Base Blog

Startup là gì? Các giai đoạn phát triển của một công ty Startup

Startup là gì?

Trong thời đại bùng nổ công nghệ và trào lưu khởi nghiệp, “Startup” đã trở thành một thuật ngữ quen thuộc, khơi gợi niềm đam mê và khát vọng chinh phục những đỉnh cao mới. Vậy, công ty Startup là gì? Hành trình khởi nghiệp ẩn chứa những thử thách và cơ hội nào? Có lời khuyên nào dành cho những người đang có ý định khởi nghiệp không? Hãy cùng Base Blog khám phá qua bài viết sau đây.

1. Startup là gì? Hiểu đúng về công ty Startup

1.1 Định nghĩa Startup

Startup là một thuật ngữ dùng để mô tả những công ty mới thành lập, thường có quy mô siêu nhỏ hoặc nhỏ. Nhiều người còn sử dụng thuật ngữ này để chỉ các công ty công nghệ đang trong giai đoạn khởi nghiệp. Startup thường mang đến các sản phẩm hoặc dịch vụ sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề thực tế của khách hàng.

Liên quan tới khái niệm này, lean startup (khởi nghiệp tinh gọn) là chiến lược kinh doanh định hướng cho các công ty startup cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ dựa trên nhu cầu đã được xác thực, thay vì tạo ra nhu cầu mới và chờ đợi thị trường chấp nhận. Phương pháp khởi nghiệp này được xem là an toàn, đơn giản, giúp các Startup rút ngắn thời gian thu lợi nhuận nhờ cắt giảm chi phí vận hành.

Startup là gì?

1.2 Sự khác nhau giữa khởi nghiệp (startup) và lập nghiệp (entrepreneurship)

Khởi nghiệp (startup) đặt mục tiêu tạo ra giá trị và giải pháp mới cho thị trường, thường bắt đầu từ con số ‘0’. Ngược lại, lập nghiệp (entrepreneurship) mang ý nghĩa rộng hơn, liên quan đến việc xây dựng và phát triển sự nghiệp theo nhiều hướng khác nhau. Grab, Uber, và Airbnb là những ví dụ điển hình của khởi nghiệp. Các doanh nghiệp được thành lập sau đó như Gojek hay be chỉ được coi là lập nghiệp.

Cụ thể, sự khác biệt giữa khởi nghiệp và lập nghiệp thể hiện qua những khía cạnh sau:

Khía cạnhKhởi nghiệp (startup)Lập nghiệp (entrepreneurship)
Hình thức– Thành lập công ty
– Sáng tạo dự án kinh doanh hoàn toàn mới, chưa ai từng làm.
– Thành lập công ty
– Bắt đầu sự nghiệp trong một công ty, tổ chức.
– Phát triển ngành nghề kinh doanh đã có sẵn trên thị trường.
Tính đổi mới– Bắt đầu từ ý tưởng mới, tập trung vào việc sáng tạo ra giá trị mới cho thị trường, cung cấp giải pháp mới để giải quyết vấn đề còn tồn đọng.– Phát triển từ mô hình kinh doanh không có gì mới lạ và tập trung vào lợi nhuận.
Nguồn vốn– Người khởi nghiệp thường tự bỏ tiền, góp vốn với cộng sự, hoặc vay mượn người thân hay ngân hàng để thành lập công ty.
– Họ có thể gọi vốn từ các nhà đầu tư, từ cộng đồng, từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp, nhà đầu tư thiên thần,…
– Người lập nghiệp thường tự bỏ tiền, góp vốn với cộng sự, vay từ người thân, vay ngân hàng để thành lập công ty hoặc gây dựng địa điểm kinh doanh.
Khả năng gặp rủi ro– Cao hơn, vì khởi nghiệp đòi hỏi số vốn đầu tư lớn để thử nghiệm ý tưởng mới và biến ý tưởng đó trở thành mô hình kinh doanh thực tế.– Thấp hơn, vì phát triển sự nghiệp từ mô hình kinh doanh sẵn có, đã được thị trường chấp nhận và đã được nhiều người thử nghiệm thành công.

1.3 Công ty Startup có phải doanh nghiệp SME?

Doanh nghiệp SME thường bị nhầm lẫn với doanh nghiệp Startup, nhưng thực tế hai mô hình này hoàn toàn khác nhau. Startup không nhất thiết phải là SME. Bảng so sánh chi tiết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn sự khác biệt giữa hai mô hình doanh nghiệp này.

Đặc điểmDoanh nghiệp SMEStartup
Quy môNhỏ và VừaSiêu nhỏ hoặc Nhỏ
Tuổi đờiĐã hoạt động trên thị trường từ 3 đến 5 năm.Vừa mới thành lập
Mục tiêuTập trung vào sự phát triển ổn định, bền vững và có thể mở rộng quy môTập trung vào sự tăng trưởng nhanh, có đột phá
Lợi nhuậnThường sẽ có lãi Thời gian đầu chưa thể sinh lãi
Khả năng cạnh tranhTương đối caoCao
Yêu cầu về vốnÍt hơnNhiều hơn
Nguồn hỗ trợTừ Chính phủ và các tổ chức tài chínhTừ các Quỹ đầu tư mạo hiểm

1.4 Đặc điểm chung của các công ty Startup

Tập trung vào sự đột phá

Những doanh nghiệp Startup tạo ra các sản phẩm hoặc dịch vụ chưa từng xuất hiện trên thị trường hoặc cải tiến vượt bậc so với các sản phẩm hiện có. Ví dụ, họ có thể phát triển công nghệ mới như thiết bị làm việc nhà thông minh; hoặc công nghệ sản xuất độc đáo như in 3D, hoặc giới thiệu mô hình kinh doanh hoàn toàn mới như Airbnb.

Tham vọng không giới hạn

Các doanh nghiệp Startup không bao giờ đặt ra giới hạn cho sự tăng trưởng. Họ luôn có tham vọng lớn, mong muốn phát triển tối đa và vượt qua mọi giới hạn. Những doanh nghiệp này thường tạo ra ảnh hưởng lớn trên thị trường, được coi là những người “phá băng” mở đường, giống như cách dòng iPhone của Apple tiên phong phát triển thị trường cho smartphone và tiếp tục dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh điện thoại di động.

Startup

2. Các hình thức khởi nghiệp phổ biến

Startup theo sở trường

Đây là hình thức khởi nghiệp đơn giản nhất, dựa trên kiến thức, kỹ năng, đam mê, và kinh nghiệm đã tích lũy được sau nhiều năm làm việc. Ví dụ, một blogger về ẩm thực có thể khởi nghiệp với một mô hình kinh doanh thực phẩm mới sau nhiều năm nghiên cứu và trải nghiệm.

Startup quy mô vừa và nhỏ

Những Startup này hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh đa dạng và phổ biến trên thị trường như quán ăn, nhà hàng, quán cà phê, salon tóc,… Đây là hình thức khởi nghiệp phổ biến nhất tại Việt Nam, mặc dù doanh thu không quá lớn nhưng hạn chế được rủi ro và góp phần tạo ra nhiều công ăn việc làm.

Startup có khả năng mở rộng

Thường xuất hiện trong lĩnh vực công nghệ, đặc điểm của các Startup này có ý tưởng độc đáo và đột phá, có thị trường mục tiêu tiềm năng, mô hình kinh doanh có khả năng mở rộng, dễ dàng nhận được nguồn vốn đầu tư khổng lồ và vượt qua các đối thủ cạnh tranh. Ví dụ tiêu biểu là Tiktok, đã tạo nên dấu ấn lớn trong lịch sử mạng xã hội và có tiềm năng phát triển mạnh mẽ.

Startup có thể được mua lại

Hầu hết các công ty khởi nghiệp đều hướng tới mục tiêu trở thành tập đoàn lớn, tuy nhiên trong một số trường hợp, họ sẽ được mua lại bởi các tập đoàn lớn và dừng hoạt động. Những Startup này thường gặp phải thị trường mục tiêu không có tiềm năng mở rộng như họ tính toán ban đầu, tuy nhiên họ lại bổ sung thị trường mới cho các doanh nghiệp lớn khác. Ví dụ điển hình là Instagram, được Facebook mua lại vào năm 2012 với giá khoảng 1 tỷ USD.

Startup từ xã hội

Về cơ bản, các Startup này không phải là công ty phi lợi nhuận, họ vẫn có nguồn thu nhập, tuy nhiên không cao như các Startup khác. Mục tiêu và định hướng chính của họ là tạo ra giá trị tích cực cho xã hội và cộng đồng. Lấy ví dụ ở Việt Nam, Tohe là một Startup Sản xuất và bán các sản phẩm handmade của trẻ em, nhằm mục tiêu tạo sân chơi nghệ thuật và cơ hội phát triển sáng tạo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Các hình thức khởi nghiệp

3. Các giai đoạn phát triển của một công ty Startup

Giai đoạn 1 – Định hướng doanh nghiệp

Trong giai đoạn đầu này, việc triển khai các ý tưởng ban đầu và lập kế hoạch thực hiện là vô cùng quan trọng. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, doanh nghiệp dễ dàng lạc lối ngay từ những bước chập chững đầu tiên. Khi đã xác định chắc chắn ý tưởng và xây dựng kế hoạch chi tiết, đó sẽ là lúc tất cả các thành viên trong nhóm Startup bắt tay vào thực hiện.

Giai đoạn 2 – Đối mặt thử thách

Đây là quãng thời gian khó khăn nhất đối với hầu hết các Startup. Phần lớn các doanh nghiệp Startup tại Việt Nam không thể vượt qua giai đoạn này và nhanh chóng thất bại hoặc buộc phải thay đổi mô hình kinh doanh. Tại thời điểm này, các thành viên trong nhóm “vỡ mộng” vì kết quả không đạt kỳ vọng, cùng với những yếu tố khách quan và chủ quan tác động mạnh đến doanh nghiệp, dẫn đến sự sụt giảm số lượng nhân sự một cách nhanh chóng.

Giai đoạn 3 – Hòa nhập thị trường

Đây là giai đoạn phục hồi sau những khó khăn ban đầu. Năng suất lao động bắt đầu tăng lên, các thành viên làm việc hiệu quả và ăn ý hơn. Xuất hiện các dấu hiệu hy vọng như đạt được mục tiêu doanh thu, tăng trưởng theo chiều hướng tích cực hoặc giảm thiểu thua lỗ so với trước. Dựa trên những mục tiêu ngắn hạn đã đạt được, công ty tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc và tạo nền móng cho sự phát triển lâu dài, bao gồm tăng cường đội ngũ nhân tài để phục vụ cho các kế hoạch tương lai.

Giai đoạn 4 – Phát triển doanh nghiệp

Đây là giai đoạn lý tưởng nhất, là mục tiêu mà tất cả các Startup đều hướng đến. Trong giai đoạn này, các co-founder sẽ đề ra các kế hoạch mới và mục tiêu dài hạn lớn hơn. Bộ máy hoạt động của doanh nghiệp dần đi vào quỹ đạo, trở nên hệ thống và chặt chẽ hơn. Với kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn, đội ngũ nhân sự sẽ giúp doanh nghiệp đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc.

Câu chuyện này giống như chạy marathon, sẽ có thời điểm ta hỏi: “Tại sao mình phải chạy con đường khắc nghiệt này?”, nhưng cùng lúc ấy, hãy đặt câu hỏi lật ngược lại rằng “Tại sao chúng ta lại lựa chọn bắt đầu?”. Khởi nghiệp chỉ có thể cố gắng đi nhanh, nhưng không có đường tắt. Mọi người thường rất mong muốn đi tắt từ A đến Z luôn, nhưng nếu mình cố gắng đi tắt, sẽ có lúc mình phải trả giá bằng những điều khác.

(Mr. Phạm Kim Hùng – Founder & Chairman Base.vn)

4. Thách thức, cơ hội cho các Startup Việt trong bối cảnh hiện nay

Trong bối cảnh hiện nay, các Startup đang đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức khác nhau. Dưới đây là một số điểm nổi bật:

4.1. Thách thức

Cạnh tranh cao

Dễ thấy rằng ngày càng nhiều Startup ra đời, dẫn đến cạnh tranh gay gắt trong việc thu hút khách hàng và nhà đầu tư. Song song với đó, các doanh nghiệp lớn cũng đang chuyển mình nhanh chóng và đầu tư vào công nghệ, gây áp lực lớn lên các Startup.

Khó khăn về tài chính

Không phải lúc nào Startup cũng dễ dàng huy động đủ vốn để phát triển, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm vào các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á – bao gồm Việt Nam – đã giảm sút mạnh từ năm 2023. Ngay cả sau khi đã gọi vốn thành công, kiểm soát chi phíquản lý dòng tiền hiệu quả cũng là thách thức lớn đối với nhiều Startup.

Nhân lực và đội ngũ

Các Startup thường gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân nhân tài, đặc biệt là khi cạnh tranh với các công ty lớn có tiềm lực tài chính mạnh. Nhiều doanh nghiệp trong giai đoạn đầu cũng gặp khó trong xây dựng sơ đồ tổ chức, truyền động lực cho nhân viên, đồng thời đào tạo và phát triển kỹ năng cho đội ngũ để đáp ứng yêu cầu công việc.

Quản lý và vận hành

Khi Startup phát triển nhanh chóng, việc quản lý và duy trì sự tăng trưởng bền vững là một thách thức lớn. Các Startup sẽ phải đối mặt với hàng loạt rủi ro: từ rủi ro thị trường, rủi ro công nghệ đến rủi ro pháp lý và tuân thủ. Các thách thức về kinh tế và xã hội, hoặc thay đổi trong môi trường kinh doanh như khủng hoảng kinh tế, đại dịch Covid-19… có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động của Startup.

4.2. Cơ hội

Công nghệ và đổi mới

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ mới như AI, IoT, blockchain, công nghệ sinh học,… mở ra nhiều cơ hội cho các Startup sáng tạo và đột phá. Các Startup hoàn toàn có thể tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới mẻ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Startup trong thời đại AI

Thị trường mở

Sau khi có được sản phẩm, các Startup giờ đây đã có thể tiếp cận thị trường toàn cầu thông qua thương mại điện tử và các kênh phân phối quốc tế. Đồng thời, với thị hiếu người tiêu dùng và xu hướng của xã hội thay đổi liên tục, các sản phẩm và dịch vụ mới lạ có nhiều cơ hội hơn để gia nhập thị trường và chiếm được thị phần. 

Nguồn vốn và đầu tư

Mặc dù nền kinh tế nói chung khó khăn, nhưng vẫn có rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư thiên thần sẵn sàng đầu tư vào các ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng. Các nền tảng gọi vốn cộng đồng giúp các Startup huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau một cách dễ dàng. Nhiều tổ chức phi chính phủ cũng đang triển khai các chương trình hỗ trợ hiệu quả, từ tài chính đến đào tạo và kết nối mạng lưới. Các Startup cũng có cơ hội tái cấu trúc để trở nên linh hoạt và hiệu quả hơn, tham gia vào các hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A).

Đọc thêm: Số hóa là gì? Chỉ dẫn xây dựng “văn phòng điện tử” cho doanh nghiệp

5. Bạn đang có dự định khởi nghiệp? Đừng bỏ qua các lời khuyên sau

Để một Startup hoạt động thành công, bạn cần có sự hỗ trợ từ các yếu tố sau:

Nắm bắt thời điểm: Lựa chọn đúng thời điểm để bứt phá

Thời điểm khởi nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc quyết định thành công hay thất bại. Hãy dành thời gian nghiên cứu thị trường, đánh giá xu hướng và nhu cầu của khách hàng để lựa chọn thời điểm thích hợp nhất cho dự án của bạn. Giống như một tay đua cừ khôi, hãy chọn thời điểm xuất phát hoàn hảo để bứt phá và dẫn đầu đường đua.

Nghiên cứu thị trường: Hiểu thấu nhu cầu, chinh phục khách hàng

Hãy dành thời gian nghiên cứu các yếu tố của môi trường kinh doanh một cách chi tiết và chuyên sâu. Hiểu rõ khách hàng mục tiêu, đối thủ cạnh tranh và xu hướng thị trường là chìa khóa để bạn xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả, thu hút khách hàng tiềm năng và tạo dựng lợi thế cạnh tranh cho Startup của mình.

Vốn đầu tư: Chìa khóa mở ra cánh cửa cơ hội

Vốn đầu tư chính là nền tảng vững chắc cho mọi Startup. Bạn cần đảm bảo nguồn lực tài chính dồi dào để hiện thực hóa ý tưởng, từ việc phát triển sản phẩm, xây dựng mô hình kinh doanh đến mở rộng thị trường. Nguồn vốn có thể đến từ chính bản thân bạn (Founder, Co-founder), gia đình, bạn bè hoặc các nhà đầu tư tiềm năng. Hãy tự tin thuyết phục họ về tiềm năng to lớn của dự án khởi nghiệp và tầm nhìn chiến lược của bạn.

Lập kế hoạch và chiến lược: Chiến lược thông minh, dẫn lối thành công

Kế hoạch và chiến lược là kim chỉ nam dẫn dắt Startup của bạn đi đúng hướng. Hãy đặt ra mục tiêu cụ thể, xây dựng chiến lược marketing hiệu quả và lên kế hoạch tài chính hợp lý. Một kế hoạch chi tiết và chiến lược thông minh sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định sáng suốt, tối ưu hóa nguồn lực và đem lại lợi ích chung cho tổ chức.

Phân công và giao nhiệm vụ: Tối ưu hóa nguồn nhân lực

Hãy học cách phân công công việc hợp lý cho từng thành viên trong nhóm, dựa trên năng lực và sở trường của mỗi người. Giao tiếp hiệu quả, tin tưởng và trao quyền cho nhân viên sẽ giúp bạn xây dựng một môi trường làm việc năng động, sáng tạo và đạt được hiệu quả công việc cao nhất.

Tinh thần tự giác và kỷ luật: Bí quyết chinh phục mọi mục tiêu

Làm việc cho Startup đòi hỏi tinh thần tự giác và kỷ luật cao ở mọi khía cạnh của công việc. Hãy sắp xếp thời gian hợp lý, xây dựng hệ thống các nguyên tắc làm việc, đặt ra KPI và OKR theo từng chu kỳ, đề cao trách nhiệm và tuân thủ kỷ luật chung của công ty. Tinh thần làm việc chuyên nghiệp và ý chí quyết tâm cao sẽ giúp bạn vượt qua mọi khó khăn, thử thách và gặt hái thành công vang dội.

Xây dựng kỹ năng xã hội: Mở rộng mạng lưới, kiến tạo thành công

Khởi nghiệp không chỉ là hành trình đơn độc mà đòi hỏi sự hợp tác và hỗ trợ từ nhiều người. Hãy trau dồi kỹ năng giao tiếp, xây dựng mối quan hệ với đối tác, nhà đầu tư, chuyên gia và khách hàng. Mạng lưới kết nối vững mạnh sẽ là bệ phóng giúp bạn hiện thực hóa ý tưởng và mở ra cánh cửa thành công.

Linh hoạt thích ứng: Sẵn sàng đối mặt với mọi thử thách

Con đường khởi nghiệp không trải đầy hoa hồng mà ẩn chứa vô vàn thử thách. Hãy trang bị cho mình sự linh hoạt và khả năng thích ứng nhạy bén để vượt qua mọi biến động của thị trường và đối thủ cạnh tranh. Nhớ rằng, khó khăn chỉ là những bài học quý giá giúp bạn trưởng thành và trở nên mạnh mẽ hơn.

Thách thức và cơ hội của Startup

6. Câu chuyện của Base.vn: Từ một Startup thành nền tảng quản trị của 9000+ doanh nghiệp Việt Nam

Base.vn, một công ty tập trung vào sản phẩm và lòng tử tế, đã chứng minh rằng một startup công nghệ hoàn toàn có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

“Đến nay đó vẫn là câu chuyện truyền cảm hứng tại công ty, bước khởi đầu giúp Base trở thành nền tảng được ứng dụng tại 9.000 doanh nghiệp,” ông Nguyễn Thượng Tường Minh, CEO của Base, mô tả về những ngày đầu thành lập.

Vượt qua thử thách và “phá băng” thị trường…

Tại thời điểm 2017, những bước chân đầu tiên của Startup Base.vn không hề dễ dàng. Khái niệm chuyển đổi số vẫn còn rất mới mẻ tại Việt Nam, nếu muốn những doanh nghiệp truyền thống chấp nhận thì cần đi qua một quá trình dài. Base gọi đây là thời kỳ “phá băng”: cần thay đổi tư duy thị trường và chứng minh giá trị của sản phẩm. 

Base lựa chọn xây dựng một nền tảng quản trị dựa trên mô hình SaaS (Software as a Service). Giải pháp này mới mẻ và vượt trội hơn hẳn so với 2 hướng đi của công nghệ thời bấy giờ là on-premise và all-in-one, cả về hiệu quả quản lý và chi phí triển khai sử dụng. Có thể nói Base là một trong những Startup đi đầu trong xu hướng phần mềm SaaS tại Việt Nam.

Từ sản phẩm đầu tiên đến nền tảng toàn diện…

Khi mới thành lập, Base chỉ có một sản phẩm duy nhất là Base E-Hiring, giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán tuyển dụng. Nhưng Base đã thành công có được vị khách hàng đầu tiên bởi vì họ “cần một sản phẩm tốt”.

Cứ thế, với tư duy phát triển sản phẩm đi sâu vào nghiệp vụ lõi, Base đã từng bước chinh phục những khách hàng đầu tiên và có thêm động lực để ngày càng mở rộng. Đến hiện tại, nền tảng Base Platform đã có tới 60 ứng dụng chuyên biệt, được sắp xếp thành 4 bộ giải pháp lớn: Work+ (quản trị công việc), HRM+ (quản trị nhân sự), Finance+ (quản trị tài chính), và Info+ (quản trị thông tin).

“Làm sản phẩm cũng như chăm sóc một đứa con. Bố mẹ nhìn con của mình biết thêm một kỹ năng mới, dù chỉ bé nhỏ như vẫy tay, nói cười, đến lúc trưởng thành và cống hiến cho xã hội, đều cảm nhận đó là thành tựu lớn lao”, vị CEO trẻ tuổi của Base chia sẻ.

Định hình được DNA của tổ chức…

Sau 8 năm, từ đội ngũ 5 người thành lập nay đã trở thành một doanh nghiệp có quy mô gần 400 nhân sự. Có thể mường tượng chân dung Base qua 3 từ: mơ lớn, tập trung sâu vào sản phẩm, và nỗ lực hết mình. Đó cũng là 3 trụ cột trong triết lý vận hành của Base.

Nhắc về DNA của Base, có lẽ không thể bỏ qua niềm đam mê công việc của toàn thể nhân sự. Sự nhiệt huyết ấy được thể hiện trong tinh thần quyết liệt của đội ngũ BOD, và cũng đã thấm sâu đến từng nhân viên, trải dài khắp 3 miền đất nước.

Nếu như trước đó Founder từng chia sẻ rằng Base là một công ty “không bao giờ tắt đèn trước 9 giờ tối”, thì giờ đây CEO của Base một lần nữa khẳng định về các cuộc họp ban lãnh đạo tại Base “có khi hăng hái quá, nhìn lại đồng hồ đã thấy sang 2 giờ đêm.”

Sự nhiệt huyết ấy có thể khó hiểu với nhiều người, đôi khi nhận về những lời chỉ trích, nhưng đặt trong bối cảnh một Startup công nghệ với giấc mơ lớn và đội ngũ nhân tài trẻ tuổi, đứng trước hàng loạt thách thức và cơ hội, thì đây là một lựa chọn phù hợp với Base.

Những thành tựu được ghi nhận… 

Năm 2021, chỉ sau 5 năm phát triển, Base đã tăng trưởng nóng liên tục, trở thành nền tảng quản trị doanh nghiệp phổ biến nhất tại Việt Nam với hơn 5.000 doanh nghiệp khách hàng, vinh dự nhận về nhiều giải thưởng danh giá như Nền tảng số Make in Vietnam xuất sắc nhất, Doanh nghiệp tiêu biểu ASEAN 2020, Top 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam, Highway to 100 Unicorns,…

Cùng với đó là sự quan tâm và săn đón của hàng loạt quỹ đầu tư lớn như Nextrans, Beenext, Alpha JWC, VIISA và 500 Startups.

Tuy nhiên, Base.vn đã quyết định “về chung nhà” với “người anh cả” FPT – một thương vụ M&A chấn động bậc nhất làng công nghệ lúc đó – nhằm hợp lực sức mạnh, để cùng nhau đạt được một ước mơ chung: chuyển đổi số cho hơn 800.000 SMEs tại Việt Nam, và ghi tên vào bản đồ công nghệ thế giới.

… Và hướng đến tương lai

Tiếp đà tăng trưởng, mặc dù nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, nhưng Base đã “ngược dòng” để tăng trưởng và đạt nhiều dấu ấn. 

Năm 2023, Base.vn đạt giải thưởng Doanh nghiệp xuất sắc châu Á. Đây là lần đầu tiên một nền tảng quản trị Việt Nam đạt danh hiệu mà trước đó chỉ dành cho thương hiệu lớn. Quý cuối năm 2023, Base xác lập kỷ lục phá đỉnh doanh thu. Đây là những kỳ tích rất đáng trân trọng, đánh dấu sự “trưởng thành” của Startup non trẻ ngày nào.

Tuy vậy, với CEO Nguyễn Thượng Tường Minh, Base vẫn còn một chặng đường dài để đi. Hiện tại, Base mới chỉ phục vụ 9.000 khách hàng, tương đương với 1% số lượng doanh nghiệp toàn thị trường. Tầm nhìn của Base là tiếp tục mở rộng và đưa những giải pháp hữu ích đến nhiều doanh nghiệp hơn nữa, và đóng góp tích cực vào sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam.

Base.vn

7. Kết luận

Khởi nghiệp là một hành trình đặc biệt, mà chỉ khi trải nghiệm bạn mới có thể thực sự thấu hiểu. Nếu bạn cảm thấy có một sự thôi thúc mãnh liệt để tạo ra điều gì đó, hãy chuẩn bị ngay từ bây giờ và sẵn sàng đón nhận những thách thức đầy mới mẻ. Chúc bạn thành công với ước mơ khởi nghiệp của riêng mình!

Đừng quên chia sẻ bài viết hữu ích này nhé!

Nhận tư vấn miễn phí

Nhận tư vấn miễn phí từ các Chuyên gia Chuyển đổi số của chúng tôi

"Bật mí" cách để bạn tăng tốc độ vận hành, tạo đà tăng trưởng cho doanh nghiệp của mình với nền tảng quản trị toàn diện Base.vn

  • Trải nghiệm demo các ứng dụng chuyên sâu được "đo ni đóng giày" phù hợp nhất với bạn.
  • Hỗ trợ giải quyết các bài toán quản trị cho doanh nghiệp ở mọi quy mô & từng lĩnh vực cụ thể.
  • Giải đáp các câu hỏi, làm rõ thắc mắc của bạn về triển khai, go-live, sử dụng và support

Đăng ký Demo

This will close in 2000 seconds

Zalo