài chính mà còn là công cụ giúp các đội ngũ hỗ trợ khách hàng, chăm sóc khách hàng tác động đến trải nghiệm của khách hàng và hành trình họ đi cùng doanh nghiệp. Giá trị vòng đời của một khách hàng sẽ càng cao khi họ tiếp tục mua sản phẩm hay dịch vụ từ doanh nghiệp, góp phần lớn vào lợi nhuận dài hạn.
2. Tại sao doanh nghiệp cần đo lường chỉ số CLV?
Đo lường Customer Lifetime Value (CLV) giúp doanh nghiệp nhìn nhận chính xác về giá trị mà mỗi khách hàng mang lại, đồng thời đưa ra chiến lược tối ưu hóa lợi nhuận và tăng cường sự trung thành của khách hàng. Một số lợi ích cụ thể khi doanh nghiệp theo dõi và đo lường CLV bao gồm:
Tăng trưởng doanh thu dài hạn
Theo dõi CLV giúp doanh nghiệp xác định nhóm khách hàng đóng góp nhiều nhất vào doanh thu, từ đó tập trung vào việc giữ chân và khuyến khích họ mua sắm thường xuyên hơn. Khi biết rõ giá trị của từng phân khúc khách hàng, doanh nghiệp có thể thiết kế các chiến lược bán thêm (upsell) hoặc bán chéo (cross-sell) phù hợp để tối ưu hóa doanh thu từ các nhóm khách hàng khác nhau.
Nâng cao sự hài lòng và trung thành của khách hàng
CLV cung cấp cái nhìn sâu sắc về hành vi, sở thích và thói quen chi tiêu của khách hàng, giúp doanh nghiệp dễ dàng nhận diện những điểm yếu cần cải thiện trong dịch vụ hoặc sản phẩm. Nếu CLV thấp, doanh nghiệp có thể điều chỉnh chiến lược chăm sóc khách hàng hoặc các chương trình ưu đãi để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của họ, từ đó gia tăng tỷ lệ trung thành.
Nhắm đúng khách hàng lý tưởng
Bằng cách phân tích giá trị vòng đời khách hàng, doanh nghiệp có thể xác định những khách hàng có giá trị cao nhất để điều chỉnh chiến lược tiếp thị. Điều này không chỉ tăng cường hiệu quả tiếp cận mà còn tối ưu hóa nguồn lực, tập trung vào các phân khúc khách hàng có khả năng mang lại lợi nhuận lớn nhất.
Giảm chi phí thu hút khách hàng mới
Chi phí để giữ chân khách hàng hiện tại thường thấp hơn so với việc tìm kiếm khách hàng mới. CLV hỗ trợ doanh nghiệp tập trung nguồn lực vào việc duy trì mối quan hệ với khách hàng hiện tại, từ đó giảm thiểu chi phí tiếp thị và tăng cường sự trung thành. Khi khách hàng hài lòng, họ không chỉ tiếp tục mua sắm mà còn có thể giới thiệu cho người khác, tạo ra giá trị lan tỏa tích cực.
Đơn giản hóa dự báo tài chính
Với chỉ số CLV, doanh nghiệp có thể có cái nhìn rõ ràng về dòng tiền trong tương lai, giúp đưa ra dự báo về doanh thu một cách chính xác hơn. Điều này không chỉ hỗ trợ quản trị tài chính mà còn giúp doanh nghiệp có kế hoạch dài hạn về các yếu tố như tồn kho, nguồn nhân lực và năng lực sản xuất.
Cải thiện sản phẩm và dịch vụ
CLV giúp doanh nghiệp đánh giá được giá trị thực sự mà sản phẩm hoặc dịch vụ mang lại cho khách hàng. Dựa trên các phân tích từ CLV, doanh nghiệp có thể nhận diện những điểm cần điều chỉnh hoặc cải tiến, đáp ứng nhu cầu khách hàng một cách tốt hơn, gia tăng sự hài lòng và giữ chân khách hàng lâu dài.
Nhìn chung, CLV là một công cụ quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp tối ưu hóa lợi nhuận từ khách hàng hiện tại, đồng thời nâng cao hiệu quả trong chiến lược kinh doanh và tiếp thị dài hạn.
Đọc thêm: Khách hàng mục tiêu là gì? Cách xác định và phân tích chính xác
3. Cách tính giá trị vòng đời khách hàng
3.1 Công thức tính giá trị vòng đời khách hàng
Để tính giá trị vòng đời khách hàng (Customer Lifetime Value – CLV), bạn có thể sử dụng công thức sau, trong đó nhân ba yếu tố: giá trị mua hàng trung bình, tần suất mua hàng trung bình và tuổi thọ trung bình của khách hàng.
CLV = CV × ACL
Trong đó:
- CV (Customer Value): Giá trị khách hàng
- ACL (Average Customer Lifespan): Tuổi thọ trung bình của khách hàng, tính theo tháng hoặc năm.
Các bước tính CLV cụ thể
Dưới đây là ví dụ minh họa để giúp bạn tính toán CLV cho một công ty bán hàng trực tuyến.
Bước 1: Tính Giá trị mua hàng trung bình (APV)
Giá trị mua hàng trung bình được tính bằng cách chia tổng doanh thu kiếm được trong một khoảng thời gian cho tổng số lượng đơn hàng trong khoảng thời gian đó.
Công thức: APV = Tổng doanh thu / Tổng số lượng đơn hàng
Ví dụ, nếu công ty của bạn kiếm được 20,000 USD từ 200 đơn hàng trong một tháng, thì:
APV = 20,000 / 200 = 100 USD
Bước 2: Tính Tần suất mua hàng trung bình (APFR)
Tần suất mua hàng trung bình được tính bằng cách chia tổng số lượng đơn hàng cho số lượng khách hàng duy nhất.
Công thức: APFR = Tổng số lượng đơn hàng / Số lượng khách hàng duy nhất
Nếu công ty của bạn có 40 khách hàng, và tổng số lượng đơn hàng của những khách hàng này là 200, thì: APF = 200 / 40 = 5 lần
Bước 3: Tính Giá Trị Khách Hàng (Customer Value – CV)
Sau khi có được APV và APFR, bạn có thể tính được giá trị khách hàng.
CV = APV x APFR
Ví dụ: CV = 100 x 5 = 500 USD
Bước 4: Tính Tuổi thọ trung bình của khách hàng (ACL)
Tuổi thọ trung bình của khách hàng có thể tính bằng cách lấy tổng số tháng (hoặc năm) mà khách hàng duy trì mối quan hệ với công ty, sau đó chia cho số lượng khách hàng.
Công thức:
ACL = Tổng thời gian duy trì của khách hàng / Số lượng khách hàng
Ví dụ, nếu khách hàng trung bình gắn bó với công ty trong 36 tháng (3 năm), thì:
ACL = 36 tháng
Bước 5: Tính Giá trị vòng đời khách hàng (CLV)
Khi có đủ các thành phần trên, bạn có thể tính giá trị vòng đời khách hàng bằng cách nhân tất cả lại với nhau.
Với CV = 500, và ACL = 36 tháng, ta có:
CLV = 500 x 36 = 18000 USD
Như vậy, giá trị vòng đời trung bình của mỗi khách hàng đối với công ty bán hàng trực tuyến này là 18,000 USD.
3.2 Các cách tiếp cận khi tính giá trị vòng đời khách hàng
Có ba phương pháp phổ biến để tính giá trị vòng đời khách hàng: Tiếp cận dựa trên dữ liệu lịch sử (Historical Approach), Tiếp cận dựa trên dự đoán (Predictive Approach), và Tiếp cận truyền thống (Traditional Approach). Mỗi phương pháp có ưu điểm riêng và phù hợp cho các loại hình doanh nghiệp khác nhau.
Tiếp cận dựa trên dữ liệu lịch sử (Historical Approach)
Phương pháp này tập trung vào việc tính toán giá trị vòng đời của khách hàng dựa trên các giao dịch đã xảy ra trong quá khứ, xem xét tổng số tiền mà một khách hàng đã chi tiêu.
Để tính Historical CLV, cần biết:
- Tổng chi tiêu của khách hàng (Purchases): Tổng số tiền mà khách hàng đã chi cho các lần mua hàng.
- Biên lợi nhuận gộp trung bình (Average Gross Margin – AGM): Phần lợi nhuận trong mỗi giao dịch, thường được tính theo phần trăm.
Công thức tính Historical CLV
Historical CLV = (Purchase 1 + Purchase 2 + Purchase 3 + …) x AGM
Ví dụ: Nếu khách hàng đã mua hàng bốn lần, mỗi lần chi 100 USD và AGM là 25%: ( 100 + 100 + 100 + 100 ) x 0.25 = 100 USD
Vậy, Historical CLV của khách hàng này là 100 USD.
Tiếp cận dựa trên dự đoán (Predictive Approach)
Phương pháp này thích hợp cho các doanh nghiệp có chu kỳ mua hàng không ổn định hoặc khi hành vi của khách hàng thường xuyên thay đổi. Phương pháp dự đoán sẽ sử dụng dữ liệu quá khứ để dự đoán giá trị vòng đời khách hàng trong tương lai.
Để tính Predictive CLV, cần biết:
- Số giao dịch trung bình (T): Số lượng giao dịch trung bình mỗi tháng.
- Giá trị đơn hàng trung bình (Average Order Value – AOV): Doanh thu trung bình từ mỗi đơn hàng.
- Biên lợi nhuận gộp trung bình (AGM): Phần lợi nhuận trong mỗi giao dịch.
- Tuổi thọ khách hàng trung bình (Average Lifespan – ALT): Thời gian trung bình khách hàng duy trì mua hàng trước khi rời bỏ.
- Tổng số khách hàng (Total Clients): Số lượng khách hàng trong tháng được phân tích.
Công thức tính Predictive CLV:
Predictive CLV = (T x AOV x AGM x ALT) / Total Clients
Ví dụ: Trong tháng 1, doanh nghiệp có 20 giao dịch, AOV là 100 USD, AGM là 25%, ALT là 24 tháng, và 5 khách hàng: (20 x 100 x 0.25 x 24) / 5 = 2400 USD
Predictive CLV cho tháng đó là 2,400 USD.
Tiếp cận truyền thống (Traditional Approach)
Đây là phương pháp thường được sử dụng nhiều nhất, dựa trên biên lợi nhuận của từng khách hàng, tỷ lệ giữ chân khách hàng và tỷ lệ chiết khấu.
Để tính Traditional CLV, cần biết:
- Biên lợi nhuận trong vòng đời khách hàng (Gross Margin per Lifespan – GML): Lợi nhuận kỳ vọng từ một khách hàng trong suốt thời gian họ duy trì với doanh nghiệp.
- Tỷ lệ giữ chân khách hàng hàng tháng (Retention Rate – R): Tỷ lệ phần trăm khách hàng duy trì mua hàng so với tháng trước.
- Tỷ lệ chiết khấu (Discount Rate – D): Thường đặt ở mức 10%, nhằm tính toán đến yếu tố lạm phát và giảm giá trị thời gian.
Công thức tính Traditional CLV:
Traditional CLV = GML x ( R / 1+D-R)
Ví dụ: Nếu GML là 2,000 USD và tỷ lệ giữ chân khách hàng là 75%: 2000 x ( 0.75 / 1+0.10-0.75) = 800 USD.
Vậy, Traditional CLV là 800 USD.
4. Áp dụng công nghệ vào tính toán CLV
Việc tính toán và phân tích CLV (Customer Lifetime Value) một cách chính xác và hiệu quả đòi hỏi doanh nghiệp phải tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ. Dưới đây là một số cách mà công nghệ có thể hỗ trợ trong việc tính toán và ứng dụng CLV:
Hệ thống CRM (Customer Relationship Management): Đóng vai trò trung tâm trong việc tính toán CLV bằng cách tập trung toàn bộ dữ liệu khách hàng. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể phân tích hành vi mua sắm, dự đoán xu hướng và đưa ra các quyết định kinh doanh dựa trên dữ liệu thực tế, tối ưu hóa giá trị mà mỗi khách hàng mang lại.
Công cụ BI (Business Intelligence): Công cụ BI giúp doanh nghiệp biến dữ liệu khách hàng thành những thông tin hữu ích, trực quan. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể dễ dàng phân tích hành vi mua sắm, dự báo xu hướng và đưa ra quyết định kinh doanh dựa trên dữ liệu thực tế, tối ưu hóa giá trị vòng đời khách hàng (CLV).
Google Analytics: Google Analytics không chỉ đơn thuần là một công cụ để đo lường lưu lượng truy cập website, mà còn là một công cụ mạnh mẽ để tính toán và phân tích giá trị vòng đời khách hàng (CLV). Với khả năng theo dõi hành trình của khách hàng từ lần truy cập đầu tiên cho đến khi thực hiện giao dịch, Google Analytics cung cấp những thông tin chi tiết về hành vi mua sắm, sở thích và các tương tác của khách hàng với website.
Đọc thêm: Phần mềm CRM là gì? Top 13 phần mềm CRM tốt nhất hiện nay
5. 5 cách giúp tăng giá trị vòng đời khách hàng
5.1 Tập trung làm tốt chất lượng sản phẩm/dịch vụ
Nâng cao chất lượng sản phẩm là cách cơ bản và hiệu quả nhất để gia tăng giá trị vòng đời khách hàng. Sản phẩm chất lượng cao sẽ khiến khách hàng hài lòng, từ đó thúc đẩy khả năng quay lại mua hàng trong tương lai. Việc này không chỉ giúp giữ chân khách hàng mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh, thuyết phục khách hàng lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp thay vì các đối thủ.
Chiến lược khác biệt hóa – tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ độc đáo – cũng góp phần gia tăng sự trung thành của khách hàng. Khi sản phẩm có giá trị độc đáo theo cảm nhận của họ, khách hàng sẽ muốn tiếp tục mua sắm và gắn bó lâu dài, từ đó tăng hiệu quả giá trị vòng đời khách hàng một cách bền vững.
Ví dụ: Một thương hiệu mỹ phẩm đầu tư vào các thành phần thiên nhiên an toàn và hiệu quả, giúp khách hàng hài lòng và dễ dàng trở thành khách hàng trung thành, đồng thời khuyến khích họ giới thiệu sản phẩm đến người thân và bạn bè.
5.2 Mang đến trải nghiệm khách hàng tuyệt vời
Chất lượng dịch vụ khách hàng không chỉ là chi phí mà còn là khoản đầu tư quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển và tăng khả năng giữ chân khách hàng. Một dịch vụ kém chất lượng có thể khiến khách hàng tìm đến đối thủ khác, với dữ liệu cho thấy có đến một phần ba người tiêu dùng có khả năng chuyển đổi thương hiệu chỉ sau một lần trải nghiệm dịch vụ tồi.
Ngược lại, khi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khách hàng tốt, trải nghiệm khách hàng sẽ được cải thiện đáng kể. Khách hàng hài lòng sẽ có nhiều khả năng trở thành khách hàng trung thành và tiếp tục quay lại trong tương lai, gia tăng giá trị vòng đời khách hàng.
Dưới đây là một số gợi ý cụ thể giúp doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng đầu và tăng khả năng giữ chân khách hàng:
- Cung cấp hỗ trợ đa kênh: Đảm bảo khách hàng có thể dễ dàng liên hệ qua nhiều kênh khác nhau như điện thoại, email, mạng xã hội và chat trực tiếp.
- Dịch vụ hỗ trợ 24/7: Sẵn sàng hỗ trợ mọi lúc, giúp khách hàng cảm thấy được quan tâm và hỗ trợ bất kể thời gian nào.
- Phản hồi nhanh chóng trên mạng xã hội: Khi khách hàng nhận được phản hồi nhanh, họ sẽ cảm thấy doanh nghiệp thực sự lắng nghe và quan tâm đến nhu cầu của mình.
- Cung cấp tài liệu hướng dẫn: Xây dựng hệ thống câu hỏi thường gặp và các tài liệu hướng dẫn giúp khách hàng tự giải quyết vấn đề cơ bản nhanh chóng.
Nếu khách hàng có những trải nghiệm tích cực, khả năng cao họ sẽ quay lại, trở thành khách hàng trung thành và dễ dàng giới thiệu thương hiệu của doanh nghiệp cho người khác. Đây là chìa khóa để xây dựng mối quan hệ bền vững và nâng cao giá trị vòng đời khách hàng.
Ví dụ: Một công ty thương mại điện tử nhận thấy khách hàng hay gặp khó khăn khi thực hiện đổi trả hàng. Để cải thiện, họ triển khai dịch vụ hỗ trợ 24/7 và bổ sung tính năng chat trực tiếp với nhân viên chăm sóc khách hàng. Kết quả là tỷ lệ hài lòng của khách hàng tăng đáng kể, nhiều khách hàng tiếp tục mua sắm và giới thiệu dịch vụ cho bạn bè, từ đó tăng giá trị vòng đời khách hàng một cách rõ rệt.
5.3 Remarketing để chăm sóc khách hàng cũ
Remarketing là chiến lược hiệu quả giúp doanh nghiệp duy trì mối liên hệ với khách hàng cũ và khuyến khích họ quay lại mua sắm. Bằng cách nhắm đến những khách hàng đã từng tương tác với sản phẩm hoặc dịch vụ, doanh nghiệp có thể tăng khả năng chuyển đổi và gia tăng giá trị vòng đời của khách hàng.
Dưới đây là một số phương pháp remarketing hiệu quả:
- Quảng cáo nhắm lại: Sử dụng quảng cáo trực tuyến để tiếp cận lại khách hàng đã truy cập trang web nhưng chưa hoàn tất giao dịch. Họ sẽ thấy quảng cáo của bạn trên các nền tảng khác, nhắc nhở họ về sản phẩm mà họ quan tâm.
- Email chăm sóc: Gửi email nhắc nhở cho những khách hàng đã rời bỏ giỏ hàng hoặc chưa mua hàng trong một thời gian dài. Cung cấp ưu đãi đặc biệt hoặc thông tin về sản phẩm mới có thể thu hút họ quay lại.
- Nội dung cá nhân hóa: Cung cấp nội dung phù hợp với sở thích của khách hàng dựa trên lịch sử mua sắm của họ. Điều này không chỉ tạo sự gắn bó mà còn giúp khách hàng cảm thấy được quan tâm.
- Khuyến mãi đặc biệt: Tạo ra các chương trình khuyến mãi độc quyền cho khách hàng cũ như giảm giá, quà tặng kèm, hoặc sự kiện VIP để khuyến khích họ quay lại.
Ví dụ: Một cửa hàng mỹ phẩm có thể chạy quảng cáo trên Facebook cho những người đã xem sản phẩm nhưng chưa mua. Họ cũng có thể gửi email thông báo về các sản phẩm mới hoặc ưu đãi đặc biệt dành riêng cho khách hàng đã từng mua hàng trong quá khứ, từ đó tạo động lực cho khách hàng quay lại trải nghiệm sản phẩm.
Đọc thêm: Chăm sóc khách hàng là gì? Tầm quan trọng đối với doanh nghiệp
5.4 Sử dụng các hình thức upsell và bán chéo (cross selling)
Một phương pháp hiệu quả để gia tăng giá trị trọn đời của khách hàng là áp dụng các chiến lược upsell và cross-sell. Mục tiêu của hai hình thức này là giúp khách hàng có được những giải pháp tối ưu hơn trong khi đồng thời tăng giá trị trung bình của mỗi đơn hàng và thậm chí là tần suất mua hàng.
Khi bạn giới thiệu cho khách hàng một sản phẩm hoặc dịch vụ bổ trợ cho sản phẩm họ đã chọn, hoặc đưa ra các lựa chọn tốt hơn với mức giá cao hơn và lợi ích nhiều hơn, cơ hội tăng doanh thu sẽ được nâng cao. Upsell và cross-sell là hai cách tiếp cận đơn giản nhưng hiệu quả giúp tăng số tiền mà khách hàng chi tiêu cho doanh nghiệp.
Dưới đây là một số mẹo để thực hiện upsell và cross-sell hiệu quả với khách hàng hiện tại:
- Tạo gói sản phẩm: Gom nhóm các sản phẩm hoặc dịch vụ liên quan và bán theo combo với giá ưu đãi so với việc mua riêng lẻ. Cách này giúp khách hàng có thêm giá trị với mức giá tốt hơn, đồng thời tăng giá trị đơn hàng.
- Sử dụng tiện ích hiển thị sản phẩm phổ biến: Bạn có thể đặt danh sách các sản phẩm phổ biến ở thanh bên, giúp khách hàng dễ dàng tham khảo khi họ đang duyệt trang web.
- Đề xuất sản phẩm bổ trợ khi thanh toán: Đưa ra các sản phẩm phù hợp với sản phẩm chính của khách hàng ngay khi họ sắp hoàn tất giao dịch, điều này giúp khách hàng dễ dàng nhận thêm giá trị từ những sản phẩm hỗ trợ.
- Giao hàng miễn phí với mức chi tiêu tối thiểu: “Miễn phí” luôn thu hút người mua, đặc biệt là miễn phí giao hàng cho các đơn hàng từ một mức giá nhất định. Điều này khuyến khích khách hàng mua thêm để đạt ngưỡng miễn phí, tăng giá trị đơn hàng mà không khiến họ phải trả thêm phí vận chuyển.
- Giới hạn số lượng đề xuất: Tránh đưa ra quá nhiều gợi ý khiến khách hàng choáng ngợp. Chỉ nên giới thiệu 2-3 sản phẩm có liên quan để khách hàng dễ dàng đưa ra quyết định.
Ví dụ: Một cửa hàng trực tuyến bán dụng cụ tập luyện có thể áp dụng cross-sell bằng cách đề xuất các phụ kiện như khăn lau thấm mồ hôi, bình nước hoặc dây kháng lực khi khách hàng chọn mua thảm tập yoga. Ngoài ra, họ có thể sử dụng upsell bằng cách giới thiệu loại thảm yoga chất lượng cao hơn, với tính năng chống trượt và bền bỉ hơn, giúp khách hàng cảm thấy được đáp ứng nhiều hơn mà vẫn dễ dàng quyết định.
5.5 Xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng
Xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng là yếu tố quan trọng giúp tăng cường sự trung thành và tạo giá trị bền vững cho doanh nghiệp. Các chương trình và ưu đãi dành cho khách hàng trung thành không chỉ làm tăng sự hài lòng mà còn khuyến khích họ quay lại mua sắm nhiều hơn.
Một số cách hiệu quả để xây dựng mối quan hệ này:
- Chương trình khách hàng thân thiết: Tạo hệ thống điểm thưởng cho mỗi lần mua hàng, giúp khách hàng tích lũy điểm để đổi quà hoặc giảm giá.
- Ưu đãi sinh nhật: Gửi ưu đãi đặc biệt vào dịp sinh nhật của khách hàng để thể hiện sự quan tâm và tạo cảm giác đặc biệt.
- Khảo sát phản hồi: Lắng nghe ý kiến khách hàng qua khảo sát để cải thiện dịch vụ và tạo cảm giác họ có tiếng nói trong doanh nghiệp.
- Chương trình giới thiệu: Khuyến khích khách hàng giới thiệu bạn bè bằng cách tặng ưu đãi cho cả hai bên khi giao dịch thành công.
- Nội dung độc quyền: Cung cấp quyền truy cập vào thông tin sớm và nội dung độc quyền cho khách hàng trung thành để tạo động lực cho họ quay lại.
Ví dụ: Một cửa hàng thời trang có thể thiết lập chương trình khách hàng thân thiết, nơi khách hàng nhận 1 điểm cho mỗi 10.000 VNĐ chi tiêu và khi đủ 100 điểm sẽ nhận phiếu giảm giá 20% cho lần mua sau. Cửa hàng cũng có thể gửi email chúc mừng sinh nhật kèm mã giảm giá 30% để khuyến khích khách hàng mua sắm.
Đọc thêm: Customer Centric là gì? Tư duy lấy khách hàng làm trọng tâm
6. Kết luận
Hy vọng rằng với những thông tin trên, bạn sẽ hiểu rõ hơn về CLV là gì và tầm quan trọng của nó trong chiến lược phát triển doanh nghiệp. Bằng cách áp dụng công thức tính và triển khai các chiến lược tối ưu hóa, doanh nghiệp không chỉ gia tăng giá trị khách hàng mà còn xây dựng mối quan hệ bền vững và tạo ra lợi nhuận ổn định. Hãy bắt tay vào việc khai thác giá trị vòng đời khách hàng ngay hôm nay để thúc đẩy sự phát triển lâu dài cho doanh nghiệp!