Việc có được những “mảnh ghép” phù hợp trong bức tranh nhân sự luôn là bài toán thách thức của doanh nghiệp, đặc biệt là các vị trí cấp cao. Nhu cầu chiêu mộ nhân tài ngày càng tăng, đòi hỏi lĩnh vực tuyển dụng cũng cần mở rộng mạng lưới tìm kiếm để tiếp cận được với những ứng viên chất lượng.
Đó cũng chính là lí do ra đời lĩnh vực “săn đầu người” – headhunting. Cụ thể thì Headhunter là gì? và “thợ săn đầu người” này sẽ làm việc như thế nào, các yếu tố cần có để trở thành 1 headhunter chuyên nghiệp, công cụ hỗ trợ cho công việc của headhunter – tất cả sẽ có trong bài viết này.
Mục lục
Toggle1. Headhunter là gì?
1.1. Định nghĩa
Headhunter hay “thợ săn đầu người” là một thuật ngữ để chỉ những người chuyên đi tìm kiếm và thu thập thông tin về ứng viên tiềm năng cho các vị trí công việc cụ thể, theo đặt hàng của các khách hàng doanh nghiệp.
Headhunter thường là những chuyên viên hoặc công ty tư vấn tuyển dụng có kinh nghiệm và mạng lưới rộng. Mục tiêu của headhunter là đề xuất được ứng viên phù hợp cho các doanh nghiệp mục tiêu của họ.
1.2. Phân biệt headhunter và Recruiter
Headhunter và Recruiter đều là các vị trí trong lĩnh vực tuyển dụng, có những điểm khác biệt thường thấy sau đây:
Khía cạnh | Headhunter | Recruiter |
Khái niệm | Người săn tài chuyên nghiệp, tập trung vào tìm kiếm và đề xuất ứng viên cho các vị trí cao cấp hoặc đặc biệt. | Người tuyển dụng hoạt động trong tổ chức, chịu trách nhiệm quảng cáo vị trí, sàng lọc ứng viên và tiến hành phỏng vấn. |
Hình thức làm việc | Là bên thứ ba, làm theo hợp đồng hoặc dịch vụ tư vấn | Là nhân viên cố định của tổ chức |
Tính chất công việc | Tìm kiếm và đề xuất ứng viên cho các vị trí cao cấp hoặc quan trọng, có thể sử dụng mô hình “săn mồi” để tiếp cận ứng viên đang làm việc cho các công ty khác. | Xây dựng một đội ngũ nhân sự đa dạng và phù hợp với nhu cầu của tổ chức. |
Mạng lưới | Thường làm việc với nhiều công ty khác nhau và các ngành nghề khác nhau. | Làm việc trong cùng một công ty/ tổ chức, tập trung vào nhân sự nội bộ. |
2. Tại sao nghề headhunter lại ngày càng “hot” hiện nay?
Nhu cầu chiêu mộ ‘nhân tài’ tăng cao
Với sự phát triển của nền kinh tế và các ngành công nghiệp, thị trường lao động trở nên năng động hơn bao giờ hết. Nhu cầu về “nhân tài” ngày càng tăng, đồng thời doanh nghiệp cũng ngày càng hiểu biết và trân trọng giá trị của việc có được các nhân viên chất lượng.
Mặc dù doanh nghiệp nào cũng có bộ phận nhân sự, tuy nhiên sự hạn chế về mối quan hệ với các ứng viên cấp cao sẽ khiến doanh nghiệp khó có thể tự tìm kiếm được người tài phù hợp. Khi đó, nhà tuyển dụng sẽ cần phải tìm đến headhunter.
Mạng lưới quan hệ xã hội
Một trong những yếu tố quan trọng làm cho nghề headhunter trở nên ngày càng “hot” là mạng lưới quan hệ xã hội mà họ xây dựng được. Những mối quan hệ mạnh mẽ và sâu rộng với các ứng viên tiềm năng và doanh nghiệp giúp họ tiếp cận được những nguồn lực quý giá và cơ hội tuyển dụng. Sự quen thuộc và uy tín của họ trong cộng đồng cũng là yếu tố quan trọng giúp họ thu hút những ứng viên chất lượng.
Tính linh hoạt trong thu nhập
Trong ngành headhunting, nhiều công ty sử dụng mô hình trả hoa hồng, trong đó headhunter nhận được phần trăm hoa hồng từ mỗi giao dịch thành công, tức là từ mỗi ứng viên mà họ tìm thấy và được tuyển dụng cho vị trí công việc. Điều này có nghĩa là các headhunter có thể kiếm được số tiền lớn nếu họ thành công trong việc tìm kiếm và đưa ra các ứng viên phù hợp cho các vị trí cao cấp hoặc khó tuyển.
3. Quy trình làm việc của một headhunter
Bước 1: Nhận yêu cầu tuyển dụng
Headhunter thường bắt đầu quá trình làm việc bằng việc tiếp xúc và gặp gỡ khách hàng – tổ chức hoặc doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng. Trong buổi gặp gỡ này, họ sẽ thảo luận và hiểu rõ về yêu cầu tuyển dụng của khách hàng, bao gồm các yêu cầu về vị trí, kỹ năng cần thiết, kinh nghiệm, và các yếu tố khác như văn hóa tổ chức và môi trường làm việc.
Bước 2: Tìm kiếm, kết nối và sàng lọc ứng viên
Sau khi đã hiểu rõ yêu cầu tuyển dụng, headhunter bắt đầu quá trình tìm kiếm ứng viên phù hợp. Họ sử dụng một loạt các công cụ và kỹ thuật tìm kiếm như cơ sở dữ liệu tìm kiếm ứng viên, mạng lưới quan hệ xã hội và chuyên ngành, và kỹ năng tương tác với cộng đồng chuyên môn để tìm kiếm và kết nối với ứng viên tiềm năng.
Headhunter sau đó tiến hành sàng lọc ứng viên bằng cách đánh giá hồ sơ, phỏng vấn qua điện thoại hoặc trực tiếp, và/hoặc kiểm tra kỹ năng hoặc kiến thức.
Đọc thêm: Top 15+ các trang web tuyển dụng uy tín nhất hiện nay
Bước 3: Hẹn lịch phỏng vấn ứng viên với khách hàng
Khi đã xác định được danh sách ứng viên tiềm năng, headhunter sẽ hỗ trợ trong việc hẹn lịch phỏng vấn giữa ứng viên và khách hàng của mình. Trong quá trình này, headhunter cung cấp thông tin chi tiết về ứng viên và gửi cho khách hàng để họ có thể chuẩn bị tốt nhất cho cuộc phỏng vấn.
Bước 4: Hỗ trợ đàm phán với ứng viên
Nếu ứng viên đạt được thành công trong cuộc phỏng vấn và được chọn làm ứng viên cuối cùng, headhunter có thể hỗ trợ cả khách hàng và ứng viên trong quá trình đàm phán về điều khoản hợp đồng, bao gồm mức lương, các phúc lợi, và điều kiện làm việc khác.
Trong thực tế, việc này đòi hỏi sự linh hoạt và kỹ năng thương lượng từ phía headhunter để đảm bảo mức lương và các điều khoản khác đáp ứng được cả hai bên.
Bước 5: Hoàn tất quy trình tuyển dụng
Cuối cùng, sau khi điều khoản hợp đồng đã được thỏa thuận, headhunter sẽ hỗ trợ cả khách hàng và ứng viên trong quá trình hoàn tất các thủ tục tuyển dụng và làm việc để đảm bảo một quá trình chuyển giao suôn sẻ và thành công. Điều này bao gồm việc làm các bước cuối cùng như lập hợp đồng lao động và giải quyết các thủ tục liên quan đến việc bắt đầu công việc mới.
4. Các yếu tố cần có để trở thành một headhunter chuyên nghiệp
Kiến thức chuyên môn
Headhunter cần không ngừng rèn luyện chuyên môn trong lĩnh vực tuyển dụng của mình. Điều này bao gồm việc nắm vững các xu hướng tuyển dụng, hiểu biết sâu sắc về ngành và vị trí công việc cụ thể, và cập nhật thông tin về thị trường lao động địa phương và toàn cầu. Chỉ khi có kiến thức chuyên môn sâu rộng, headhunter mới có thể tư vấn và đáp ứng được yêu cầu của khách hàng một cách hiệu quả.
Kỹ năng giao tiếp
Đặc thù công việc của headhunter đa số là “kết quả” của giao tiếp, thương lượng. Vì vậy, headhunter cần phải có kỹ năng giao tiếp tốt để truyền đạt thông điệp một cách rõ ràng và hấp dẫn. Việc diễn đạt được lợi ích và cơ hội mà vị trí công việc mang lại cho ứng viên là cực kỳ quan trọng để thu hút sự quan tâm và đồng ý tham gia vào quá trình tuyển dụng.
Khả năng thích ứng và sáng tạo
Thị trường biến thiên từng giờ, giả sử đặt trong trường hợp khách hàng thay đổi yêu cầu tuyển dụng vào phút chót do sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh. Headhunter cần phải linh hoạt và sáng tạo để thích nghi với tình huống này. Họ có thể đề xuất các phương án tìm kiếm ứng viên mới hoặc điều chỉnh phương thức tìm kiếm hiện có để đáp ứng yêu cầu mới một cách hiệu quả.
Headhunter cũng cần phải sáng tạo trong việc tìm ra các phương tiện mới và hiệu quả để thu hút ứng viên tiềm năng. Thay vì chỉ dựa vào các cơ sở dữ liệu truyền thống, họ có thể sử dụng các mạng lưới xã hội chuyên ngành, tham gia vào các diễn đàn và cộng đồng trực tuyến, hoặc tổ chức các sự kiện chuyên ngành để thu hút sự chú ý của ứng viên.
Kỹ năng xây dựng mạng lưới quan hệ
Việc xây dựng mối quan hệ không chỉ dừng lại ở việc kết nối mà còn là việc duy trì và phát triển theo thời gian. Headhunter cần phải đầu tư thời gian và công sức để tạo ra các mối quan hệ đáng tin cậy và lâu dài với các đối tác, khách hàng và ứng viên. Điều này có thể làm thông qua việc giữ liên lạc thường xuyên, cung cấp giá trị cho đối tác và ứng viên, và thể hiện sự quan tâm và sự tôn trọng đối với họ.
Xây dựng thương hiệu cá nhân
Thời đại công nghệ lên ngôi, “thương hiệu cá nhân” được xem là “điểm cộng” tuyệt vời cho bất cứ ngành nghề nào, đặc biệt là headhunter đang cần tích cực xây dựng các mối quan hệ cộng đồng. Chia sẻ nội dung giá trị là một cách hiệu quả để thu hút sự chú ý và tạo dựng uy tín trong ngành. Headhunter có thể viết blog, tổ chức các buổi tương tác trực tuyến, hoặc thậm chí là tạo ra các video hoặc podcast để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và góc nhìn cá nhân về lĩnh vực tuyển dụng.
Đọc thêm: Employer Branding là gì? 5 bước xây dựng thương hiệu tuyển dụng
5. Các thách thức mà headhunter thường gặp phải
Cạnh tranh gay gắt
Trong một thị trường lao động cạnh tranh, việc tìm kiếm và thu hút ứng viên chất lượng có thể trở nên khó khăn. Các headhunter thường phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty tuyển dụng khác, đặc biệt là đối với các vị trí công việc có nhu cầu cao và ứng viên ít.
Khách hàng thay đổi nhu cầu
Một trong những thách thức lớn nhất mà headhunter thường gặp phải là thay đổi nhanh chóng của nhu cầu và yêu cầu từ phía khách hàng. Đôi khi, khách hàng có thể thay đổi yêu cầu tuyển dụng hoặc hủy bỏ dự án mà không có thông báo trước, điều này có thể gây khó khăn và áp lực cho headhunter.
Tính khả thi của yêu cầu tuyển dụng
Đôi khi, yêu cầu tuyển dụng từ phía khách hàng có thể không khả thi hoặc không thực tế. Headhunter thường phải đối mặt với thách thức của việc phải giải thích cho khách hàng về tính khả thi của yêu cầu tuyển dụng và đề xuất các giải pháp phù hợp.
Khó tìm kiếm ứng viên phù hợp
Tìm kiếm và thu hút ứng viên phù hợp với yêu cầu của khách hàng có thể là một thách thức lớn. Đặc biệt là đối với các vị trí công việc chuyên ngành hoặc cao cấp, việc tìm ra ứng viên có kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp có thể tốn nhiều thời gian và công sức.
Quản lý thời gian và áp lực
Headhunter thường phải đối mặt với áp lực từ việc quản lý nhiều dự án và khách hàng cùng một lúc. Việc phải điều phối các cuộc gặp gỡ, phỏng vấn và thương lượng với nhiều ứng viên cùng một thời điểm có thể tạo ra áp lực và đòi hỏi sự quản lý thời gian tốt.
6. Công cụ hỗ trợ đắc lực cho công việc của các headhunter
6.1. Công cụ tương tác và giao tiếp
Headhunter thường sử dụng công cụ email marketing để gửi thông báo về việc làm và chia sẻ nội dung giá trị. Các ứng dụng trò chuyện nhóm như Slack và Zoom thì được dùng để họ tổ chức hội thảo trực tuyến và giao tiếp với đồng nghiệp.
Bên cạnh đó, các nền tảng xã hội như LinkedIn và Facebook để kết nối với cộng đồng và chia sẻ thông tin việc làm, cũng là công cụ không thể thiếu trong quy trình làm việc của headhunter.
Đọc thêm: Top 10 phần mềm quản lý tuyển dụng nhân sự phổ biến nhất hiện nay
6.2. Hệ thống quản trị tuyển dụng (Applicant Tracking System – ATS)
Applicant Tracking System (ATS – Hệ thống quản trị tuyển dụng) là một dạng phần mềm ứng dụng công nghệ để xử lý các công việc tuyển dụng. Nói một cách dễ hình dung, ATS có nhiều nét tương tự với CRM (Hệ thống quản lý quan hệ khách hàng), tuy nhiên khác với CRM phục vụ cho công việc kinh doanh-marketing, ATS chỉ áp dụng trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự.
ATS giúp headhunter quản lý và theo dõi các ứng viên trong quá trình tuyển dụng. Các tính năng bao gồm việc đăng tin tuyển dụng, thu thập hồ sơ ứng viên, lên lịch phỏng vấn, và đánh giá ứng viên.
Một phần mềm ATS có thể lưu trữ và quản lý hàng trăm, thậm chí hàng ngàn hồ sơ ứng viên một cách dễ dàng. Headhunter thể tìm kiếm, lọc, và xem lại hồ sơ một cách nhanh chóng để tìm ra ứng viên phù hợp cho các vị trí tuyển dụng cụ thể.
Base E-Hiring là phần mềm ATS đầu tiên tại Việt Nam, đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong bài toán tuyển dụng và quản lý ứng viên. Hỗ trợ tốt nhất trong từng bước của quy trình tuyển dụng, cùng dashboard báo cáo hiệu quả tuyển dụng từ da dạng góc nhìn, đây chính là công cụ hỗ trợ đắc lực cho công việc của cả Recruiter và Headhunter.
7. Tạm kết
Bằng cách sử dụng các công cụ và kỹ năng phù hợp, headhunter giúp tối ưu hóa quy trình tuyển dụng và đem lại giá trị cho cả tổ chức và ứng viên. Họ chính là cầu nối giúp doanh nghiệp chiêu mộ được những người tài, những “mảnh ghép” phù hợp, sẵn sàng cống hiến và nhiều ý tưởng đột phá.
Chúc các “thợ săn đầu người” luôn giữ được tinh thần và nhiệt huyết trong công việc của mình. Đồng thời các nhà quản lý sẽ có khả năng kết nối và hợp tác với nhiều headhunter đa nhiệm và tài năng, cùng nhau đóng góp vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.