Base Blog

Mô hình kinh doanh là gì? Top 15 mô hình tiềm năng nhất năm 2024

Mô hình kinh doanh

Mô hình kinh doanh là yếu tố quan trọng trong sự phát triển của bất kỳ doanh nghiệp, tổ chức nào. Nó sẽ là đòn bẩy để thôi thúc hoạt động bán hàng cũng như định hướng chiến lược phát triển cho doanh nghiệp ở cả hiện tại và trong tương lai. Tuy nhiên việc lựa chọn được một mô hình phù hợp không hề đơn giản, đặc biệt là những doanh nghiệp mới.

Trong bài viết dưới đây, Base.vn xin giới thiệu chi tiết các mô hình kinh doanh phổ biến và quy trình xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả cho doanh nghiệp.

1. Mô hình kinh doanh là gì?

Khái niệm mô hình kinh doanh hay Business Model xuất hiện từ những năm 1990 và được nhiều chuyên gia, người làm kinh doanh sử dụng cho đến hiện nay. Mô hình kinh doanh là khuôn mẫu cho một doanh nghiệp, tổ chức vận hành, qua đó mang lại doanh thu và lợi nhuận cao. 

Bản chất, một mô hình kinh doanh tập trung vào 4 vấn đề cốt lõi:

  • Lựa chọn sản phẩm/dịch vụ công ty kinh doanh.
  • Cách để tiếp thị sản phẩm/dịch vụ đến với khách hàng.
  • Chi phí vận hành mô hình kinh doanh là bao nhiêu.
  • Cách để chuyển đổi, mang đến doanh thu và lợi nhuận theo kế hoạch kinh doanh.

Có thể nói, mô hình kinh doanh giống như kim chỉ nam của doanh nghiệp, dù hoạt động ở lĩnh vực, ngành nghề nào. Trước khi bắt đầu triển khai hoạt động kinh doanh, chủ doanh nghiệp cần nghiên cứu, phân tích để tìm ra được mô hình phù hợp để công ty thực hiện theo. 

Mô hình kinh doanh là gì?
Mô hình kinh doanh là gì?

Việc lựa chọn đúng mô hình kinh doanh mang đến nhiều lợi ích cho tổ chức, cụ thể như:

  • Định hướng được con đường phát triển của doanh nghiệp với lộ trình đã được vạch rõ ràng theo từng giai đoạn.
  • Tạo ra các giá trị bền vững cho tổ chức từ quy trình, quyết định của doanh nghiệp dựa theo mô hình áp dụng.
  • Doanh nghiệp có những ý tưởng, giải pháp khác nhau để tìm được giải pháp kinh doanh tối ưu chi phí, tăng lợi nhuận.
  • Tạo được tiền đề để xây dựng một doanh nghiệp với nhiều lợi thế cạnh tranh, tránh để đối thủ sao chép.
  • Doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, tạo được vị thế trên thị trường, đồng thời cũng là cơ sở để phát triển bền vững trong tương lai.

2. Khung mô hình kinh doanh bao gồm những gì? Template Mô hình kinh doanh Canvas

Khung mô hình Canvas gồm 9 yếu tố tách biệt nhau. 9 yếu tố này khi được kết hợp với nhau sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh đặc biệt, giúp chủ doanh nghiệp có thể khám phá ra các cơ hội kinh doanh mới.

Khung mô hình kinh doanh
Khung mô hình kinh doanh

Phân khúc khách hàng

Phân khúc khách hàng là phần thiết yếu của mô hình kinh doanh, là chìa khóa để đảm bảo rằng sản phẩm/dịch vụ phù hợp với đặc điểm cũng như nhu cầu của phân khúc. Lúc này, doanh nghiệp cần xác định được khách hàng của mình là ai? Họ suy nghĩ gì? Họ xem điều gì và cảm thấy như thế nào? Họ làm gì?….

Đề xuất giá trị

Đề xuất giá trị của một doanh nghiệp sẽ kết hợp của các sản phẩm, dịch vụ mà tổ chức cung cấp cho khách hàng. Những sản phẩm/dịch vụ này cần độc đáo, dễ phân biệt với đối thủ cạnh tranh và được chia thành hai loại:

  • Định lượng: Nói về giá cả/hiệu quả của sản phẩm hoặc dịch vụ.
  • Định tính: Đề xuất giá trị làm nổi bật trải nghiệm khách hàng khi sử dụng sản phẩm đó.

Các kênh bán hàng

Có nhiều tùy chọn khác nhau về kênh bán hàng. Doanh nghiệp có thể chọn những kênh mang đến hiệu quả nhanh nhất, ít chi phí đầu tư. Có 2 kênh cơ bản:

  • Kênh do công ty sở hữu như cửa hàng.
  • Kênh đối tác như nhà phân phối.

Doanh nghiệp có thể chọn một trong hai kênh này hoặc linh hoạt cả hai kênh để cung cấp sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng.

Mối quan hệ với khách hàng

Với một doanh nghiệp, việc ưu tiên xác định mối quan hệ với khách hàng là rất quan trọng. Giá trị khách hàng phải được đánh giá theo tần suất chi tiêu của họ với sản phẩm/dịch vụ. Nói cách khác, doanh nghiệp nên đầu tư vào khách hàng trung thành bởi nó sẽ mang đến doanh thu, lợi nhuận ổn định.

Dòng doanh thu

Dòng doanh thu có thể được tạo ra thông qua những cách như sau:

  • Bán quyền sở hữu hàng hóa/dịch vụ cho khách hàng.
  • Công ty tính phí khi khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của mình.
  • Công ty tính phí định kỳ với khách hàng thường xuyên dùng sản phẩm/dịch vụ.
  • Khách hàng trả tiền để có quyền truy cập vào sản phẩm/dịch trong thời gian giới hạn.
  • Doanh nghiệp tính phí sử dụng tài sản trí tuệ với khách hàng.
  • Công ty tính phí cho người khác quảng cáo sản phẩm/dịch của mình bằng phương tiện của họ.

Những tài nguyên chính

Nguồn tài nguyên có thể được phân loại thành: Con người, tài chính, vật chất, trí tuệ. Doanh nghiệp cần liệt kê các nguồn lực hiện có, từ đó đưa ra các ý tưởng để phát triển sản phẩm/ dịch vụ của công ty. Hãy đảm bảo việc nguồn lực sử dụng có sự cạnh tranh trên thị trường để tạo được dấu ấn riêng đối với các đối thủ khác.

Các hoạt động chính

Hoạt động chính là hoạt động quan trọng mà doanh nghiệp cần thực hiện để duy trì bộ máy của tổ chức. Chúng cần được thực hiện dựa trên nguồn lực của doanh nghiệp, từ đó tạo ra doanh thu. Nói cách khác, hoạt động chính – nguồn lực – dòng doanh thu là ba yếu tố tỷ lệ thuận với nhau.

Đối tác của doanh nghiệp

Đối tác bao gồm tất cả các bên có liên quan đến quá trình hoạt động cũng như tạo ra giá trị của doanh nghiệp. Những đối tác này có thể bao gồm: Nhà cung cấp, nhà phân phối, đơn vị quảng cáo, người bán lẻ….

Cơ cấu chi phí

Đây là mô tả những chi phí doanh nghiệp sử dụng để tạo ra giá trị cho khách hàng cũng như lợi nhuận cho mình. Chi phí gồm: Lương nhân viên, chi phí marketing, chi phí sản xuất,….

3. Quy trình 5 bước tạo dựng mô hình kinh doanh hiệu quả

Mô hình kinh doanh đóng vai trò quan trọng, nhưng để xây dựng được một mô hình hoàn chỉnh và thành công là điều không hề đơn giản. Doanh nghiệp có thể tham khảo quy trình 5 bước thực hiện dưới đây và áp dụng vào tổ chức của mình.

Quy trình tạo dựng mô hình kinh doanh

Bước 1: Khảo sát, đánh giá 

Một sản phẩm/ dịch vụ khi được mang ra thị trường cần xoay quanh khách hàng vì họ chính là người sử dụng nó. Vậy nên bước đầu tiên cần làm là khảo sát, đánh giá nhu cầu của khách hàng. Doanh nghiệp cần hiểu khách hàng hiện tại đang muốn gì, nhóm đối tượng đang hướng tới là ai, đặc điểm của họ như thế nào….

Bước 2: Lên ý tưởng kinh doanh

Khi đã xác định được tệp khách hàng tiềm năng và những đặc điểm, nhu cầu của họ, doanh nghiệp sẽ đưa ra những ý tưởng sản phẩm, dịch vụ để thỏa mãn nhu cầu khách hàng. Hãy đảm bảo sản phẩm/ dịch vụ đáp ứng được yếu tố mới lạ, độc đáo, có sự đổi mới để phù hợp với thị hiếu của khách hàng trong từng thời điểm. Doanh nghiệp phải khiến khách hàng cảm nhận được họ đang dùng những sản phẩm/ dịch vụ chất lượng tốt nhất để họ không ngần ngại chi tiền cho doanh nghiệp.

Bước 3: Hoạch định chi phí sản phẩm/ dịch vụ

Để mô hình kinh doanh thành công, doanh nghiệp cần tối ưu được chi phí sản xuất nhưng vẫn đảm bảo chất lượng của sản phẩm để đạt được mức lợi nhuận cao nhất. Một số việc cần làm gồm: Đầu tư trang thiết bị, hạ tầng để tập trung sản xuất, tìm kiếm nguồn nguyên liệu với giá tốt, chất lượng cao, tối ưu chi phí marketing, sản phẩm cân được kiểm định và giám sát chặt chẽ trong quá trình sản xuất…. 

Tất cả việc này nhằm mục đích là sản phẩm dịch vụ đến tay khách hàng sẽ luôn có chất lượng cao nhất, doanh nghiệp cũng tối ưu được chi phí sản xuất để thu lại lợi nhuận.

Bước 4: Lên kế hoạch tiếp thị sản phẩm

Để sản phẩm của doanh nghiệp được nhiều người biết đến, phủ rộng trên thị trường, chiến lược marketing là rất quan trọng.

Doanh nghiệp có thể thực hiện: Phát tờ rơi, tổ chức hội thảo, sự kiện, triển lãm sản phẩm, quảng cáo trên các kênh digital, báo đài, truyền thông trên báo chí, tạo ra các chương trình khuyến mại khi ra mắt sản phẩm….

Bước 5: Hoàn thiện mô hình kinh doanh trong tổ chức

Sau khi hoàn thành 4 bước kể trên, doanh nghiệp sẽ bắt tay vào việc thực tế hóa mô hình kinh doanh. Hãy chuẩn bị vốn, nguồn lực, cơ sở vật chất, liên kết với các đối tác tiềm năng…. để hoàn thiện mô hình kinh doanh, giúp doanh nghiệp phát triển lâu dài và bền vững.

4. Phân loại mô hình kinh doanh theo mối quan hệ giữa các bên

Phân loại mô hình kinh doanh

4.1. Mô hình kinh doanh B2C

B2C (viết tắt của Business to Consumer) là mô hình kinh doanh Doanh nghiệp – Khách hàng. Mô hình này được khá nhiều doanh nghiệp áp dụng và là mô hình kinh doanh truyền thống, doanh nghiệp sẽ trực tiếp bán sản phẩm, dịch vụ đến người tiêu dùng cuối cùng. Với B2C, doanh nghiệp có thể bán hàng qua cửa hàng, website, ứng dụng di động… bằng cách tiếp cận tới khách hàng qua marketing, truyền thông….

Winmart+, Điện máy xanh, Siêu thị AEON… là những cửa hàng bán lẻ mang sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Hoặc các thương hiệu như Be, Grab, XanhSM cung cấp dịch vụ gọi xe cho khách hàng thông qua ứng dụng di động.

4.2. Mô hình kinh doanh B2B

B2B (viết tắt của Business to Business) là mô hình kinh doanh Doanh nghiệp – Doanh nghiệp. Trong mô hình này, các doanh nghiệp sẽ bán sản phẩm/ dịch vụ cho các doanh nghiệp thay vì bán cho người tiêu dùng cuối. Các tổ chức áp dụng mô hình kinh doanh này thường cần quy trình bán hàng dài, nhiều bước, giao dịch có giá trị cao và khá phức tạp. Ngoài ra, mối quan hệ giữa hai doanh nghiệp sẽ dựa trên sự tin tưởng và gắn bó lâu dài.

Có khá nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam hiện đang kinh doanh theo mô hình này, ví dụ như Base.vn cung cấp các phần mềm quản trị cho doanh nghiệp sử dụng. Các đơn vị như Viettel Post, DHL… cung cấp dịch vụ liên quan đến vận chuyển, lưu kho cho các công ty. Tập đoàn Hoa Sen, Hòa Phát… cung cấp nguyên vật liệu cho những công ty sản xuất.

4.3. Mô hình kinh doanh B2B2C

B2B2C (viết tắt của Business to Business to Consumer) là mô hình kinh doanh Doanh nghiệp – Doanh nghiệp – Khách hàng. Mô hình này kết hợp 2 mô hình B2B và B2C. Ở mô hình B2B2C, hai doanh nghiệp hợp tác với nhau để phục vụ khách hàng, cụ thể: Doanh nghiệp A cung cấp sản phẩm/dịch vụ cho doanh nghiệp B, sau đó doanh nghiệp B sẽ bán cho khách hàng cuối cùng.

Để hình dung, chúng ta có thể nghĩ đến VNPay, Momo, ZaloPay…. Đây là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến. Các thương hiệu này sẽ kết hợp với những doanh nghiệp trong lĩnh vực như đồ ăn, đồ uống, giáo dục,… để giúp họ bán hàng dễ dàng hơn, đồng thời khách hàng cũng được sử dụng sản phẩm/ dịch vụ với giá ưu đãi.

4.4. Mô hình kinh doanh C2C

C2C (viết tắt của Consumer to Consumer) là mô hình kinh doanh Người tiêu dùng – Người tiêu dùng. Với mô hình này, các cá nhân sẽ giao dịch trực tiếp và thông qua các nền tảng trực tuyến là chủ yếu. Các sản phẩm bán trên nền tảng C2C cũng khá đa dạng và phong phú, giá cả cạnh tranh nên được ưa chuộng trong những năm trở lại đây. Lúc này, nền tảng trực tuyến sẽ đóng vai trò là bên thứ 3 để kết nối giữa người mua và người bán.

Shopee, Tiki, Tik Tok Shop hay Lazada… chính là những ví dụ rõ nhất về mô hình C2C trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tại đây, người bán (cá nhân) với người mua (cá nhân) sẽ được kết nối với nhau. Người mua có thể xem sản phẩm của nhiều người bán khác nhau bằng việc truy cập trang web, ứng dụng.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể thấy Facebook, Instagram cũng là những ví dụ điển hình về C2C trên mạng xã hội. Người bán sẽ đăng thông tin sản phẩm trên Fanpage hoặc trang cá nhân, người mua dễ dàng tìm kiếm và mua hàng.

4.5. Mô hình kinh doanh C2B

C2B (viết tắt của Customer to Business) là mô hình kinh doanh Người tiêu dùng – Doanh nghiệp. Đây là mô hình mà người tiêu dùng sẽ cung cấp sản phẩm/dịch vụ cho doanh nghiệp. Với C2B, người tiêu dùng sẽ tự tạo ra sản phẩm, dịch vụ theo nhu cầu riêng và bán lại cho doanh nghiệp. Các sản phẩm này có thể là ý tưởng từ các cuộc thi, diễn đàn trực tuyến, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, đồng thời người tiêu dùng có thể kiếm thêm thu nhập.

Ví dụ đơn giản về mô hình kinh doanh C2B có thể kể đến như: Công ty Threadless, DesignCrowd cho phép người dùng tham gia thiết kế sản phẩm, thiết kế tốt nhất sẽ được mua bản quyền và bán ra thị trường. Tiktok, Instagram… cho phép người dùng chia sẻ nội dung và doanh nghiệp có thể mua nội dung để quảng bá sản phẩm, dịch vụ.

4.6. Mô hình kinh doanh B2G

B2G (viết tắt của Business to Government) là mô hình kinh doanh Doanh nghiệp – Chính phủ. Với mô hình này, doanh nghiệp sẽ cung cấp sản phẩm, dịch vụ, giải pháp cho Chính phủ. Khi kinh doanh B2G, doanh nghiệp cần tham gia đấu thầu để được lựa chọn nhà cung cấp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tuân thủ nhiều thủ tục, quy định phức tạp từ Chính phủ.

Ví dụ: Trong thời gian Covid diễn ra, BKAV tham gia thực hiện phát triển ứng dụng khai báo y tế trên điện thoại theo đề xuất của Chính phủ. Ngoài ra, các công ty phần mềm như Base.vn cũng tham gia cung cấp công cụ hỗ trợ làm việc từ xa cho các cơ quan nhà nước sử dụng.

4.7. Mô hình kinh doanh G2C

G2C (viết tắt của Government to Citizen) là mô hình kinh doanh Chính phủ – Công dân. Nói cách khác, Chính phủ sẽ cung cấp dịch vụ công trực tiếp cho công dân qua các kênh online hoặc offline. Với mô hình, Chính phủ sẽ dùng website, ứng dụng di động, cổng dịch vụ để thông báo, cung cấp dịch vụ cho công dân. Qua đó, các thủ tục được đơn giản hóa, dễ dàng thực hiện, tăng sự minh bạch, đồng thời tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí.

Ví dụ, nếu cá nhân cần làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì có truy cập website dichvucong.gov.vn để thực hiện dễ dàng, thuận tiện mà không tốn nhiều thời gian. Ngoài ra, công dân cũng có thể làm hoàn thuế thu nhập cá nhân đơn giản thông qua website của Chi cục thuế.

Đọc thêm: Mô hình PESTEL là gì? Giải mã 6 yếu tố của môi trường kinh doanh

5. Top 15 mô hình kinh doanh tiềm năng nhất hiện nay

Mô hình kinh doanh tiềm năng

5.1. Mô hình kinh doanh nhà sản xuất

Mô hình kinh doanh sản xuất là mô hình mà doanh nghiệp sẽ tập trung vào việc sản xuất sản phẩm từ nguyên liệu thô đầu vào. Sau đó, sản phẩm sẽ được bán cho nhà bán lẻ, nhà phân phối hoặc người tiêu dùng. 

Để đi theo mô hình này, doanh nghiệp cần đầu tư nhiều máy móc, trang thiết bị cũng như công nghệ sản xuất. Quy trình sản xuất cũng đòi hỏi khá nhiều nhân công, dễ gặp rủi ro về biến động giá nguyên vật liệu cũng như chi phí sản xuất. Tuy nhiên nếu làm tốt, doanh nghiệp sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh, tạo được nguồn lợi nhuận ổn định từ việc bán sản phẩm.

Intel chính là một ví dụ điển hình về mô hình kinh doanh nhà sản xuất. Công ty sản xuất chip máy tính lớn nhất thế giới cho laptop, máy case cùng nhiều thiết bị khác. Ngoài ra, Samsung cũng là một công ty sản xuất điện thoại thông minh, máy tính bảng, tủ lạnh… sử dụng mô hình này. Họ có nhà máy để sản xuất riêng các sản phẩm của mình.

5.2. Mô hình kinh doanh cho thuê

Mô hình kinh doanh cho thuê là mô hình trong đó doanh nghiệp sẽ sở hữu tài sản, cho phép khách hàng dùng tài sản đó trong một thời gian nhất định cùng chi phí phải trả. Với mô hình này, doanh nghiệp cần đầu tư vào việc xây dựng tài sản cho thuê, bảo dưỡng chúng thường xuyên. Từ đó tạo ra nguồn thu nhập ổn định và thường gặp khá ít rủi ro.

Ví dụ như những công ty Vinfast cho khách hàng thuê ô tô điện, xe máy điện. Người thuê sẽ cần trả một chi phí cố định cho Vinfast theo từng tháng để sử dụng tài sản đó. Hay các công ty cho thuê thiết bị âm thanh, ánh sáng,… cho các sự kiện hoặc dự án.

5.3. Mô hình kinh doanh bán hàng trực tiếp

Mô hình kinh doanh bán hàng trực tiếp là mô hình mà doanh nghiệp sẽ tương tác trực tiếp với khách hàng để giới thiệu tính năng, lợi ích của sản phẩm. Hoạt động này có thể diễn ra tại công ty, địa điểm công cộng hoặc tại gia đình của khách hàng. Hiện tại có 2 hình thức bán hàng trực tiếp là Tiếp thị đơn cấp và Tiếp thị đa cấp.

  • Với tiếp thị đơn cấp, nhân viên bán hàng sẽ bán sản phẩm trực tiếp cho khách hàng và nhận hoa hồng.
  • Với tiếp thị đa cấp, người bán có thể tuyển thêm đại lý để tham gia bán hàng, giúp tăng doanh số và thu nhiều lợi nhuận.

Một số công ty đang thực hiện mô hình kinh doanh bán hàng trực tiếp có thể kể đến như công ty Amway bán hàng trực tiếp đa quốc gia các sản phẩm như đồ gia dụng, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

5.4. Mô hình kinh doanh dựa trên hệ thống phân phối

Mô hình kinh doanh dựa trên hệ thống phân phối sẽ tập trung vào việc xây dựng các hệ thống phân phối sản phẩm, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh hơn. Hệ thống phân phối có thể gồm các đại lý, nhà bán buôn, bán lẻ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… Với mô hình này, doanh nghiệp sẽ tiếp cận thị trường nhanh chóng, dễ dàng tăng doanh thu và lợi nhuận, đồng thời kiểm soát được chất lượng sản phẩm bán ra.

Vinamilk chính là cái tên điển hình đang áp dụng mô hình kinh doanh này. Là công ty sữa hàng đầu Việt Nam, Vinamilk có hệ thống phân phối rộng khắp cả nước, các sản phẩm của công ty có mặt ở hầu hết các siêu thị, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi lớn nhỏ….

Ngoài ra, Coca-Cola cũng là một ví dụ khác đang áp dụng mô hình này. Công ty có các sản phẩm được bán ở 200 quốc gia trên toàn thế giới.

5.5. Mô hình bán hàng đa thương hiệu

Mô hình kinh doanh đa thương hiệu là mô hình mà doanh nghiệp sẽ sở hữu nhiều thương hiệu nhỏ bên trong. Mỗi thương hiệu sẽ được định vị khác nhau để nhắm đến từng phân khúc thị trường. Khi áp dụng mô hình kinh doanh này, doanh nghiệp sẽ tiếp cận được thị trường rộng lớn, giảm thiểu nhiều rủi ro khi kinh doanh và tận dụng được lợi thế của thương hiệu này để hỗ trợ thương hiệu khác.

Có nhiều các doanh nghiệp lớn, tập đoàn đang áp dụng mô hình kinh doanh đa thương hiệu. Tập đoàn Nestle hiện sở hữu tới hơn 2000 thương hiệu như Nescafe, Milo, Gerber, Maggi, Kitkat,…. Mỗi thương hiệu, tập đoàn sẽ nhắm mục tiêu theo từng phân khúc thị trường khác nhau. Ví dụ như Nescafe hướng đến dân văn phòng, người thích cafe, Milo hướng nhiều đến trẻ em, còn Maggi hướng đến chị em yêu thích nấu ăn.

5.6. Mô hình nhượng quyền thương hiệu

Trong mô hình kinh doanh này, doanh nghiệp nhượng quyền sẽ cấp phép cho doanh nghiệp nhận nhượng quyền các bí quyết kinh doanh, quy trình hoạt động, câu chuyện thương hiệu…

Với mô hình này, doanh nghiệp nhượng quyền sẽ mở rộng thị trường mà không cần đầu tư quá nhiều chi phí, mặt khác còn thu được lợi nhuận từ chi phí nhượng quyền. Trong khi đó, doanh nghiệp nhận nhượng quyền sẽ tận dụng thương hiệu của doanh nghiệp nhượng quyền để thu hút khách hàng, nhanh chóng hòa vốn và thu lại nhiều lợi nhuận.

Mixue có lẽ là cái tên nổi bật nhất trong mô hình kinh doanh này. Là một chuỗi cửa hàng kem và trà sữa nổi tiếng tại Trung Quốc, bằng việc áp dụng kinh doanh nhượng quyền, thương hiệu đã có đến 20.000 cửa hàng trên thế giới và 1.000 cửa hàng tại Việt Nam.

5.7. Mô hình kinh doanh agency

Agency là mô hình kinh doanh mà khách hàng sẽ trả phí cho một doanh nghiệp (agency) để thực hiện các dịch vụ của họ. Mức phí này sẽ dựa theo số lượng nhân viên làm việc cho doanh nghiệp cũng như phạm vi xử lý công việc. Mô hình này có chi phí đầu tư không quá lớn, rủi ro thấp và khả năng mở rộng khá cao nên được nhiều chủ doanh nghiệp áp dụng.

Các agency phổ biến hiện nay có thể kể đến như agency quảng cáo (Ogilvy, Dentsu), agency về kế toán, agency về tuyển dụng nhân sự hay headhunter (Navigos Search, 1C Việt Nam). Ngoài ra, các công ty du lịch cũng cung cấp dịch vụ giữa khách hàng và hãng hàng không, nhà hàng, khách sạn…

5.8. Mô hình kinh doanh doanh thu ẩn

Mô hình kinh doanh ẩn là mô hình mà doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ miễn phí cho khách hàng, sau đó công ty sẽ thu thập dữ liệu và bán cho nhà quảng cáo hoặc dùng dữ liệu đó để hiển thị quảng cáo nhắm mục tiêu tới khách hàng. Mô hình này có chi phí đầu tư khá thấp, khả năng mở rộng cùng lợi nhuận cao nhưng có thể gặp rủi ro về quyền riêng tư, cạnh tranh cũng khá cao.

Facebook là mạng xã hội lớn trên thế giới với 2,9 tỷ người hoạt động hàng tháng. Facebook sẽ thu thập dữ liệu của người dùng thông qua việc like bài viết, chia sẻ ảnh, tương tác với bạn bè… từ đó dùng chúng để hiển thị các quảng cáo.

Ngoài ra, Google cũng là công ty cung cấp nhiều dịch vụ miễn phí. Họ cũng sẽ thu thập thông tin thông qua cách người dùng tìm kiếm trên Google Search, thông tin về giới tính, tuổi… để từ đó hiển thị quảng cáo phù hợp.

5.9. Mô hình kinh doanh theo hình thức đăng ký

Mô hình kinh doanh theo hình thức đăng ký là mô hình mà khách hàng sẽ cần trả một khoản phí định kỳ để sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Mô hình này giúp doanh nghiệp tăng được sự trung thành từ khách hàng, dễ dàng mở rộng quy mô và thu được nguồn lợi nhuận ổn định. Tuy nhiên nó cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự đầu tư lớn để phát triển dịch vụ và có giải pháp để giữ chân khách hàng.

Netflix hay Spotify chính là ví dụ điển hình cho mô hình kinh doanh này. Người dùng sẽ cần đăng ký tài khoản và nạp tiền hàng tháng để có thể xem phim, nghe nhạc trên các ứng dụng này.

5.10. Mô hình kinh doanh trả phí Premium

Mô hình kinh doanh trả phí Premium là mô hình mà doanh nghiệp sẽ cung cấp cho người dùng các tính năng cơ bản để sử dụng, khi muốn dùng tính năng nâng cao, người dùng sẽ cần trả phí. Áp dụng mô hình kinh doanh này, doanh nghiệp sẽ thu hút được nhiều người dùng, dễ tăng chuyển đổi và tăng doanh thu nhưng đòi hỏi phải có những đầu tư ban đầu rất lớn và gặp rủi ro về tỷ lệ hủy đăng ký.

Google Drive hiện cung cấp cho cá nhân 15GB miễn phí, nếu người dùng cần lưu trữ nhiều thì sẽ phải mua thêm với chi phí định kỳ hàng tháng/hàng năm. Ngoài ra, Canva cũng là ví dụ điển hình với mô hình này. Canva cung cấp cho người dùng công cụ thiết kế miễn phí và có thể nâng cấp nên Canva Pro để dùng những tính năng cao cấp hơn hoặc dùng mẫu đẹp hơn.

5.11. Mô hình tiếp thị liên kết Affiliate Marketing

Đây là mô hình kinh doanh khá phổ biến trong những năm trở lại đây. Với Affiliate Marketing, nhà cung cấp (Advertiser) sẽ hợp tác với nhà tiếp thị liên kết (Publisher) để quảng bá sản phẩm, dịch vụ. Sau đó nhà cung cấp sẽ trả một khoản hoa hồng tương ứng cho nhà tiếp thị liên kết nếu họ giới thiệu khách hàng mua hàng thành công.

Ví dụ, Amazon Associate là chương trình tiếp thị liên kết lớn nhất thế giới, cho phép nhà tiếp thị kiếm tiền bằng việc quảng bá sản phẩm lên Amazon. 

5.12. Mô hình kinh doanh online

Với mô hình này, doanh nghiệp sẽ dùng Internet để tiếp cận khách hàng mục tiêu, tiếp thị sản phẩm/dịch vụ và thực hiện các giao dịch. So với mô hình kinh doanh truyền thống, kinh doanh online giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều chi phí, dễ mở rộng thị trường, dễ quản lý và tăng doanh thu.

Doanh nghiệp có thể bán hàng online qua website, sàn thương mại điện tử hoặc bán qua mạng xã hội giống như các thương hiệu PNJ, cafe Là Việt,… đang làm. Ngoài ra, các hãng máy bay như Vietjet, VietnamAirline… cũng bán vé máy bay online trên website thay vì chỉ bán offline như trước đó.

5.13. Mô hình kinh doanh theo sàn thương mại điện tử

Mô hình kinh doanh thương mại điện tử là mô hình mà các giao dịch mua bán sẽ được thực hiện trên sàn thương mại điện tử. Công ty sẽ thành lập một sàn, mà ở đó các thương hiệu có thể đăng ký để bán hàng tại đây, người mua khi truy cập cũng dễ dàng tìm kiếm sản phẩm yêu thích và đặt hàng. 

Các thương hiệu về kinh doanh thương mại điện tử nổi tiếng có thể kể đến như: Shopee với 18 triệu người bán cùng hàng trăm triệu người mua, Lazada – một sàn thuộc Alibaba hoạt động tại nhiều quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, Tiki – sàn thương mại với 3 triệu người bán được nhiều người tin tưởng mua hàng.

5.14. Mô hình kinh doanh thu lợi nhuận từ các sản phẩm đi kèm

Với mô hình này, doanh nghiệp sẽ bán một sản phẩm chính kèm với một hoặc nhiều sản phẩm khác với giá ưu đãi. Mục tiêu của việc này là kích thích khách hàng mua hàng, tăng được doanh thu và hạn chế tình trạng hàng tồn kho.

Một số ví dụ về doanh nghiệp áp dụng mô hình này như: KFC, Lotte thường bán hàng theo combo gồm món chính, món phụ, nước uống. Công ty sản xuất dao cạo thường bán lưỡi dao với giá cao và bán dao cạo đi kèm với giá rẻ hơn….

5.15. Mô hình kinh doanh dành cho các công ty tư vấn

Mô hình kinh doanh cho công ty tư vấn thường dựa trên việc thuê những người có chuyên môn cao để tư vấn dịch vụ cho khách hàng. Đối tượng khách hàng ở đây có thể là doanh nghiệp, chính phủ hoặc tổ chức phi lợi nhuận. Doanh nghiệp có thể áp dụng mô hình tư vấn tính phí theo giờ, theo dự án,…

Một vài công ty đang áp dụng mô hình kinh doanh này có thể kể đến như McKinsey & Company – Công ty cung cấp dịch vụ tư vấn cho nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau, KPMG – Công ty cung cấp dịch vụ tư vấn, kiểm toán, thuế… cho các doanh nghiệp lớn nhỏ trên toàn thế giới.

6. Một doanh nghiệp có thể kết hợp nhiều mô hình kinh doanh không?

Doanh nghiệp hoàn toàn có thể kết hợp nhiều mô hình kinh doanh để mang lại lợi ích tối đa. Theo đó, nếu áp dụng đúng cách các mô hình kinh doanh với nhau, doanh nghiệp sẽ đạt được những lợi ích sau đây:

  • Tăng doanh thu, lợi nhuận: Doanh nghiệp sẽ khai thác được nhiều nguồn thu khác nhau, giảm sự phụ thuộc cũng như rủi ro vào một mô hình nhất định.
  • Tăng sự cạnh tranh: Bằng việc kết hợp nhiều mô hình kinh doanh, doanh nghiệp sẽ tạo ra sự khác biệt, lợi thế so với đối thủ, qua đó tăng tính cạnh tranh.
  • Mở rộng thị trường: Áp dụng đa dạng mô hình bán hàng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng khác nhau, qua đó nhanh chóng mở rộng thị trường.
  • Dễ dàng thích ứng với thị trường: Thị trường luôn có những biến động nhất định, do đó nếu sử dụng đa dạng mô hình, doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong việc điều chỉnh chiến lược kinh doanh nếu thị trường có sự thay đổi.

Ví dụ điển hình nhất về việc doanh nghiệp sử dụng kết hợp đa dạng mô hình bán hàng có thể kể đến Amazon – Công ty áp dụng mô hình kinh doanh online, mô hình kinh doanh sàn thương mại điện tử, mô hình kinh doanh tiếp thị liên kết…. Google cũng đang áp dụng mô hình kinh doanh doanh thu ẩn, mô hình kinh doanh trả phí Premium… và đạt được nhiều lợi nhuận từ nhiều nguồn khác nhau.

Tuy nhiên, việc áp dụng nhiều mô hình kinh doanh khác nhau cũng khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức:

  • Quản lý phức tạp hơn: Để có thể vận hành trơn tru, doanh nghiệp cần có hệ thống quản lý hiệu quả, tránh xảy ra những sai sót hoặc nhầm lẫn.
  • Tăng chi phí: Việc tăng chi phí vận hành, chi phí quản lý là không thể tránh khỏi khi doanh nghiệp kết hợp nhiều mô hình bán hàng với nhau.
  • Mâu thuẫn lợi ích: Mỗi mô hình kinh doanh khác nhau sẽ có những chiến lược và mục tiêu khác nhau, từ đó dẫn đến các mâu thuẫn về lợi ích.

7. Kết luận

Có thể nói, việc kinh doanh không phải quá khó nhưng để thành công thì không hề dễ. Do đó, bất kỳ doanh nghiệp nào khi quyết định tham gia vào thị trường cũng cần tìm hiểu và nghiên cứu để chọn cho mình một mô hình kinh doanh phù hợp, từ đó xây dựng giá trị lâu dài và bền vững. 

Đội ngũ Base.vn hy vọng qua những nội dung trên đây, doanh nghiệp đã hiểu rõ hơn về từng mô hình kinh doanh khác nhau và ứng dụng thành công vào tổ chức. Đôi khi, trong quá trình áp dụng doanh nghiệp sẽ gặp phải những rủi ro, nhưng bằng việc thử nghiệm và sửa chữa, tổ chức sẽ biết cách để thay đổi, từ đó giúp doanh nghiệp phát triển và tiến xa hơn.

Đừng quên chia sẻ bài viết hữu ích này nhé!

Nhận tư vấn miễn phí

Nhận tư vấn miễn phí từ các Chuyên gia Chuyển đổi số của chúng tôi

"Bật mí" cách để bạn tăng tốc độ vận hành, tạo đà tăng trưởng cho doanh nghiệp của mình với nền tảng quản trị toàn diện Base.vn

  • Trải nghiệm demo các ứng dụng chuyên sâu được "đo ni đóng giày" phù hợp nhất với bạn.
  • Hỗ trợ giải quyết các bài toán quản trị cho doanh nghiệp ở mọi quy mô & từng lĩnh vực cụ thể.
  • Giải đáp các câu hỏi, làm rõ thắc mắc của bạn về triển khai, go-live, sử dụng và support

Đăng ký Demo

This will close in 2000 seconds

Zalo phone