Khái niệm “tuyển dụng” đang dần trở nên lỗi thời, thay vào đó là sự lên ngôi của khái niệm mới: Talent Acquisition (thu hút tài năng). Vậy hai công việc này khác nhau như thế nào? Cùng Base Blog tìm hiểu nhé!
Mục lục
Toggle1. Talent Acquisition là gì?
Talent Acquisition hay Thu hút tài năng là một quá trình liên tục để xác định, xây dựng mối quan hệ và tuyển lựa những cá nhân có các năng lực nhằm đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cho doanh nghiệp.
Với tính chất đó, Talent Acquisition là hoạt động mang tính chiến lược, đòi hỏi việc vạch định kế hoạch nhân sự dài hạn.
2. Phân biệt Talent Acquisition và tuyển dụng
Sự khác biệt chủ yếu giữa tuyển dụng (recruitment) và thu hút tài năng (talent acquisition) nằm ở sự khác biệt giữa ngắn hạn và dài hạn, giữa tính chiến thuật và chiến lược. Nếu như tuyển dụng chỉ bao gồm các hoạt động liên quan chủ yếu tới ứng viên như: quảng bá tin tuyển dụng, sàng lọc hồ sơ, phỏng vấn, đánh giá, lựa chọn; thì Talent Acquisition là phạm trù rộng hơn, ở tầm cao hơn, với nhìn chiến lược hơn: không chỉ là lấp đầy vị trí hiện tại, mà còn đảm bảo cho sự vận hành của bộ máy nhân sự trong tương lai.
Muốn vậy, Talent Acquisition còn kết hợp nhiều yếu tố khác như xây dựng thương hiệu tuyển dụng, tạo dựng mối quan hệ trong cộng đồng ứng viên và mở rộng talent pool (nguồn ứng viên tài năng) cho tổ chức.
Giả sử cùng nhìn vào một cá nhân có năng khiếu về content writing, tuy nhiên hiện tại chưa phù hợp cho vị trí cần tuyển tại doanh nghiệp (thiếu kinh nghiệm thực tế, đang là sinh viên đi học…). Một nhà tuyển dụng có thể sẽ bỏ qua hồ sơ này, nhưng một người làm Talent Acquisition sẽ vẫn tiếp tục tiếp cận ứng viên này để liên hệ lại về sau cho các vị trí trong tương lai.
Trong bối cảnh bức tranh tuyển dụng đang có sự chuyển mình lớn khi mà ứng viên giành phần chủ động nhiều hơn, Talent Acquisition thể hiện tính hiệu quả và tầm quan trọng rõ rệt. Bằng cách tận dụng hiệu quả nguồn ứng viên, hoạt động Talent Acquisition có thể giúp giảm chi phí và thời gian tuyển dụng; và trong nhiều trường hợp, bảo đảm chất lượng ứng viên ổn định. Mỗi doanh nghiệp có thể tự xây dựng bộ phận Talent Acquisition của mình để hạn chế độ phụ thuộc tới dịch vụ thứ 3.
Với Talent Acquisition, doanh nghiệp có thể thực sự tạo dựng lợi thế cạnh tranh cho mình.
Đọc thêm: Mô hình ASK là gì? Mô hình đánh giá năng lực nhân sự chuẩn quốc tế
3. Các nhiệm vụ của Talent Acquisition
3.1 Hoạch định chiến lược
Như đã trình bày, nếu như việc tuyển dụng chỉ nhằm để lấp vị trí trống, thì Talent Acquisition tập trung vào việc xây dựng một phễu ứng viên tiềm năng. Bởi vậy, trong suốt quá trình làm việc của người làm Talent Acquisition, cần phải thiết lập một chiến lược để tìm kiếm, đồng thời quản lí được tập hợp dữ liệu ứng viên.
3.2 Phân định nguồn nhân lực
Để hoạt động talent acquisition được hiệu quả, bạn cần phải đồng thời hiểu được vai trò, vị trí, năng lực và kinh nghiệm cần thiết cho từng khía cạnh trong hoạt động kinh doanh-vận hành doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp lớn, điều này đồng nghĩa với việc có thể phải hiểu tới hàng tram vị trí khác nhau. Việc này khác xa với hoạt động tuyển dụng, khi bạn chỉ cần biết về mô tả công việc hay kĩ năng cần thiết cho một vị trí nhất định.
3.3 Xây dựng thương hiệu tuyển dụng
Xây dựng được một thương hiệu tuyển dụng chuyên nghiệp là một quá trình dài của người làm Talent Acquisition. Nó đi từ việc xác định tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp (phần lõi thương hiệu tuyển dụng) cho tới thể hiện, quảng bá hình ảnh đó tới ứng viên thông qua đa dạng hình thức như website tuyển dụng, fanpage, tài khoản LinkedIn, câu chuyện của các nhân viên, (phần vỏ)…
Thương hiệu tuyển dụng giúp thúc đẩy vị thế của doanh nghiệp trên thị trường, thu hút các ứng cử viên chất lượng và đem lại hình dung chính xác phong cách làm việc tại tổ chức đó – bởi vậy là nhiệm vụ không thể thiếu trong quá trình thu hút tài năng.
3.4 Tạo dựng mối quan hệ với ứng viên
Công việc xây dựng mối quan hệ với ứng viên trong Talent acquisition bao gồm nâng cao trải nghiệm ứng viên, quản lí cộng đồng ứng viên và giữ liên hệ với các ứng viên cũ tạm thời chưa phù hợp. Nếu như công việc tuyển dụng chỉ tập trung vào những ứng viên quanh vùng có thể lựa chọn, thì talent acquisition hầu như không đặt ra giới hạn nào trong việc tìm kiếm ứng viên: chỉ cần ứng viên sở hữu những năng lực cần thiết cho doanh nghiệp, thì người làm talent acquisition sẽ tìm đến họ.
3.5 Đo lường và dự đoán
Dữ liệu là công cụ thiết yếu trong quá trình talent acquisition. Dữ liệu có thể giúp chỉ ra những điểm thành công hay thiếu sót đang có trong quá trình thu nhận tài năng, từ đó chỉ dẫn hướng đi đúng đắn. Để làm được điều này, người làm talent acquisition này phải biết thu thập, quản lí và phân tích càng nhiều dữ liệu càng tốt. Việc này rất khác so với quá trình tuyển dụng ngắn hạn, nhà tuyển dụng không cần phải tính toán dữ liệu cho việc tối ưu lâu dài.
Đọc thêm: Quy trình tuyển dụng nhân sự chuẩn 7 bước (Tải về sơ đồ mẫu)
4. Làm thế nào để áp dụng Talent Acquisition tại doanh nghiệp?
4.1 Nâng cao thương hiệu tuyển dụng
Nếu như bạn muốn tạo quan hệ với những ứng viên tài năng hàng đầu, bạn phải đảm bảo họ có thiện cảm hoặc chí ít là biết đến doanh nghiệp của bạn. Muốn vậy, bạn sẽ cần đến một website tuyển dụng chuyên nghiệp thể hiện đầy đủ thông tin doanh nghiệp, các tài khoản trên mạng xã hội (Facebook, LinkedIn,…) giàu tương tác, hay thậm chí là cần các nhân viên cùng chia sẻ về doanh nghiệp trên mạng xã hội,…
4.2 Tạo nguồn ứng viên
Đã qua rồi thời kì “ôm cây đợi thỏ” và chờ ứng viên tìm đến mình: người làm Talent Acquisition phải chủ động tìm kiếm các mạng xã hội hay forum cộng đồng tập hợp nhiều chuyên gia trong ngành/lĩnh vực. Có tới 99% người lao động đang sử dụng Facebook và hơn 50% nhân sự chất lượng cao đang hoạt động trên LinkedIn – đây sẽ là những địa chỉ mà bạn cần bắt đầu để tạo dựng mối quan hệ (follow, message, comment,…). Ngoài ra, đừng bỏ qua các hội thảo, seminar, sự kiện networking để tìm kiếm các ứng viên sáng giá.
Các công việc tạo nguồn này cần được thực hiện đều đặn hàng tuần, và lí tưởng là người làm Talent Acquisition dành cho nó phần lớn lượng thời gian. Bạn sẽ sớm thiết lập được những mối quan hệ chặt chẽ, đồng thời nâng cao được vị thế trong cộng đồng ứng viên.
4.3 Quản lý dữ liệu khoa học
Dữ liệu ứng viên là chìa khóa của người làm Talent Acquisition. Càng nhiều dữ liệu ứng viên, chứng tỏ công việc tạo nguồn của bạn càng hiệu quả. Khi thực hiện Talent Acquisition tại doanh nghiệp, cần trả lời được liệu bạn sẽ thu thập ứng viên từ những nguồn nào và sau đó sẽ theo dõi họ như thế nào. Một doanh nghiệp nhỏ có thể xoay xở trên một vài spreadsheet, nhưng doanh nghiệp càng lớn thì việc quản lí dữ liệu trên excel hầu như không thể tối ưu.
5. Tạm kết
Trong khi hoạt động tuyển dụng vẫn là cần thiết để giải quyết nhanh chóng tình trạng thiếu nhân sự thì Talent Acquisition là một chiến lược dài hạn mà doanh nghiệp cần áp dụng để nâng cao hiệu quả, hiệu suất của tuyển dụng. Nếu như bạn cũng tin rằng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng, thì Talent Acquisition là nhiệm vụ không thể thiếu. Nó có thể là một chặng đường dài và không thể chứng minh ngay hiệu quả trước mắt, nhưng chắc chắn nó sẽ giúp bạn tạo dựng được đội ngũ nhân sự tuyệt vời nhất.