Base Blog

CTO là gì? Khám phá vai trò và nhiệm vụ của Giám đốc công nghệ

CTO là gì?

Điều gì làm nên sự khác biệt của một doanh nghiệp thành công? Đó chính là khả năng tận dụng công nghệ để xây dựng mối quan hệ với khách hàng, tăng cường năng lực cạnh tranh.

Đứng sau những bài toán công nghệ trong thời kỳ số hóa mạnh mẽ, “bàn tay và khối óc” của CTO – Giám đốc công nghệ sẽ là một trong những trụ cột dẫn đường cho sự tiến bộ và thay đổi cách thức hoạt động của các doanh nghiệp. 

Để hiểu rõ hơn về một chân dung CTO tài năng, hãy cùng Base.vn khám phá chi tiết ở bài viết dưới đây.

1. CTO là gì? CTO đóng vai trò gì trong doanh nghiệp?

1.1 Định nghĩa

Viết tắt của từ Chief Technology Officer, CTO là Giám đốc Công nghệ của doanh nghiệp, chức vụ thuộc Ban lãnh đạo cấp cao, chịu trách nhiệm quản lý và định hướng toàn bộ các hoạt động liên quan đến công nghệ. 

CTO là người đứng đầu trong việc phát triển chiến lược công nghệ, giám sát việc triển khai các dự án công nghệ và đảm bảo rằng các giải pháp công nghệ được áp dụng hiệu quả nhất để hỗ trợ mục tiêu kinh doanh của công ty.

1.2 Vai trò

Một khái niệm khác thường dễ bị nhầm lẫn với CTO là CIO (Chief Information Officer). Để làm rõ vai trò của CTO, hãy cùng đặt vào góc độ so sánh với CIO. 

Giám đốc CNTT (CIO) và giám đốc công nghệ (CTO) là hai vị trí điều hành hoạt động ở mảng công nghệ, cùng cấp độ trong hệ thống phân cấp của tổ chức. Nếu CIO tập trung vào việc quản lý các hệ thống thông tin và công nghệ hiện có để tối ưu hóa hiệu suất và hiệu quả nội bộ, đảm bảo công nghệ bền vững từ “bên trong” thì CTO lại hướng đến “bên ngoài”, giám sát việc triển khai các dự án công nghệ với khách hàng, đảm bảo rằng chúng được thực hiện đúng tiến độ, ngân sách và đạt được các mục tiêu đề ra. 

Họ chính là người đại diện trong các mối quan hệ phát triển khách hàng và đối tác . Trong vai trò này, CTO chịu trách nhiệm quản lý các vấn đề về quan hệ khách hàng, theo dõi thị trường mục tiêu và hỗ trợ việc đưa các dự án công nghệ gia nhập vào thị trường.

Ngoài xây dựng và phát triển đội ngũ, CTO còn đóng vai trò là một “chiến lược gia” triển khai và cập nhật những công nghệ mới, tham vấn cho Ban lãnh đạo công nghệ phù hợp với bức tranh chung của doanh nghiệp. 

1.3 Xu hướng 

Những xu hướng phát triển như AI, chuyển đổi số, điện toán đám mây, công nghệ xanh và bền vững sẽ tiếp tục định hình vai trò và trách nhiệm của CTO trong tương lai.

Ngoài ra, với sự gia tăng của các mối đe dọa an ninh mạng, CTO phải đảm bảo rằng các hệ thống và dữ liệu của công ty được bảo vệ tốt nhất. 

CTO có tầm nhìn chiến lược dài hạn về công nghệ, họ xây dựng và thực hiện các kế hoạch phát triển công nghệ phù hợp với sự phát triển của công ty. Bằng cách dự đoán và chuẩn bị cho những thay đổi trong môi trường kinh doanh, CTO giúp công ty luôn sẵn sàng thích ứng và nắm bắt cơ hội mới.

CTO là gì?

2. Mô tả công việc của Giám đốc công nghệ (CTO)

Để có được cái nhìn tổng quan về “một ngày của CTO”, ta có thể chia các hạng mục công việc tương ứng với vai trò, nhiệm vụ của CTO như sau:

Xây dựng chiến lược công nghệ:

  • Theo dõi các xu hướng xã hội và công nghệ có thể ảnh hưởng đến mục tiêu kinh doanh của công ty.
  • Xác định các cơ hội và rủi ro cho doanh nghiệp.
  • Tham gia vào các quyết định quản lý về quản trị doanh nghiệp.
  • Thực hiện các quy trình bảo vệ dữ liệu.

Nghiên cứu và phát triển:

  • Nghiên cứu, phác thảo và đề xuất các hệ thống quản lý hệ thống hiệu quả nhất.
  • Duy trì hệ thống hiện tại về các tiêu chuẩn công nghệ và các quy định tuân thủ.
  • Quản lý hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ, tài sản CNTT và doanh thu liên quan.
  • Phát triển chiến lược giám sát việc sử dụng công nghệ mới trong tổ chức.
  • Phê duyệt các thiết kế mới cho cơ sở hạ tầng CNTT và hệ thống truyền thông.

Quản lý và lãnh đạo đội ngũ công nghệ:

  • Lãnh đạo và quản lý đội ngũ nhân viên kỹ thuật, đảm bảo họ được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để thực hiện các dự án công nghệ.
  • Tuyển dụng, đào tạo và phát triển nhân viên kỹ thuật.
  • Tạo môi trường làm việc sáng tạo và khuyến khích sự hợp tác trong đội ngũ.
  • Theo dõi và đánh giá ngân sách CNTT

Cầu nối thông tin: 

  • Truyền đạt chiến lược công nghệ của công ty tới các đối tác, ban lãnh đạo, nhà đầu tư và nhân viên.
  • Xây dựng mối quan hệ với các nhà cung cấp, cộng đồng và khách hàng.
  • Tham gia vào các hội nghị, sự kiện và cộng đồng công nghệ để nâng cao uy tín và mạng lưới quan hệ của công ty.
Mô tả công việc của CTO

3. Một CTO giỏi cần đáp ứng những tiêu chí nào?

Mô hình ASK (Attitude, Skills, Knowledge) là một khung nhìn toàn diện giúp định hướng trở thành một nhà lãnh đạo công nghệ hiệu quả.

3.1 Thái độ (Attitude)

Một CTO cần phải có thái độ tích cực và sẵn sàng đương đầu với các thách thức công nghệ phức tạp. Thái độ này không chỉ giúp họ giải quyết các vấn đề một cách hiệu quả mà còn tạo nên một môi trường làm việc sáng tạo và động lực cho đội ngũ. 

Ngoài ra, khi guồng quay căng thẳng giữa các vấn đề hệ thống khách hàng, CTO cần giữ được một thái độ bình tĩnh, kiên nhẫn và quyết đoán. Chẳng hạn, khi một dự án công nghệ gặp phải vấn đề không lường trước, CTO cần quyết đoán đưa ra các quyết định nhanh chóng và tối ưu, tiếp tục tìm kiếm các phương án giải quyết thay vì đánh mất tinh thần.

3.2 Knowledge (Kiến thức)

Đơn cử như việc Trí tuệ nhân tạo ngày càng lên ngôi, một CTO thông thạo về lĩnh vực này có thể đưa ra chiến lược để áp dụng AI vào các sản phẩm và dịch vụ của công ty, từ đó tăng cường tính cạnh tranh và đem lại giá trị cho khách hàng. 

CTO cần hiểu biết sâu về các quy trình phát triển phần mềm, các chuẩn mực quản lý dự án (như Agile hay Scrum) và cách thức tích hợp công nghệ vào các mô hình kinh doanh hiện đại. Một CTO giỏi cũng cần có kiến thức vững về quản lý cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (IT infrastructure) và khả năng đánh giá các công nghệ mới, từ đó đưa ra quyết định chiến lược phù hợp để tối ưu hóa hoạt động của công ty và nâng cao hiệu suất làm việc.

3.3 Skill (Kỹ năng)

Để đảm nhận trọng trách này, bên cạnh các kỹ năng chuyên môn, CTO cần phải sở hữu bộ kỹ năng mềm bao gồm giải quyết vấn đề, kết hợp với khả năng giao tiếp và xây dựng mối quan hệ.

Kỹ năng lãnh đạo là yếu tố quyết định cho sự thành công của một CTO. CTO cần có khả năng dẫn dắt và truyền cảm hứng cho đội ngũ công nghệ, khuyến khích sự sáng tạo và hợp tác, từ đó mới có thể xây dựng một đội ngũ đáng tin cậy và có năng lực để đối mặt với các thử thách công nghệ.

Bên cạnh đó, CTO cần có khả năng phân tích sâu sắc và giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan đến công nghệ. Ví dụ, khi một lỗ hổng bảo mật xuất hiện, CTO cần phải nhanh chóng định vị và khắc phục để bảo vệ thông tin của công ty và đội ngũ khách hàng.

CTO cần đáp ứng tiêu chí nào?

4. Lộ trình nghề nghiệp để trở thành Giám đốc công nghệ (CTO)

Thông thường để đạt tới vị trí lãnh đạo cấp cao như CTO, bạn cần có bề dày kinh nghiệm nhất định trong lĩnh vực công nghệ thông tin, xuất phát điểm từ những vị trí cấp thấp: 

Chuyên viên Công nghệ thông tin (IT Specialist) – Từ 1 đến 3 năm kinh nghiệm: Bắt đầu sự nghiệp từ vị trí chuyên viên CNTT là bước đầu tiên. Ở đây, bạn sẽ tiếp cận và tích lũy kinh nghiệm với các công nghệ và hệ thống thông tin cơ bản của tổ chức.

Kỹ sư phần mềm (Software Engineer) – Từ 3 đến 5 năm kinh nghiệm: Khi đã có kinh nghiệm với công nghệ thông tin, bạn có thể chuyển sang vai trò kỹ sư phần mềm. Tại đây, bạn sẽ tham gia vào quá trình phát triển và triển khai các ứng dụng phần mềm, học hỏi về các quy trình phát triển phần mềm và các công nghệ mới.

Quản lý dự án công nghệ (Technology Project Manager) – Từ 5 đến 7 năm kinh nghiệm: Sau khi có kinh nghiệm với phát triển phần mềm, bạn có thể tiến lên vị trí quản lý dự án công nghệ. Ở vị trí này, bạn sẽ phụ trách lập kế hoạch, quản lý tài nguyên và giám sát tiến độ của các dự án công nghệ. Kỹ năng quản lý dự án sẽ giúp bạn chuẩn bị cho vai trò lãnh đạo cao hơn.

Giám đốc Công nghệ (Chief Technology Officer – CTO) – Từ 10 năm trở lên kinh nghiệm, bao gồm kinh nghiệm quản lý và chiến lược công nghệ. Khi đã “chạm” tới được vị trí này, có thể nói bạn là một chuyên gia trong nghề, định hướng và quản lý chiến lược công nghệ của doanh nghiệp, đảm bảo rằng các chiến lược công nghệ hỗ trợ và thúc đẩy các mục tiêu kinh doanh.

Lộ trình để trở thành Giám đốc công nghệ

5. Những thắc mắc thường gặp về vị trí CTO trong doanh nghiệp

5.1 Tên một số CTO nổi tiếng trên thế giới?

Có thể nhắc đến Andy Jassy và Werner Vogels của Amazon, Satya Nadella của Microsoft, hay John Roese của Dell Technologies, họ đều là những nhân vật quan trọng giúp định hình chiến lược và phát triển công nghệ của các tập đoàn toàn cầu.

5.2 Một công ty có bắt buộc phải có CTO hay không?

Không phải tất cả các công ty đều có vị trí CTO. Việc có hay không có CTO phụ thuộc vào quy mô, ngành nghề và chiến lược công nghệ của từng công ty. Các công ty công nghệ cao thường có CTO để đảm bảo phát triển công nghệ liên tục và hướng tới chiến lược dài hạn. Tuy nhiên, trong các công ty nhỏ hơn hoặc các ngành nghề khác, vai trò quản lý công nghệ có thể được phân bổ cho các vị trí khác như người sáng lập/CEO.

5.3 CTO có cần phải code giỏi không?

Mặc dù không bắt buộc, khả năng code giỏi giúp CTO hiểu rõ hơn về các vấn đề kỹ thuật, thúc đẩy sự đổi mới và tối ưu hóa quá trình phát triển sản phẩm. Điều này cũng giúp CTO có thể đưa ra các quyết định chiến lược về công nghệ dựa trên sự hiểu biết sâu rộng về cả khía cạnh kỹ thuật và chiến lược kinh doanh.

5.4 CTO có cần hiểu biết về xu hướng công nghệ và chuyển đổi số không?

Đúng, vai trò của CTO đòi hỏi phải cập nhật và hiểu biết sâu rộng về các xu hướng công nghệ mới nhất, bao gồm cả chuyển đổi số. CTO có nhiệm vụ định hướng chiến lược công nghệ để phù hợp với mục tiêu kinh doanh của công ty, nếu không sẽ khiến công ty bị tụt lại so với đối thủ cạnh tranh

5.5 Mức lương của CTO khoảng bao nhiêu?

Tùy vào quy mô của công ty, ngành nghề hoạt động, vị trí địa lý và kinh nghiệm của từng cá nhân, mức lương của Giám đốc Công nghệ (CTO) tại Việt Nam có thể dao động một cách đáng kể. Thông thường, mức lương trung bình của CTO có thể khoảng từ 70 triệu đồng đến 200 triệu đồng mỗi tháng. 

6. Kết luận

Trong thế giới số hóa hiện đại, CTO không chỉ dừng lại ở một chức danh. “Tầm vóc” của CTO cũng đại diện cho năng lực công nghệ của tổ chức, củng cố niềm tin cho khách hàng. Một lần nữa, xin chúc những nhà lãnh đạo luôn nhạy bén với những sáng kiến công nghệ đổi mới, thúc đẩy sự tiến bộ kỹ thuật trong doanh nghiệp nói riêng và ngành Công nghệ thông tin tại Việt Nam nói chung. 

Đừng quên chia sẻ bài viết hữu ích này nhé!

Nhận tư vấn miễn phí

Nhận tư vấn miễn phí từ các Chuyên gia Chuyển đổi số của chúng tôi

"Bật mí" cách để bạn tăng tốc độ vận hành, tạo đà tăng trưởng cho doanh nghiệp của mình với nền tảng quản trị toàn diện Base.vn

  • Trải nghiệm demo các ứng dụng chuyên sâu được "đo ni đóng giày" phù hợp nhất với bạn.
  • Hỗ trợ giải quyết các bài toán quản trị cho doanh nghiệp ở mọi quy mô & từng lĩnh vực cụ thể.
  • Giải đáp các câu hỏi, làm rõ thắc mắc của bạn về triển khai, go-live, sử dụng và support

Đăng ký Demo

This will close in 2000 seconds

Zalo