Base Blog

Senior, Junior, Fresher là gì? Tiêu chí đánh giá và công việc của từng cấp độ

Senior là gì?

Nhu cầu được công nhận, theo tháp nhu cầu Maslow, là động lực cao nhất đối với con người. Việc thiết lập các cấp độ phân cấp công việc không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu này mà còn tạo động lực cho nhân viên phấn đấu, là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. 

Bài viết này sẽ trình bày chi tiết về các cấp độ công việc Fresher, Junior, Senior là gì? và đưa ra một cơ cấu đội nhóm hoàn hảo, giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa năng lực của mỗi nhân viên để đạt được sự thành công.

1. Fresher, Junior, Senior là gì? Tại sao cần phân chia level (cấp độ) trong công việc?

1.1. Giải thích khái niệm

Phân chia cấp bậc công việc (Job Leveling) là một hệ thống mà các nhà lãnh đạo hay bộ phận quản trị nhân sự sử dụng để xác định vai trò công việc, lộ trình nghề nghiệp và quy trình luân chuyển nội bộ, đồng thời tạo ra hệ thống phân cấp công việc rõ ràng trong một tổ chức.

Có 3 level cơ bản trong công việc:

  • Fresher là nhân viên mới, chưa có kinh nghiệm, mới chỉ đang bắt đầu làm quen với công việc
  • Junior là nhân viên đã tích lũy được một chút kinh nghiệm trong công việc, vẫn đang tiếp tục trau dồi
  • Senior là nhân viên giàu kinh nghiệm, có khả năng giải quyết công việc ở độ khó nhất định. 

1.2. Mục đích của việc phân chia level

Tạo cấu trúc phân cấp của doanh nghiệp: Phân chia cấp bậc công việc nhằm thông báo cho nhân viên và những người liên hệ bên ngoài về mức độ nhân viên đóng góp cho tổ chức. Chúng được sử dụng để duy trì một hệ thống báo cáo ủy quyền các chức năng của doanh nghiệp, từ hoạt động hàng ngày đến chiến lược quản trị nhân sự và tầm nhìn dài hạn của công ty.

Phân công nhiệm vụ và trách nhiệm: Phân chia cấp bậc giúp các nhà quản lý tối ưu hóa sự phân công nhân lực phù hợp, điển hình là những người có kỹ năng và kinh nghiệm sẽ đảm nhận những công việc quan trọng và khó hơn.

Là cơ sở xác định lương thưởng: Người quản lý nhân sự sẽ dựa trên cấp độ công việc để đặt ra mức lương tương xứng với từng level. Các cấp bậc này chính là bộ khung tham chiếu để biết một nhân sự xứng đáng được trả lương bao nhiêu để đảm bảo tất cả đều công bằng và nhất quán.

Thu hút và giữ chân nhân viên: Các cấp bậc từ thấp đến cao chính là một phần Career Path – lộ trình phát triển nghề nghiệp. Khi doanh nghiệp đã xây dựng được lộ trình này rõ ràng, ứng viên hay nhân viên sẽ có cam kết hơn với mục tiêu, có động lực làm việc cao hơn, và gắn kết hơn với doanh nghiệp.

1.3. Tiêu chí cơ bản để phân chia level

Việc phân chia cấp độ công việc được xác định dựa trên sự kết hợp của nhiều yếu tố. Tùy thuộc vào mô hình kinh doanh, ngân sách, mục tiêu của doanh nghiệp, bạn có thể đề ra các tiêu chí khác nhau. Đó có thể là:

Thâm niên: Thâm niên thường được xác định bằng số năm một cá nhân đã làm việc trong một lĩnh vực hoặc ngành nghề cụ thể. Người có nhiều kinh nghiệm thường được đánh giá cao hơn và được xếp vào các cấp bậc cao hơn.

Chuyên môn: Có chuyên môn sâu trong một lĩnh vực cụ thể, đặc biệt nếu đó là tiêu chí quan trọng của vị trí đòi hỏi chuyên môn cao, có thể quyết định cấp bậc của một cá nhân. Trong nhiều trường hợp, chuyên môn sẽ tỷ lệ thuận với thâm niên.

Hiệu suất công việc: Hiệu suất và thành tích công việc của cá nhân cũng là một yếu tố quan trọng để xác định cấp bậc. Những người có hiệu suất cao và đạt được thành tích cao thường được xem là xứng đáng với cấp bậc cao hơn.

Đóng góp cho tổ chức: Tác động của một cá nhân đối với tổ chức có thể giúp họ đạt được level cao hơn, chẳng hạn như thúc đẩy các dự án thành công, tiên phong đổi mới quy trình hoặc có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh doanh,….

Sự công nhận và giải thưởng: Sự công nhận từ phía ban lãnh đạo, khách hàng, đối tác,… hoặc các giải thưởng đạt được sẽ góp phần nâng cao cấp bậc của một cá nhân trong lĩnh vực.

Năng lực lãnh đạo: Khả năng quản lý nhóm và lãnh đạo hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong xác định cấp bậc của một cá nhân. Những người có khả năng lãnh đạo tốt và có thể tạo động lực cho đội nhóm thường được đánh giá cao, và có thể được xếp vào các cấp bậc quản lý cao hơn.

Xem thêm: DISC là gì? Cách đọc biểu đồ DISC và ứng dụng DISC trong quản lý nhân sự

2. Fresher là gì? – Học, học và học

2.1. Khái niệm

Fresher là thuật ngữ được sử dụng để chỉ những người mới tốt nghiệp hoặc mới gia nhập vào thị trường lao động và chưa có kinh nghiệm làm việc trong một lĩnh vực. Fresher sẽ cần thời gian để hòa nhập và học cách thích ứng với môi trường làm việc.

Giống như cái tên – Fresher – thường được liên tưởng tới một “trang giấy trắng” với tinh thần tò mò, hứng khởi và mong muốn học “viết” hoặc “vẽ” lên nhiều điều mới. 

Fresher là gì?
Fresher là gì?

2.2. Đặc điểm

Đặc điểm dễ nhận thấy của những Fresher là thiếu hoặc không có kinh nghiệm làm việc thực tế, chỉ có kiến thức học thuật và lý thuyết được đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng. 

Bởi việc thiếu sự cọ xát với thực tế, nên Fresher có thể còn thiếu sót ở những kỹ năng mềm của môi trường công sở như giao tiếp, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm…

Tuy nhiên, ở cấp bậc này, họ thường là người có tinh thần tích cực, ham học hỏi, năng động, hào hứng chứng minh khả năng của mình trong công việc. Vì vậy, Fresher cần sự hướng dẫn và hỗ trợ từ người điều hành hoặc đồng nghiệp có kinh nghiệm để họ có thể nắm bắt công việc một cách hiệu quả.

2.3. Phân công công việc

Fresher thường đảm nhận các công việc cơ bản và khá đơn giản trong đội nhóm như:

  • Tham gia dự án nhỏ: Fresher thường tham gia vào các dự án nhỏ hoặc nhóm làm việc để tích lũy kinh nghiệm và phát triển kỹ năng.
  • Nghiên cứu và thu thập thông tin: thu thập dữ liệu, tìm kiếm thông tin và thực hiện nghiên cứu cơ bản để hỗ trợ các dự án hoặc quyết định trong tổ chức.
  • Hỗ trợ công việc hàng ngày: hỗ trợ công việc hàng ngày như lập báo cáo, xử lý tài liệu, chuẩn bị tài liệu cho cuộc họp, ghi chú và theo dõi công việc.

2.4. Tiêu chí cần đáp ứng

Kiến thức: Ở mức độ Fresher, kiến thức học thuật liên quan đến công việc chưa đòi hỏi cao, nhưng cá nhân cần sở hữu kiến thức về ngành học, về chương trình giáo dục, kiến thức xã hội ở mức cơ bản nhất định.

Kỹ năng: Fresher cần đề cao kỹ năng học hỏi, hợp tác và linh hoạt trong công việc. Ngoài ra, đây chính là thời điểm cần trau dồi những kỹ năng mềm cơ bản – những thứ chưa được giảng dạy và thực hành nhiều ở trường học.

Thái độ: Fresher cần có tinh thần chịu khó, sẵn lòng làm việc chăm chỉ và kiên nhẫn để vượt qua khó khăn và thách thức trong công việc. Hơn hết, ở vị trí này, người mới cần rèn luyện thái độ đón nhận tích cực phản hồi từ phía cấp trên để cải thiện và phát triển.

3. Junior là gì? – Vừa học vừa thực hành

3.1. Khái niệm

Junior là cấp bậc thường được sử dụng để chỉ những người mới gia nhập vào lĩnh vực đó trong khoảng thời gian ngắn, đang ở giai đoạn học tập và thực hành.

Họ thường là những người trẻ, mới gia nhập thị trường lao động khoảng 1 – 3 năm. Junior vẫn cần được hướng dẫn, giám sát trong quá trình làm việc để hoàn thiện, nắm bắt các kỹ năng và kiến thức cần thiết cho công việc của mình. 

Junior là gì?
Junior là gì?

3.2. Đặc điểm của Junior

Trong quá trình làm việc và học hỏi, từ một Fresher trở thành Junior, cá nhân cũng đã tích lũy được một số “tài sản”: kiến thức chuyên môn cơ bản, một vài kinh nghiệm thực chiến,… Tuy nhiên, những yếu tố này mới dừng lại ở nền tảng cơ bản chứ chưa chuyên sâu và bài bản. Ngoài ra, Junior cũng cần rèn luyện thêm về các kỹ năng mềm khi xử lý công việc.

Đặc biệt, giai đoạn Junior vẫn còn “mông lung” trong lộ trình phát triển nghề nghiệp. 

3.3. Phân công công việc

Junior thường nhận các nhiệm vụ và dự án có mức độ phức tạp cao hơn Fresher nhưng chưa có độ khó. Điều này bao gồm tham gia vào các giai đoạn khác nhau của dự án, thực hiện nhiệm vụ cụ thể và hỗ trợ cho các thành viên khác trong nhóm.

Đây chính là quá trình giúp Junior xây dựng kỹ năng và kinh nghiệm trong quá trình làm việc, đặc biệt là các cơ hội được tham gia vào các dự án thực tế, trải qua quy trình làm việc thực tế, trải nghiệm các công cụ làm việc cần thiết,… để nâng cao năng lực và hiệu suất làm việc.

3.4. Các tiêu chí cần đáp ứng

Kiến thức và kỹ năng cơ bản: Junior cần có kiến thức và kỹ năng cứng cơ bản liên quan đến lĩnh vực hoặc ngành nghề của mình. Điều này bao gồm hiểu biết về các nguyên tắc cơ bản, quy trình làm việc và công nghệ phổ biến trong lĩnh vực tương ứng.

Khả năng thực hiện công việc cụ thể: Junior cần có khả năng thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được giao một cách độc lập hoặc dưới sự giám sát không quá chặt chẽ. Họ phải có khả năng tự quản lý thời gian và ưu tiên công việc để hoàn thành nhiệm vụ theo đúng tiến độ và chất lượng mong đợi.

Khả năng làm việc nhóm: Sự linh hoạt trong làm việc nhóm, khả năng giao tiếp hiệu quả và tinh thần hợp tác là những yếu tố quan trọng giúp Junior tích cực tham gia vào các dự án và đạt được mục tiêu công việc.

Sự học hỏi và nâng cao kỹ năng: Junior cần sẵn lòng học hỏi và phát triển kỹ năng của mình để tiến xa hơn trong sự nghiệp. Họ cần tiếp tục nâng cao kiến thức và kỹ năng của mình thông qua tự học hoặc tham gia vào các hoạt động training trong doanh nghiệp.

4. Senior là gì? – Có thể dạy người khác

4.1. Khái niệm

Senior chỉ những người có kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực công việc của mình. Họ đã tích lũy được một số năm kinh nghiệm làm việc và đã đạt được một mức độ chuyên môn cao.

Họ có khả năng đưa ra các quyết định độc lập và thường được tôn trọng và tìm kiếm để tư vấn và hướng dẫn các thành viên ở level thấp hơn trong tổ chức.

Senior là gì?
Senior là gì?

4.2. Phân biệt Senior với Leader, Manager, Director

Senior thường đề cập đến mức độ kinh nghiệm và chuyên môn cao hơn trong một lĩnh vực hoặc vai trò cụ thể. Trong khi đó, trưởng nhóm (leader) hay cấp quản lý cao hơn (manager, director) tập trung chủ yếu vào khả năng lãnh đạo và quản lý trong một nhóm hoặc dự án cụ thể. 

Chức năng, nhiệm vụ của họ là khác nhau:

  • Manager và Director tập trung vào lãnh đạo và quản lý nhóm, giám sát nhân viên, đặt ra mục tiêu và định hướng phát triển của đội nhóm, của công ty. 
  • Leader hướng dẫn và điều phối nhóm, đảm bảo nhiệm vụ được hoàn thành đúng thời hạn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao tiếp trong nhóm. 
  • Senior đóng vai trò thiết lập ưu tiên, tham gia vào quá trình ra quyết định, đóng góp vào các sáng kiến chiến lược của đội nhóm và trực tiếp xử lý các bài toán khó gặp phải.

4.3. Đặc điểm của Senior

Senior thường đã có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực hoặc ngành nghề cụ thể. Họ có kiến thức chuyên môn sâu rộng và hiểu biết rõ ràng về các quy trình, chuẩn mực và xu hướng trong lĩnh vực của mình.

Ngoài ra, Senior có khả năng đưa ra các quyết định quan trọng và giải quyết các vấn đề phức tạp trong lĩnh vực làm việc của mình một cách độc lập. Senior thường sở hữu cả bộ kỹ năng cứng và kỹ năng mềm tốt.

4.4. Phân công công việc

Senior có nhiệm vụ đóng góp ý kiến và kiến thức chuyên môn của mình vào việc xác định mục tiêu chiến lược và phát triển các kế hoạch hành động phù hợp.

Họ sẽ cần ra mặt để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình, giúp đỡ các nhân viên level thấp hơn trong việc hiểu rõ về công việc và phát triển kỹ năng chuyên môn.

Senior cũng thường tham gia vào việc điều hành các dự án lớn, có trách nhiệm quản lý tài nguyên, lập kế hoạch và giám sát tiến độ của dự án để đảm bảo rằng mục tiêu đạt được đúng thời hạn và trong khoảng giới hạn ngân sách.

4.5. Tiêu chí cần đáp ứng

Kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn: Senior cần có kinh nghiệm làm việc đáng kể trong lĩnh vực hoặc ngành nghề của mình, thường từ 5 năm trở lên.

Khả năng truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm: Một trong những vai trò quan trọng của Senior là truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm cho các thành viên level thấp hơn trong tổ chức. Họ phải có khả năng giảng dạy, hướng dẫn và cố vấn để giúp các nhân viên mới phát triển và hoàn thiện kỹ năng của mình.

Khả năng lãnh đạo và quản lý: Senior không chỉ là những chuyên gia về kiến thức, mà còn có thể là những lãnh đạo tài năng. Họ cần có khả năng tạo ra ảnh hưởng và lãnh đạo nhóm, thúc đẩy sự phát triển cá nhân và nhóm, và tạo ra một môi trường làm việc tích cực.

5. Bảng so sánh Fresher, Junior và Senior

Tiêu chíFresherJuniorSenior
Chuyên mônCó kiến thức cơ bản được đào tạo ở trường lớpCó một số kiến thức thực tế và kỹ năng cơ bảnCó kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm dày dạn
Thâm niên, kinh nghiệm làm việcít hoặc không có kinh nghiệm làm việcMột ít kinh nghiệm làm việc (1-3 năm)Kinh nghiệm làm việc đáng kể (5 năm trở lên) 
Nhiệm vụThực hiện các nhiệm vụ cơ bản và các tác vụ hỗ trợĐảm nhận các nhiệm vụ cụ thể, vẫn cần sự tư vấn và  hướng dẫn từ các SeniorĐảm nhận công việc mang tính chiến lược, chủ chốt và hướng dẫn cho cấp dưới
Khả năngChưa hoặc có ít khả năng làm việc độc lập, cần được hướng dẫn, chỉ việcCó thể làm việc độc lập với những vấn đề vừa phải. Cần tham khảo ý kiến cấp trên đối với những thách thức, khó khăn lớnLàm việc độc lập với tất cả mọi vấn đề, sự cố
Mức trách nhiệmThường chưa được giao chịu trách nhiệm về nhiệm vụ nàoChịu trách nhiệm ở mức vừa phải ở các nhiệm vụ tầm trungChịu trách nhiệm cao với những đầu việc quan trọng
Mức lươngThấpTrung bìnhCao

6. Lộ trình thăng tiến cơ bản để từ trở thành một Senior

6.1. Lộ trình cơ bản: Fresher > Junior > Middle > Senior

Lộ trình thăng tiến để trở thành một Senior trong một tổ chức là một quá trình phát triển bước đầu từ vai trò cơ bản đến nhân viên cấp cao.

Trước hết, việc xây dựng một cơ sở vững chắc là cực kỳ quan trọng. Bắt đầu từ vai trò Fresher, việc học hỏi và tích lũy kinh nghiệm chính là chìa khóa để phát triển xa hơn, trở thành Junior rồi đến level Middle – giao cấp giữa Junior và Senior.

Ở giai đoạn này, cá nhân sẽ cần tự quản trị công việc của mình một cách chặt chẽ và không ngừng cập nhật kiến thức. Ngoài ra, cá nhân cần chứng minh bản thân có đóng góp đáng kể vào tổ chức thông qua thành tích và kết quả làm việc. Khi đã tôi luyện đủ, đạt được độ “chín” trong cả kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng, chính là lúc thăng cấp lên level Senior.

Lộ trình thăng tiến công việc
Lộ trình thăng tiến công việc

6.2. Ví dụ

Lấy ví dụ một lộ trình thăng tiến trong lĩnh vực phát triển phần mềm. 

Bắt đầu với vị trí Fresher, một cá nhân mới vào lĩnh vực phát triển phần mềm thường được đào tạo về các ngôn ngữ lập trình cơ bản và công nghệ phần mềm. Nhiệm vụ của họ thường là tham gia vào các dự án nhỏ, làm quen với môi trường làm việc và học hỏi từ các đồng nghiệp kinh nghiệm hơn.

Sau khi tích lũy được một số kinh nghiệm và kiến ​​thức, họ có thể được coi là cấp bậc Junior. Các Junior Developer thường tham gia vào việc phát triển các tính năng và phân hệ nhỏ lẻ của sản phẩm, kiểm thử, sửa lỗi,… dưới sự hướng dẫn của các Senior Developer.

Sau 7-10 năm, khi đã trở thành Senior Developer, họ thường đảm nhận các nhiệm vụ phức tạp hơn, như thiết kế kiến trúc phần mềm, quản lý cơ sở dữ liệu lớn.

7. Cơ cấu đội nhóm hoàn hảo: Cân bằng giữa tỷ lệ Fresher, Junior và Senior

Cơ cấu đội nhóm hoàn hảo đòi hỏi một sự cân bằng hợp lý giữa tỷ lệ các nhân viên ở các cấp bậc khác nhau, bao gồm Fresher, Junior và Senior. Cần lưu ý rằng thành phần nhóm có thể cần điều chỉnh khi dự án tiến triển hoặc đội nhóm cần mở rộng quy mô.

Một nhóm với cơ cấu mất cân bằng có thể dẫn đến nhiều vấn đề khác nhau:

Nếu có quá nhiều Fresher, nhóm có nguy cơ làm việc kém hiệu quả, phải có sự giám sát và cố vấn liên tục từ các cấp cao hơn. Điều này có thể ảnh hưởng đến tiến độ dự án và chất lượng tổng thể của kết quả đầu ra.

Ngược lại, nếu có quá nhiều Senior, đội nhóm có thể phải đối mặt với 2 thách thức lớn. Thứ nhất là liên quan đến khả năng thích ứng, do những người ở độ tuổi lớn hơn thường khó nắm bắt các công nghệ và phương pháp tiếp cận sáng tạo. Thứ hai là bài toán hiệu quả chi phí, do các Senior thường có kỳ vọng về mức lương cao hơn.

Để thực hiện các dự án đúng thời hạn, trong phạm vi ngân sách và đảm bảo chất lượng cao, đội nhóm cần hướng tới sự cân bằng về tỷ lệ nhân sự thuộc các level khác nhau:

  • Nhóm cần có một số lượng nhỏ các nhân viên Fresher để có được sự nhiệt huyết, sáng tạo và đa dạng ý tưởng. Fresher cũng có thể coi là thế hệ kế thừa từ những người đi trước, được đào tạo và rèn luyện dần để trở thành nhân sự cốt cán trong tương lai.
  • Số lượng Junior nên chiếm tỷ lệ lớn hơn để thúc đẩy sự phát triển và đồng thuận trong nhóm. Họ đóng góp vào việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể và hỗ trợ sự tiến triển của Fresher.
  • Có thể không nhiều, nhưng một đội nhóm luôn cần có Senior để đảm bảo sự ổn định và chất lượng công việc cao. Họ mang lại kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu và khả năng lãnh đạo để hướng dẫn và hỗ trợ Junior và Fresher.

8. Kết luận

Trong môi trường kinh doanh ngày nay, việc phân chia cấp độ nhân sự thành các Fresher, Junior và Senior không chỉ là một khía cạnh của quản lý nhân sự, mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về chiến lược kinh doanh và tăng trưởng của mỗi tổ chức. Xin chúc các doanh nghiệp luôn linh hoạt và thông thái!

Đừng quên chia sẻ bài viết hữu ích này nhé!

Nhận tư vấn miễn phí

Nhận tư vấn miễn phí từ các Chuyên gia Chuyển đổi số của chúng tôi

"Bật mí" cách để bạn tăng tốc độ vận hành, tạo đà tăng trưởng cho doanh nghiệp của mình với nền tảng quản trị toàn diện Base.vn

  • Trải nghiệm demo các ứng dụng chuyên sâu được "đo ni đóng giày" phù hợp nhất với bạn.
  • Hỗ trợ giải quyết các bài toán quản trị cho doanh nghiệp ở mọi quy mô & từng lĩnh vực cụ thể.
  • Giải đáp các câu hỏi, làm rõ thắc mắc của bạn về triển khai, go-live, sử dụng và support

Đăng ký Demo

This will close in 2000 seconds

Zalo phone