Khi đi tìm việc, người lao động thường quan tâm nhiều về các chế độ phúc lợi của công ty bên cạnh các yếu tố như lương, thưởng. Có nhiều ứng viên chấp nhận làm ở một doanh nghiệp có mức lương không quá cao nhưng phúc lợi tốt thay vì làm một công ty lương cao nhưng không có nhiều đãi ngộ. Điều này cho thấy, việc xây dựng chế độ phúc lợi tốt để thu hút cũng như giữ chân nhân tài điều mà doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng.
Cùng Base.vn tìm hiểu chi tiết hơn về phúc lợi là gì, cùng một số xu hướng phúc lợi hấp dẫn nhất trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Toggle1. Phúc lợi là gì?
1.1. Khái niệm phúc lợi
Phúc lợi nhân viên tiếng Anh là Employee benefit. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) định nghĩa phúc lợi là các loại cơ sở vật chất, dịch vụ, tiện nghi được xây dựng theo cam kết nhằm tạo điều kiện để người lao động có thể làm việc trong môi trường lành mạnh. Bên cạnh đó, nhân viên có thể tận dụng các lợi ích sẵn có để cải thiện sức khỏe, tinh thần cũng như năng suất làm việc.
Trong quản trị nhân sự, phúc lợi là thuật ngữ chỉ phần thù lao gián tiếp được trả dưới dạng các hỗ trợ về cuộc sống của người lao động. Nó bao gồm các chính sách, bảo hiểm liên quan đến sức khỏe, sự an toàn về môi trường làm việc của người lao động. Hiện nay, bên cạnh các quyền lợi mà nhân viên được hưởng theo quy định của Pháp luật, nhiều công ty cũng xây dựng thêm các đãi ngộ khác theo văn hóa, khả năng doanh nghiệp để đảm bảo đời sống cho nhân viên.
Các khoản phúc lợi công ty thường chiếm khoảng 30% thù lao tài chính của người lao động. Một số công ty hiện tại có xu hướng tăng thêm các phúc lợi để thu hút nhân tài, đồng thời giữ chân các chuyên gia, chuyên viên cao cấp cho tổ chức.
1.2. Quỹ phúc lợi là gì?
Tất cả doanh nghiệp đều có những khoản quỹ riêng để đảm bảo chi trả cho phúc lợi nhân viên trong công ty, được gọi là quỹ phúc lợi. Các khoản này thường được chi trả trực tiếp cho người lao động, có hóa đơn, chứng từ theo quy định, cụ thể:
- Quỹ phúc lợi cho các khoản hiếu, hỷ của bản thân cũng như gia đình nhân viên
- Quỹ lương cho các hoạt động công tác, đào tạo, bổ sung kiến thức, kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ nhân viên trong doanh nghiệp
- Quỹ phúc lợi cho các hoạt động nghỉ mát, team building, nghỉ dưỡng sức,…
- Chi phí hỗ trợ bản thân nhân viên hoặc người thân phải chịu ảnh hưởng từ ốm đau, bệnh tật, tai nạn, thiên tai,…
- Chi phí đi lại vào ngày lễ, tết của người lao động
- Quỹ phúc lợi cho các khoản khen thưởng nhân viên có thành tích xuất sắc hoặc con cái của nhân sự có thành tích tốt trong học tập
Các khoản chi trích từ quỹ phúc lợi nhân viên không được vượt quá 01 tháng lương bình quân của người lao động trong năm.
2. Tại sao doanh nghiệp cần xây dựng chế độ phúc lợi?
2.1. Ý nghĩa với người lao động
Chế độ phúc lợi có nhiều ý nghĩa đối với nhân viên trong doanh nghiệp, cụ thể:
- Chính sách phúc lợi tốt giúp nhân viên nhận được các khoản tiền trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các dịch vụ, bảo hiểm, phúc lợi mà công ty cung cấp…. từ đó mức sống của nhân viên được nâng cao.
- Việc doanh nghiệp chú trọng vào các chế độ phúc lợi giúp nhân viên giảm lo âu, căng thẳng, tinh thần tốt hơn, qua đó tăng năng suất và hiệu quả công việc. Nhân viên cũng hài lòng hơn với tổ chức vì họ cùng gia đình được bảo vệ và hỗ trợ tối đa khi cần.
- Yếu tố sức khỏe thể chất của nhân sự được chú trọng, họ được chăm sóc y tế đúng lúc, kịp thời sẽ giảm thiểu tình trạng nghỉ ốm, đảm bảo tập trung tốt hơn cho công việc.
- Thúc đẩy môi trường làm việc bình đẳng, lành mạnh, ổn định, giúp mối quan hệ giữa các nhân viên với nhau và giữa nhân viên với doanh nghiệp tốt đẹp hơn.
- Nhân viên yên tâm làm việc, cống hiến cho công ty, có cơ hội cải thiện các kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm, phấn đấu hơn để thăng tiến và phát triển.
2.2. Ý nghĩa đối với doanh nghiệp
Chính sách phúc lợi tốt giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro với chi phí thấp, giảm gánh nặng tài chính, cụ thể:
- Doanh nghiệp dễ dàng thu hút được ứng viên tài năng nhờ chính sách phúc lợi tốt, nhân viên trong công ty cũng sẽ gắn bó lâu dài hơn, qua đó giảm thiểu chi phí và thời gian tuyển dụng nhân sự.
- Phúc lợi tốt giúp doanh nghiệp bồi dưỡng lực lưỡng lao động. Khi toàn bộ chính sách an sinh cho bản thân và gia đình được đảm bảo, nhân viên sẽ yên tâm làm việc, đạt được hiệu quả cao trong công việc, đồng thời tăng sự hài lòng của nhân viên với tổ chức.
- Người lao động cảm thấy được quan tâm và tôn trọng, họ có niềm tin cũng như lòng trung thành với tổ chức. Đây là yếu tố quan trọng để giúp lan tỏa văn hóa doanh nghiệp và giúp công ty phát triển bền vững trong bối cảnh thị trường cạnh tranh lớn như hiện nay.
Đọc thêm: HR là gì? 7 chức năng chính của bộ phận Nhân sự
3. Phúc lợi nhân viên bao gồm những gì?
3.1. Phúc lợi bắt buộc
Chế độ phúc lợi bắt buộc là các phúc lợi tối thiểu mà doanh nghiệp phải có theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Bộ Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội Việt Nam, phúc lợi bắt buộc cho người lao động gồm 5 chế độ bảo hiểm xã hội – là những phúc lợi tối thiểu để đảm bảo vật chất, tinh thần cho người lao động và người thân trong gia đình:
- Trợ cấp ốm đau: Đây là khoản trợ cấp khi người lao động không may bị ốm đau, phải nhập viện và không thể tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Trợ cấp tai nạn lao động: Khoản này được chi trả nếu người lao động không may bị tai nạn trong quá trình làm việc, đặc biệt là với những công việc nguy hiểm.
- Chế độ thai sản: Khoản phụ cấp cho lao động nữ trong 6 tháng nghỉ thai sản để nuôi con. Ngoài ra, còn có các khoản phụ cấp dưỡng sức sau sinh để giúp nhân viên yên tâm làm việc.
- Chế độ hưu trí: Doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên để nhân viên được hưởng chế độ sau khi hết tuổi lao động, nhằm đảm bảo nhu cầu sống cơ bản ở người già và chi phí chăm sóc y tế.
- Tử tuất: Chế độ này cũng liên quan đến việc doanh nghiệp thực hiện đóng bảo hiểm xã hội cho lao động trong công ty.
Doanh nghiệp sẽ trích một phần chi phí doanh nghiệp, và đồng thời trích một phần tiền lương của người lao động để cùng đóng vào quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH, tỷ lệ trích bảo hiểm cụ thể như sau:
Các khoản bảo hiểm trích theo lương | Trích vào chi phí của doanh nghiệp | Trích vào lương của người lao động | Tổng |
1. Bảo hiểm xã hội (BHXH) | 17.5% | 8% | 25.5% |
2. Bảo hiểm y tế (BHYT) | 3% | 1.5% | 4.5% |
3. Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) | 1% | 1% | 2% |
Tổng các khoản bảo hiểm | 21.5% | 10.5% | 32% |
Như vậy, hằng tháng doanh nghiệp cần đóng BHXH với tỷ lệ 32%. Trong đó, doanh nghiệp chịu 21,5%, và người lao động chịu 10,5%.
3.2. Phúc lợi tự nguyện
Đây là phúc lợi mà doanh nghiệp tự đưa ra theo văn hóa cũng như khả năng tài chính của mình. Có thể chia phúc lợi tự nguyện thành 2 nhóm là trả trực tiếp bằng tiền mặt và cung cấp bằng hình thức gián tiếp.
Phúc lợi trả bằng tiền mặt:
- Chế độ lương thưởng: Ngoài mức lương cố định hàng tháng, doanh nghiệp sẽ có quy định về khoản thưởng khi có thành tích tốt, thưởng vượt hiệu suất, thưởng sáng kiến hay,… Ví dụ, nếu nhân viên kinh doanh tại công ty A mang về doanh số bán hàng là 100 triệu đồng, công ty có thể thưởng nóng 5 triệu đồng.
- Trợ cấp ăn trưa, đi lại: Nhiều doanh nghiệp sẽ có những khoản hỗ trợ ăn trưa, đi lại để hỗ trợ thêm cho cuộc sống của nhân viên. Mức hỗ trợ này thường sẽ khoảng từ 500.000đ – 1.000.000đ tùy theo từng công ty.
- Trợ cấp nuôi con nhỏ: Nuôi con nhỏ không phải là điều dễ dàng, một số doanh nghiệp thường chi thêm khoản này để hỗ trợ nhân viên một phần nào đó trong quá trình nuôi con.
- Thưởng ngày lễ: Các dịp lễ lớn như 30/4, 2/9, Tết dương lịch,… công ty sẽ chi thưởng để khích lệ tinh thần làm việc của nhân viên.
- Thưởng Tết: Vào dịp Tết dương lịch, công ty thường thưởng Tết ít nhất 1 tháng lương theo thời gian cống hiến của nhân viên, giúp nhân viên cảm thấy được ghi nhận và nỗ lực làm việc hơn nữa.
- Tăng lương hàng năm: Công ty có thể định kỳ tăng lương 1 hoặc 2 lần/năm. Thậm chí có những doanh nghiệp sẽ tăng lương ngay khi nhân viên có thành tích xuất sắc.
Phúc lợi cung cấp bằng hình thức gián tiếp
Có nhiều phúc lợi không được chi trả bằng tiền nhưng cũng mang lại giá trị, và có ý nghĩa lớn trong việc tạo động lực nhân viên:
- Bảo hiểm cao cấp cho nhân viên và người thân: Nhiều doanh nghiệp hiện đại đã áp dụng phúc lợi mua bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên, và thậm chí hỗ trợ cho cả gia đình của nhân viên.
- Nghỉ phép năm: Hiện tại có nhiều doanh nghiệp quy định nhân viên có tổng cộng 15 – 20 ngày phép/năm, và được nghỉ phép vào ngày sinh nhật.
- Du lịch, team-building: Việc này có thể được làm định kỳ theo quý hoặc theo năm để gắn kết nhân sự, đồng thời giúp nhân viên có những khoảng thời gian được nghỉ ngơi. Công ty có thể team-building từng phòng ban theo từng quý, còn với tổng công ty thì 1 năm/lần.
- Khám sức khỏe định kỳ: Phúc lợi tự nguyện này giúp nhân viên có một sức khỏe tốt, yên tâm làm việc tại công ty. Nếu có điều kiện, công ty sẽ đăng ký khám sức khỏe cho nhân viên tại những bệnh viện lớn, chất lượng cao.
- Các phúc lợi khác: Đào tạo nội bộ hàng tháng, thưởng cổ phiếu công ty, hỗ trợ ăn sáng, ăn nhẹ mỗi chiều, tặng vé xem phim hàng tháng, tặng các gói tập gym, spa, chăm sóc sức khỏe tinh thần,…
4. Quy trình xây dựng phúc lợi nhân viên
Bước 1. Xác định mục tiêu và ngân sách
Để xây dựng được phúc lợi người lao động thu hút và hợp lý, doanh nghiệp cần xác định rõ ràng mục tiêu và ngân sách thực hiện. Theo đó, các chiến lược kinh doanh và chiến lược nhân sự toàn diện sẽ là tiền đề để doanh nghiệp hoạch định được các thông tin kế hoạch, và xác định được mục tiêu tổng thể.
Cần lưu ý rằng mục tiêu này là không cố định và phải được đánh giá, sửa đổi liên tục, nhằm đáp ứng chiến lược sử dụng người lao động của doanh nghiệp cũng như nhu cầu của nhân viên trong công ty.
Khi đã có kế hoạch và mục tiêu cụ thể, phòng nhân sự sẽ xác định ngân sách có thể sử dụng để chi trả cho những phúc lợi này, sao cho đảm bảo có lợi cho nhân viên và mang đến sự tăng trưởng cho doanh nghiệp.
Bước 2. Khảo sát nhu cầu nhân viên
Vì phúc lợi được xây dựng nhằm mục đích giúp người lao động có một cuộc sống tốt hơn, do đó cần khảo sát nhu cầu của nhân viên về các phúc lợi mong muốn nhận được. Doanh nghiệp phải thật sự hiểu nhân viên đang làm gì, họ cần gì, họ mong muốn sẽ nhận được những gì. Hãy dùng các hình thức khảo sát đa dạng như bảng hỏi, phỏng vấn 1:1, phỏng vấn nhóm, theo dõi hành vi người lao động,…
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể tham khảo các phúc lợi mà đối thủ cạnh tranh đang áp dụng. Đây là cách để biết được thị trường hiện tại như thế nào, ứng viên/nhân viên mong muốn điều gì để có những điều chỉnh phù hợp.
Bước 3. Xây dựng chế độ phúc lợi
Sau khi đã có mục tiêu, ngân sách và hiểu được những mong muốn của nhân viên, đã đến lúc bắt tay vào việc xây dựng phúc lợi cho người lao động.
Trước tiên, doanh nghiệp cần đảm bảo chế độ phúc lợi tuân thủ đúng quy định của pháp luật về những phúc lợi bắt buộc. Tiếp theo, hãy lựa chọn các phúc lợi tự nguyện dựa theo nhu cầu nhân viên cũng như thực trạng hiện tại của doanh nghiệp.
Khi xây dựng chế độ phúc lợi, hãy thử trả lời một số câu hỏi như:
- Phương pháp này có tốn nhiều chi phí không, nó mang lại kết quả gì.
- Có nên loại bỏ bớt một vài phúc lợi được ít nhân viên lựa chọn?
- Có giải pháp nào khác để tối ưu chi phí không?
- Phúc lợi như vậy có phù hợp với mức lương thưởng hiện tại của nhân viên hay không?
Khi trả lời được những câu hỏi này, bạn sẽ lên được khung kế hoạch và xây dựng, thiết kế được chế độ đãi ngộ phù hợp cho đội ngũ nhân viên trong công ty.
Bước 4. Thông báo và triển khai
Việc truyền thông toàn bộ thông tin về phúc lợi trong tổ chức là rất quan trọng. Truyền thông đúng – đủ giúp nhân viên nắm rõ các lợi ích và quyền lợi của mình khi đi làm, ủng hộ doanh nghiệp và các chính sách mà doanh nghiệp đã nỗ lực xây dựng. Còn nếu không có sự ủng hộ từ nhân viên, thì dù kế hoạch có hoàn hảo bao nhiêu cũng đều là vô nghĩa.
Cũng đừng quên thu thập những phản hồi, đánh giá của nhân viên để có thể cải tiến những điểm chưa phù hợp, giúp nhân viên hài lòng, qua đó giữ chân được nhân tài cho doanh nghiệp.
Khi truyền thông về phúc lợi, bạn có thể thiết lập một số mục tiêu như:
- Tạo nhận thức về các phúc lợi mới hoặc hiện có cho nhân viên
- Cung cấp cho nhân viên thông tin về phúc lợi
- Khuyến khích nhân viên hiểu và sử dụng phúc lợi hiệu quả
Bước 5. Đánh giá hiệu quả của chính sách phúc lợi
Những thay đổi từ thị trường, nền kinh tế, môi trường pháp lý… đều tạo ra những ảnh hưởng đến gói phúc lợi. Bởi vậy, doanh nghiệp cần định kỳ xem xét lại các chương trình phúc lợi đã đáp ứng được mục tiêu của công ty cũng như nhu cầu của nhân viên hay chưa. Trong các trường hợp cần thiết, có thể sẽ cần xem xét và điều chỉnh lại sao cho phù hợp để giúp nhân viên hài lòng, yên tâm làm việc và cống hiến.
5. Các yếu tố ảnh hưởng tới việc cung cấp phúc lợi công ty
Quy định pháp luật: Pháp luật có quy định về những quyền lợi tối thiểu mà người lao động được hưởng. Ngoài ra, trong các Nghị định, Thông tư cũng có những hướng dẫn, bổ sung, sửa đổi các thông tin. Nếu như có thay đổi, doanh nghiệp cần nắm bắt ngay để điều chỉnh, bổ sung các phúc lợi phù hợp cho nhân viên.
Quy mô, ngành nghề của doanh nghiệp: Các doanh nghiệp lớn sẽ có nhiều phúc lợi đảm bảo đời sống cho nhân viên hơn là các doanh nghiệp nhỏ. Ngoài ra, các công ty mà người lao động phải làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm sẽ có những khoản hỗ trợ tốt hơn để bù đắp những rủi ro về tai nạn nghề nghiệp.
Kết quả kinh doanh thực tế: Kết quả kinh doanh là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến mức lương thưởng và đãi ngộ của công ty cho người lao động. Nếu doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt thì sẽ cung cấp cho nhân viên những phúc lợi tuyệt vời. Còn nếu không may tình hình kinh doanh khó khăn, lợi nhuận không nhiều thì việc hạn chế phúc lợi là điều không thể tránh khỏi.
Ban lãnh đạo có tâm, có tầm: Để xây dựng được chế độ phúc lợi tốt cho nhân viên, quan trọng nhất vẫn là ở ban lãnh đạo. Nếu lãnh đạo có tâm, có tầm thì sẽ quan tâm nhiều đến đời sống nhân viên và chú trọng vào việc xây dựng, phát triển hệ thống phúc lợi. Họ cũng sẽ hiểu tầm quan trọng của đãi ngộ trong việc thu hút, giữ chân người tài nên sẽ lấy nhân viên là trọng tâm để đưa ra những phúc lợi tốt nhất.
Công đoàn cơ sở hoạt động tích cực: Công đoàn là tiếng nói của người lao động, đảm bảo mọi quyền lợi cho nhân viên. Họ có thể tham gia vào việc xây dựng, đề xuất các phúc lợi phù hợp và giám sát doanh nghiệp thực hiện các chế độ đãi ngộ. Qua đó giúp đảm bảo quyền lợi của người lao động trước mọi hoàn cảnh. Có một số công ty chưa có công đoàn thì quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế.
Đọc thêm: EVP (Employee Value Proposition) là gì? Hướng dẫn xây dựng EVP cho doanh nghiệp
6. Ví dụ về chế độ phúc lợi của một số doanh nghiệp Việt Nam
6.1. Phúc lợi cho nhân viên Vinamilk
Vinamilk là doanh nghiệp với lịch sử hơn 45 năm. Để thu hút và giữ chân nhân tài, công ty đã cung cấp gói phúc lợi toàn diện và hấp dẫn cho nhân viên, cụ thể:
- Vinamilk cho phép nhân viên làm việc remote, không cần đến công ty, chỉ cần đạt hiệu quả làm việc cao. Ngoài ra, nhân viên được đăng ký thời gian làm việc linh hoạt để có thể có thêm thời gian cho gia đình cũng như bản thân.
- Nhân viên của Vinamilk có số ngày nghỉ phép năm nhiều hơn 12, tùy thuộc vào thời gian nhân sự đó gắn bó với công ty.
- Công ty xây dựng hồ bơi, phòng tập yoga,… để giúp nhân viên có những giây phút thư giãn sau giờ làm việc căng thẳng.
- Mức thưởng tại Vinamilk cũng rất cao với các khoản như: Thưởng hiệu quả công việc, thưởng doanh số, thưởng cuối năm,…
6.2. Phúc lợi cho nhân viên TH True Milk
Người lao động tại TH True Milk được chăm lo và cung cấp nhiều đãi ngộ tốt để giúp nhân viên phát triển và yên tâm làm việc:
- Nhân viên được cung cấp bữa ăn dinh dưỡng, detox đầu tuần, các chương trình tư vấn sống xanh, bỏ thuốc lá,….
- Có các câu lạc bộ về trồng cây, chạy bộ, đọc sách, đánh cầu lông,… để nhân viên có thể tham gia.
- Nhân viên được chăm sóc sức khỏe tinh thần, sức khỏe trí tuệ, sức khỏe thể chất,… thông qua các hoạt động thể dục giữa giờ, happy hour.
- Các chế độ về lương, thưởng tại TH True Milk chưa bao giờ là điều mà nhân viên phải bận tâm bởi luôn ở top cao so với doanh nghiệp cùng ngành.
6.3. Phúc lợi cho nhân viên Viettel
Viettel là công ty luôn lọt top doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất châu Á ngành công nghệ thông tin, bởi nhiều đãi ngộ tuyệt vời cho nhân viên như:
- Viettel luôn thưởng cao vào những ngày lễ lớn như: 2/9, 30/4, ngày sinh nhật công ty, ngày Tết Dương lịch, Tết Âm lịch,… các khoản thưởng sáng kiến, thưởng theo mức độ hoàn thành dự án,…
- Viettel luôn dành chi phí khám sức khỏe cho cán bộ nhân viên cao gấp 4 lần so với các công ty khác, đảm bảo nhân viên có sức khỏe tốt để làm việc.
- Thời gian Covid-19, công ty hỗ trợ tiền lương cho lao động phải dừng công việc và vẫn đóng bảo hiểm toàn bộ cho nhân viên, thời gian này người lao động cũng nhận nhiều khoản hỗ trợ.
- Người thân của nhân viên trong công ty Viettel cũng nhận được các gói bảo hiểm sức khỏe, ưu đãi mua hàng của tập đoàn.
7. Các xu hướng phúc lợi nhân viên hấp dẫn nhất hiện nay
Doanh nghiệp có thể tham khảo một số xu hướng phúc lợi giúp thu hút nhiều ứng viên tài năng như sau:
Thời gian làm việc linh hoạt: Khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, xu hướng làm việc hybrid (làm việc tại nhà kết hợp làm việc tại văn phòng) và làm remote (làm việc mà không cần đến công ty) được áp dụng rộng rãi. Đến nay, đây vẫn là xu hướng làm việc được nhiều công ty áp dụng để thu hút ứng viên, đồng thời giúp nhân viên trong công ty có thể thoải mái làm việc, không quá áp lực về thời gian.
Đồ ăn miễn phí tại văn phòng: Doanh nghiệp có thể bổ sung các đồ ăn nhẹ như bánh ngọt, snack, cafe, nước ngọt,… tại văn phòng. Việc này có thể giúp nhân viên của công ty dễ dàng giao lưu với nhau và thân thiết hơn, từ đó tạo văn hóa cộng tác để cùng phát triển trong doanh nghiệp.
Không giới hạn ngày phép: Bình thường mỗi tháng người lao động sẽ có 1 ngày phép (1 năm có 12 ngày). Nhiều công ty đang chuyển dần sang 15 – 18 ngày phép/năm để nhân viên có thời gian nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc sống. Ngoài ra, điều này cũng giúp tạo cho nhân viên môi trường làm việc tự do, sáng tạo, không bị gò bó.
Tăng thời gian nghỉ sinh cho nhân viên nữ: Tăng ngày nghỉ sinh, nghỉ phép cho nhân viên nữ để chăm sóc con nhỏ là một phúc lợi đang dự báo trở thành xu hướng trong nhiều tới. Khi doanh nghiệp áp dụng chế độ này, nhân viên sẽ bớt áp lực về con cái và họ làm việc thoải mái hơn, cống hiến hơn.
Hỗ trợ phương tiện đi làm: Khoảng cách địa lý là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đi làm của nhân viên. Công ty có thể phụ cấp tiền đi lại hoặc cung cấp phương tiện đi làm cho nhân viên để giúp họ giảm áp lực và tập trung làm việc tốt hơn.
Làm việc 4 – 5 ngày/tuần: Theo quy định của Luật lao động, người lao động được nghỉ tối thiểu 1 ngày làm việc/tuần. Để giúp nhân viên làm việc hiệu quả hơn, có thời gian cho bản thân và gia đình, nhiều công ty đang thử nghiệm làm việc 4 – 5 ngày/tuần. Dự báo đây sẽ là xu hướng phúc lợi phổ biến trong những năm tới đây.
8. Tạm kết
Việc xây dựng được chế độ phúc lợi tốt, độc đáo là rất quan trọng đối với doanh nghiệp, đặc biệt trong thời đại thị trường và nền kinh tế có nhiều biến động như hiện nay. Hy vọng qua những nội dung trên đây, doanh nghiệp của bạn đã hiểu hơn về khái niệm phúc lợi và có thể xây dựng được chương trình đãi ngộ tốt nhất để thu hút, đồng thời giữ chân nhân tài, giúp tổ chức ngày càng phát triển hơn.
Xây dựng chính sách nhân sự trong doanh nghiệp chưa bao giờ là điều dễ dàng. Từ cả 2 phía: các chính sách vừa phải đáp ứng được đúng – đủ nhu cầu của nhân viên, vừa phải thuận tiện cho doanh nghiệp trong quá trình lập kế hoạch – triển khai – quản lý – theo dõi hiệu quả. Tại Việt Nam, Bộ giải pháp quản trị nhân sự toàn diện Base HRM+ là giải pháp trọn vẹn cho bài toán này.
Xem thêm tính năng và Đăng ký demo trải nghiệm Base HRM+ ngay tại đây.